Hội nghị Thượng đỉnh GCC đề cao đoàn kết nội khối
TCCSĐT - Trước bối cảnh Trung Đông đang trải qua một giai đoạn rất phức tạp, với nhiều thách thức, Hội nghị Thượng đỉnh các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) lần thứ 36 diễn ra trong hai ngày 09 và 10-12-2015 tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) đã kêu gọi sự đoàn kết mạnh mẽ của các nước thành viên nhằm tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề “nóng” ở khu vực hiện nay.
Giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt
Hội nghị diễn ra vào thời điểm lần đầu tiên trong gần 7 năm trở lại đây, giá dầu thô thế giới rớt xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng. Điều này lý giải vì sao tác động của giá dầu lại trở thành mối quan tâm lớn nhất của các nhà lãnh đạo GCC tại Hội nghị này. Không quá khó để nhận thấy giá dầu thế giới không ngừng biến động với chiều hướng đi xuống trong thời gian qua đã tác động như thế nào đến các nền kinh tế GCC. 6 quốc gia thành viên GCC hiện nắm giữ khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới, trong đó, Saudi Arabia chiếm 15,7%, Kuwait 6% và UAE 5,8%. Sản lượng dầu mỏ của các nước GCC năm 2014 là 28,6 triệu thùng/ngày, tương đương 32,3% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu trên thị trường thế giới giảm mạnh từ mức gần 114 USD/thùng hồi tháng 6 - 2014 xuống dưới 50 USD/thùng thời gian dài vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu từ dầu mỏ của các nước GCC, trong đó Oman và Bahrain bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dù Saudi Arabia, Kuwait, UAE và Qatar là những nền kinh tế có sức chống đỡ tốt hơn, song cũng không thoát khỏi tác động tiêu cực của giá dầu. Nhiều tổ chức kinh tế đưa ra nhận định rằng, tăng trưởng GDP của các nền kinh tế GCC chỉ đạt 3,4% trong năm 2015 và 3,7% năm 2016, thấp hơn so với các năm trước. Trong bối cảnh giá dầu được dự báo có thể sẽ chạm đáy 20 USD/thùng thì việc đa dạng hóa nền kinh tế - bớt phụ thuộc vào dầu mỏ - là khuyến nghị của nhiều chuyên gia và được các nhà lãnh đạo GCC tham dự Hội nghị đặc biệt quan tâm và tập trung bàn thảo.
Sau hơn một thập kỷ đạt thặng dư ngân sách lớn nhờ giá dầu cao, năm 2015, các quốc gia GCC được cho là đối mặt với thâm hụt ngân sách kỷ lục và đà sụt giảm có thể còn tiếp tục trong những năm tới. Một số quốc gia đã phải cắt giảm trợ cấp xã hội, trong khi các nước khác đang cân nhắc giảm chi tiêu công. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các quốc gia GCC (90% nguồn thu ngân sách dựa vào thu nhập từ dầu mỏ) chỉ đạt thặng dư ngân sách 24 tỷ USD trong năm 2014. Năm 2015, các nước này sẽ thâm hụt ngân sách ở mức kỷ lục 180 tỷ USD. Nếu tiếp tục đối mặt với nguồn cung dồi dào và lượng cầu yếu như hiện nay, thâm hụt ngân sách của các nước GCC sẽ vượt mức 1.000 tỷ USD trong 5 năm tới. Tổng Giám đốc IMF cũng cho rằng, các nước này không nên tiếp tục phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt. IMF dự báo kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ của các nước GCC trong năm 2015 sẽ chỉ ở mức 275 tỷ USD, thấp hơn năm 2014, do giá dầu giảm hơn một nửa kể từ đầu năm 2014; đồng thời giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước GCC từ 3,2% năm 2015 xuống còn 2,7% năm 2016.
GCC 36 cho rằng, các nước thành viên sẽ phải áp dụng hơn nữa những biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thu nhập ngoài dầu lửa. Bên cạnh đó, điều chỉnh chính sách tài khóa, đặc biệt là Qatar - nước cần sớm tiến hành cải cách, chú trọng kiểm soát chi tiêu, nhất là tiền lương cho khu vực công và thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực tư nhân.
Tìm kiếm giải pháp cho tiến trình hòa bình Trung Đông
Dù mỗi quốc gia đều có những bận tâm riêng, nhưng họp mặt tại Saudi Arabia lần này, các nhà lãnh đạo GCC đều thể hiện quyết tâm trước những vấn đề chung của khu vực. Với sự tham gia của nguyên thủ quốc gia 6 nước thành viên là Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain, Hội nghị GCC lần thứ 36 đòi hỏi các thành viên GCC phải có sự đoàn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết trước tình hình an ninh khu vực. Bên cạnh nội dung kinh tế với tiêu điểm là sự phát triển kinh tế, trong đó có kế hoạch thiết lập khu vực sử dụng đồng tiền chung GCC, hợp tác an ninh và quân sự, cũng như việc nâng cấp GCC thành một khối liên hiệp, Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề chính tại khu vực, đứng đầu là cuộc khủng hoảng đang đến hồi gay cấn tại Yemen, một quốc gia Arab đang được GCC hậu thuẫn và cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm tại Syria.
Trong suốt 4 năm qua, Yemen rơi vào tình trạng hỗn loạn. Nguyên nhân khởi nguồn từ sự nổi dậy của nhóm phiến quân Houthi - lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh, chống lại quân đội chính phủ đương thời, cụ thể là chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Abedrabbo Mansur Hadi.
Tháng 8-2010, Houthi đã ký một thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ, kết thúc 6 năm chiến tranh liên miên. Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ được thành lập năm 2012 sau các cuộc biểu tình kéo dài một năm dẫn tới sự ra đi của Tổng thống Ali Abdullah Saleh, Yemen đã bắt đầu một tiến trình chuyển tiếp chính trị khó khăn. Lợi dụng khoảng trống an ninh này, lực lượng chống đối Houthi đã mở rộng kiểm soát ra các tỉnh miền Bắc nước này. Tháng 9-2014, lực lượng này đã chiếm giữ thủ đô Sanaa, sau đó tiến xuống miền Nam, kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen. Trước động thái mà các nước vùng Vịnh lên án là một cuộc đảo chính này, một lực lượng liên minh khu vực chống phiến quân Houthi do Saudi Arabia đứng đầu đã được thiết lập. Theo đó, lực lượng liên minh đã tiến hành các cuộc không kích (từ tháng 3-2015) và các chiến dịch trên bộ (từ tháng 7-2015). Tuy nhiên, tình trạng bạo lực vẫn tiếp tục leo thang ở quốc gia này cho dù Liên hợp quốc đóng vai trò trung gian, đã nỗ lực kêu gọi cuộc đối thoại giữa lực lượng chống đối Houthi với liên minh các nước Arab.
Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột này đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người, trong đó hơn một nửa là dân thường và Yemen đang đối mặt với thảm họa nhân đạo khi có tới 21 triệu người, chiếm 80% dân số, cần hỗ trợ nhân đạo. Do vậy, Hội nghị GCC dường như có thêm nhiều gánh nặng khi cần tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Yemen đang đến hồi gay cấn. Trong vấn đề này, Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz (quốc gia chủ trì hội nghị) khẳng định, các nước vùng Vịnh ủng hộ một giải pháp hòa bình nhằm giúp Yemen vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và khôi phục đất nước. Nhất là khi gần đây giữa hai bên có những tín hiệu tích cực. Tháng 10-2015, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir xác nhận chiến dịch quân sự chống lực lượng Houthi có thể sắp chấm dứt trong bối cảnh Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh và phiến quân Houthi chấp thuận Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thông qua hồi tháng 4-2015, trong đó kêu gọi các tay súng Houthi rút khỏi các thành phố chủ chốt của Yemen và giao nộp vũ khí cho chính quyền. Ngày 07-12, các bên đối địch tại Yemen công bố một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo trong vài ngày, trước khi diễn ra các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tại nước này. Trước đó, đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed đã gặp Tổng thống Yemen Mansour Hadi tại Aden và các thủ lĩnh của lực lượng Houthi ở thủ đô Muscat của Oman, để thảo luận khả năng tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột tại Yemen. Lực lượng Houthi đã nhất trí các chi tiết trong chương trình nghị sự của vòng đàm phán Geneva sắp tới, trong đó có việc thả Bộ trưởng Quốc phòng Yemen bị lực lượng Houthi bắt giữ hồi tháng 3 năm nay, chấm dứt phong tỏa các thành phố và khu dân cư, và ngừng tuyển mộ trẻ em cầm súng tham gia các cuộc xung đột. Vòng đàm phán đầu tiên sẽ bắt đầu diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) từ ngày 15-12.
Đề cập đến vấn đề Syria, Quốc vương B. Salman cho biết Saudi Arabia đang tổ chức một hội nghị với sự tham gia của các nhóm đối lập Syria nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài gần 5 năm qua, khiến 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa.
Trong tuyên bố đưa ra tại Hội nghị GCC 36 sau 2 ngày họp, các nhà lãnh đạo vùng Vịnh nêu rõ họ ủng hộ một giải pháp chính trị bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập của Syria. Các nhà lãnh đạo GCC đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh đại diện của các nhóm đối lập và lực lượng nổi dậy tại Syria đã ra tuyên bố trong buổi họp kín tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) ngày 10-12, trong đó nhất trí sẽ thành lập một đoàn đại biểu chung để tiến hành đàm phán với Chính phủ Syria trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva đạt được ngày 30-6-2012. Tuyên bố cuối cùng của hội nghị các nhóm đối lập Syria kêu gọi đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ, đa đại diện, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Bashar al-Assad cần từ chức vào lúc bắt đầu tiến trình chuyển tiếp. Tuyên bố nêu rõ, các bên tham gia hội nghị ở Riyadh ủng hộ “một cơ chế dân chủ thông qua chính quyền đại diện cho tất cả thành phần người dân Syria”, không phân biệt tôn giáo, phe phái hay sắc tộc. Các bên cũng cam kết duy trì các thiết chế nhà nước của Syria cũng như tái cơ cấu các lực lượng quân đội và an ninh, đồng thời phản đối khủng bố dưới mọi hình thức. Các nhóm đối lập Syria đã kêu gọi Liên hợp quốc hối thúc chính quyền của Tổng thống A. Assad thực hiện những biện pháp xây dựng lòng tin trước khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình, trong đó có việc đình chỉ các bản án tử hình, phóng thích tù nhân, ngừng các cuộc vây hãm và tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến hàng viện trợ nhân đạo
Trước đó, hồi tháng 11 vừa qua, các nhà ngoại giao đến từ 17 nước, trong đó có Saudi Arabia cũng đã đạt được một thỏa thuận tại Vienna về chuyển tiếp chính trị và chấm dứt cuộc chiến tranh tại Syria, theo đó, ấn định ngày 01-01-2016 tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ và phe đối lập Syria; thành lập một chính phủ chuyển tiếp ở nước này trong vòng 6 tháng và tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 18 tháng.
Ngoài câu chuyện về giải quyết xung đột ở Yemen và Syria, các nhà lãnh đạo 6 quốc gia vùng Vịnh cũng dành nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Palestine, việc xử lý quan hệ với Iran và thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Lybia.
Hội nghị GCC 36 kết thúc với nhiều vấn đề cần sự đoàn kết nhiều hơn nữa giữa các nước thành viên, với kỳ vọng vào những tín hiệu khả quan trong tiến trình thiết lập hòa bình ở Trung Đông cũng như việc đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế nội khối./.
Quảng Trị huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới  (11/12/2015)
Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước  (11/12/2015)
Nâng cao hiệu quả xử lý nước thải tập trung cho các đô thị  (10/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển