Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp ở huyện Thuận Thành
TCCS - Tuy Thuận Thành có nhiều thuận lợi về địa - kinh tế, “nhất cận thị, nhị cận giang”, nhưng do điểm xuất phát thấp nên số cư dân và lao động nông nghiệp vẫn còn khá lớn. Do đó, việc tìm cách đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp để từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động nông thôn được xác định là vấn đề quan trọng nhằm phát triển bền vững.
I - Những kết quả cơ bản
Vốn là một huyện thuần nông, nằm ở phía nam tỉnh Bắc Ninh, tiếp giáp với thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, Thuận Thành có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà nội dung chủ yếu là chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng giá trị và lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị và lao động trong ngành nông nghiệp. Sau nhiều năm phấn đấu theo hướng này, Thuận Thành đã đưa được tỷ trọng giá trị công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 47,8% (năm 2000) lên 64,4% (năm 2008); tỷ trọng giá trị ngành nông nghiệp giảm tương ứng: từ 52,2% xuống còn 35,6%. Tính đến tháng 6-2009, giá trị công nghiệp - xây dựng - dịch vụ đạt 66,5%; nông nghiệp chỉ chiếm 33,5%.
Trong quá trình chuyển dịch chung ấy, với hơn 90% số dân sống ở nông thôn và hơn 80% số lao động trong nông nghiệp, Đảng bộ Thuận Thành xác định: “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”. Đi đôi với quá trình giảm tỷ lệ tương đối của giá trị ngành nông nghiệp, phải giữ được mức tăng trưởng tuyệt đối của ngành bình quân 5%/năm. Để đạt được mức tăng trưởng như vậy, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày một giảm, thì ngay trong ngành nông nghiệp phải có sự chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Nhưng, chuyển đổi như thế nào, thì mấy năm trước đây vẫn còn nhiều lúng túng.
Sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa IX, “Về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010”, Thuận Thành đã tìm được lối ra tương đối rõ với chủ trương: “Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa chăn nuôi thực sự trở thành ngành chính, trong trồng trọt chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa vào sử dụng những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất và giá trị cao, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, phát triển cây vụ đông...”.
Theo hướng trên, trong những năm qua, nông nghiệp Thuận Thành liên tục phát triển, tốc độ tăng bình quân hằng năm từ 4,3% - 4,5%. Tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi tăng từ 36,6% (năm 2000) lên 48,9% (năm 2008) và 49,5% (tháng 6-2009); ngành thủy sản tăng từ 0,3% (năm 2000) lên 6,2% (năm 2008). Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm bình quân 2%/năm.
Ngành trồng trọt có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về cơ cấu giống và cơ cấu mùa vụ. Ngoài việc đưa vào sử dụng các giống cây có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện đất đai, việc chuyển đổi bộ giống lúa diễn ra rất mạnh mẽ. Đến nay, ở Thuận Thành, cơ bản không còn giống lúa dài ngày, năng suất thấp, tỷ lệ giống lúa có năng suất, chất lượng cao tăng từ 45,7% (năm 2000) lên 95,2% (năm 2008). Đặc biệt, vụ xuân năm 2008 đã trồng lúa lai trên 40% diện tích, nâng năng suất lên 63 tạ/ha (tăng 10 tạ/ha so với năng suất bình quân cả năm 2000). Điều này giúp cho sản lượng lúa của Thuận Thành vẫn liên tục tăng trong tám năm qua, từ 63.962 tấn (năm 2000) lên 68.414 tấn (năm 2008), trong khi diện tích trồng lúa giảm từ 12.132 ha (năm 2000) xuống còn 11.865 ha (năm 2008). Ngoài lúa, các cây công nghiệp và thực phẩm có giá trị kinh tế cao như lạc, đậu tương, khoai tây, rau xanh các loại cũng được canh tác ngày càng nhiều, góp phần nâng giá trị bình quân đạt 58,2 triệu đồng/ha/năm.
Ngành chăn nuôi có mức tăng trưởng khá, với đàn vật nuôi chính là trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng. Ngoài đàn trâu có xu hướng giảm dần thì các đàn gia súc, gia cầm khác đều tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, đàn bò đã cơ bản được sind hóa, không còn giống bò cóc. Đàn lợn đã cơ bản được “nạc” hóa. Các loại giống gia cầm năng suất cao như ngan Pháp, gà Tam Hoàng, vịt Bắc Kinh... được đưa vào chăn nuôi ngày càng nhiều. Đặc biệt giống gà Hồ quý hiếm, thịt thơm ngon, được thị trường rất ưa chuộng, đang được bảo tồn và phát triển. Quy mô chăn nuôi cũng có chuyển biến tốt, từ chỗ mỗi nhà một đàn gà, 1 con lợn, nay toàn huyện đã có 2.424 hộ chăn nuôi từ 10 con lợn trở lên, có 61 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, bình quân mỗi trang trại nuôi trên 1.000 con gia cầm, 15 con lợn.
Ngành thủy sản phát triển liên tục với tốc độ cao, sản lượng tăng từ 714 tấn (năm 2000) lên 2.366 tấn (năm 2008), các sản phẩm chủ yếu là cá trắm đen, trắm cỏ, rô phi, tôm.
Giá trị dịch vụ trong nông nghiệp tăng đều qua các năm, từ 2,2% (năm 2000) lên 3,3% (năm 2005), 3,9% (năm 2008) và tính đến tháng 6-2009, con số này đạt 4,1%.
II - Những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những tiến bộ nêu trên, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa của nông nghiệp Thuận Thành đã bộc lộ những vấn đề cần phải quan tâm tháo gỡ:
Một là, diện tích cây trồng vụ đông giảm liên tục do chi phí cơ hội cao, người dân chưa chí thú với cây vụ đông do thu nhập thấp, năng suất bấp bênh, trong khi đi làm các nghề khác, như: đóng gạch thủ công, làm thuê ở Hà Nội, đi chợ, bán hàng rong... thu nhập khá cao lại được tiền ngay.
Hai là, chăn nuôi tăng trưởng chưa vững chắc, công tác thú y, phòng dịch kết quả chưa cao. Những đợt dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng đây đó vẫn còn xảy ra làm thiệt hại đáng kể cho các hộ, nhất là đợt dịch năm 2007 khiến đàn lợn giảm 31.577 con so với năm 2006; đàn vịt, ngan giảm 47.000 con, kéo theo tổng sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng năm 2007 giảm so với 2006 là 203 tấn.
Ba là, sản lượng ngành thủy sản chưa cao, chủng loại chưa phong phú. Những năm gần đây, tốc độ tăng của ngành thủy sản tuy khá cao song tổng giá trị chiếm tỷ trọng còn rất thấp, chủng loại thủy sản mới chủ yếu là cá, tôm, nhưng các loại đặc sản giá trị kinh tế cao như ba ba, cá sấu, lươn... còn rất ít do khả năng về vốn của nhiều hộ gia đình có hạn, kỹ thuật nuôi trồng của nông dân chưa đáp ứng. Như vậy, việc khai thác tiềm năng diện tích 523,4 ha đất nuôi trồng thủy sản hiệu quả chưa cao.
Bốn là, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn yếu. Thị trường tiêu thụ nông sản chủ yếu của Thuận Thành là Hà Nội. Đây là thị trường rộng lớn nhưng cũng đòi hỏi chất lượng tốt, trong khi chất lượng hàng nông sản của Thuận Thành còn thấp, giá thành còn cao. Do ruộng đất manh mún (bình quân mỗi hộ còn 6,57 mảnh với diện tích trung bình mỗi mảnh chỉ 251,9 m2) nên gặp nhiều khó khăn trong việc cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, dẫn đến chi phí sản xuất cao, năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp hơn nhiều so với các ngành khác (ngành nông, lâm nghiệp = 9,8 triệu đồng/người; công nghiệp chế biến 65,6 triệu đồng/người, xây dựng 58 triệu đồng/người); từ đó năng lực cạnh tranh của mặt hàng nông sản của Thuận Thành còn chậm được cải thiện.
III - Giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp
Nông nghiệp Thuận Thành đang đứng trước nhiều thử thách. Người nông dân chưa chí thú với ruộng đồng, nhất là cây vụ đông do sức hấp dẫn của các ngành nghề khác ở nơi đô thị. Ruộng đất vẫn còn rất manh mún, chi phí cơ hội cao... Bởi vậy, giải pháp về dồn điền đổi thửa, quy hoạch phát triển nông nghiệp ổn định lâu dài, huy động các nguồn lực... có ý nghĩa quyết định hiện nay.
1. Tiếp tục dồn điền đổi thửa để có ô thửa lớn hơn, tập trung hơn nhằm khắc phục tình trạng manh mún là yêu cầu bức thiết hiện nay. Năm 2008 huyện chỉ đạo xã Đại Đồng Thành làm điểm dồn điền đổi thửa rất thành công. Ở đây mỗi hộ chỉ còn 1 - 3 mảnh ruộng, với diện tích trung bình từ 3 - 6 sào Bắc Bộ (1 sào = 360m2), hiệu quả của các ô thửa lớn cũng đã quá rõ. Tuy nhiên, việc triển khai ra diện rộng còn nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, Thuận Thành cần tập trung chỉ đạo quyết liệt ở những xã, thôn không nằm trong quy hoạch các khu công nghiệp, trước hết là ở những xã có điều kiện thuận lợi hơn về địa bàn, dân cư, kinh phí.
2. Quy hoạch nông nghiệp, vùng sản xuất để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp ổn định đến năm 2020, hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Trong quy hoạch chú ý các điểm chăn nuôi tập trung để từng bước thực hiện đề án “Đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư”, trước mắt tiến hành làm điểm ở một xã đề án này. Tháng 2-2009, ủy ban nhân dân huyện lập Kế hoạch số 64 - KH/UB, chỉ đạo công tác dồn điền đổi thửa và quy hoạch nông nghiệp. Đây là giải pháp mang tính chiến lược, quan trọng nhất hiện nay đối với Thuận Thành để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển. Kế hoạch này cần được thực hiện khẩn trương và quyết liệt trong thời gian tới.
3. Huy động các nguồn lực phục vụ nông nghiệp, trước hết là vốn cho nông nghiệp. Hiện nay, Thuận Thành có 2 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội và 10 quỹ tín dụng nhân dân với tổng dư nợ khoảng 350 tỉ đồng. So với nhu cầu về vốn cho ngành nông nghiệp thì vẫn còn thiếu nhiều, trong khi vấn đề thủ tục vay vốn, thời hạn vay, số lượng cho vay cần được cải tiến, đổi mới cho phù hợp với người vay và mục đích sử dụng vốn. Vốn từ nguồn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp của Thuận Thành hiện nay còn rất ít, cần phải tăng cường trong những năm tới.
Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng còn thiếu nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Vì vậy, trong những năm tới, một mặt, phải đẩy nhanh công tác đào tạo lao động tại chỗ; mặt khác, cần có chính sách thu hút con em đi học các trường đại học, cao đẳng về phục vụ quê hương (hằng năm Thuận Thành có trên 1 ngàn người đi học các trường đại học, cao đẳng; khoảng 500 người đi học các trường trung cấp chuyên nghiệp, nhưng rất ít người trở về quê hương tìm việc làm).
4. Về cơ chế chính sách: Ngoài phần hỗ trợ giá giống các loại vật nuôi, cây trồng mới cho nông dân, cần mạnh dạn bổ sung phần hỗ trợ công chỉ đạo cho cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ ở thôn, xóm, những người không có lương, phụ cấp; bổ sung chế độ cho cán bộ thú y, khuyến nông ở cơ sở. Sớm xây dựng cơ chế dành một phần lợi nhuận từ đấu giá đất ở các xã cho việc xây dựng hạ tầng phục vụ nông nghiệp.
5. Củng cố và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, trước hết là củng cố 47 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp hiện có theo hướng giải thể 12 HTX đã ngừng hoạt động ở các xã Ngũ Thái, Hà Mãn, thị trấn Hồ để thành lập HTX theo quy mô toàn xã cho phù hợp với điều kiện những xã này. Bổ sung phương hướng sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, bồi dưỡng cán bộ cho các HTX còn lại, thành lập mới một số HTX chuyên ngành (dịch vụ bảo vệ thực vật, làm đất...) ở những nơi có đủ điều kiện giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho 98 tổ hợp tác với tổng số 17.270 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hoạt động có hiệu quả.
6. Phát huy sức mạnh tổng hợp để hướng được toàn bộ hệ thống chính trị vào việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đặc biệt chú ý cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ở nông thôn. Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong việc tập hợp hội viên, hướng dẫn, phát động các phong trào thi đua học tập các điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi trong nông dân./.
Ngành điện lực Việt Nam qua 55 năm xây dựng và trưởng thành  (23/12/2009)
Kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân  (22/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên