Nâng cao hơn nữa chất lượng lý luận và chính trị của Tạp chí Cộng sản *
TCCS - Từ khi Đảng ta ra đời, nắm chính quyền, cũng như trong quá trình phát triển của cách mạng qua các giai đoạn, Tạp chí Cộng sản với chức năng là công cụ tuyên truyền của Đảng cũng từng bước phát triển, phong phú dần lên. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, công cụ tuyên truyền với hệ thống báo chí các loại, dưới hình thức này hay hình thức khác, là tiếng nói muôn màu, muôn vẻ của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hệ thống đó, Tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam là những công cụ chủ yếu mà Đảng trực tiếp quản lý, lãnh đạo để thể hiện lập trường quan điểm của mình trong nội bộ Đảng cũng như trước công chúng. Vì vậy, đối tượng bạn đọc của Tạp chí Cộng sản là cán bộ, đảng viên, đồng thời cũng là công chúng nói chung. Các bài đăng trên Tạp chí không chỉ dành cho nội bộ mà mọi người đều có thể đọc và nghiên cứu; kể cả cho bạn đọc nước ngoài. Tạp chí Cộng sản là một trong những công cụ tuyên truyền, giáo dục trực tiếp chủ yếu của Đảng ta. Chúng ta phải nắm lấy công cụ này để truyền bá đường lối, chủ trương, chính sách và những quan điểm của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm lệch lạc; phổ biến những kinh nghiệm hay, những điển hình tốt trong cuộc sống xã hội trước nhân dân. Xét cả quá trình, Tạp chí đã có tác dụng như thế và thực tế những năm qua, vai trò của Tạp chí được thể hiện là tốt, có uy tín cả trong nước và cả ở nước ngoài. Có thể thấy, Tạp chí Cộng sản chững chạc, thể hiện được phong thái dân chủ, phản ánh những quan điểm chung trong cuộc sống và những kinh nghiệm phong phú của cuộc sống chứ không phải là tuyên truyền gượng ép. Khi không đọc, hoặc đọc sơ sài thì không thấy hay; nhưng khi làm việc, trong công tác thấy bí, chưa rõ hoặc có vướng mắc chỗ nào, được giới thiệu là vấn đề đó được đề cập ở Tạp chí Cộng sản số này hay số khác, tìm đọc mới thấy là rất quý. Có những bài của Tạp chí được Đài Phát thanh đọc, nghe mới thấy hay, thấy rõ và giải đáp được nhiều vấn đề trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Điều đó chứng tỏ, nội dung các bài trên Tạp chí của chúng ta không xa với thực tế cuộc sống mà nó bám sát thực tiễn, thể hiện yêu cầu của bạn đọc nhưng dưới sự chỉ đạo chung, theo tôn chỉ mục đích của Tạp chí, theo nhiệm vụ chính trị mà Đảng đã giao cho.
Chương trình ca múa nhạc "Mãi mãi niềm tin theo Đảng" kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức ngày 24-1-2015, tại Hà Nội
Tạp chí Cộng sản phải làm công tác tuyên truyền. Và là công cụ của Đảng nên phải tuyên truyền cho Đảng chứ không cho ai khác. Tạp chí Cộng sản phải tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học chứ không phải chỉ tham gia nghiên cứu khoa học. Người làm Tạp chí vừa là người làm báo, vừa là nhà lý luận chính trị lại cũng là nhà khoa học, cho nên chất của người làm Tạp chí Cộng sản cũng là chất nhà báo, chất nhà khoa học và chất nhà chính trị. Mỗi biên tập viên, phóng viên, người làm công tác ở Tạp chí Cộng sản phải làm sao để các mặt trên đều quyện vào nhau và đều được thể hiện trong tờ Tạp chí. Bản thân tôi, từ trước khi làm Thường trực, vào Ban Bí thư, Bộ Chính trị và đến bây giờ, thường xuyên đọc Tạp chí và đều luôn đánh giá cao Tạp chí Cộng sản.
Tôi nêu lại một số điểm chứ không phải là đánh giá toàn bộ vì đã có đánh giá chung, nhận định chung rồi. Như vậy, dứt khoát Tạp chí Cộng sản phải tồn tại và phát triển và chất lượng Tạp chí phải cao hơn. Nội dung chính trị, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, đòi hỏi chất lượng của Tạp chí phải không ngừng nâng cao hơn. Tạp chí Cộng sản phải bám sát thực tiễn cách mạng qua các thời kỳ, nhất là khi chúng ta chuẩn bị kết thúc thế kỷ XX và chuyển sang thế kỷ XXI. Xu thế thời đại như thế nào? Khu vực ra sao? Trong nước chúng ta sẽ diễn ra những gì và lúc đó đặt ra những vấn đề gì mà Đảng ta phải giải quyết? Cuộc sống diễn ra trong những năm đổi mới thế nào? Những chủ trương của Đảng đã được thể hiện ra sao, đạt được những gì, còn đang vướng mắc những gì và chúng ta phải xử lý thế nào để đất nước tiến lên, tiến mạnh hơn nữa?...
Do tầm vóc của các vấn đề lớn như vậy nên đòi hỏi chất lượng Tạp chí phải cao hơn để tham gia giải quyết, cắt nghĩa, lý giải. Chúng ta không thể nào coi nhẹ báo Nhân Dân và cũng không thể nào coi nhẹ Tạp chí Cộng sản. Việc có ra thêm tờ báo gì nữa không thì phải tính, nhưng vấn đề là 5 công cụ chủ yếu (Tạp chí Cộng sản, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam) phải nắm cho chắc, chất lượng cho tốt hơn và có sự hỗ trợ lẫn nhau. Tạp chí Cộng sản vừa làm công tác tuyên truyền, vừa cần người khác tuyên truyền cho mình. Tuyên truyền cho Tạp chí Cộng sản cũng có nghĩa là truyền bá những quan điểm của Đảng. Dù tác giả bài trên Tạp chí là ai đó thì cũng là phản ánh tiếng nói của Đảng. Cho nên các đồng chí đi truyền bá quan điểm của Đảng và các công cụ khác lại đi truyền bá Tạp chí của các đồng chí. Thế mới là quyện vào nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau và chỉ như thế thì chất lượng mới tăng lên.
Tình hình mới đòi hỏi chất lượng tuyên truyền ngày càng cao. Chúng ta chưa thể vừa lòng với những gì mà chúng ta đã đạt được, nói là đã đủ thì càng chưa phải! Ngay trên mặt trận lý luận của Đảng cũng chưa thể nói là đã đủ, còn bao nhiêu vấn đề của cuộc sống đã đặt ra mà các nhà lý luận chưa thể giải đáp được hết.
Trước mắt chúng ta là những vấn đề lý luận và thực tiễn rất lớn. Chính thực tiễn đặt ra vô vàn vấn đề mà lý luận phải giải đáp, và chỉ trên cơ sở đó, lý luận mới thực sự giữ vai trò dẫn đường; lý luận phải đi trước một bước. Trong nghiên cứu khoa học vấn đề lý luận và thực tiễn phải rất gắn với nhau. Tạp chí Cộng sản là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng thì dứt khoát phải nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn. Đi vào thực tiễn chúng ta sẽ thấy nhiều vấn đề chúng ta nêu ra có khi không sát thực tế, hoặc nhiều cái đề ra tưởng là đúng nhưng lại không thực hiện được.
Trong trao đổi, cần phải bám sát thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở như vậy phải có dự báo. Dự báo chung thì ở trên phải chỉ đạo. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương sẽ trao đổi cùng Tạp chí. Chúng ta đã làm báo, lại là lý luận chính trị và là người nghiên cứu khoa học, lại đi tổng kết thực tiễn thì bao giờ cũng phải có cái hiện tại và phải có cái dự báo. Chúng ta thường nói đến các thách thức gay gắt, nhưng gay gắt lớn nhất và diễn ra lúc nào, thời điểm nào, thời cơ ra sao thì chúng ta chưa dự tính được. Trong các thách thức hay 4 nguy cơ mà các Nghị quyết đã nói thì phải xác định nội dung của thách thức gay gắt nhất đã thể hiện chưa? Sẽ có cái đó không? Nếu có thì nó diễn ra vào thời điểm nào? Và như vậy chúng ta chủ động phòng tránh ra sao?
Các vấn đề lớn đó, đề nghị các đồng chí hết sức lưu ý và phải bám sát thực tiễn và có những dự tính, những dự liệu. Đã làm báo là làm chính trị, mà làm chính trị thì phải biết dự báo. Cái đã qua, cái hiện tại, và cái sắp tới sẽ xảy ra, chiều hướng nó diễn biến thế nào chúng ta cũng phải tính, cũng như người ta theo dõi thời tiết, theo dõi cơn bão vậy: Mắt bão ở đâu, chiều hướng nó phát triển đi vào đất liền hay không vào đất liền... Những vấn đề đó, các đồng chí phải biết chứ không phải chỉ có các nhà chiến lược chính trị mới làm việc này.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tham khảo các học giả nước ngoài, xem họ dự báo về chúng ta ra sao?
Bên cạnh mặt bằng chung, cũng cần lưu ý ở Tạp chí Cộng sản cũng có điểm khác bởi những người làm Tạp chí là những nhà khoa học, những nhà lý luận. Trí tuệ của những người làm Tạp chí Cộng sản có yêu cầu cao. Vì thế phụ cấp, chế độ phải bảo đảm cho thỏa đáng, và tìm cách giải quyết. Mặt khác, phải bảo vệ uy tín tờ báo Đảng, uy tín của người làm báo, uy tín của nhà chính trị. Đến thăm các đồng chí, tuy điều kiện còn khó khăn nhưng sinh hoạt rất văn hóa, cái gì thiếu sẽ dần bổ sung và kinh phí Đảng vẫn phải tiếp tục cấp đủ, có thể cao hơn cho Tạp chí Cộng sản, vì đấy là Tạp chí chính thống của Đảng. Phải bảo đảm cho Tạp chí Cộng sản đi vào lòng người, không phải bằng ép buộc mà bằng sự thuyết phục, không phải bằng một cách mà bằng nhiều cách. Phải giữ ổn định mức phát hành hiện nay rồi tìm cách đẩy lên nữa. Hiện nay, số cán bộ chưa đọc Tạp chí có nhiều nguyên nhân. Trong số đó, có người lười đọc. Nếu là đảng viên mà là cán bộ chủ chốt như bí thư, chủ tịch mà không đọc báo Đảng, Tạp chí Cộng sản là không được. Đây là việc phải nhắc nhở trong toàn Đảng và coi như một quy chế trong vấn đề học tập của đảng viên. Những cán bộ làm công tác Đảng trực tiếp từ cấp huyện trở lên thì phải đọc Tạp chí Cộng sản. Không đọc không được vì đó là vi phạm quy chế học tập của Đảng. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cần phải bổ sung vào quy chế đảng viên việc đọc và học báo, tạp chí của Đảng. Những bài quan trọng mang tính chỉ đạo hành động thì cần phải đọc, phải học để làm việc được tốt. Và như vậy, phải kiểm tra thường xuyên việc làm này. Về phần mình, Tạp chí Cộng sản cũng kiểm tra lại, xem chất lượng ra sao để hấp dẫn người đọc. Nhưng đã là cán bộ Đảng, dứt khoát phải đọc, ít ra là những bài quan trọng nhất, có tính chỉ đạo thực tiễn trong mỗi số Tạp chí để vừa nghiên cứu, vừa vận dụng trong thực tiễn công tác của mình, cần phải khắc phục bệnh lười học trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đa số ham học, ham đọc sách báo còn một số lười học, lười đọc. Không học, không đọc thì trí tuệ teo đi - nếu ham học, ham đọc thì trí tuệ, tư duy sẽ phát triển và mới có sức sáng tạo trong công việc. Không đọc không thể công tác tốt được, không thể làm lãnh đạo được, và làm công tác quản lý cũng kém. Cho nên, dứt khoát phải đọc và việc này phải đưa vào quy chế học tập của đảng viên.
Trong 5 công cụ truyền thông đại chúng lớn, trực tiếp của Đảng thì Tạp chí Cộng sản là công cụ rất quan trọng, mang tính lý luận, chính trị lớn nhất. Nó vừa là cơ bản, nhưng lại vừa có tính thời sự nóng hổi. Tạp chí Cộng sản phải giải đáp những vấn đề sinh động của cuộc sống; thể hiện quan điểm đường lối của Đảng được kịp thời hơn; trong đó có các bài lý luận, các bài chính luận để hướng dẫn dư luận, bạn đọc theo đúng hướng Đảng vạch ra. Bởi vậy, phải dứt khoát xây dựng Tạp chí Cộng sản được tốt lên. Kèm theo đó là chính sách, cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước phải được giải quyết. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, các cơ quan liên quan cần phối hợp bàn kỹ để có thể hỗ trợ Tạp chí làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình./.
---------------------------------------------
* Trích Bài phát biểu tại cuộc thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày 18-2-1998
Nâng cao chất lượng lý luận và tính chiến đấu của Tạp chí Cộng sản *  (31/07/2015)
Lý luận - một trong những công tác cực kỳ quan trọng của Đảng *  (31/07/2015)
Mấy vấn đề then chốt của công tác tư tưởng, lý luận*  (31/07/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm