TCCSĐT - Ngày 12-9-2009, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã đọc Thông điệp Liên bang lần thứ hai trước lãnh đạo hai viện Quốc hội, chính quyền hành pháp Liên bang, các khu vực, lãnh đạo các chính đảng và tổ chức xã hội ở Nga. Trong đó, đề cập đến nhiều vấn đề, từ các biện pháp khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu ở Nga tới chủ trương hiện đại hoá nền kinh tế và quân đội Nga...

Một cách làm chưa có tiền lệ

Để chuẩn bị cho bản Thông điệp Liên bang lần thứ hai, hồi tháng 9-2009, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã cho đăng bài viết mang tựa đề “Nước Nga tiến lên phía trước!”, trong đó ông trình bày dự thảo nội dung của bản thông điệp lần này và kêu gọi mỗi công dân Nga hãy tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến về sự phát triển của nước Nga, về những vấn đề bức xúc cũng như đề xuất sáng kiến cá nhân. Trang web của Chính phủ Nga đã nhận được 16 nghìn ý kiến góp ý của các cá nhân và tổ chức; Văn phòng Tổng thống cũng nhận được 35 nghìn bức thư từ 142 triệu công dân Nga. Khi chuẩn bị nội dung cho bản Thông điệp Liên bang lần thứ hai, những ý kiến đó của các công dân Nga đã được các cơ quan giúp việc của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nghiên cứu tiếp thu.

Chủ đề được quan tâm nhất trong bản Thông điệp là vấn đề “hiện đại hoá”, bởi Tổng thống Đ.Mét-vê-đép đã nhắc lại từ “hiện đại hoá” tới 20 lần trong bản Thông điệp khi nói về sự phát triển của nước Nga. Theo ông, kinh tế và công nghệ của nước Nga vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu dưới thời Liên Xô trước đây. Vì thế, ông đã nói khá nhiều về các chủ đề “phát triển đổi mới”, “nền kinh tế thông minh”, “tri thức độc nhất vô nhị”, v.v.. Tuy nhiên, điều gây ngạc nhiên cho những người tham dự lại chính là đề xuất của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép về việc giảm bớt số múi giờ sử dụng trên lãnh thổ nước Nga. Hoá ra, nước Nga nằm trong không gian địa lý có tới 11 múi giờ, gây khó khăn cho sinh hoạt đời sống và quản lý đất nước. Không một chuyên gia phân tích chính trị nào lường trước được rằng, chủ đề “múi giờ” cũng được Tổng thống quan tâm. Riêng chủ đề này chưa được đề cập tới trong bài báo “Nước Nga tiến lên phía trước!” mà Tổng thống Đ.Mét-vê-đép coi là “bản thảo” của Thông điệp Liên bang lần thứ hai.

Một số nội dung cơ bản của Thông điệp Liên bang lần thứ hai

Về tình hình chính trị: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép giao cho Chính phủ đến năm 2010 soạn thảo tiêu chí đánh giá hiệu quả của các cơ quan hành pháp Liên bang ở Bắc Cáp-ca và sẽ bổ nhiệm một người chuyên trách tình hình ở khu vực này. Điều này chứng tỏ, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép không hài lòng với tình hình chính trị và kinh tế - xã hội ở Bắc Cáp-ca. Ông nêu bật tình hình phức tạp tại khu vực Cáp-ca và những biện pháp ưu tiên mà Nhà nước Nga dành cho khu vực này trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng là chống khủng bố, ổn định tình hình chính trị - xã hội, bảo đảm an ninh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Về tăng cường sức mạnh quân sự: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, các lực lượng vũ trang Nga cần được tăng cường hiện đại hóa trong năm 2010 bằng các loại vũ khí trang bị tiên tiến nhất, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trong tình hình hiện nay cũng như trong tương lai. Theo hướng đó, năm 2010, các lực lượng vũ trang Nga sẽ được trang bị hơn 30 tên lửa đường đạn cơ động xuyên lục địa đặt trên đất liền và trên các tàu ngầm, trong đó có hệ thống tên lửa Topol-M được đánh giá là hiện đại nhất thế giới và đang là “đối tượng” được phía Mỹ đặc biệt chú ý trong các cuộc đàm phán để ký kết Hiệp ước START mới vào cuối năm 2009; 5 tổ hợp tên lửa Iskanderôics, với tính năng chiến - kỹ thuật được đánh giá là “độc nhất vô nhị” trên thế giới; gần 300 xe tăng - xe bọc thép thế hệ mới; 30 máy bay lên thẳng chiến đấu; 3 tàu ngầm nguyên tử và 11 phương tiện vũ trụ.

Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho rằng, Nga cần duy trì sự cân đối giữa xuất khẩu vũ khí và việc đưa vũ khí vào trang bị cho quân đội cũng như xây dựng hệ thống đặt hàng. Hiện nay, đã qua rồi thời kỳ các xí nghiệp quốc phòng của Nga tồn tại được là nhờ xuất khẩu vũ khí. Giờ đây, nhu cầu vũ khí của các lực lượng vũ trang Nga là rất lớn và tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga cần nỗ lực tham gia hiện đại hoá quân đội.

Về chính sách đối ngoại: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép khẳng định, chính sách đối ngoại của Liên bang Nga là chính sách thực tế và phải nhằm góp phần thực hiện chính sách đối nội. Liên bang Nga ủng hộ xây dựng trật tự thế giới đa cực, trong đó vai trò trọng tâm thuộc về Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng. Liên bang Nga luôn sẵn sàng tham gia giải quyết hòa bình các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, tiến trình hòa bình Trung Đông, ủng hộ việc soạn thảo và thông qua hiệp ước mới về an ninh châu Âu.

Về hiện đại hoá nền kinh tế và công nghệ: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép nhấn mạnh, trong thế kỷ XXI, nước Nga cần hiện đại hoá toàn diện dựa trên các giá trị và các thể chế dân chủ. Thay vì một nền “kinh tế tài nguyên”, Liên bang Nga sẽ xây dựng một nền kinh tế “thông minh” sản xuất ra tri thức mới, sản phẩm mới, công nghệ mới phục vụ cuộc sống con người. Theo hướng đó, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã xác định 5 hướng chiến lược hiện đại hoá công nghệ, gồm: 1. Kỹ thuật y tế và công nghệ dược; 2. Công nghệ thông tin chiến lược; 3. Công nghệ sử dụng năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm; 4. Công nghệ vũ trụ và viễn thông; 5. Công nghệ năng lượng hạt nhân.

Vấn đề phát triển kỹ thuật và công nghệ y tế được Tổng thống Đ.Mét-vê-đép coi là một trong những hướng quan trọng nhất nhằm bảo đảm cho các công dân Nga có được các loại tân dược, dụng cụ y tế tiên tiến nhất trong việc khám và chữa bệnh, góp phần quan trọng ngăn chặn đà suy giảm dân số ở Nga. Phấn đấu đến năm 2020, Nga sẽ tự chế tạo được 1/2 tổng số thuốc công nghệ cao của thế giới trên cơ sở hợp tác với các công ty và các hãng tân dược hiện đại nhất ở nước ngoài, vừa để sử dụng trong nước, vừa để xuất khẩu.

Về giáo dục và khoa học: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho rằng, việc áp dụng một kỳ thi quốc gia thống nhất là cần thiết nhưng không phải là duy nhất để đánh giá chất lượng giáo dục. Cần áp dụng phương pháp đánh giá tổng hợp đối với kết quả học tập của học sinh cũng như năng khiếu và khả năng của họ. Đồng thời, cần áp dụng các chương trình giáo dục tổng hợp cho học sinh lớp trên có nội dung hướng nghiệp. Theo Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, trường học phải là trung tâm lao động sáng tạo, giải trí, thông tin, thể thao của học sinh. Vì thế, cần có các dự án xây dựng khu học đường thông minh, hiện đại, có công nghệ giáo dục tăng cường thể chất và dinh dưỡng cho học sinh.

Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép yêu cầu trong 5 năm tới, lắp dặt trên toàn bộ lãnh thổ Nga mạng In-tơ-nét dải rộng và truyền hình số thế hệ 4. Ông còn yêu cầu đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực nhập cảnh (visa) cho các nhà khoa học không phải là công dân Nga được tới làm việc ở Nga, nhằm thu hút chất xám vào việc hiện đại hoá nước Nga.

Để đẩy mạnh quá trình đổi mới và hiện đại hoá đất nước, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho rằng, cần xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, tương tự như “thung lũng Si-li-côn” ở Mỹ. Tại đó, có các điều kiện tốt nhất cho lao động sáng tạo của các nhà khoa học, kỹ sư, kiến trúc sư, các nhà quản lý, tài chính, các chuyên gia lập trình, v.v.. Về phát triển năng lượng hạt nhân, đến năm 2014, Nga sẽ có các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Các công trình nghiên cứu về năng lượng hạt nhân rất cần cho nhiều lĩnh vực như y tế, quân sự, năng lượng, chế tạo động cơ cho các tàu vũ trụ hành trình tới các hành tinh khác ngoài Trái đất.

Về khủng hoảng tài chính và hiện đại hoá: Tổng thống Đ.Mét-vê-đép cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới gây tác hại đối với nước Nga nhiều hơn so với các nước khác. Nhưng, cuộc khủng hoảng đó cũng cho thấy nước Nga cần phải thay đổi theo hướng hiện đại hoá đối với toàn bộ lĩnh vực sản xuất. Theo Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới chứng tỏ hiện đại hoá và đổi mới công nghệ là điều kiện không thể thiếu để nước Nga tồn tại và phát triển trong thế giới đương đại. Hiện nay, Nga cần tiếp tục thực hiện kế hoạch chống khủng hoảng và sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung để ứng phó với tình hình.

Theo nhiều chuyên gia phân tích ở Nga và nước ngoài, nhìn chung, Thông điệp Liên bang lần thứ hai của Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép giống như một chương trình hành động để thực hiện chiến lược phát triển nước Nga trong tương lai ở mức trung hạn và dài hạn, mà ông đã đề ra trong lời tuyên thệ nhậm chức tháng 5-2008./.