Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức nhà nước
TCCSĐT - Đạo đức bắt nguồn từ lương tâm, lòng trắc ẩn của con người, là cái gốc làm người. Đạo đức cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không chỉ bắt nguồn từ lương tâm, lòng trắc ẩn, mà còn được Nhà nước quy định và thể chế hóa bằng pháp luật.
Xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức là công việc được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi trọng ngay từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong suốt 70 năm qua xuất phát từ đạo lý và cơ sở lý luận - thực tiễn sau:
1- Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều xuất thân từ nhân dân, được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mà ngân sách nhà nước lại chủ yếu là do nhân dân đóng thuế. Cho nên, xét về mặt đạo lý và lương tâm con người, cán bộ, công chức, viên chức tất phải yêu dân, kính trọng dân, thương dân, bảo vệ dân, vì dân phục vụ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong bầu trời không gì quý bằng dân; cán bộ là “công bộc của dân”, bởi vậy, việc gì có lợi cho dân dù nhỏ nhất cũng phải làm, việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng phải tránh.
Người xưa có câu “quan nhất thời, dân vạn đại”, hay “dân vi quý, xã tắc vi thứ, quân vi khinh”,… Những câu nói đó đều có hàm ý nhắc nhở các quan lại (kể cả vua chúa) khi đang tại vị chức quyền phải quý trọng, chăm lo cho nhân dân, chớ khinh thị, hách dịch, sách nhiễu dân, tham ô, tham nhũng tài sản của dân để rồi bị dân thị phi, xa lánh mà trở nên bi ai, cô quả.
2- Nhà nước ta hay bất cứ nhà nước dân chủ nào trên thế giới đều có các quy định pháp luật về đạo đức của đội ngũ làm công ăn lương của nhà nước, theo các tiêu chuẩn và nguyên tắc được xã hội thừa nhận. Các tiêu chuẩn và nguyên tắc đó của Nhà nước là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khách quan, trung thực, nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật; không ngừng học tập mở mang kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phụng sự đất nước được tốt nhất và đem lại lợi ích cho dân được nhiều nhất. Trong luật công vụ hay luật đạo đức công chức của nhiều nước trên thế giới, người ta dựa vào các tiêu chuẩn, nguyên tắc này để đào tạo, tuyển chọn, sàng lọc và phát triển đội ngũ công chức nhà nước nhằm đạt tới mục tiêu chất lượng, hiệu quả, chuyên nghiệp. Thời phong kiến ở nước ta, dưới triều đại vua Lê Thánh Tông, nhờ việc ban hành Bộ luật Hồng Đức mà triều đình đã trừng trị nghiêm khắc các quan lại tham nhũng, vô đạo và xây dựng được một đội ngũ quan lại có đức, có tài, góp phần làm cho đất nước phát triển yên bình, thịnh trị trong nhiều năm. Cho nên, sẽ là vô tâm, vô đạo và vô lý khi một cán bộ, công chức, viên chức của một nhà nước dân chủ như Nhà nước ta hiện nay lại có các hành vi cửa quyền, hách dịch, hà lạm công quỹ, tham nhũng, hối lộ, bòn rút tiền của nhân dân, coi thường pháp luật và ít chịu học hành.
Xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức không chỉ là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, mà còn phụ thuộc vào sự hợp tác, sự nỗ lực và tự giác của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong việc tu thân, rèn đức, không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, xã hội cũng như trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho bản thân.
3- Nhà nước ta đang trong quá trình tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, cho nên đạo đức cán bộ, công chức, viên chức phải là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Điểm giống nhau giữa người có đạo đức cách mạng với các tu sĩ, tăng, ni, môn đồ của Chúa Giê-su và Phật Thích Ca là ở chỗ, tu thân, dưỡng tính, cầu mong sự an lành và hành thiện, tránh ác; còn điểm khác nhau là ở chỗ, đạo đức cách mạng là đạo đức của những hành động cải tạo thực trạng cũ kỹ, lạc hậu để tạo dựng xã hội mới, văn minh, tiến bộ, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nguyên tắc chỉ đạo hành động của người có đạo đức cách mạng là: lý luận gắn với thực tiễn; lời nói gắn với việc làm; cách mạng gắn với khoa học; lợi ích cá nhân gắn kết hài hòa với lợi ích xã hội và sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho lý tưởng, dân tộc và đất nước. Muốn thực hiện được nguyên tắc đó, người có đạo đức cách mạng phải được trang bị những kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, hành chính, pháp luật, quản lý, an ninh, quốc phòng, đối ngoại,… Bởi vậy, có thể nói, những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức cách mạng của người cộng sản phải là những người có tinh thần học tập không ngừng để nâng cao kiến thức, hiểu biết cho bản thân, như V.I. Lê-nin từng nói: Người ta chỉ trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng những kiến thức mà nhân loại đã tạo ra. Trái lại, những cán bộ, công chức, viên chức ít chịu học hành để nâng cao nhận thức, hiểu biết thì chưa thật sự có đạo đức cách mạng và theo đó, tài năng, hiểu biết của họ cũng sẽ mai một, bất cập. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên nỗ lực, phấn đấu để đạt đến yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, tức là vừa có đức, vừa có tài, bởi theo Người, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức thì sẽ trở thành người vô dụng.
Xây dựng và nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức nhất thiết phải thường xuyên gắn với việc tự phê bình và phê bình để “tẩy rửa” “chủ nghĩa cá nhân” vị kỷ và thói quen vun vén, thủ lợi còn đeo bám trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế cho thấy, “chủ nghĩa cá nhân” là nguyên nhân, gốc rễ của các tệ nạn, hiện tượng tiêu cực trong bộ máy công quyền và khiến cho không ít cán bộ, công chức, viên chức sa lạc vào con đường hư hỏng, tội lỗi, bị kỷ luật, thải hồi, thậm chí bị vào tù. Sự suy thoái đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhân tố gây khó khăn, thiệt hại cho sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho nhân dân giảm sút niềm tin vào Nhà nước.
4- Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin từng phân tích vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Theo V.I. Lê-nin, thực chất của việc xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa là xây dựng đời sống văn hóa, văn minh, trong đó đạo đức cộng sản là giá trị cốt lõi. Sự đổ vỡ của chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô trước đây được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận đảng viên đảng cộng sản ở các cương vị lãnh đạo, khiến cho dân chúng bất mãn, mất niềm tin vào chế độ chính trị - xã hội mà họ từng kỳ vọng.
Lý luận về đạo đức cách mạng hay đạo đức cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô là những căn cứ, đồng thời là bài học thực tiễn để chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức ở nước ta hiện nay.
5- Đạo đức cán bộ, công chức, viên chức có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả, tiến độ thực thi chính sách, pháp luật nói chung và đặc biệt là đến quan hệ hợp tác quốc tế. Mức độ tin tưởng vào Nhà nước và việc thực hiện chính sách, pháp luật của người dân như thế nào một phần phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của họ về đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mỗi thái độ, lời nói, việc làm có lý, có tình của người cán bộ, công chức, viên chức khi tiếp xúc, giải quyết công việc, nhu cầu của người dân sẽ có tác dụng lôi kéo, khích lệ họ chấp hành chính sách, pháp luật. Ngược lại, người dân sẽ thất vọng, phản ứng, thậm chí đối phó, bất hợp tác và gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước. Trong quan hệ quốc tế, chúng ta có được sự đánh giá tốt đẹp của người nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam trước hết là do sự giao lưu, tiếp xúc của họ với những cán bộ, công chức, viên chức có đức, có tài. Ngược lại, sự kém đức, bất tài của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có thể sẽ trở thành cơ hội cho những kẻ xấu bên ngoài tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, trị an quốc gia.
6- Đạo đức cán bộ, công chức, viên chức còn là điểm tựa, là bản lề cho việc xây dựng văn hóa gia đình, đạo đức xã hội và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Vì mỗi con người là một thành viên của gia đình và mỗi gia đình lại là tế bào của xã hội, cho nên một xã hội đạo đức phải bao gồm trong nó các cá nhân và gia đình đạo đức. Một xã hội đạo đức chính là một dân tộc, quốc gia đạo đức - dân tộc, quốc gia đó sẽ có sức mạnh và phát triển bền vững. Từ cách suy diễn như vậy mới thấy đạo đức cán bộ, công chức, viên chức có sự ảnh hưởng, tác động rất lớn đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, xã hội đạo đức và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ sự trải nghiệm cuộc sống mà người ta thường thấy, những cán bộ, công chức, viên chức có đạo đức là những người có thể chất và tinh thần tốt, có gia đình văn hóa, có quan hệ xã hội và bạn bè tốt. Trái lại, những cán bộ, công chức, viên chức kém đạo đức thì không những tâm trạng và đời sống gia đình của họ thường bất an, mà việc thực thi công vụ, nghiệp vụ và pháp luật của họ cũng thường có sự sai lệch, thiếu sót, thậm chí gây oan sai, thiệt hại cho người dân.
Để đẩy mạnh xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, thiết nghĩ, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Một là, việc xây dựng đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trước hết phải dựa vào nhân dân, bởi như đã nói ở trên, cán bộ, công chức, viên chức đều từ trong dân mà ra, cho nên người dân biết rõ về họ. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra của Đảng và Nhà nước cần trực tiếp tổ chức lấy ý kiến, nhận xét của nhân dân kết hợp với các kênh thông tin có nội dung phản ánh của người dân để đánh giá đạo đức cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, duy trì và hoàn thiện cách thức lấy phiếu tín nhiệm đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó ở các cơ quan, đơn vị. Ý kiến phản ánh của người dân và kết quả bỏ phiếu tín nhiệm sẽ trở thành căn cứ để các cơ quan kiểm tra, thanh tra công khai đánh giá, xếp hạng đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và của cán bộ lãnh đạo, quản lý theo định kỳ hằng năm. Có như vậy, cán bộ, công chức, viên chức nói chung và nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý mới thực sự lắng nghe, thấu hiểu nhân dân và tự cảm nhận, đánh giá về bản thân để từ đó tu thân, rèn đức, chịu khó học hành, bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ cho mình.
Hai là, Nhà nước ta đã có những quy định về đạo đức cán bộ, công chức, viên chức trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thực thi pháp luật và giao tiếp với dân, nhưng các quy định này đang nằm rải rác, phân tán trong nhiều văn bản của các bộ, ngành khác nhau, bởi vậy, nên giao cho cơ quan chức năng thuộc hệ thống lập pháp phối hợp với các cơ quan hành pháp tập hợp các quy định đó lại, để trên cơ sở đó, chỉnh sửa, bổ sung, xây dựng một văn bản pháp luật mới, đó là Luật Đạo đức công vụ. Theo đó, tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề thuộc khu vực nhà nước đều phải căn cứ vào Luật Đạo đức công vụ để quy định một cách cụ thể, chi tiết về những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm, cũng như về hình thức, mức độ chế tài sự vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đối với các quy định đã ban hành.
Ba là, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục chú trọng kiện toàn các cơ quan có chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra về trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm cho các hoạt động đào tạo, tuyển chọn, đánh giá, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, đề bạt, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật,... đối với đội ngũ này theo các nguyên tắc: khách quan, công khai, công bằng, chính xác, đúng pháp luật./.
Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Giao thông - Vận tải lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (28/07/2015)
Việt Nam: 20 năm hợp tác, đồng hành và phát triển cùng ASEAN  (27/07/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên