TCCSĐT - Các chỉ số kinh tế cho thấy tốc độ tăng trưởng tại các nền kinh tế hàng đầu thế giới đang chững lại, với dự báo triển vọng kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi tại Mỹ và Anh, trong khi nền kinh tế Đức cũng mất đà tăng trưởng.

Đây là kết quả báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố dựa vào việc phân tích các chỉ số kinh tế hằng tháng.

Theo OECD, các chỉ số tích lũy chính (CLI) tiếp tục cho thấy sự giảm tốc của tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, Anh và Nhật Bản, đồng thời dự báo Đức và Italy sẽ rơi phải tình trạng tương tự. Bên cạnh đó, OECD ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ và Pháp tiếp đà ổn định, còn Trung Quốc và Canada đã xuất hiện dấu hiệu ổn định trở lại.

OECD cho biết các chỉ số tăng trưởng đã giảm nhẹ xuống còn 99,6 điểm trong tháng 2 từ mức 99,7 điểm đối với tháng trước đó. Đối với các quốc gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), các chỉ số vẫn ở mức 100,5 điểm, cụ thể Pháp đạt mức 100,9 điểm, Italy dao động từ 100,7-100,8 điểm.

Báo cáo của OECD cũng chỉ rõ chỉ số tăng trưởng một loạt nền kinh tế chủ chốt đều có xu hướng "đi xuống" như nền kinh tế "đầu tàu" Mỹ đã giảm từ 99,0 điểm còn 98,9 điểm, Đức giảm từ 99,8 điểm xuống 99,7 điểm, "xứ sở sương mù" cũng giảm từ 99,2 điểm còn 99,1 điểm. Đáng chú ý, chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn giữ nguyên mức 98,4 điểm so với tháng trước, Brazil vẫn ở mức 97,7 điểm, trong khi Nga ổn định ở mức 98,2 điểm.

Trước đó, vào ngày 26-02, OECD đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới nhanh chóng cải cách, tạo điều kiện cho kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng. OECD cho rằng trong ngắn hạn triển vọng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm vì vậy tái cơ cấu nền kinh tế kết hợp với các chính sách kích cầu vẫn là biện pháp cần thiết.

Trong một báo cáo khác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về "Triển vọng Kinh tế Thế giới" vừa công bố, thì IMF đã dự báo tốc độ tăng trưởng của khu vực Mỹ Latinh và Caribe từ -0,3% xuống -0,5%, với lập luận rằng hai nền kinh tế đầu tàu khu vực là Brazil và Mexico không còn sức kéo toàn bộ khu vực như đã từng diễn ra các đây nhiều năm, sau khi giá nguyên liệu và giá dầu thô trượt thê thảm và nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (BID) dự báo từ nay đến năm 2020, kinh tế Mỹ Latinh sẽ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân là 1,7%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 4% trong giai đoạn 2003 - 2013.

IMF cũng đã hạ tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh là Mexico từ mức 2,6% năm 2016 và 2,9% năm 2017 đưa ra hồi tháng Một xuống lần lượt còn 2,4% và 2,6%, chủ yếu do tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, đặc biệt môi trường chính trị và kinh tế Brazil ngày càng kém lạc quan. Đây là lần thứ hai tổ chức tài chính đa phương trên cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Mexico, cho dù trước đó IMF vẫn khẳng định kinh tế Mexico tiếp tục là một điểm sáng tại Mỹ Latinh dựa trên mức tăng khá của nhu cầu nội địa và tác động tích cực từ nền kinh tế Mỹ.

Cũng trong báo cáo trên, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Canada trong năm 2016 và 2017 trong bối cảnh đà phục hồi kinh tế toàn cầu còn quá yếu và ngành năng lượng của Canada đang bế tắc. Theo IMF, mặc dù trong quý I vừa qua, kinh tế Canada có dấu hiệu khởi sắc nhưng sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% trong năm 2016 và 1,9% năm 2017, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng Một vừa qua.

IMF cũng chỉ ra tỷ lệ thất nghiệp ở Canada được dự kiến sẽ tăng lên 7,3% vào cuối năm nay và bị đẩy lên 7,4% vào năm tới. IMF cho hay cũng như nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác, sự trồi sụt của giá dầu cùng sự bấp bênh của kinh tế thế giới là nguyên nhân ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và việc làm của Canada, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ tư thế giới. Tuy nhiên, Canada không phải là quốc gia duy nhất có triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm.

Tất cả các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu, Vương quốc Anh và Nhật Bản… cũng đều bị IMF hạ triển vọng tăng trưởng.

IMF cũng bi quan về tương lai của các nền kinh tế mới nổi và thu nhập thấp. IMF cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn quá chậm và quá mong manh, làm tăng nguy cơ căng thẳng chính trị và xã hội ở nhiều nước./.