Để cùng đồng bào Mông tìm lại thương hiệu cho chè Shan tuyết Suối Giàng
Thiếu nữ Mông đang hái chè cổ thụ
Ảnh: Đình Vũ |
Gắn bó bao đời cùng những cây chè hằng trăm năm tuổi, với phương pháp chăm sóc, thu lượm, chế biến hoàn toàn thô mộc, tự nhiên như tập quán, bản tính vốn có của mình, người Mông tại Suối Giàng đã tạo nên một thức uống kỳ diệu, nức tiếng khắp nơi. Đó là cây chè Shan tuyết. Đời sống đồng bào chủ yếu dựa vào cây chè làm kế sinh nhai, theo đó, cũng ngày càng cải thiện, tuy nhiên nhiều khó khăn vẫn còn gắn cùng những thăng trầm của chè Shan tuyết.
Báu vật của đất trời
Suối Giàng tự hào có những cây chè cổ thụ trên dưới nửa thiên niên kỷ, được xếp vào những cây chè thủy tổ của thế giới, đồng thời là nơi phát tán giống đến nhiều quốc gia trồng chè nổi tiếng khác. Tại 8 thôn của xã Suối Giàng hiện nay còn khoảng 84 nghìn gốc chè cổ thụ, có những cây đã trên 300 - 400 năm tuổi.
Rừng chè Suối Giàng trùng điệp, trải dài các sườn núi trên độ cao 1.300 mét so với mực nước biển, nhiều cây vòng tay người ôm không hết, thân chè xám hoa, rêu xanh phủ kín gốc, sần sùi, cổ kính như một bảo tàng của núi rừng. Chè xòe tán xanh thẫm, lá to, căng mọng, tôm dài, đầy đặn, phủ một lớp lông tơ mịn mỏng tang trắng màu tuyết trên nõn nên được gọi là chè Shan tuyết. Được mây mù bao phủ quanh năm, dân gian cho rằng, búp chè ngậm sương mù, hấp thụ tinh khí của đất trời đã tạo nên vị ngon có một không hai của chè Suối Giàng. Người Mông trồng chè ban đầu như một giống cây thuốc, qua nhiều thế hệ, chè Shan tuyết trở thành một biểu tượng thiêng liêng của đời sống tâm linh.
Chè được thu hái, sao bằng chảo gang trên bếp củi, khi pha nước chè sóng sánh màu vàng mật, có hương vị đặc trưng, đậm đà, mê hoặc lòng người. Đồng bào Mông tại Suối Giàng truyền tụng qua bao đời rằng: “Đây chính là món quà của Giàng (trời) trao gửi xuống”.
Cây chè không chỉ giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh, mà quan trọng hơn, nó chính là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định cuộc sống cho số dân gần 2.500 người (90% là đồng bào người Mông) tại xã Suối Giàng. Mỗi năm, nhân dân địa phương thu hái 6- 7 lần, tổng sản lượng búp tươi khoảng 300 tấn, đạt giá trị 15 tỉ đồng (với giá bán trung bình 5.000 đồng/kg). Tuy nhiên, khi thâm nhập vào nền kinh tế thị trường, chè Shan tuyết phải gánh chịu những tác động không thuận lợi, đặc biệt là sự lên xuống thất thường của giá cả, đầu ra thiếu ổn định, tập quán canh tác cũ có nhiều bất cập hoặc không đáp ứng được yêu cầu sản xuất hàng hóa, năng lực hạn chế của một số công ty chế biến... Sự cộng dồn của các yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, thương hiệu chè, cũng như đời sống người dân nơi đây.
Những thăng trầm của cây chè Shan tuyết
Sản phẩm chè Shan tuyết nức tiếng một thời. Vào giữa thập niên 90 của thế kỷ XX, khi mới được đầu tư sản xuất hàng hóa, chè Suối Giàng thành phẩm được bán với giá hàng trăm nghìn đồng/kg, song cung vẫn không đủ cầu, việc tiêu thụ không chỉ trải rộng khắp cả nước mà còn thâm nhập ra thị trường ngoài nước. Thứ thức uống riêng có, đặc sắc của đồng bào người Mông trở thành một món quà giá trị, làm say đắm du khách thập phương, đồng thời nó cũng tạo sức hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tâm huyết vào đầu tư sản xuất tại đây. Một thời, thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng, mặc dù chưa đăng ký chính thức, song đã ngự trị một cách tự nhiên trong lòng người tiêu dùng.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của chè Suối Giàng, cũng là lúc những cung cách làm ăn kiểu “ăn sổi ở thì” dần làm mai một thương hiệu chè đã được dày công gây dựng này. Sau khi Công ty Chè Yên Ninh giải thể, Nhà máy Chè Suối Giàng được bàn giao lại cho Công ty Chè Văn Hưng - một doanh nghiệp chè mạnh nhất của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, trái với mong đợi của nhiều người, chất lượng sản phẩm chè xanh của Suối Giàng ngày một đi xuống, mặc dù Công ty đã nỗ lực, song với việc sản xuất tràn lan, không kiểm soát nổi của rất nhiều cơ sở, thậm chí cả hộ gia đình; tình trạng tranh mua, tranh bán, lũng đoạn thị trường của tư thương; nạn “chè vàng” thu gom hỗn độn nguyên liệu không chọn lọc; tình trạng chè cổ thụ bị đào gốc một cách tàn nhẫn đem bán làm cây cảnh... Thật giả lẫn lộn, hàng nghìn tấn chè không rõ xuất xứ, chất lượng kém, bám víu vào thương hiệu Shan tuyết, trôi nổi trên thị trường đã làm chè Suối Giàng dần mất chỗ đứng.
Hiện nay, tại xã Suối Giàng, đặt sát vùng nguyên liệu, chỉ có một nhà máy chế biến của Công ty Chè Văn Hưng. Nhà máy cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với tư thương, dẫn đến không chủ động quản lý được chất lượng chè nguyên liệu, xảy ra hiện tượng chè búp tươi bị dập nát, ôi ngốt, không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật. Căn cốt tạo nên hương vị đặc biệt của chè Suối Giàng quan trọng chính là cách thức thu hái, chế biến truyền thống, song trong điều kiện sản xuất hàng hóa, cách thức trên đòi hỏi phải được gìn giữ trong sự đan cài với những quy trình kỹ thuật ngặt nghèo. Tuy nhiên, phương cách thu hái, chăm sóc và bảo quản búp tươi khi đưa đến nhà máy của người dân hạn chế, việc thu hái chạy theo thị trường nên không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng tự nhiên của cây chè.
Đặc biệt, năng lực tài chính hạn chế dẫn đến tiền thu mua của nhà máy chưa đáp ứng kịp thời cho người trồng, giá thu mua còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt nên không theo kịp thị trường. Hệ quả những khó khăn trên là, Nhà máy Chè Suối Giàng dự kiến tiêu thụ 270 tấn chè búp tươi trong năm 2007, với giá bình quân 5.000 đồng/kg, song đến cuối niên vụ chỉ thu mua được 80 tấn, đạt gần 30% kế hoạch. Trước những vướng mắc về đầu ra cho sản phẩm, Suối Giàng đã thành lập hợp tác xã thu mua một phần nguyên liệu cho bà con, do chính các đồng chí lãnh đạo xã với tâm huyết của mình đi tiên phong đóng góp cổ phần. Mặc dù quy mô còn nhỏ song mô hình này là một hướng đi đúng, góp phần đưa việc sản xuất chè Suối Giàng trở lại với trật tự, sự ổn định vốn có.
Những khó khăn trên là nguyên nhân lý giải, mặc dù sở hữu “một báu vật của đất trời”, song đồng bào người Mông ở Suối Giàng hiện nay vẫn còn nghèo.
Năm 2007, thu nhập bình quân mới đạt 3,2 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của xã mặc dù đã giảm, song vẫn chiếm tỷ lệ cao: trên 43% tổng số hộ toàn xã. Những biến động về sản xuất chè ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người Mông, bởi trên 60% thu nhập của đồng bào là từ cây chè. Do đó, tìm hướng đi để giữ và phát huy thương hiệu chè Shan tuyết, đặt trong chiến lược chung phát triển Suối Giàng thành một khu du lịch sinh thái, văn hóa lớn, mang ý nghĩa và vai trò quan trọng.
Giữ vị trí hạt nhân trong chiến lược phát triển
Năm 2007, tỉnh Yên Bái đã công bố quy hoạch khu du lịch sinh thái Suối Giàng có tổng mức đầu tư khoảng 118 tỉ đồng, với kỳ vọng Suối Giàng sẽ trở thành một điểm du lịch, đầu tư lớn và hấp dẫn. Theo đó, mọi hoạt động nhằm nâng cao vị thế của địa phương, cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào người Mông tại đây đều có liên quan và xoay quanh “hạt nhân” là cây chè Shan tuyết. Đầu tư trồng, phát triển và bảo tồn giống chè đặc sản; xây dựng nhà máy chế biến với công nghệ tiên tiến cho sản phẩm chất lượng cao; hệ thống nhà nghỉ đơn tọa lạc ngay tại các nương chè với kiến trúc mang đậm bản sắc dân tộc Mông... sẽ là những điểm nhấn làm thay đổi diện mạo của Suối Giàng trong tương lai không xa.
Trong mục tiêu chung của ngành chè huyện Văn Chấn đến năm 2010, trồng mới 500 ha chè Shan tuyết thâm canh tại các xã vùng cao, xã Suối Giàng tiếp tục giữ diện tích chè cổ thụ đã có, đồng thời trồng bổ sung 40 ha trong năm 2008 theo cách mới: trồng rạch, nhằm tăng sản lượng búp tươi lên trên 400 tấn. Phương pháp trồng mới được phổ biến, huấn luyện, hướng dẫn trực tiếp, “cầm tay chỉ việc” tới người dân. Hình thành những vùng nguyên liệu chất lượng, diện tích lớn là mục tiêu Suối Giàng quyết tâm thực hiện, song quan trọng hơn là phải xây dựng được những nhà máy chế biến quy mô, hiện đại gắn với vùng nguyên liệu. Trong lộ trình phát triển của mình, huyện Văn Chấn có kế hoạch xây dựng mới hoặc liên kết các nhà máy đơn lẻ để hình thành tập đoàn sản xuất, kinh doanh chè thật sự mạnh, tập trung hướng vào xuất khẩu. Đó là hướng đi đúng đắn, mang tầm chiến lược. Nếu được thực hiện đây sẽ là tiền đề cho sự phát triển của ngành chè Văn Chấn nói chung, chè Shan tuyết của Suối Giàng nói riêng.
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, điều chỉnh tập quán canh tác truyền thống của người dân nhằm bảo đảm thu hái đúng kỹ thuật, nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng búp tươi cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tổ chức tốt mạng lưới thu mua, thực hiện nghiêm túc hợp đồng với giá cả linh hoạt, hợp lý, tạo sự thống nhất với người dân. Có cơ chế cho vay để giúp các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và quay vòng sản xuất. Việc xây dựng, củng cố, phát triển thương hiệu chè Suối Giàng cũng cần được thực hiện trên nền tảng của chất lượng sản phẩm, thông qua việc tăng cường đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến, kiên quyết kiểm soát tình trạng sản xuất tràn lan.
Vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đầu tư hợp lý, cách làm khoa học đối với một giống cây trồng giữ vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chè Shan tuyết Suối Giàng sẽ tìm lại được thương hiệu của mình, lấy lại vị trí đã từng ngự trị trong lòng người tiêu dùng, qua đó góp phần nâng cao đời sống của đồng bào người Mông gắn bó với cây chè trên đỉnh cao 1.300 mét ở Văn Chấn, Yên Bái./.
Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam 2008  (17/12/2008)
Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Những bước đi cứu trợ  (17/12/2008)
Huy động sức mạnh tổng hợp để ngăn chặn suy giảm kinh tế  (17/12/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-12 đến 14-12-2008)  (15/12/2008)
Thủ tướng mới của Thái Lan  (15/12/2008)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên