Kỳ tích Đại thắng mùa Xuân năm 1975 qua đánh giá của Mỹ và phương Tây
TCCSĐT - Dấu ấn kỳ tích Đại thắng Xuân 1975 của dân tộc ta đến nay đã trải qua 40 năm, các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc giá trị của chiến công chói lọi mang tầm vóc thời đại này. Song, đối với không ít người Mỹ thì “hội chứng Việt Nam” vẫn chưa có hồi kết, vẫn còn đang âm ỉ, nhức nhối…
Một cuộc chiến tranh vô nghĩa đã cướp đi 58.195 sinh mạng quân Mỹ(1), mà mỗi khi đi qua “Đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam” ở Washinton, nhiều người dân Mỹ chưa thể tìm ra lời giải đích thực những quân nhân này đã chết vì ai? vì cái gì? có phải vì nền dân chủ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ?! và “Vì sao nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới về quân sự và kinh tế lại thất bại ở Việt Nam?”.
Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến thất bại nặng nề nhất trong lịch sử gần 200 năm của nước Mỹ (tính đến năm 1975), có những quan điểm và sự tiếp cận khác nhau. Đối với những kẻ hiếu chiến thì hằn học rằng: nhà cầm quyền đương thời của nước Mỹ không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh để biến miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá!”. Có những chiến lược gia Mỹ lại bao biện cho thất bại cay đắng rằng, do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường châu Á xa xôi, đầy cạm bẫy, khổ hạnh...
Nhưng cũng có không ít người quyết lần tìm sự thật về cuộc chiến tranh ở Việt Nam để trả lời cho câu hỏi “Vì sao Mỹ thất bại cay đắng ở Việt Nam”. Điển hình đó là Mắc Na-ma-ra, cựu Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời các Tổng thống Mỹ L. Giôn-xơn và R. Ních-xơn. Trong cuốn hồi ký “Nhìn lại quá khứ: Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, do Nhà xuất bản Random House (Mỹ) cho ra mắt tháng 4-1975, Mắc Na-ma-ra đã công khai thừa nhận: “chúng tôi (tức Chính phủ Mỹ) đã sai lầm, sai lầm khủng khiếp”. Đây là lời thú nhận thất bại cay đắng chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Các chính phủ đương thời ở Mỹ đã có những đánh giá sai lầm và rất thiếu hiểu biết về lịch sử, văn hóa, chính trị ở Việt Nam; vì thế đã đẩy nước Mỹ sa lầy trầm trọng vào một cuộc chiến tranh phi nghĩa, với một kết cục tất yếu là đại bại thê thảm.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra nêu ra 11 nguyên nhân gây ra thảm bại nặng nề cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, trong đó có sai lầm “đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó”(2). Ông ta thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân và lý giải, xét cho cùng, thất bại cay đắng của nước Mỹ nảy sinh từ bản chất cuộc chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của Mỹ; từ việc không nhận thức được sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam, được nhân lên gấp nhiều lần, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam chứng tỏ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là “một sai lầm ngớ ngẩn ghê gớm, con đẻ của một hỗn tạp kỳ quặc giữa sự hoang đường và tính kiêu ngạo, mù quáng đối với lịch sử, sự tin tưởng ngây thơ về vai trò quyền lực đứng đầu trên quả đất. Hoa Kỳ đã sử dụng những giải pháp quân sự cho những vấn đề chủ yếu là chính trị và văn hóa. Đây là một cuộc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai lầm, ở một thời gian sai lầm, cho những lý lẽ sai lầm”(3).
Về sự thất bại của Mỹ trong việc huy động một lực lượng lớn tiềm lực kinh tế và quân sự trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng không khuất phục được một dân tộc anh hùng, Tướng Mắc-xoen Tay-lơ, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, cũng thừa nhận: “Sức mạnh không quân là một sự yểm trợ, nhưng nó không thể quyết định việc chặn đứng những con người kiên quyết chiến đấu trên mặt đất… Chúng tôi đã không đánh giá đúng tinh thần cực kỳ kiên quyết và đức tính hy sinh vì sự nghiệp của người dân Việt Nam”(4). Đó là sự thừa nhận đầy thuyết phục những nguyên nhân thất bại mà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc Na-ma-ra đã nêu ra.
Khi nghiên cứu về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, nhiều nhà chiến lược quân sự phương Tây có quan điểm thống nhất: “Tinh thần ái quốc là sức mạnh lớn nhất của dân tộc Việt Nam”, và cho rằng: “Kẻ thù của đất nước này đã không thấy được sức mạnh đó”... Do đó, họ đã phải chịu “sự thất bại lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ”. Chính W.Oét-mo-len, nguyên Đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam những năm 1964 - 1968, trong hồi ký của mình đã phải thú nhận: “lịch sử rất có thể đánh giá rằng nhảy vào Việt Nam là một trong những sai lầm lớn nhất của đất nước Mỹ”(5).
Đúng vậy, sai lầm lớn nhất của Mỹ là không thấy được một dân tộc Việt Nam luôn luôn khát vọng hòa bình, tự do và hạnh phúc; một dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm. Vì sự tồn vong của dân tộc, vì nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng đối với quốc tế mà toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đã buộc phải cầm súng quyết chiến đấu và quyết chiến thắng kẻ thù hung hãn nhất của thời đại trong thế kỷ XX.
Năm 1999, Nhà xuất bản Greenwood Press (Mỹ) phát hành cuốn “Từ điển Lịch sử của những năm 1970”, trong đó có đề cập sâu sắc về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, với nội dung: Đối với đa số người Việt Nam, sau hàng nghìn năm chiến đấu chống các lực lượng ngoại xâm, người Mỹ đơn giản là sự hiện diện mới nhất của ngoại bang trên đất nước Việt Nam; “Họ (nước Mỹ) đã góp nên sức mạnh cho phong trào yêu nước mãnh liệt do Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo, với uy tín trong nhân dân… và đã đạt được sự ủng hộ rộng rãi của đa số nhân dân. Cuộc chiến này, do đó, mang tính dân tộc rất cao: Ý chí độc lập và thống nhất đất nước đã trở thành yếu tố quyết định giúp những người cộng sản thắng lợi chứ không phải là nhờ vào hệ tư tưởng hay ưu thế quân sự của họ để làm nên chiến thắng”. Nhà sử gia Xtan-li Các-nâu (Stanley Karnow) là một trong số ít phóng viên Mỹ có mặt ở Việt Nam từ đầu đến khi quân và dân Việt Nam làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã viết: “Sai lầm xuất phát từ sự không hiểu biết gì về lịch sử Việt Nam, một lịch sử dài và đau đớn những cuộc chiến, những xung đột và điều chỉnh đã tạo cho người Việt Nam một ý thức sâu sắc về dân tộc họ. Cũng những xung đột và điều chỉnh ấy đã làm nên một đảng tiên phong bản lĩnh và trí tuệ, luôn biết đổi mới kịp thời vào những thời điểm quyết định với nỗ lực và kỳ vọng được đồng hành cùng đất nước”(6).
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã khép lại cánh cửa chủ nghĩa thực dân mới, làm tiêu tan bao mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch hòng thôn tính, đô hộ, nô dịch, ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam. Năm tháng chiến tranh rồi cũng sẽ qua đi, song các nhà chiến lược Mỹ đã can dự vào cuộc chiến tranh Đông Dương nói chung, chiến tranh Việt Nam nói riêng không thể nào biện minh được sự thảm bại cay đắng của một cường quốc đế quốc trước một đội quân “nhà nghèo” (theo cách nói của họ). Nếu như Hen-ry Kít-xing-giơ, nguyên cố vấn Nhà Trắng bàng hoàng không hiểu “cái gì đó đã nhen lên trong dân tộc đó những ngọn lửa anh hùng và nghị lực như vậy”; thì tướng Mắc-xoen Tay-lơ, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn phải chua chát thừa nhận: “Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam, và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này, mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”(7).
Lịch sử chiến tranh thế giới vẫn hiển hiện và lưu truyền mãi một bức tranh ảm đạm đối với nước Mỹ trong những ngày tháng Tư năm 1975. Một đất nước tự xưng hùng mạnh nhất thế giới đem quân đi xâm lược một quốc gia độc lập, có chủ quyền, lại kém mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế và quân sự, thì làm gì có anh hùng trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, đầy man rợ đó. Để góp phần bóc trần sự thật tại sao Mỹ không thể thắng ở Việt Nam và kết quả của cuộc chiến đã ảnh hưởng đến nước Mỹ như thế nào, chúng ta hãy đọc thêm vài nhận định của người Mỹ. Trong cuốn sách “Việt Nam, ngày nay” (“Vietnam, Now”), Đa-vít Lam (David Lamb) viết: “Sai lầm lớn của người Mỹ là không hiểu lịch sử, văn hóa và trạng thái tâm lý đặc trưng của Việt Nam. Họ quá tin chắc vào sức mạnh quân sự sẽ thắng cuộc chiến, không bao giờ buồn để ý đến chuyện tìm hiểu là họ chiến đấu với ai... Mỹ đã tới Việt Nam để xây dựng nhưng rút cuộc là phá hủy. Mỹ tới rừng rú Việt Nam để chiếm lòng dân, nhưng trong cuộc chiến lâu dài nhất - cuộc chiến đầu tiên mà Mỹ thất trận - đã khám phá ra rằng những dụng cụ chiến tranh không thể thay thế cho sinh khí của tinh thần quốc gia (của người dân Việt Nam”(8). Nhà sử học Mỹ Mai-cơn Mắc Li-a đã khắc họa một trong những nguyên nhân tạo nên sức mạnh vô địch của nhân dân Việt Nam để đi đến thắng lợi cuối cùng trong mùa Xuân lịch sử 1975, đó là: “Lịch sử phải đánh giá họ (người Việt Nam) cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người”(9). Những người Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược khi nghe tin Việt Nam đại thắng đã coi thắng lợi của nhân dân Việt Nam là “thắng lợi vô song của lòng yêu nước và trí tuệ con người đối với máy móc”; họ ca ngợi “trí tuệ Việt Nam tỏ ra hơn hẳn bộ óc điện tử Mỹ”…
Trong tác phẩm “Giải phẫu một cuộc chiến tranh” xuất bản tại Niu-Oóc (Mỹ) năm 1985, Giáo sư Sử học, Tiến sĩ Triết học Mỹ Ga-bri-en Côn-cô (Gabriel Kolko) đã chỉ ra nguyên nhân tạo nên sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược, được khơi dậy từ “Đường lối quần chúng và sự động viên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tỏ ra là một phương pháp rất có hiệu quả…”; Ông rút ra nhận xét: “Ngoài những chiều cạnh về thể chất và về quân sự rất đặc biệt của Việt Nam, kẻ thù đó của Mỹ còn có những vốn quý về chính trị và về tri thức rất nguy hiểm cho Mỹ bởi vì phương pháp luận sáng tạo của cách mạng có thể áp dụng không phải chỉ ở Việt Nam mà còn ở khắp nơi khác nữa. Mỹ đã chọn nhầm một nước để thử lòng tin của mình”(10). Ga-bri-en Côn-cô còn lý giải chiến thắng của quân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử chống Mỹ xâm lược, ngoài tính chất ưu việt của chế độ xã hội chính trị được thể hiện qua việc tổ chức và tiến hành chiến tranh, huy động toàn dân, toàn lực để giành chiến thắng; còn một yếu tố cực kỳ quan trọng đó là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy dân chủ, thân thiết đối với binh sĩ của mình như người cha, người anh, người bạn; họ quan hệ với nhau như anh em trong một gia đình. Điều này trái hẳn với quân đội nhà nghề Mỹ trong tham chiến trên các chiến trường Việt Nam.
Khẳng định giá trị, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975, chúng ta cũng đồng thời đấu tranh phê phán mọi luận điệu xuyên tạc lịch sử về chiến thắng vĩ đại này với những thiên kiến lệch lạc, những ác ý thâm độc của các thế lực thù địch và cả những ngộ nhận, mơ hồ trong sự nhìn nhận, đánh giá lịch sử thiếu khách quan, cụ thể. Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách Mỹ đến nay vẫn cố tình che giấu sự thật, đưa ra nhiều lý lẽ biện minh cho âm mưu, thủ đoạn đen tối của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Nhưng cũng chính những người Mỹ đã bóc trần sự thật này; trong đó có E-uyn Knon (Ezwin Knoll), một nhà báo chuyên theo dõi về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông đã dày công sưu tập hơn 7.000 tài liệu của Lầu Năm Góc, trong số đó phần lớn là tài liệu tuyệt mật liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Trên cơ sở những nguồn tài liệu chân thực, E-uyn Knon đã xuất bản cuốn sách “Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ”, gây tiếng vang lớn trong xã hội Mỹ (11). Trong cuốn sách này, tác giả đã vạch rõ dã tâm xâm lược Việt Nam với những thủ đoạn chiến tranh hết sức tàn bạo, thể hiện bản chất hiếu chiến, phi nghĩa, vô nhân đạo của chủ nghĩa đế quốc; đồng thời, chỉ rõ Mỹ đã vấp phải ý chí quật cường, sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, với nghệ thuật tổ chức và lãnh đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất bại nặng nề nhất của Mỹ trong lịch sử đưa quân tham chiến ở nước ngoài ./.
------------------------------------------
(1) Theo số liệu của Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ (US Army Center of Military History, Washington DC), 1995.
(2) Mắc Na-ma-ra: Nhìn lại quá khứ - Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 316.
(3) J. S. Olson, Q. Robert, Where the domino fell, America and Vietnam, St Martin’s press, New York, 1996, p. 286.
(4) Sức mạnh Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 181.
(5) W.Oét-mo-len: Tường trình của một quân nhân (Hồi ký) Nxb. Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 1988, tr. 158.
(6) Stanley Karnow: Tác phẩm “Vietnam A History” của ông là một cuốn sử về nước Việt Nam hiện đại, trọng tâm là cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam, được giải thưởng Pulitzer danh giá của báo chí Mỹ và đã có hơn một triệu bản được phát hành. Ngoài tác phẩm này, Stanley Karnow còn tham gia tư liệu cho bộ phim tài liệu nổi tiếng “Việt Nam - một thiên lịch sử bằng truyền hình”.
(7) Báo Mỹ “Sao và vạch”, ngày 14-5-1975.
(8) David Lamb: Vietnam, ngày nay (“Vietnam, Now”), Nxb. Public Affairs, New York, 2002, tr. 91.
(9) Maicơn Mắc Li-a: Việt Nam - Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 231.
(10) Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 313, tr. 204.
(11) Xem: Ezwin Knoll: Cuộc chiến bịp bợm của Mỹ, Nxb. Washington DC, 9-1991
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh  (29/04/2015)
Chủ tịch nước dự kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại Long An  (29/04/2015)
"Đại thắng mùa Xuân có đóng góp to lớn của Hậu Giang anh hùng"  (29/04/2015)
Gặp mặt các đại biểu tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris về Việt Nam  (29/04/2015)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào gửi điện mừng nhân kỷ niệm 30-4  (29/04/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên