Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và kinh tế Vương quốc Anh (CEBR) đã công bố bảng phân tích thường niên World Economic League Table (WELT) liệt kê các nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Theo bảng trên, một số quốc gia châu Âu trong năm 2030 sẽ ra khỏi danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới, hình thành nên G8 và G20.

Nếu GDP vẫn là tiêu chí chính xác định các thành viên nhóm G8, năm 2030, Pháp, Italy và Nga có thể sẽ ra khỏi G8, thay cho các nước này là Ấn Độ (thứ 3), Brazil (5), và Hàn Quốc (8).

CEBR nhận định rằng khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới trong vòng 15 năm tới là Trung Á. Tỷ trọng của khu vực này trong nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng hơn 3 lần tính từ đầu thiên niên kỷ mới, từ 2,8% năm 2000 tăng lên 9,9% năm 2030.

Đáng chú ý trong danh sách 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 còn có Indonesia (thứ 12), Philippines (21), Malaysia (22).

CEBR dự báo năm 2030, trong danh sách 60 nền kinh tế lớn nhất thế giới lần đầu tiên sẽ có sự góp mặt của Belarus, Sri Lanka, Kenya và Ethiopia.

Khu vực phát triển chậm nhất là Tây Âu, với tỷ trọng trong nền kinh tế thế giới trong 15 năm tới có thể giảm 42%.

Cũng theo dự báo của CEBR, giá dầu và các nguyên liệu thô có triển vọng tăng trưởng kém, song các nhà phân tích vẫn cho rằng giá dầu sẽ hồi phục ở mức 60-70 USD/thùng trong năm 2016, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hồi phục khiến nhu cầu đối với nguyên liệu thô tăng lên./.