TCCSĐT - Trước xu thế toàn cầu hóa, để phát huy được lợi thế so sánh của quốc gia vấn đề liên kết vùng rất cần được chú trọng. Ở nước ta thời gian qua, nhiều địa phương đã thực hiện khá tốt yêu cầu liên kết vùng, song nhìn chung vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết.

Liên kết vùng: xu thế phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trong thời đại ngày nay

Kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, các quốc gia rất chú trọng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng quy hoạch, liên kết vùng. Có thể nhận định, qua mỗi thời kỳ lịch sử, thế giới đã trải qua ba hướng lựa chọn mục tiêu khác nhau để thực hiện quy hoạch, liên kết vùng. Đầu tiên, những nước bị chiến tranh tàn phá nặng đã tập trung xây dựng lại kinh tế sau chiến tranh bằng khai thác tài nguyên thiên nhiên sẵn có của mình, nhất là đối với tài nguyên chưa khai thác hoặc ở vùng đất ít khai thác. Trọng điểm quy hoạch vùng giai đoạn này chính là khai thác tài nguyên, thực hiện bố trí sức sản xuất để phát triển kinh tế. Điển hình như Liên Xô (cũ), Nhật Bản,...

Đến thập niên 60 của thế kỷ XX, việc phát triển giữa các vùng trong nội bộ của một quốc gia đã xuất hiện mất cân đối. Nhiều quốc gia đã lấy lại cân bằng phát triển kinh tế - xã hội bằng thực hiện quy hoạch vùng, tập trung đẩy nhanh phát triển những vùng đất kém phát triển, tăng cường tiến hành đô thị hóa để loại trừ và giảm sự chênh lệch giữa các vùng, thúc đẩy dân số và kinh tế từ vùng đất phát triển chuyển dịch sang vùng đất kém phát triển, nhằm đạt được phát triển chung của cả nước.

Vài thập niên cuối của thế kỷ XX, các vấn đề về dân số, tài nguyên, môi trường của các quốc gia đang phát triển ngày càng trở nên gay gắt. Vì vậy, con người rời khỏi thành thị, chuyển dịch hướng vào tự nhiên, tìm kiếm môi trường thích nghi cho nhu cầu sống. Từ đó, đưa ra yêu cầu mới đối với phát triển vùng với nguyên tắc phát triển bền vững, thực hiện phát triển hài hòa giữa dân số - tài nguyên - môi trường, mục đích lấy quy hoạch vùng tạo công việc và môi trường sống tốt cho người dân. Đồng thời, tính mở cửa, hệ thống của quy hoạch cũng được tăng cường thêm một bước. Giai đoạn này, mối quan hệ liên kết được mở rộng hơn: liên kết các địa phương trong nội vùng, liên kết giữa các vùng kinh tế - xã hội với nhau và liên kết giữa các vùng của các quốc gia cũng được hình thành.

Nghiên cứu phát triển vùng truyền thống là dựa vào điều kiện tài nguyên, sức lao động, tiền vốn, ... của bản thân vùng (phần nhiều là vùng hành chính) làm căn cứ, với mục đích khai thác nội vùng để phục vụ cho bản thân vùng. Đây là quá trình tuần hoàn kinh tế khép kín của vùng, cho nên sự phát triển bị hạn chế rất lớn bởi điều kiện của vùng. Trong thời đại ngày nay, kinh tế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, phát triển kinh tế thị trường, việc phát triển vùng hiện nay không chỉ trong nội vùng mà phải mở rộng tầm nghiên cứu, từ góc độ tham gia cạnh tranh thị trường và vận dụng lý luận mới về phân công lao động quốc tế, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo môi trường đầu tư tốt của vùng, thu hút tài nguyên, công nghệ, nhân tài ngoài vùng, ngoài nước, xây dựng hệ thống vận chuyển kinh tế kết hợp trong với ngoài nước (thậm chí dựa vào nước ngoài là chủ yếu), để xúc tiến phát triển khu vực.

Quy hoạch, thực hiện liên kết vùng ở nước ta

Vấn đề quy hoạch vùng kinh tế - xã hội, liên kết vùng để phát triển kinh tế - xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, coi là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện của Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc ở những nhiệm kỳ gần đây đều đặt vấn đề liên kết vùng. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh: “Tạo điều kiện cho tất cả các vùng đều phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của mỗi vùng để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết giữa các vùng”. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, tiếp tục xác định: “Hình thành cơ cấu hợp lý của mỗi vùng và liên kết vùng; đồng thời tạo ra sự liên kết giữa các vùng nhằm đem lại hiệu quả cao, phát triển nhanh và ổn định, có sức cạnh tranh, khắc phục tình trạng chia cắt, khép kín theo địa giới hành chính”. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã xác định vấn đề này rõ hơn: “Thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực và tác động lan tỏa đến các vùng khác; đồng thời, tạo điều kiện phát triển nhanh hơn các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, Tây Nam, Tây Nguyên, Tây Bắc và phía Tây các tỉnh miền Trung”. Triển khai Văn kiện vào thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về phát triển vùng. Cụ thể, lần lượt các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các vùng Tây Nguyên, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010 và đến năm 2020 được ra đời. Đồng thời, sau một thời gian các vùng triển khai nghị quyết, Bộ Chính trị đều có Kết luận đánh giá tình hình thực hiện, rút ra những bài học kinh nghiệm và chỉ đạo tiếp tục thực hiện các nghị quyết trên ở giai đoạn tiếp theo.

Trên cơ sở các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập, phê duyệt quy hoạch tổng thể của các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm lần lượt qua các giai đoạn. Từ giữa năm 2012 đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 cho 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, đó là: vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho 3 vùng kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thời gian qua, vấn đề liên kết vùng ở nước ta đã được thúc đẩy, tạo ra sự phối hợp liên kết giữa các vùng kinh tế, các địa phương trong nội vùng để giải quyết một số vấn đề cấp thiết trước mắt như phát triển kinh tế, giao thông, đào tạo nghề, ứng phó biến đổi khí hậu,… Điển hình về thực hiện liên kết, đó là Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long (MDEC), Diễn đàn hợp tác các tỉnh miền Trung, liên kết những địa phương phát triển kinh tế tốt với vùng lân cận (đồng bằng sông Cửu Long hợp tác liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh; Bắc Ninh hợp tác liên kết với Hà Nội, Bắc Giang,… ). Trong liên kết phát triển vùng, nổi bật nhất, rất đáng được ghi nhận để nhân rộng mô hình cho các vùng khác học tập bước đầu phải kể đến liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung của 7 tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đã tự thỏa thuận ký kết vào “Biên bản cam kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung” với 9 nội dung liên kết: huy động đầu tư, phát triển nguồn lực, phát triển một số ngành công nghiệp, giao thông, du lịch, thương mại, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chia sẻ thông tin và ứng phó biến đổi khí hậu. Để hiện thực hóa liên kết, các tỉnh đã thành lập: Ban điều phối vùng, với chức năng trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo xây dựng các chương trình hành động cụ thể để triển khai các nội dung liên kết; Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng, quy tụ một số nhà khoa học để nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp thực hiện liên kết vùng; Trung tâm tư vấn - nghiên cứu phát triển vùng để theo dõi, tổng hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội và triển khai các hoạt động liên kết phát triển vùng.

Tuy nhiên, thực hiện liên kết vùng của cả nước ta vẫn còn rất nhiều hạn chế. Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, “quá trình phát triển vừa qua cũng cho thấy, nếu chỉ dựa vào “lợi thế tĩnh” về điều kiện tự nhiên mỗi địa phương có được để thực hiện chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư, thiếu sự liên kết chặt chẽ để tạo ra “lợi thế động” nhằm tối ưu hóa nguồn lực hữu hạn thì khó có thể đẩy mạnh phát triển và nâng cao sức cạnh tranh toàn vùng. Thực tiễn cũng cho thấy, sự phát triển giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng ở nước ta vẫn còn thiếu sự liên kết, phối hợp. Tình trạng đầu tư trùng lặp chưa hoàn toàn được khắc phục. Có lúc còn có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh để thu hút đầu tư giữa các tỉnh bằng cách “phá rào”, đưa ra các ưu đãi quá lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư gây tổn thất cho lợi ích chung của cả nền kinh tế”.

Một số vấn đề đặt ra trong quy hoạch, thực hiện liên kết vùng ở nước ta

Thứ nhất, hiện nay, nhìn chung chúng ta chưa có được một tổ chức điều phối thực hiện liên kết các vùng kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng vùng kinh tế - xã hội nói riêng, mà mới chỉ có Tổ điều phối vùng kinh tế trọng điểm nhưng hoạt động chưa đều tay. Trong khi việc phân vùng kinh tế của chúng ta khá phức tạp, cả nước có 6 vùng kinh tế - xã hội, 3 vùng kinh tế trọng điểm; trong vùng kinh tế trọng điểm lại có nhiều tiểu vùng; có nhiều địa phương vừa thuộc vùng kinh tế - xã hội, vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm… Rõ ràng, để có sự thống nhất trong điều phối là nan giải. Điển hình, theo phân vùng tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ở đồng bằng sông Cửu Long có 3 vùng kinh tế: Vùng kinh tế trọng điểm (bao gồm các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau), được quy hoạch là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản; Vùng Bắc sông Tiền (bao gồm phần phía Đông của tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang), được quy hoạch tập trung phát triển các khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản; Vùng Đồng Tháp Mười (bao gồm các huyện phía Tây của hai tỉnh Long An, Tiền Giang và toàn tỉnh Đồng Tháp), quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng né lũ, nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng và cơ cấu sản xuất để tăng hiệu quả thu nhập. Ngoài ra, riêng cho Vùng kinh tế trọng điểm còn được chia 4 tiểu vùng, đó là Tiểu vùng Trung tâm, Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, Tiểu vùng bán đảo Cà Mau và Khu vực hải đảo (theo Quyết định số 245/QĐ-TTg). Các quy hoạch vùng, tiểu vùng này cho đến nay cũng chỉ nằm trong các quyết định đã được phê duyệt, chưa được triển khai phát triển đúng như hoạch định, nguyên nhân chính vẫn là chưa có ban điều phối vùng. Vì vậy, rất cần có được một cơ quan điều phối thống nhất chung cho các vùng với những cơ chế, chính sách thống nhất, chặt chẽ nhằm thật sự tạo được liên kết giữa các vùng với nhau cũng như các tiểu vùng của vùng. Chỉ như vậy mới phát huy được lợi thế so sánh của từng địa phương; tránh được tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí, mạnh địa phương nào địa phương nấy làm.

Thứ hai, quá trình quy hoạch, liên kết vùng đã và đang hình thành một số tổ chức kinh tế vùng đặc biệt như đặc khu kinh tế, khu kinh tế mở ở một số vùng. Nhưng những đặc khu kinh tế này hoạt động cũng đang ở cấp độ gần giống các khu công nghiệp mà chưa thực sự có những quy chế đặc biệt trong chính sách đầu tư như bộ máy quản lý hành chính tinh gọn, ít tầng nấc trung gian, các chính sách đầu tư về thuế quan, doanh nghiệp dừng chân thực sự được hưởng những ưu đãi vượt trội hơn so với những thể chế đầu tư ngoài đặc khu. Trong khi, có những vùng có rất nhiều lợi thế so sánh cần được phát triển theo mô hình trên thì chưa được quan tâm đúng mức. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long rất có tiềm năng, lợi thế phát triển lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả,... có thể hình thành Đặc khu kinh tế nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, hay ở cấp độ chuyên môn hơn là Đặc khu kinh tế sản xuất lúa gạo, Đặc khu kinh tế nuôi trồng thủy sản,... Các chính sách ưu tiên đầu tư vào đặc khu này cần được quan tâm hướng tới cho phát triển nông nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành nông nghiệp là chủ yếu. Chú trọng xây dựng cơ chế đặc thù thu hút đầu tư vào các tỉnh, thành phố trong vùng, nhất là vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long để làm đầu tàu lôi kéo và thúc đẩy các nơi khác và đầu tư cho các địa phương còn nhiều khó khăn để thu hẹp khoảng cách; chính sách đồng bộ bảo hộ cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long sản xuất nông nghiệp. Chú trọng đến tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển bằng đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch trong nước và ở nước ngoài; huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và sản xuất, kinh doanh phát triển.

Thứ ba, trong thời gian tới nên thực hiện đẩy mạnh liên kết vùng. Một khi có được những cơ chế, chính sách cho hoạt động liên kết, nhất là có một trung tâm điều phối chung trên phạm vi từ tiểu vùng đến toàn vùng và các vùng trên cả nước thì chúng ta mới thực hiện được thật sự liên kết vùng trên nhiều cấp độ: nội vùng (trong đó có kể đến cả các tiểu vùng), với các vùng kinh tế khác của cả nước (6 vùng kinh tế) và bản thân các vùng kinh tế - xã hội này phải vươn tới liên kết rộng hơn, đó là thực hiện liên kết với một số vùng kinh tế của một số quốc gia khác có lợi thế bổ trợ cho nhau cùng phát triển…/.