Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm 3 miền: Bắc, Trung, Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

* Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đến năm 2020, khối lượng vận tải toàn vùng đạt khoảng 500 - 550 triệu tấn hàng hóa và 1.180 - 1.200 triệu hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 10% - 11%/năm, trong đó lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 115 - 160 triệu tấn/năm. Vận tải hành khách công cộng đô thị Hà Nội đạt khoảng 20% - 25%, Hải Phòng và các đô thị khác đạt khoảng 5% - 10%. Tiếp tục hoàn thành cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả mạng đường sắt hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, hoàn thành tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và bảo đảm tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội; từng bước kết nối đường sắt với cảng biển, cảng cạn, khu kinh tế, khu mỏ và các trung tâm du lịch lớn. Tổ chức vận tải hợp lý trên 6 hành lang vận tải chính gồm: Bắc - Nam, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Ninh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Lạng Sơn, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trong đó, hành lang Bắc - Nam gồm 4 phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không. Vận tải hàng hóa đường dài chủ yếu do đường bộ, đường biển và đường sắt đảm nhận. Vận tải hành khách đường dài sẽ chuyển một phần sang đường sắt và hàng không. Hàng hóa và hành khách trên các cung đoạn ngắn và nội tỉnh chủ yếu do vận tải đường bộ đảm nhận. Đến năm 2020, vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 83% - 85%, đường sắt 5,8% - 6,2%, hàng không 8,8% - 9,2%; vận tải hàng hóa bằng đường bộ 76% - 79%, đường sắt 6% - 8%, đường biển 14% -16%, hàng không 0,12% - 0,16%.

Hành lang Hà Nội - Hải Phòng gồm 3 phương thức vận tải: đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa. Vận tải hành khách chủ yếu sử dụng đường bộ và đường sắt. Vận tải hàng hóa chia sẻ giữa 3 phương thức vận tải đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa. Đến năm 2020, vận tải hành khách bằng đường bộ chiếm 96,5% - 97,5%; đường sắt 2,5% - 3,5%; vận tải hàng hóa đường bộ 65% - 68%; đường sắt 1% - 2%; đường thủy nội địa 31% - 33%. Tăng cường vai trò của vận tải đường sắt, đường thủy nội địa trên các hành lang vận tải chính kết nối với cảng biển, đặc biệt giữa Thủ đô Hà Nội với cảng biển Hải Phòng và Quảng Ninh; gắn liền tổ chức vận tải đường sắt với hoạt động cảng cạn để nâng cao hiệu quả khai thác, đẩy mạnh vận tải đa phương thức và giảm chi phí dịch vụ logistics. Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam, đoạn trong vùng dài khoảng 33 km, để đạt tốc độ chạy tàu bình quân 80 - 90 km/h đối với tàu khách, 50 - 60 km/h đối với tàu hàng. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường đôi khổ 1.435 mm, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ưu tiên xây dựng trước đoạn Hà Nội - Vinh; nghiên cứu, xây dựng thêm một số tuyến đường sắt khác.

* Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, khối lượng vận tải hành khách đạt khoảng 185 triệu lượt hành khách/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5% - 8,5%/năm, trong đó khối lượng hành khách qua cảng hàng không đạt 20 - 25 triệu hành khách, vận tải hành khách công cộng đảm nhận thị phần từ 15% - 20% tại thành phố Đà Nẵng và 5% - 10% đối với các thành phố khác trong vùng. Khối lượng hàng hóa đạt khoảng 101 triệu tấn/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,5% - 9,5%/năm, trong đó khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt 40 - 50 triệu tấn/năm. Theo quy hoạch sẽ phát triển 5 hành lang vận tải chính của vùng gồm: hành lang ven biển, hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 1 - quốc lộ 9 - Lao Bảo và hành lang Đà Nẵng - quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang, hành lang Đà Nẵng - Tây Nguyên; hành lang Dung Quất - Tây Nguyên, hành lang Quy Nhơn - Tây Nguyên. Về kết cấu hạ tầng giao thông, phấn đấu đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống quốc lộ hiện có, trong đó ưu tiên nâng cấp mở rộng quốc lộ 1, các trục ngang nối các tỉnh trong vùng và các vùng khác trong cả nước; hoàn thành tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi; triển khai xây dựng tuyến Cam Lộ - La Sơn và Quảng Ngãi - Bình Định theo Quy hoạch mạng đường bộ cao tốc. Phấn đấu đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống đường tỉnh và mở mới một số tuyến cần thiết. Tiếp tục phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu 100% đường huyện, tối thiểu 70% đường xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; đường huyện đạt tối thiểu cấp V, đường xã đạt tối thiểu cấp VI; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tối thiểu 50% đường thôn xóm được cứng hóa, đạt loại A trở lên; 50% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện. Xây dựng đường ven biển theo quy hoạch.

Đồng thời, tiến hành nâng cấp đường sắt Bắc - Nam hiện có để nâng cao hiệu quả khai thác; huy động nguồn vốn để xây dựng các tuyến đường sắt nhánh nối từ đường sắt Quốc gia đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế; nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm. Từng bước nâng cấp mở rộng hệ thống cảng hàng không đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; khai thác có hiệu quả các cảng hàng không hiện có trong Vùng; phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất các cảng hàng không của Vùng đạt 20 - 25 triệu hành khách/năm.

* Theo Quyết định điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tăng cường tính kết nối vùng và kết nối giữa các phương thức vận tải, hình thành các đầu mối kết nối vận tải tại các cảng biển Vũng Tàu (khu Cái Mép - Thị Vải), cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, cảng biển Đồng Nai, các cảng cạn; trung tâm dịch vụ logistics; Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; các ga đường sắt Bình Triệu, Tân Kiên, Thủ Thiêm, An Bình, Trảng Bom, ga Long Định; các bến xe khách liên tỉnh như bến xe Miền Tây mới, Ngã Tư Ga, Miền Đông 1 mới, Miền Đông 2 mới, Đa Phước, xuyên Á, Miền Đông và các bến xe liên tỉnh tại các tỉnh trong Vùng; các cảng đường thủy nội địa chính trong khu vực.

Đẩy mạnh vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; xây dựng và phát triển các trung tâm dịch vụ logistics lớn tại các khu vực đầu mối như Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Cái Mép Hạ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và các trung tâm khác trong Vùng theo quy hoạch của địa phương. Khai thác hiệu quả tuyến sông pha biển từ cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh với các cảng biển Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang theo tuyến ven biển. Nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa các cảng hàng không hiện có. Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó, với hàng không, tập trung nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa các cảng hàng không hiện có, điều chỉnh quy hoạch khu hàng không dân dụng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, hàng hóa trong từng thời kỳ. Khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không Vũng Tàu tại thị trấn Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, đến năm 2020, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có vai trò trung tâm (cả quốc tế và quốc nội) của khu vực phía Nam; là cảng hàng không dùng chung dân dụng và quân sự, trong thời gian tới sẽ mở rộng nhà ga hành khách quốc tế, nội địa đáp ứng công suất 25 - 26 triệu hành khách/năm và 1 triệu tấn hàng hóa/năm.

Cảng hàng không Vũng Tàu là cảng hàng không nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Công suất cảng 100.000 hành khách/năm và 500 tấn hàng hóa/năm. Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cảng hàng không lớn nhất cả nước và là một trong những trung tâm trung chuyển hành khách quốc tế của khu vực theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy mô giai đoạn 1 xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp sân bay 4F theo phân cấp ICAO, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, đáp ứng khai thác loại tàu bay A380 và tương đương./.