Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 9-11 đến ngày 15-11-2015)
TCCSĐT - Quan ngại tình trạng vi phạm quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh; Tăng 5% lương cơ sở từ ngày 01-5-2016; Chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” 2015 - Tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu xuất sắc; Tổng kết Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm; Tổng Bí thư dự ngày hội đại đoàn kết tại Đan Phượng, Hà Nội… là những sự kiện nổi bật tuần qua.
Đại hội thi đua yêu nước ngành Xây dựng lần thứ IV: “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, phát triển bền vững”
Tại Hà Nội, ngày 10-11-2015 đã diễn ra Đại hội thi đua yêu nước ngành Xây dựng lần thứ IV. Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong phát biểu khai mạc Đại hội cho biết, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ: “Thi đua là yêu nước; Yêu nước là thi đua”, trong 5 năm qua, ngành xây dựng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua, yêu nước. Năng lực sản xuất của ngành ngày càng lớn mạnh; hệ thống thể chế quản lý nhà nước được tập trung hoàn thiện với nhiều quan điểm, tư tưởng đổi mới mang tính đột phá; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao chất lượng công trình, chống thất thoát lãng phí; công tác kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng,…
Đánh giá phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2010 - 2015, của Bộ, Thứ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ rõ, phát huy những thành tích đạt được của các phong trào thi đua yêu nước ngành xây dựng, từ năm 2010 đến nay, các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, công nhân viên chức ngành xây dựng tiếp tục được củng cố, tăng cường và phát triển. Các kết quả thi đua được cụ thể hóa bằng việc hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách quản lý nhà nước ngành xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành cũng đã xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; hoàn thành đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước;...
Theo Thứ trưởng, để thực hiện tốt chủ đề phong trào thi đua yêu nước giai đoạn tiếp theo là “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, kỷ cương, phát triển bền vững”, ngành xây dựng sẽ chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 07-4-2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, đưa công tác thi đua, khen thưởng thực sự trở thành ý thức trách nhiệm, tự giác; Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; Ba là, đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức và phương pháp, gắn phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…; Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến, tổ chức biểu dương, khen thưởng kịp thời; Năm là, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng;…
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định: là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, lực lượng chủ yếu xây dựng công trình nhà ở, kết cấu hạ tầng, đô thị, kỹ thuật, ngành xây dựng đã có bước phát triển trên các mặt. Nhiều doanh nghiệp của ngành đã vươn lên vị trí hàng đầu, đủ sức thiết kế, thi công những công trình quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật cao. Trong các phong trào thi đua của Ngành đã xuất hiện hàng nghìn tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Bộ Xây dựng; trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Quan ngại tình trạng vi phạm quản lý đất nông, lâm trường quốc doanh
Chiều 10-11, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII tiếp tục thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014. Buổi thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến quan ngại của đại biểu Quốc hội trước tình trạng tồn tại nhiều vi phạm trong quản lý đất nông lâm trường, gây lãng phí tài nguyên xã hội, đồng thời cho thấy những bất cập trong công tác quản lý nhà nước.
Hiệu quả yếu kém trong sử dụng đất nông trường, lâm trường. Các đại biểu phản ánh một thực tế nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc. Đa số các ý kiến đều chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại của các nông, lâm nghiệp hiện nay là hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều yếu kém về chính sách, bên cạnh đó bản thân các nông, lâm trường cũng yếu kém về năng lực quản lý.
Tồn tại trong quản lý đất nông, lâm trường. Giải trình tại buổi thảo luận về trách nhiệm của ngành, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Minh Quang thừa nhận các khuyết điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh. Bộ còn nhiều hạn chế trong việc thực thi nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật, chính sách sử dụng đất, đo vẽ địa chính và cấp giấy chứng nhân sử dụng đất, thanh tra xử lý đối tượng được giao đất và xử lý sau thanh tra.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm hỗ trợ các địa phương số kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để hoàn thành đo vẽ hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2016. Số tiền này chưa tính số đo vẽ hồ sơ địa chính cho các khu bảo tồn thiên nhiên.
Trách nhiệm trong quản lý hoạt động nông, lâm trường. Thẳng thắn nhận trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ còn nhiều tồn tại trong quản lý hoạt động sử dụng đất nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ tâm tư trước ý kiến cho rằng hiện nay có tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất, đất ở mà nguyên nhân chính do việc các lâm trường quốc doanh chiếm một lượng quỹ đất quá lớn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng nhìn tổng thể trong nhiều giai đoạn, các nông lâm trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông, chính nhờ các nông trường mới hình thành được ngành cao su, cà phê, ngành chè,... Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành nông nghiệp vẫn thừa nhận các khuyết điểm của mình trong việc quản lý hoạt động kém hiệu quả của nhiều nông, lâm trường hiện nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp, tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, nghị định, thông tư hướng dẫn, nhưng khuyết điểm chính là việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả.
Các đại biểu cũng đề nghị cần sớm ban hành Nghị quyết quản lý về nông, lâm trường để tránh tình trạng hàng triệu héc-ta đất sử dụng không hiệu quả như hiện nay.
Tăng 5% lương cơ sở từ ngày 01-5-2016
Quốc hội giao Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng (mức hiện nay) lên 1.210.000 đồng/tháng (tăng khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 11/11 với 392/435 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỉ lệ 79,35%. Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ bảo đảm thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng. Riêng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công, tiếp tục giữ mức đã tăng 8% như đã thực hiện năm 2015.
Ngoài ra, từ ngày 01-01-2016, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Từ ngày 01-01-2016 đến ngày 30-4-2016, Chính phủ tiếp tục thực hiện mức điều chỉnh đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) như năm trước như quy định tại Nghị quyết số 78/2014/QH13.
Chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” 2015 - Tuyên dương 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu xuất sắc
Tại Hà Nội, ngày 12-11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long đã phối hợp tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” 2015 - Tuyên dương 64 thày, cô giáo “cắm bản” tiêu biểu đang công tác tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, của Chính phủ.
Đây là hoạt động triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” do Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019, phát động và chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và xã hội, hệ thống giáo dục ở nước ta về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân; các em học sinh trong độ tuổi đi học đều được cắp sách tới trường, được vui chơi và học tập để nuôi dưỡng những ước mơ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Những thành công đó có sự góp phần cống hiến bền bỉ của đội ngũ thày giáo, cô giáo, những người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên đang công tác tại các trường học điểm lẻ hay còn gọi là “giáo viên cắm bản” ở khu vực miền núi.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cho biết: Chương trình “Chia sẻ cùng thày cô” 2015, nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thày giáo, cô giáo xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học điểm lẻ ở miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;…
Các thày, cô giáo được tuyên dương là những giáo viên công tác tại trường học điểm lẻ, có thời gian “cắm bản” ít nhất là 3 năm. Lần này, 64 giáo viên được tuyên dương gồm có 20 thày giáo và 44 cô giáo; 32 thày, cô là người dân tộc Kinh và 32 thày, cô là người dân tộc thiểu số (Chăm H’roi, Cống, Hà Nhì, Mông, Hre, Mường, Nùng, Tày, Thái); giáo viên lớn tuổi nhất là thày Lò Văn Xuân, sinh năm 1957, dân tộc Thái, giáo viên trường Tiểu học Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, với 35 năm giảng dạy; giáo viên ít tuổi nhất là cô Đàm Thị Thu Thủy, sinh năm 1990, dân tộc Kinh, giáo viên trường Mẫu giáo Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, với 4 năm giảng dạy và cô Phùng Thị Hường, sinh năm 1990, dân tộc Mường, giáo viên trường Mầm non Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, với 4 năm giảng dạy.
Tại Chương trình, Ban Tổ chức tặng Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Kỷ niệm chương của Ban Tổ chức và một sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho mỗi thày, cô giáo. Tập đoàn Thiên Long còn tặng thêm 280 tấm chăn, với tổng chi phí là 56 triệu đồng, cho học sinh ở 14 trường mầm non điểm lẻ trong chương trình.
Tổng kết Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm
Ngày 13-11-2015, Hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới được tổ chức. Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở vùng đồng bào Chăm đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống của đồng bào Chăm được nâng lên rõ rệt và là một trong các dân tộc thiểu số có mức sống khá.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho thấy, dân tộc Chăm là một bộ phận trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Hiện nay, người Chăm của cả nước có khoảng 170.600 người, sinh sống trên địa bàn thuộc 35 huyện, thị của 10 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Nam Bộ. Dân tộc Chăm có mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn khá chặt chẽ với một số quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới và là một trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có truyền thống lịch sử lâu đời, nền văn hóa đa dạng, độc đáo và phong phú. Trước thời điểm năm 2004, vùng đồng bào Chăm có nhiều vấn đề khó khăn, bất cập như tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với mức trung bình của cả nước; công tác giáo dục - đào tạo, nâng cao trình độ dân trí, văn hóa còn nhiều hạn chế; nhiều nơi đồng bào thiếu đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; hệ thống chính trị cơ sở ở một số nơi còn yếu, lực lượng đảng viên cốt cán là người Chăm còn mỏng.
Nhằm giải quyết một cách căn bản những khó khăn, bất cập trên, tạo động lực cho đồng bào Chăm nhanh chóng hòa nhập với sự phát triển chung, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới. Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần vùng đồng bào Chăm đã có chuyển biến rõ nét. Cùng với sự hỗ trợ của trung ương, các tỉnh, thành phố đã ưu tiên nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác, lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án, chính sách trên địa bàn. Mạng lưới hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, 100% xã đã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã, có trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, 100% xã và trên 80% thôn có điện lưới; vấn đề thiếu và không có đất sản xuất cơ bản được giải quyết. Đời sống kinh tế người Chăm được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, Chỉ thị 06 đã phát huy hiệu lực, hiệu quả, đúng và trúng với yêu cầu thực tế, từ đó tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững ổn định chính trị vùng đồng bào Chăm, tạo động lực để cộng đồng dân tộc Chăm nhanh chóng bắt nhịp và hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc Chăm, đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí, giải pháp căn cơ nhất là phát triển ngành nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào, tập trung khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất có được, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Trong đó, cần quan tâm đúng mức đến đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng thiết yếu là thủy lợi và giao thông; đồng thời đẩy mạnh công tác dạy nghề, soát xét lại danh mục ngành nghề cần đào tạo để chọn nghề đúng với nhu cầu thực tiễn, tránh lãng phí; giải quyết tốt khâu đầu ra cho các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Biểu dương và đánh giá cao Ủy ban Dân tộc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt hai mục tiêu quan trọng của Chỉ thị 06 phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Về phương hướng nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, vấn đề bình đẳng dân tộc là nguyên tắc rất quan trọng, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Chăm, đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đối với vùng đồng bào Chăm nói riêng, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới, Chỉ thị 38/2004/CT-TTg về đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng tiếng dân tộc Chăm đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng có đông đồng bào Chăm sinh sống.
Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động đấu tranh ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch, chống đối, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về chủ trương chính sách, chủ động cung cấp thông tin khách quan về các kết quả đạt được trong chính sách đối với đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào Chăm nói riêng. Tăng cường xây dựng cốt cán trong đồng bào người Chăm, hướng dẫn hoạt động truyền giáo, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hiện các hoạt động tôn giáo theo khuôn khổ của pháp luật. Các địa phương, Ban Tôn giáo Chính phủ kịp thời nắm tâm tư của đồng bào để giải quyết hợp lý, hợp tình để các tôn giáo đoàn kết một lòng xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ xã, phường, thị trấn là người dân tộc nói chung và người Chăm nói riêng, quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên là người dân tộc Chăm, đào tạo, tuyển dụng, bồi dưỡng cán bộ là người Chăm trong hệ thống chính trị, đảm bảo tỷ lệ cơ cấu hợp lý, nhất là ở những nơi có đồng bào dân tộc Chăm chiếm số lượng lớn.
Tổng Bí thư dự ngày hội đại đoàn kết tại Đan Phượng, Hà Nội
Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18-11-1930-18-11-2015), chiều 15-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và chung vui ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc với bà con nhân dân thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội.
Phát biểu tại ngày hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng được dự ngày hội đại đoàn kết cùng bà con thôn Tháp Thượng. Tổng Bí thư vui mừng nhận thấy đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện nâng cao.
Cộng đồng dân cư của thôn Tháp Thượng đã có nhiều tiến bộ, kinh tế phát triển, số hộ nghèo giảm nhanh, số hộ khá, giàu tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, khá giả, thôn xóm khang trang, yên bình, môi trường xanh, sạch, đẹp. Với 280 hộ, 1.200 nhân khẩu, bà con thôn Tháp Thượng đã nỗ lực, đoàn kết phấn đấu đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 5 hộ; số hộ khá, giàu chiếm hơn 80%. Năm 2015, thu nhập của thôn ước đạt 34,5 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người gần 29 triệu đồng/năm; hơn 93% số hộ đạt tiêu chuẩn "Gia đình văn hóa"; vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được giữ vững…
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong đại đoàn kết toàn dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Tổng Bí thư đề nghị, nhân dân thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng cần bám sát cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nền tảng, trung tâm của khối đại đoàn kết để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao theo hướng nhân văn, văn minh, văn hóa.
Tại ngày hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tặng quà cho các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu và hộ nghèo của thôn Tháp Thượng./.
Chủ tịch nước thăm nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines  (19/11/2015)
Văn hóa Việt ghi dấu ấn ở Hội chợ "Nghệ thuật Dệt may" Venezuela  (19/11/2015)
Vùng Wallonie - Brussels hỗ trợ Viêt Nam triển khai 18 dự án  (19/11/2015)
Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ cho Trung tâm an toàn lao động quốc gia  (19/11/2015)
Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Philippines  (19/11/2015)
Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua một số Luật  (19/11/2015)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên