TCCSĐT - Nằm ở miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc, Lạng Sơn là một trong những tỉnh có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Lạng Sơn đang rất nỗ lực khai thác thế mạnh của mình để tạo bước đột phá trong phát triển.

Phát triển Khu kinh tế cửa khẩu

Trong những năm gần đây, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đã có những bước phát triển rõ nét, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh.

Trên cơ sở xây dựng khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 1055/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 08-7-2010, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong phạm vi 394km2 được quy hoạch thành các phân khu chức năng gồm khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu hợp tác kinh tế biên giới. Cùng với quy hoạch là đầu tư vào hạ tầng cửa khẩu, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Giai đoạn 2011 - 2014, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, bình quân tăng 18,46%/năm. Ước tính cả giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 18,1%/năm. Dịch vụ - ngành thế mạnh của Khu kinh tế cửa khẩu - tăng trưởng bình quân 18,9%. Cơ cấu kinh tế trong Khu kinh tế cửa khẩu chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, công nghiệp và tăng dần thương mại, dịch vụ. Cụ thể, năm 2011, cơ cấu ngành nông nghiệp; công nghiệp - xây dựng; thương mại, dịch vụ là: 5% - 24,6% - 70,4%, đến năm 2014, tỷ lệ này là: 3,86% - 23,6% - 72,51%. Dự kiến năm 2015, tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp chiếm 3,5% (theo kế hoạch là 7,2%), công nghiệp - xây dựng chiếm 23% (kế hoạch 29,9%) và dịch vụ là 73,5% (kế hoạch là 62,9%). Trong cơ cấu chung của toàn tỉnh, tỷ trọng của Khu kinh tế cửa khẩu trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)(1) năm 2014 đạt 38,9%, năm 2015 ước đạt 40,8%. GRDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 3.318 USD, dự kiến năm 2015 đạt 3.400 USD bằng 125,9% so với kế hoạch (2.700 USD).

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiếp tục được đầu tư, xây dựng, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động thương mại, dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu không ngừng phát triển đồng đều cả về thương mại nội địa và xuất khẩu.

Hàng hóa bán buôn, bán lẻ phong phú, đa dạng về chủng loại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ giai đoạn 2011 - 2014 tăng bình quân mỗi năm 14,9% với mức thu năm 2011 là 4.417 tỷ đồng, năm 2014 là 9.568 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 10.550 tỷ đồng, bằng 70% số thu của toàn tỉnh, tăng 10,3% so với năm 2014.

Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý xuất, nhập khẩu, xuất, nhập cảnh, quá cảnh, bảo đảm thông thoáng cho lưu thông hàng hóa song song với đưa vào sử dụng các công trình phục vụ quản lý tại các cửa khẩu và trang bị các hệ thống quản lý, giám sát điện tử, tạo điều kiện thuận lợi và góp phần nâng cao năng lực thông quan tại các cửa khẩu, tăng nhanh kim ngạch xuất, nhập khẩu qua địa bàn, thu hút doanh nghiệp đến với Lạng Sơn nhiều hơn. Kết quả, kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng dần qua các năm và đạt mức tương đối cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giai đoạn 2011 - 2013 đạt trên 5,6 tỷ USD, năm 2014 đạt gần 2,9 tỷ USD, dự kiến lũy kế thực hiện đến hết năm 2015 đạt trên 11,5 tỷ USD, tăng hơn 3,9 lần so với kế hoạch (2,9 tỷ USD), bằng 92% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của toàn tỉnh.

Tổng lượng khách du lịch đến Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn từ năm 2011 đến năm 2015 ước đạt 10,2 triệu lượt người (trong đó khách quốc tế là 4,5 triệu lượt người). Doanh thu từ du lịch năm 2011 đạt 787 tỷ đồng, năm 2015 ước đạt 830 tỷ đồng, tổng doanh thu từ du lịch giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3.954 tỷ đồng.

Có thể nói, Khu kinh tế cửa khẩu phát triển đã góp phần tăng thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho lao động tại tỉnh và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế, như kết cấu hạ tầng còn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Việc huy động nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh do môi trường đầu tư chậm được cải thiện, thiếu sức hấp dẫn. Mặc dù có chính sách hỗ trợ ưu đãi để phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, nhưng việc thực hiện một số chính sách còn khó khăn do thiếu nguồn lực hoặc chưa đủ điều kiện để tổ chức triển khai. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tuy đã có những chuyển biến nhưng nhìn chung còn chậm. Sự phối hợp giữa một số cấp, ngành chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Năng lực, trình độ một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu cũng là cản trở không nhỏ trong quá trình phát triển.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài

Trong những năm qua, việc thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt nhiều kết quả, nhiều dự án FDI tại Lạng Sơn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tương đối tốt, có những đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh cũng như tạo việc làm cho lao động địa phương.

Là địa phương có hơn 230km đường biên giới, với 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn có điều kiện đẩy mạnh lưu thông, trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, đang phát triển sôi động và có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Trung bình số doanh nghiệp qua địa bàn Lạng Sơn tăng 5% đến 10% mỗi năm. Hiện nay có khoảng 2.000 doanh nghiệp thường xuyên chọn các cửa khẩu ở Lạng Sơn làm điểm thông quan.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 28 dự án có vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 224,671 triệu USD (21 dự án gắn với thành lập doanh nghiệp, 07 dự án không gắn với thành lập doanh nghiệp), trong đó có 16 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công, 02 dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp, 06 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, 04 dự án kinh doanh bất động sản, khách sạn, sân gôn.

Trong số các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gia công, có 08 dự án hoạt động ổn định, tiến độ thực hiện tương đối đạt so với kế hoạch đề ra. Hoạt động hiệu quả nhất là dự án chế biến chì thỏi, chì luyện kim của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ; dự án có số vốn đăng ký lớn nhất là dự án sản xuất lắp ráp ô-tô Dragon (hiện đang tiếp tục hoàn thành các công trình xây dựng để triển khai lắp đặt dây chuyền lắp ráp).

Hầu hết các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ đều hoạt động ổn định. Công ty liên doanh vận tải ô-tô Sơn Đức là doanh nghiệp hành nghề kinh doanh vận tải hành khách đường bộ bằng ô-tô, vận chuyển hành khách tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh,... kết quả hoạt động của công ty trong những năm qua tương đối tốt, chấp hành tốt chế độ chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bất động sản, khách sạn, sân gôn, như dự án của Công ty cổ phần quốc tế Lạng Sơn, ngoài các chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã tập trung đầu tư phần kết cấu hạ tầng và khu căn hộ thương mại, hoàn thành trên 80% giá trị xây lắp của khu nhà thương mại, với tổng giá trị khoảng 500 tỷ đồng (tương đương 25 triệu USD). Dự án Nam Hoàng Đồng I - Thành phố Lạng Sơn - (diện tích 57,17 ha) đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật như san nền, thi công đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp điện hạ thế, chiếu sáng. Đáng chú ý, tiến độ góp vốn, giải ngân của các dự án này đều bảo đảm thực hiện đúng tiến độ.

Trong Khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn, từ năm 2011 đến hết năm 2014, đã cấp được 27 dự án với tổng vốn đầu tư gần 1.412 tỷ đồng, trong đó có 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 99,9 tỷ đồng (tương đương 4,7 triệu USD). Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư đang đi vào nền nếp, khung pháp lý về đầu tư dần được bổ sung, hoàn thiện; vốn đầu tư dân doanh ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước; năng lực sản xuất mới được tăng cường, kết cấu hạ tầng được cải thiện, tạo được nhiều việc làm, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một số dự án đã được tập trung đầu tư đẩy nhanh tiến độ, bước đầu đưa vào vận hành khai thác như: nhà máy xi-măng Hồng Phong, nhà máy chế biến chì thỏi của Công ty cổ phần kim loại màu Bắc Bộ, nhà máy chế biến hạt mài Tân Mỹ, nhà máy sản xuất lắp ráp ô-tô Dragon,…Việc tạo môi trường đầu tư được tập trung chỉ đạo, công tác xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu được tổ chức tích cực với nhiều hình thức và hiệu quả ở cả trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đó, hoạt động của khối doanh nghiệp FDI trên toàn tỉnh nói chung và trong Khu kinh tế cửa khẩu nói riêng cũng đang gặp nhiều trở ngại trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời, việc thu hút các doanh nghiệp FDI của Lạng Sơn vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đặt ra.

Từ thực tiễn thu hút FDI ở Lạng Sơn, có thể nhận xét như sau:

Thứ nhất, thị trường bất động sản đóng băng, giá cả đi xuống, giao dịch trầm lắng, đã ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ sản phẩm của các dự án đầu tư vào bất động sản.

Thứ hai, các dự án FDI chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, chưa thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào các dự án có quy mô lớn sử dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm.

Thứ ba, diện tích mặt bằng sạch sẵn sàng để tiếp nhận các dự án đầu tư, nhất là ở vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch vẫn còn hạn chế. Chi phí bồi thường, chuẩn bị mặt bằng cho các dự án tương đối lớn, công tác tổ chức giải phóng mặt bằng còn khó khăn, phức tạp, kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư. Do khó khăn về thuê đất hoặc giải phóng mặt bằng, một số dự án đang phải tạm ngừng hoạt động, hoặc chưa đi vào sản xuất, như dự án của Công ty liên doanh kim khí Long Hải, dự án của Công ty TNHH Thực nghiệp Long Đằng,…

Thứ tư, tuy đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư của Trung ương trong việc tạo môi trường pháp lý bình đẳng, thông thoáng để thu hút FDI, nhưng biện pháp tổ chức thực hiện chính sách của tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, chưa kịp thời, chưa đầy đủ.

Thứ năm, kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu, các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị chưa thực sự tốt, chưa đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư lớn.

Thứ sáu, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, lực lượng lao động kỹ thuật lành nghề còn rất thiếu. Đó đang là thách thức lớn trong việc thu hút FDI. Công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Để thu hút FDI theo đúng mục tiêu, đáp ứng yêu cầu đặt ra, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra một số giải pháp, như: tiếp tục tăng cường công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh theo kế hoạch và tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia tổ chức trong nước và nước ngoài; đẩy mạnh việc quảng bá về cơ chế, chính sách, dự án gọi vốn đầu tư, môi trường đầu tư của tỉnh; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; có các giải pháp, biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án, nhất là đối với các dự án lớn. Đối với các dự án không có khả năng triển khai thực hiện, vi phạm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và không có lý do chính đáng sẽ tiến hành xem xét, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.

Khai thác thế mạnh là tỉnh có cửa khẩu quốc tế, cùng với sử dụng hiệu quả nguồn lực trong nước và vốn đầu tư nước ngoài sẽ đưa Lạng Sơn có những bước tiến mới, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước./.

--------------------------------------------

(1) GRDP được sử dụng cho cấp địa phương, phản ánh tổng sản phẩm trên địa bàn các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Từ 2015, theo quy định của Chính phủ, các địa phương chấm dứt việc đưa ra chỉ số GDP, thay vào đó là chỉ số GRDP.