Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 09-02 đến ngày 15-02-2015)
Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương G20
Ngày 10-02-2015, theo tuyên bố chung của Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, tốc độ phục hồi chậm nhưng giá dầu giảm mạnh có thể sẽ tạo động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, do dự báo giá dầu vẫn chưa rõ ràng nên cần theo dõi sát tình hình tại các thị trường cũng như ảnh hưởng của biến động giá dầu tới kinh tế thế giới. Theo G20, giá dầu giảm cũng tạo cơ hội để các nước đánh giá lại chính sách thuế và hủy bỏ chính sách trợ giá nhiên liệu.
Tuyên bố nêu rõ các nước thành viên sẽ tiến hành các bước đi mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế toàn cầu, đồng thời hoan nghênh những triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế và việc làm tại một số nền kinh tế chủ chốt. Các nước thành viên G20 cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), Nhật Bản và một số nền kinh tế đang nổi.
Liên quan đến tiến trình cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) theo hướng tăng đại diện cho các nước đang phát triển, G20 bày tỏ không hài lòng về tốc độ thực hiện tiến trình này, đồng thời kêu gọi Mỹ phê chuẩn thỏa thuận về cải cách IMF. G20 cho rằng việc Quốc hội Mỹ chậm phê chuẩn thỏa thuận đang gây cản trở quá trình cải cách của tổ chức tài chính toàn cầu này.
Tuyên bố chung ở Min-xcơ ủng hộ giải quyết xung đột tại U-crai-na
Thủ tướng Đức A. Méc-ken thông báo vắn tắt về nội dung Tuyên bố chung ở Min-xcơ. Ảnh: Pool/Getty Images
Theo hãng tin Nga TASS, kết thúc gần 16 giờ đàm phán căng thẳng tại Thủ đô Min-xcơ của Bê-la-rút, chiều 12-02-2015, Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin), Tổng thống U-crai-na P. Pô-rô-sen-cô (Petro Poroshenko), Tổng thống Pháp P. Ô-lăng-đơ (Francois Hollande) và Thủ tướng Đức A. Méc-ken (Angela Merkel) đã ký Tuyên bố chung dài 4 trang về giải pháp cho vấn đề U-crai-na.
Điểm nổi bật trong tuyên bố trên là lãnh đạo 4 nước khẳng định hoàn toàn tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của U-crai-na, cũng như giải pháp hòa bình là giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột hiện nay tại nước này. Lãnh đạo 4 nước ủng hộ Giải pháp tổng thể mà Nhóm Tiếp xúc ký cùng ngày tại Min-xcơ, đồng thời sẽ đóng góp cũng như dùng ảnh hưởng của mình đối với các bên liên quan nhằm bảo đảm thực hiện những giải pháp này.
Lãnh đạo 4 nước thể thức Noóc-man-đi nhất trí rằng củng cố hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU), U-crai-na và Nga sẽ thúc đẩy giải quyết được cuộc khủng hoảng tại U-crai-na. Cụ thể, sẽ tiếp tục đàm phán 3 bên về vấn đề năng lượng để phát triển tiếp các biện pháp tạm thời cho mùa đông trong lĩnh vực khí đốt. Đàm phán 3 bên cũng sẽ đề ra giái pháp chính trị cho những vấn đề mà Nga lo ngại liên quan đến thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do giữa U-crai-na và EU. Lãnh đạo Nga, U-crai-na, Pháp và Đức tiếp tục ủng hộ sáng kiến thành lập một không gian kinh tế và nhân đạo chung từ Đại Tây Dương tới Thái Bình Dương trên cơ sở hoàn toàn tôn trọng pháp luật quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Đối với thỏa thuận Min-xcơ, lãnh đạo 4 nước nhất trí lập một cơ chế kiểm soát cũng theo thể thức Noóc-man-đi bao gồm lãnh đạo của bộ Ngoại giao.
Hội nghị Giơ-ne-vơ thông qua dự thảo thỏa thuận chống biến đổi khí hậu mới
Ngày 14-02-2015, sau vòng đàm phán kéo dài 6 ngày (từ ngày 08-02 đến ngày 13-02), các nhà đàm phán Liên hợp quốc tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) thông qua bản dự thảo kế hoạch chi tiết dài 68 trang với nhiều sáng kiến hạn chế hiện tượng ấm lên toàn cầu. Thư ký điều hành Hội nghị bộ trưởng các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Crít-xti-a-na Phi-ghê-rết (Christiana Figueres), nhấn mạnh hiện các bên đã có một văn bản đàm phán chính thức, trong đó đề cập chi tiết các quan điểm và mối quan tâm của tất cả các quốc gia. Văn bản này được xây dựng hoàn toàn minh bạch, theo đó giúp các nước nhận thức đầy đủ về vị trí của nhau trong kế hoạch toàn cầu. Bản kế hoạch này sẽ là đường hướng cho các cuộc đàm phán trong những tháng tới, tiến đến việc ký kết thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc (COP 21) được tổ chức tại Thủ đô Pa-ri (Pháp) vào cuối năm nay. Thỏa thuận mới đang rất được kỳ vọng tại Pháp này sẽ thay thế cho Nghị định thư Ki-ô-tô, hết hạn vào năm 2020.
Để được các nước ký kết, thỏa thuận mới phải có hiệu lực từ năm 2020 với nội dung thúc đẩy mục tiêu của Liên hợp quốc về hạn chế khí hậu toàn cầu nóng lên thêm 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nước tham gia phải trình cam kết cắt giảm khí thải trước Hội nghị Pa-ri vài tháng.
Các nước nhiễm Ê-bô-la cam kết đẩy lùi vi-rút trong 60 ngày
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm Ê-bô-la tới bệnh viện. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Hội nghị thượng đỉnh ở Ghi-nê, lãnh đạo các nước Tây Phi bị nhiễm vi-rút Ê-bô-la đã cam kết “không có người nhiễm Ê-bô-la trong vòng 60 ngày nữa” tính từ ngày 15-02-2015.
Trong tuyên bố chung sau Hội nghị, Tổng thống Ghi-nê An-pha Côn-đê (Alpha Conde) và người đồng cấp Li-bê-ri-a và Xi-ê-ra Lê-ôn công nhận các nỗ lực của các nước Tây Phi cũng như cộng đồng quốc tế đã giúp giảm tỷ lệ nhiễm và tử vong vì vi-rút Ê-bô-la. Các lãnh đạo cũng nhất trí thành lập một kế hoạch phục hồi kinh tế chung để trình lên một hội thảo về Ê-bô-la dự kiến được Liên minh châu Âu (EU) tổ chức tại Brúc-xen (Bỉ) vào ngày 03-3 tới. Bản kế hoạch toàn diện này sẽ bao gồm nhiều chủ đề ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực quan trọng của phát triển, như giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, y tế, hành động xã hội,... tập trung vào việc quản lý trẻ em mồ côi vì Ê-bô-la và các gia đình bị nghèo đi vì Ê-bô-la./.
Những tín hiệu mới về vàng và dầu mỏ thế giới  (16/02/2015)
Những tín hiệu mới về vàng và dầu mỏ thế giới  (16/02/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi điện mừng Thủ tướng Hàn Quốc  (16/02/2015)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điện thăm hỏi Thủ tướng Lý Hiển Long  (16/02/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển