TCCSĐT - Ngày 24-02-2016, tại thành phố Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, chủ trì Hội nghị phối hợp xây dựng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, Cục Trồng trọt, lãnh đạo các tỉnh An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ.

Theo Thông báo số 15/TB - VPCP, ngày 18-01-2016, của Văn phòng Chính phủ, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh An Giang ngày 04-01-2016, trên cơ sở kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương xây dựng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên phục vụ cho các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ. Đây là dự án lớn, có tính liên kết vùng, được giao cho Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan xây dựng, nhằm tạo điều kiện để vùng Tứ giác Long Xuyên tiếp tục phát triển ổn định, góp phần phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Vùng Tứ giác Long Xuyên có diện tích tự nhiên 488.935 ha, thuộc địa bàn các tỉnh An Giang (239.203 ha, chiếm 48,92%), Kiên Giang (234.554 ha, chiếm 47,97%) và thành phố Cần Thơ (15.178 ha, chiếm 3,11%). Đây là vùng sản xuất và cung cấp lương thực quan trọng với sản lượng lúa hằng năm chiếm khoảng 50% tổng sản lượng lúa của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, các công trình thủy lợi, giao thông do Nhà nước đầu tư ở Tứ giác Long Xuyên đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn, góp phần vào việc kiểm soát lũ, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh cho vùng. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đặc biệt là những công trình được xây dựng trên thượng nguồn sông Mê Kông, nhiều công trình thủy lợi, giao thông trong vùng Tứ giác Long Xuyên đã không còn phù hợp với mục tiêu xây dựng ban đầu, gây khó khăn trong việc liên kết các địa phương để tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới. Vì thế, việc phối hợp giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương xây dựng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên là một yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay.

Hội nghị thống nhất 3 mục tiêu cần đạt được khi xây dựng dự án: Một là, phải bảo đảm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương trên cơ sở đảm bảo tính liên kết vùng để thực hiện đề án tái cơ cấu chung của ngành nông nghiệp cả nước và Quy hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai là, hoàn thiện hệ thống hạ tầng thủy lợi, giao thông liên vùng theo hướng các công trình này phải bảo đảm yêu cầu thoát lũ, ngăn mặn và quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các địa phương trong vùng Tứ giác Long Xuyên trong bối cảnh hằng năm lũ lớn ngày càng ít hơn; khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng sớm hơn, kéo dài hơn. Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình cánh đồng lớn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội và củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, khẳng định: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp vùng Tứ giác Long Xuyên đã được Chính phủ đồng ý về mặt chủ trương, được xác định là dự án chuyển tiếp giai đoạn 2 của Dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng Tứ giác Long Xuyên giai đoạn 1, nhằm tạo điều kiện khai thác tốt hơn những tiềm năng, lợi thế của vùng trong giai đoạn phát triển mới. Đây cũng là dự án thể hiện rõ tính liên kết vùng để thích nghi và ứng phó hữu hiệu với những tác động bất lợi của tình trạng biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo các tỉnh An Giang, Kiên Giang, thành phố Cần Thơ cần khẩn trương phối hợp chặt chẽ với nhau và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương để bảo đảm tính thống nhất, tính liên vùng của dự án. Dự án phải bảo đảm hài hòa trách nhiệm và lợi ích giữa các địa phương; chú ý đến tính phù hợp với quy hoạch thủy lợi, giao thông của vùng đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương chịu ảnh hưởng của dự án; ưu tiên phát triển hệ thống thủy lợi kết hợp với giao thông và bố trí lại dân cư, bảo đảm phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án và góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Phong Quang đề nghị, các tỉnh, thành trong vùng Tứ giác Long Xuyên và các cơ quan có liên quan cần khẩn trương xây dựng và gửi các dự án thành phần, các đề xuất liên quan đến dự án tổng thể về Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ hạn chót là ngày 10-03-2016 để Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổng hợp, hoàn chỉnh dự án, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.