Nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện ở Lạng Sơn
TCCS - Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện của Lạng Sơn, nhiều người là người dân tộc thiểu số. Và nhìn chung, có thể nói, trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận đều còn nhiều mặt bất cập. Điều đó đã hạn chế trong việc hoạch định, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhất là chỉ đạo công tác thực tiễn tại địa phương.
Cán bộ chủ chốt cấp huyện là những người đứng đầu và cấp phó các tổ chức chính trị, xã hội, các phòng, ban... của huyện. Họ là những người trực tiếp lãnh đạo, quản lý triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, chịu trách nhiệm đề ra và tổ chức thực hiện các chủ trương, chương trình kế hoạch phát triển của đơn vị và địa phương mình phụ trách. Với trọng trách như thế, rõ ràng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện (ĐNCBCCCH) phải có tầm nhìn rộng, năng lực tư duy thích ứng mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Thời gian qua, Lạng Sơn đã quan tâm xứng đáng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp huyện cả về số lượng và nâng cao về chất lượng mọi mặt. Về cơ cấu, đội ngũ này hiện có 779 người; trong đó, khối đảng, đoàn thể là 151 người; khối chính quyền là 184 người, khối doanh nghiệp là 464 người; nam chiếm 81,3%, nữ chiếm 18,7%; dân tộc thiểu số có 330 người (chiếm 42,36%); đa số là từ 41 - 50 tuổi.
Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước: Khối Đảng, đoàn thể, trình độ chuyên môn đại học có 93 người (chiếm 61,59%); cao đẳng, trung cấp có 40 người (chiếm 26,49%); trình độ lý luận chính trị cao cấp có 85 người (chiếm 56,29%), trung cấp có 44 người (chiếm 29,14%). Khối chính quyền, trình độ chuyên môn đại học có 148 người (chiếm 80,43%); cao đẳng, trung cấp có 31 người (chiếm 16,85%); trình độ cao cấp lý luận chính trị có 68 người (chiếm 36,96%), trung cấp có 24 người (chiếm 13,04%). Trong khi đó, khối doanh nghiệp có 464 cán bộ lãnh đạo, quản lý thì số người có trình độ chuyên môn đại học là 81 người (chiếm 17,46%), cao đẳng, trung cấp là 169 người (chiếm 36,42%); không có người nào có trình độ lý luận chính trị cao cấp, chỉ có 75 người (chiếm 10,16%) có trình độ trung cấp lý luận chính trị.
Nhìn chung, toàn đội ngũ, nổi bật có một số ưu điểm: nhạy cảm chính trị tương đối tốt, vì thế họ đã có sự định hướng chính trị thành công trong nhận thức và tổ chức hoạt động thực tiễn ở địa phương; đa số họ là những người có quá trình lăn lộn và trưởng thành từ hoạt động thực tiễn tại cơ sở nên có thế mạnh về kinh nghiệm chỉ đạo thực tiễn; có năng lực nhất định trong vận dụng đường lối đổi mới của Đảng vào xây dựng các chủ trương, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cụ thể tại địa phương; có năng lực tổng kết kinh nghiệm thực tiễn; có khả năng nhạy bén trong nắm bắt và dự báo xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhưng, phải thừa nhận rằng, năng lực tư duy của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ này vẫn còn những hạn chế đáng kể sau: trình độ tư duy còn thấp, tư duy lô-gíc yếu; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, còn nhiều biểu hiện của bệnh giáo điều, siêu hình, rập khuôn, máy móc; công tác dự đoán, dự báo, đánh giá tình hình còn yếu, chưa theo kịp thực tế; việc nắm bắt, xử lý thông tin thiếu nhạy bén, kịp thời, chính xác; trong chỉ đạo, còn biểu hiện của bệnh chủ quan, duy ý chí, còn dựa vào kinh nghiệm trực quan, sự tùy tiện trong công tác tổ chức thực tiễn; chưa coi trọng đúng mức công tác tổng kết kinh nghiệm thực tiễn để vừa kịp thời rút kinh nghiệm vừa góp phần bổ sung, điều chỉnh các chương trình, kế hoạch phát triển ở địa phương.
Những hạn chế năng lực tư duy của ĐNCBCCCH ở Lạng Sơn là do các nguyên nhân chính sau: điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, môi trường sống đơn điệu, nghèo nàn, trình độ học vấn hạn chế... ; kiểu tư duy cũ của cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp chưa được khắc phục triệt để; hệ thống đào tạo thiếu đồng bộ, ý thức học tập, rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt của đội ngũ cán bộ này chưa được coi trọng đúng mức; những hạn chế, bất cập trong công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ cũng là nguyên nhân quan trọng kìm hãm năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ này; công tác cán bộ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ chưa được nghiên cứu, tổng kết đúng mức, nhất là chưa có chiến lược và lộ trình cụ thể.
Nâng cao năng lực tư duy cho đội ngũ này là một vấn đề không đơn giản, phải có lộ trình và trên cơ sở thực tế, xin đề xuất một số giải pháp chủ yếu sau:
- Tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tạo bước chuyển biến tích cực về đời sống vật chất, văn hóa, trình độ dân trí cho cán bộ và cộng đồng. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới những năm qua là cơ sở, tiền đề quan trọng để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trình độ văn hóa và khoa học - kỹ thuật trong cán bộ và nhân dân, tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ này khắc phục những yếu kém, nâng cao trình độ mọi mặt của mình.
- Đổi mới phương pháp giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng và ý thức rèn luyện phương pháp tư duy, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị đối với đội ngũ cán bộ tạo tiền đề để họ rèn luyện phương pháp tư duy lý luận, gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, học cốt để vận dụng vào thực tiễn công tác.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bổ sung kiến thức; đồng thời, tổ chức nhiều đợt thăm quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn các đơn vị tiên tiến, điển hình, xuất sắc tại các địa phương trong tỉnh cũng như các tỉnh bạn. Qua đó, vừa tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn vừa tiếp cận với nhiều cách làm, cách nghĩ mới.
Trong quá trình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực tư duy cho đội ngũ này thì việc đổi mới, đào tạo, bồi dưỡng của hệ thống các trường chính trị của tỉnh đóng vai trò rất quan trọng. Vì lẽ đó, cần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo, không ngừng đổi mới về nội dung, chương trình đào tạo, chủ động và đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn, kịp thời phát hiện và bổ sung kiến thức những vấn đề do cuộc sống sinh động đặt ra.
- Thực hiện tốt quy chế cán bộ, đổi mới phương pháp đánh giá cán bộ, quy trình công tác cán bộ, trên cơ sở tiêu chuẩn hóa về trình độ và năng lực tư duy; trước hết, tập trung đổi mới cơ chế, phương pháp và quy trình đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ khắc phục những điểm không còn phù hợp.
- Tạo điều kiện để cán bộ chủ động nâng cao ý thức tự giác phấn đấu, rèn luyện trình độ, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin đầy đủ chính xác và kịp thời; khuyến khích họ không dừng lại ở việc học tập và đào tạo trong nhà trường, trong sách vở mà quan trọng hơn là sự tiếp tục học tập, đào tạo của chính bản thân trong quá trình công tác, hoạt động thực tiễn.
- Gắn lý luận với thực tiễn, nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn là một yêu cầu cấp bách đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt hiện nay. Điều nhấn mạnh ở đây là, chính quá trình tổng kết thực tiễn trực tiếp từng bước rèn luyện và nâng cao năng lực tư duy của họ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và phân cấp quản lý cán bộ; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch cán bộ; tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý; đồng thời, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ, có đủ năng lực và trình độ lãnh đạo, điều hành và làm tốt công tác tham mưu. Đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức cán bộ phải được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, công tâm, trung thực.
Nói tóm lại, thực hiện các giải pháp trên cũng mới chỉ là những điều kiện cần thiết. Quan trọng hơn chính là sự nỗ lực, cố gắng của bản thân họ để vượt lên chính mình, khắc phục mọi khó khăn, mặc cảm; đồng thời, cũng cần có một cơ chế phù hợp khuyến khích họ không ngừng học tập, trau dồi, tự vươn lên./.
WB: Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình  (23/12/2009)
Báo chí đấu tranh chống luận điệu sai trái  (23/12/2009)
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp ở huyện Thuận Thành  (23/12/2009)
Ngành điện lực Việt Nam qua 55 năm xây dựng và trưởng thành  (23/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên