TCCSĐT - Đến nay, các tỉnh ở Tây Nguyên hoàn tất việc tổ chức Hiệp thương lần thứ nhất, dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu, ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo đó, tỉnh Kon Tum, ngoài 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu về, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của tỉnh thống nhất giới thiệu 10 đại biểu.

Đối với ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh, Hội nghị thống nhất thỏa thuận như dự kiến của Thường trực HĐND tỉnh về cơ cấu, thành phần và số lượng những người ứng cử, gồm: Đại biểu được giới thiệu ra ứng đại biểu HĐND tỉnh là 100 người (có số dư ít nhất 2 lần), để bầu 50 đại biểu HĐND tỉnh.

Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất của Gia Lai thỏa thuận về số lượng đại biểu Quốc hội tại địa phương được bầu là 7 đại biểu. Trong đó, đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4 người và đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 người.

Đối với đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Gia Lai dự kiến: Số đại biểu được bầu là 80 người; tổng số người được giới thiệu trong danh sách ứng cử chính thức ít nhất 133 người với 27 đơn vị bầu cử toàn tỉnh và mỗi đơn vị bầu cử có số dư ít nhất 2 người. Hội nghị Hiệp thương thống nhất giới thiệu 134 người trong danh sách chính thức để bầu ra 80 đại biểu và giới thiệu 147 người để hiệp thương (kể cả đại biểu ứng cử).

Tỉnh Đắk Lắk, theo dự kiến có 9 đại biểu được bầu, trong đó số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 5 đại biểu; số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 4 đại biểu. Nhưng qua thảo luận và biểu quyết, Hội nghị Hiệp thương đã thống nhất kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thay đổi cơ cấu số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 6 đại biểu; số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3 đại biểu.

Về đại biểu Hội đồng nhân tỉnh, theo phương án địa phương được bầu 85 đại biểu HĐND tỉnh. Số người ứng cử tối thiểu theo quy định là 141 ứng cử viên. Thường trực HĐND tỉnh dự kiến giới thiệu ứng cử 160 ứng cử viên. Qua Hội nghị hiệp thương, các đại biểu thống nhất đề nghị nâng số lượng ứng cử viên từ 160 lên 170 ứng cử viên nhằm đảm bảo số dư người ứng cử qua các vòng hiệp thương.

Tỉnh Đắk Nông, theo phân bổ có 6 đại biểu Quốc hội khóa XIV, trong đó 4 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương và 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu. Qua Hội nghị, các đại biểu thảo luận và thống nhất giới thiệu 12 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; trong đó, đại biểu địa phương 10 người và đại biểu Trung ương 2 người.

Về đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, theo Đề án của địa phương, số lượng đại biểu là 53 đại biểu. Qua Hiệp thương, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất giới thiệu 98 người ứng cử.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, theo phân bổ tỉnh có 7 đại biểu được bầu. Trong đó, số đại biểu do Trung ương giới thiệu là 3, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 4. Nhưng qua Hiệp thương, các đại biểu đã thống nhất bầu 7 đại biểu, trong đó có 2 đại biểu do Trung ương giới thiệu và 5 đại biểu cư trú, làm việc tại địa phương.

Về bầu cử HĐND tỉnh theo quy định, số lượng đại biểu được bầu là 76, tăng 3 đại biểu so với khóa VIII. Qua Hội nghị hiệp thương, các đại biểu thảo luận và thống nhất giới thiệu 152 người ứng cử.

Theo quy định, các tỉnh Tây Nguyên còn phải tổ chức 2 lần hiệp thương nữa mới có quyết định cuối cùng danh sách chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021./.