TCCSĐT - Với “tốc độ nhanh nhất có thể” nhằm đẩy nhanh tiến trình chuyển giao cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan cũng như quyết tâm thực hiện lời hứa đã tuyên bố ngay khi vừa nhậm chức về việc dành ưu tiên cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã chính thức điều động thêm 30.000 quân tới chiến trường Áp-ga-ni-xtan. Đợt điều động này sẽ diễn ra trong dịp Lễ Giáng sinh 25-12-2009 và toàn bộ số binh sĩ Mỹ được tăng cường trong chiến lược này dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8-2010.

Hiện Mỹ đã có 33.200 quân đóng tại khu vực biên giới miền Đông Áp-ga-ni-xtan với Pa-ki-xtan trong chiến dịch Tự do Bền vững (OEF) và 34.800 quân trong lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu. Tính cả số quân được điều động lần này, Mỹ đã có khoảng 100.000 quân đồn trú tại Áp-ga-ni-xtan kể từ năm 2001 đến nay.

Những mốc đáng chú ý:

Ngày 7-10-2001, Liên quân do Mỹ đứng đầu đã phát động cuộc chiến tranh tại Áp-ga-ni-xtan, sau khi Ta-li-ban từ chối việc giao nộp thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố An Kê-đa Ô-xa-ma Bin-la-đen do bị quy kết trách nhiệm trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ.

Ngày 13-11-2001, Liên minh miền Bắc của Áp-ga-ni-xtan tiến vào thủ đô Ca-bun của nước này.

Tháng 12-2001, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-xpheo (Donail Rumsfeld) cho biết, Mỹ đã triển khai từ 1.500 quân đến 2.000 quân tại Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 5-12-2001, các phe phái tại Áp-ga-ni-xtan đạt được thỏa thuận về việc hình thành một chính phủ lâm thời tại Bon (Đức).

Ngày 6-12-2001, Ta-li-ban thất thủ tại thành lũy cuối cùng ở Can-da-ha (Kandahar).

Ngày 22-12-2001, theo thỏa thuận đạt được tại Bon (Đức), ông Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai) trở thành người đứng đầu Chính phủ lâm thời gồm 30 thành viên.

Trong 2 năm đầu tiên hiện diện tại Áp-ga-ni-xtan, số lượng quân Mỹ luôn duy trì ở mức 10.000 quân. Đến năm 2004, số lượng quân Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan đã bắt đầu tăng dần, khi Mỹ cố gắng mở rộng quyền kiểm soát của Chính phủ Áp-ga-ni-xtan vượt ra ngoài giới hạn thủ đô Ca-bun.

Tháng 3-2003, Mỹ phát động cuộc chiến tranh xâm lược I-rắc nên đã hạn chế quân số tại Áp-ga-ni-xtan.

Tháng 3-2004, một năm sau cuộc chiến tại I-rắc, lực lượng quân sự Mỹ đạt mức kỷ lục 14.000 quân, khi Mỹ điều động thêm 2.000 lính thủy đánh bộ tới Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 9-10-2004, Áp-ga-ni-xtan tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên thời hậu Ta-li-ban. Ông Ha-mít Ca-dai giành thắng lợi với 55% số phiếu bầu.

Tháng 4-2006, số lượng binh sĩ Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan lại được tăng cường, đạt mức kỷ lục mới 23.300 quân, để tham gia các chiến dịch truy quét Ta-li-ban. Tuy nhiên, số binh sĩ Mỹ sau đó đã giảm xuống 20.000 quân khi Mỹ chuyển giao quyền kiểm soát khu vực miền Nam Áp-ga-ni-xtan cho NATO.

Ngày 29-5-2006, tình trạng bạo động tồi tệ nhất xảy ra tại Ca-bun kể từ khi Ta-li-ban bị lật đổ năm 2001.

Tháng 2-2007, Lầu Năm Góc tuyên bố, số lượng quân Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan sẽ tăng lên mức 27.000 quân, khi Mỹ triển khai thêm một lữ đoàn, để tiến hành chiến dịch truy quét Ta-li-ban trong mùa xuân.

Tháng 4-2008, thời gian thực hiện nghĩa vụ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan của binh sĩ Mỹ được giảm từ 15 tháng xuống còn 12 tháng.

Tháng 7-2008, Lầu Năm Góc cho biết, số binh sỹ Mỹ hiện diện tại Áp-ga-ni-xtan là 36.000 quân và sẽ chỉ tăng thêm tại Áp-ga-ni-xtan nếu giảm bớt được quân số tại I-rắc.

Tháng 8-2008, Lầu Năm Góc kéo dài thời hạn triển khai 1.250 lính thủy đánh bộ tại Áp-ga-ni-xtan tới tháng 11-2008 nhằm huấn luyện cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Đồng thời, kéo dài nhiệm vụ của 2.200 lính thủy đánh bộ đang chiến đấu tại miền Nam Áp-ga-ni-xtan đến tháng 11-2008.

Tháng 11-2008, ông B. Ô-ba-ma đắc cử tổng thống Mỹ và cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến tại I-rắc và tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố tại Áp-ga-ni-xtan.

Tháng 2-2009, Mỹ công bố việc triển khai thêm 17.000 quân tại Áp-ga-ni-xtan, một quyết định mà ông B. Ô-ba-ma gọi là “khó khăn nhất kể từ lúc bước chân vào Nhà Trắng”, đưa tổng số quân đội quốc tế ở đây lên 75.000 quân. Hơn 20 nước thành viên của NATO cũng đưa ra cam kết tăng thêm quân số và những đóng góp tại Áp-ga-ni-xtan.

Ngày 27-3-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma công bố một chiến lược mới về Áp-ga-ni-xtan, trong đó có quyết định cử thêm 4.000 quân nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho binh sĩ nước sở tại và đề xuất thành lập một nhóm liên lạc mới bao gồm cả I-ran để chống lại lực lượng Ta-li-ban và An Kê-đa.

Tháng 4-2009, Mỹ đưa một lữ đoàn lính thủy đánh bộ với 10.000 binh sĩ tới tỉnh Hen-man, nơi được xem là khu vực bất ổn nhất ở Áp-ga-ni-xtan và chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của Ta-li-ban.

Ngày 20-8-2009, Áp-ga-ni-xtan tổ chức bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương. Đây là cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương lần thứ 2 kể từ khi lực lượng Ta-li-ban bị lật đổ năm 2001.

Ngày 16-9-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố chưa có quyết định “tức thời” nào về việc đưa thêm quân Mỹ tới Áp-ga-ni-xtan, kể cả khi quan chức quân sự hàng đầu của ông cho rằng, việc tăng quân là cần thiết.

Ngày 12-10-2009, gần 1 tháng sau tuyên bố trên, ông B. Ô-ba-ma quyết định bổ sung thêm 13.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan, ngoài con số 21.000 quân mà ông đã công khai tuyên bố hồi tháng 3-2009.

Ngày 16-10-2009, Ủy ban Bầu cử độc lập (IEC) của Áp-ga-ni-xtan công bố kết quả sơ bộ cuộc bầu cử tổng thống, theo đó đương kim Tổng thống Ha-mít Ca-dai nhận được 54,6% số phiếu ủng hộ, vượt xa đối thủ chính là cựu Ngoại trưởng Áp-đu-la Áp-đu-la (Abdullah Abdullah), chỉ được 27,7% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ông Áp-đu-la không công nhận kết quả sơ bộ này với cáo buộc có gian lận trong bầu cử.

Ngày 19-10-2009, Ủy ban Khiếu nại Bầu cử (ECC) của Áp-ga-ni-xtan đã công bố báo cáo về việc gian lận kết quả bầu cử tổng thống ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó yêu cầu hủy bỏ kết quả phiếu bầu tại 210 điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ nước này. Thực tế, ông Ca-dai chỉ giành được 49,67% số phiếu ủng hộ, không đạt số phiếu quá bán, nên Áp-ga-ni-xtan phải tổ chức bầu cử lại vòng 2, dự kiến diễn ra ngày 7-11-2009.

Ngày 26-10-2009, Tổng thống B. Ô-ba-ma tuyên bố không vội vàng đưa ra quyết định tăng quân tới Áp-ga-ni-xtan cho dù Tư lệnh quân đội Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan đã đề xuất tăng thêm ít nhất 40.000 quân.

Ngày 2-11-2009, Ủy ban Bầu cử độc lập (IEC) của Áp-ga-ni-xtan tuyên bố, hủy bỏ cuộc bầu cử vòng 2, đồng thời tuyên bố đương kim Tổng thống Ha-mít Ca-dai tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, sau khi ông Áp-đu-la tuyên bố rút lui.

Ngày 2-12-2009, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma quyết định điều động thêm 30.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan, nâng tổng số quân Mỹ tại nước này lên gần 100.000 quân.

Ngoài Mỹ, hiện có 43 nước, trong đó có tất cả 26 nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có quân đội hiện diện tại chiến trường Áp-ga-ni-xtan trong thành phần ISAF. Trong đó, những nước gửi quân tham gia nhiều nhất tại chiến trường này gồm: Anh (10.000 quân), Đức (4.500 quân), Pháp (3.095 quân), Ca-na-đa (2.830 quân), I-ta-li-a (2.795 quân), Hà Lan (2.160 quân), Ba Lan (1.910 quân), Ô-xtrây-li-a (1.350 quân), Tây Ban Nha (1.000 quân), Ru-man-ni (990 quân), Thổ Nhĩ Kỳ (720 quân), Đan Mạch (690 quân)./.