Nhiều hiến kế cho Thành phố mang tên Bác phát triển nhanh và bền vững
TCCSĐT - Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 khai mạc vào sáng ngày 14-10-2015. Trước đó, từ ngày 10-9 đến ngày 10-10-2015 đã có 15.646 ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý với tinh thần dân chủ, tâm huyết vào dự thảo Báo cáo chính trị với mong muốn xây dựng thành phố xứng đáng là thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng.
Đổi mới tư duy trong công tác xây dựng Đảng
Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ Thành phố; Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đánh giá một cách toàn diện công tác xây dựng Đảng, trong đó có đề cập đến những thành tựu, song với mức độ khiêm tốn, còn lại phần lớn nội dung để chỉ ra cụ thể những yếu kém, khuyết điểm. Đây là cách tiếp cận đúng đắn, trung thực, tạo thêm động lực, động cơ phát triển cho nhiệm kỳ mới. Đáng chú ý, trong công tác xây dựng Đảng, Dự thảo đã nhấn mạnh đến nội dung xây dựng Đảng về chính trị với chất lượng tốt và nhiều điểm mới, đó là Đảng bộ Thành phố vẫn phát huy được truyền thống năng động, sáng tạo nhưng không còn dừng ở việc “xé rào, vượt rào”, tức là chỉ vận dụng mà đã khẳng định được vai trò có những phát kiến, đóng góp cho tư duy lãnh đạo của toàn Đảng.
Với việc Dự thảo đề cập, “xây dựng Đảng bộ thành phố thật trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng cán bộ, đảng viên”, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng: Nhìn một cách tổng thể, công tác xây dựng Đảng trong Dự thảo có 3 điểm mới so với nhiệm kỳ trước. Trước hết, Đảng bộ Thành phố đã thẳng thắn nhìn vào sự thật để tổng kết, đánh giá một cách toàn diện về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua. Đây là cách tiếp cận vấn đề mang tính Đảng rất cao, thể hiện được tính chiến đấu của Đảng bộ Thành phố từ trước đến nay là luôn bám sát thực tiễn và tôn trọng sự thật khách quan. Hai là, Dự thảo đã chỉ rất rõ những mặt yếu kém trên từng lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Thành phố, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được những đòi hỏi trong công tác xây dựng Đảng hiện nay là rất cao. Bởi, khi Đảng bộ Thành phố đã nhìn thấy những hạn chế yếu kém thì sẽ xác định rõ được những phương hướng, giải pháp về công tác xây dựng Đảng cho nhiệm kỳ tiếp theo. Ba là, Đảng bộ Thành phố đã nhìn nhận nguyên nhân của các thành tựu cũng như các mặt hạn chế yếu kém, đặc biệt đã nhấn mạnh nguyên nhân chủ quan bên cạnh các nguyên nhân khách quan với tinh thần dũng cảm nhìn thẳng vào công tác xây dựng Đảng. Đây là cách tiếp cận vấn đề mang tính thực tế và khoa học.
Cùng quan điểm với nhiều ý kiến góp ý khác, đó là phải thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn với đặc thù Đảng bộ của một đô thị đặc biệt, TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, để “nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu”, Đảng bộ Thành phố cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt, quyết định đến việc nâng cao sức chiến đấu năng lực lãnh đạo, uy tín của Đảng bộ; chú trọng một cách thường xuyên, liên tục, đồng bộ và có cách làm mới để đạt kết quả cao hơn về các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Bởi vì, khi đã có triết lý phát triển mới, tư duy đổi mới, tinh thần năng động thì đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải theo kịp tư duy mới, phải có bản lĩnh, tầm nhìn, năng lực tổ chức điều hành, có khả năng quán triệt, vận dụng, triển khai đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ vào cuộc sống sau khi kết thúc Đại hội. Điều quan trọng là trong nhiệm kỳ phải triển khai được tư duy mới của Đảng bộ Thành phố đề ra, không được chủ quan và cần phát huy được sức mạnh của trí tuệ tập thể, để đưa tư duy mới thành động lực thúc đẩy sự phát triển của Thành phố. Và, một trong những biện pháp quan trọng là coi trọng công tác tổ chức cán bộ theo hướng có số lượng dồi dào, đáp ứng được sự đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, đáp ứng kịp thời cho nhiệm kỳ mới; cơ cấu cán bộ phải hợp lý, đồng bộ, bảo đảm tiêu chuẩn, tạo nhiều quyền tự chủ cho Đảng bộ. Thành phố cần có cơ chế, chính sách mới và đề xuất Trung ương để có được cơ chế phù hợp để xây dựng đội ngũ cán bộ tương thích với đô thị đặc biệt, giúp Thành phố phát triển, góp phần đưa cả nước đi lên.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ Thành phố phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách xây dựng Đảng hiện nay và Chỉ thị số 03 về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chiều sâu hơn; phát huy những mặt đã làm được, khắc phục ngay những khuyết điểm hạn chế đã được chỉ ra, không để lặp lại, kéo dài những hạn chế. Để làm được những nội dung này phải đổi mới tư duy, công tác tư tưởng xung kích đi đầu trong đổi mới, công tác dự báo, dẫn đường cần thực hiện cho tốt; đặc biệt cần lưu ý trước hiện trạng bùng nổ mạng xã hội, truyền thông đa phương tiện, thì công tác tư tưởng phải bảo đảm tính cách mạng, tính Đảng, tính khoa học nhưng phải hiện đại hóa để làm chủ trận địa tư tưởng.
Trước mắt, hầu hết các ý kiến góp ý cho rằng, việc giới thiệu những nhân tố mới có đức, có tài, có triển vọng về lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy trong Đại hội sắp tới là vấn đề hết sức quan trọng.
Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt
Đó là nhiệm vụ mới được Dự thảo nêu ra cùng với thực hiện tốt các mục tiêu xây dựng Thành phố “văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Vậy thành phố sống tốt là gì, gồm những tiêu chí gì, giải pháp nào để thực hiện và với quy trình ra sao? Cùng với những trăn trở, nhiều hiến kế đã được nêu ra.
Theo PGS, TS. Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, “thành phố sống tốt” là nơi con người được phục vụ ngày càng tốt hơn, có chất lượng cuộc sống không ngừng được cải thiện. Văn minh, hiện đại có mối quan hệ tương tác với sống tốt, nhưng không hẳn là trùng hợp. Văn minh, hiện đại là điều kiện, nền tảng cơ sở để có thể sống tốt, đồng thời hàm chứa các yếu tố, thành tích của sống tốt. Xây dựng thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình là mục tiêu mang tính “triết lý phát triển” của Thành phố. Mặc dù hiện nay, Thành phố có quy mô phát triển lớn nhất nước, là một trong hai “đô thị đặc biệt” nhưng chưa thật sự là văn minh, hiện đại, chưa phải là thành phố sống tốt. Bởi vì, theo Cơ quan tư vấn nguồn nhân lực Mercer, năm 2015 đã tiến hành khảo sát chất lượng cuộc sống ở 230 thành phố trên thế giới, thì Thành phố Hồ Chí Minh được 61,9 điểm, xếp thứ 148/230 (theo báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố). Đó là một thứ hạng về chất lượng sống còn thấp. Điều đáng nói là chính người dân Thành phố cũng nhận thấy, cho dù Thành phố luôn đứng đầu trong phát triển kinh tế, GDP đầu người hằng năm luôn cao gần 3 lần mức bình quân cả nước.
Chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, chất lượng cuộc sống phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, là sự tổng hòa mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người, từ chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, văn hóa đến môi trường, hệ thống giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… Thực tế trong nhiều năm trở lại đây, kinh tế phát triển, mức sống không ngừng được tăng lên, nhưng người dân Thành phố luôn phải đối mặt với những bất an, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường, an sinh xã hội, an toàn thực phẩm và cả tệ quan liêu, gây phiền nhiễu của một số tổ chức, cá nhân… Trong khi đó, nguyên tắc phát triển bền vững đó là tăng trưởng kinh tế phải gắn với chất lượng cuộc sống của người dân, sự phát triển của một thành phố hiện đại phải gắn với sự hài lòng của người dân về các dịch vụ đô thị, dịch vụ công; con người được phát triển toàn diện.
Để xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố sống tốt như mục tiêu đề ra thì phải thực hiện nhiều tiêu chí thuộc 3 lĩnh vực cơ bản, đó là:
Trước hết, giải quyết bài toán giao thông đô thị, một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay; tạo nhiều không gian công cộng, bảo đảm cho sinh hoạt, mở rộng giao tiếp cộng đồng; thực hiện chỉ tiêu 100% dân số thành phố được cung cấp nước sạch đúng tiêu chuẩn; có biện pháp giảm ô nhiễm môi trường, không khí, khói, bụi, tiếng ồn, nhất là nơi có đông người dân sinh sống, sinh hoạt; thực hiện thành công chương trình đột phá chống ngập nước đô thị; giải quyết tốt vấn đề nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, người nghèo; mạnh tay với các tệ nạn xã hội vốn gây nhức nhối cho đời sống xã hội, gây bất an cho người dân và khách du lịch.
Hai là, phát huy những thành tựu giáo dục của Thành phố trong thời gian qua, thực hiện đạt kết quả cao các tiêu chí về giáo dục đã nêu trong Dự thảo là nâng cao trình độ dân trí. Theo đó, Thành phố cần bảo đảm việc làm cho người dân, giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp và việc làm không ổn định; tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hỗ trợ cho vay vốn để mọi người tự tạo được công ăn việc làm; thực hiện bảo hiểm y tế cho mọi người, tạo điều kiện và khả năng cho người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế; cùng Trung ương và các tỉnh, thành tìm giải pháp giảm tình trạng quá tải của các bệnh viện thành phố hiện nay. Tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều; có giải pháp thích hợp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Ba là, dù không phải là tiêu chí thể hiện chất lượng sống tốt nhưng lại là yếu tố tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đó là đổi mới cơ chế quản lý. Bởi vì, đổi mới, cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính tiên tiến, đó là động lực, là điều kiện để người dân hài lòng với cuộc sống, để thực sự được sống tốt.
Chủ động liên kết và phát huy thế mạnh
Để đạt được mục tiêu “xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thành phố không thể không có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng, ít nhất là với 4 tỉnh, thành phố gần kề là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Những vấn đề Thành phố phải giải quyết trong những năm tới rõ ràng không chỉ “khoanh” lại trong phạm vi địa giới hành chính. Chẳng hạn, để có thể “đi ra thế giới” một cách nhanh chóng và hiệu quả, Thành phố phải dùng đến cửa ngõ Hiệp Phước - Tân Cảng. “Lối đi” ấy là của cả vùng kinh tế, cả quốc gia, không thể mỗi địa phương làm một đoạn, theo một kiểu khác nhau được.
Cũng theo TS. Nguyễn Đức Kiên, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng nữa là việc kết nối vào hệ thống đường sắt quốc gia để hoàn thiện hệ thống giao thông bánh sắt cho toàn vùng; tăng cường năng lực vận chuyển, giảm ùn tắc giao thông, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Thành phố nên là nhà đầu tư tiên phong và chủ chốt trong việc hình thành tuyến đường sắt kết nối ngã 3 Tân Hiệp của Đồng Nai với khu công nghiệp Sóng Thần của Bình Dương chạy dọc Quốc lộ 51 ra Tân Cảng; nói cách khác là phát triển những tuyến đường sắt “xương cá” kết nối vào trục đường sắt quốc gia hiện hữu. Bên cạnh đó là việc kết nối giữa hệ thống metro và đường sắt nội đô mà Thành phố đang xây dựng với hệ thống đường sắt quốc gia. Việc này giúp cho thị trường nhân lực của Thành phố vận hành linh hoạt và hiệu quả, đó là người lao động từ các tỉnh thành lân cận có thể sử dụng phương tiện công cộng để về Thành phố làm việc và ngược lại. Chỉ có phương thức đầu tư như thế mới giảm áp lực tăng dân số cơ học vào Thành phố, tiết kiệm được các khoản chi cho an sinh xã hội, giảm ùn tắc giao thông… Để làm được như vậy, Thành phố cần chủ động quy hoạch không gian phát triển theo hướng không thu hút người lao động đơn giản, hoặc người có tay nghề cao nhưng không thuộc ngành nghề ưu tiên phát triển của Thành phố. Với sự đóng góp tới 29% GDP cả nước, Thành phố có thế mạnh rất đáng kể và nếu sử dụng nguồn lực đó một cách hiệu quả để “nắn chỉnh” dòng vốn đầu tư thì nhất định các địa phương, các doanh nghiệp sẽ bắt tay hợp tác. Như vậy, GDP của Thành phố không chỉ được tính bởi các doanh nghiệp trên địa bàn mà còn tính trên lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu tư ở nơi khác chuyển về. Qua đó, Thành phố mới duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của cả nước, thể hiện vai trò “đầu tàu” theo mục tiêu phương hướng đề ra./.
Việt Nam liên tiếp tám năm giảm số ca HIV/AIDS trên 3 tiêu chí  (24/11/2015)
Đề xuất chi 670 tỷ đồng phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em  (24/11/2015)
Cần sửa đổi, bổ sung Luật Thanh niên để tăng hiệu quả thi hành  (24/11/2015)
Thông qua dự thảo luật Dân sự sửa đổi và bầu Hội đồng Bầu cử Quốc gia  (24/11/2015)
Chủ tịch nước gửi Điện chia buồn cựu Tổng thống Hàn Quốc qua đời  (24/11/2015)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay