Những định kiến tộc người cản trở sự phát triển
TCCSĐT - Trong vài thập niên qua, đã có nhiều sự đầu tư của Nhà nước với vùng dân tộc thiểu số: xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ đất đai, y tế, giáo dục. Tuy nhiên, những định kiến với các tộc người thiểu số, đã cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu, chia sẻ và bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người.
Định kiến không phải tự nhiên mà có. Người ta học và có nó trong quá trình tiếp nhận tri thức. Ở Việt Nam sự định kiến (vốn thường mang yếu tố tiêu cực) đã tồn tại lâu đời trong lịch sử, từ khi có sự tiếp xúc giữa người Kinh với các tộc người thiểu số khác. Trong bối cảnh hiện đại, định kiến đối với các tộc người thiểu số vẫn còn tồn tại gây cản trở tới sự phát triển.
Những sắc thái của định kiến tộc người thể hiện khá đa dạng, từ việc “định khuôn” giá trị cho người dân tộc thiểu số cho đến việc phân chia địa vị xã hội, và xác định vai trò vượt trội cũng như sứ mệnh lãnh đạo của tộc người “chủ thể” (là tộc người đa số). Những biểu hiện của định kiến có thể gây ra hậu quả khi nó trở thành cơ sở cho việc xây dựng chính sách, cũng như nếu bị nhập tâm bởi bản thân những người dân tộc thiểu số, khiến họ trở nên tự ti, buông xuôi, đánh giá thấp văn hóa của chính tộc người mình và mất đi năng lực tự chủ, vươn lên.
Ở khía cạnh tộc người, thái độ vị chủng, hay “lấy tộc người mình làm trung tâm” (ethnocetrism) là một quan điểm khá phổ biến. Trong một quốc gia, thậm chí trong một vùng có một nhóm tự cho rằng dân tộc mình là “dân tộc chủ thể”, văn hóa của mình là “trung tâm”. Mọi nền văn hóa khác thường bị đo lường và đánh giá trong sự so sánh với văn hóa “của mình”. Nghiên cứu tâm lý cũng cho thấy con người thường có xu hướng tư duy theo lối phân tách “ta” trái với “họ”. Và theo lối tư duy này, thường thì “ta” vẫn hơn “họ”(!). Điều này dẫn đến sự kỳ thị chủng tộc và văn hóa. Nhân loại cũng đã phải chứng kiến những tội ác chống lại loài người xuất phát từ sự kỳ thị chủng tộc, tự cho dân tộc mình là “thượng đẳng” để giải thích cho sự nô dịch thực dân và lấy cớ tàn sát các dân tộc khác. Sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc dẫn đến tội ác bị cả loài người lên án đến nay vẫn còn đậm trong những nhóm dân tộc cực đoan. Đây là một vấn đề toàn cầu, đe dọa nhiều quốc gia.
Mặc dù tư tưởng tiến hóa luận bị phê phán gay gắt bởi những nhà nhân học đề cao sự đa dạng văn hóa của con người và đã trở nên lỗi thời ở các nước phương Tây, nó vẫn có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam. Đồng thời, quan điểm cho rằng “phát triển” phải gắn với việc áp dụng tiến bộ của khoa học - kỹ thuật đã khiến các dân tộc thiểu số càng bị xem là ở các nấc thang thấp hơn người Kinh. Phong tục, tập quán, các sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhiều tộc người thiểu số thường bị coi là tốn kém, mê tín dị đoan... khiến tất cả những thực hành văn hóa của người dân tộc thiểu số trở nên “kỳ lạ”, cổ hủ, lạc hậu. Điều đáng nói là bản thân người dân tộc thiểu số cũng “tự định kiến”, nhìn nhận dân tộc mình và các dân tộc thiểu số khác trong nấc thang tiến hóa. Một nghiên cứu gần đây cho biết: Khi được hỏi về chủ đề này, một cán bộ cấp huyện ở Ninh Thuận khẳng định: “Nói chung là ở đây này, người Kinh, người Chăm với người Raglai thì nếu so sánh thì người Kinh này, tới người Chăm rồi người Raglai. Tức là người Kinh là cao nhất, xong đến người Chăm, xong đến người Raglai. Nói chung là bây giờ lấy cái thang nhá, chẳng hạn là người Kinh 10 thì người Chăm họ có thể tới 7, người Raglai thì xuống khoảng 5…”(1).
Ngoài việc tác động làm cho các chính sách không phù hợp với thực tế cuộc sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số, định kiến tộc người còn làm giảm sự tự tin/tự tôn về bản sắc văn hóa và khả năng của tộc người. Người dân tộc thiểu số đã tự bỏ dần các thực hành và giá trị văn hóa - xã hội cũng như khả năng và bản sắc tộc người để cho khỏi “khác biệt với người đa số” để “tiến kịp với người đa số văn minh hơn”. Sự tự ti, mặc cảm về các thực hành văn hóa và tri thức bản địa “lỗi thời”, “lạc hậu” do tự định kiến, một mặt, đã làm cho nhiều người xem thường và ở một mức độ nào đó, chối bỏ nhiều thực hành văn hóa đã từng (và sẽ) giúp họ thích ứng với môi trường tự nhiên và xã hội vùng miền núi, làm “mờ” dần rồi lãng quên những tri thức bản địa. Quá trình thoát khỏi nỗi ám ảnh về sự khác biệt này, như vậy, không những không giúp họ “tiến kịp” người đa số mà còn làm mất đi những giá trị văn hóa tộc người, không chỉ nhấn chìm sức mạnh của chính các cá nhân và cộng đồng vốn đã yếu hơn mà còn làm gia tăng định kiến xã hội đã tồn tại lâu năm về các dân tộc thiểu số, với các thuộc tính tiêu cực như: “không biết làm ăn”, “thụ động”, “không có ý thức giữ gìn bản sắc”, “khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật chậm”… Quan điểm tiến hóa cũng đã biến cả người Kinh thành nạn nhân trong mục tiêu hướng lên tiến kịp các nước phát triển theo kiểu phương Tây. Gần giống như tâm lý của người dân tộc thiểu số, người Kinh lại tự ti trước người nước ngoài khi coi họ là văn minh hơn mình.
Cái nhìn phân chia cao - thấp (theo thuyết tiến hóa) tác động sâu sắc đến nhận thức chung của xã hội khi nó trở thành cơ sở trong việc xây dựng chính sách và được khuếch tán qua truyền thông. Những ngôn từ với những hàm ý không tích cực và mang tính tiến hóa luận cùng với các phạm trù văn hóa - xã hội đi kèm theo nó như “lạc hậu”, “không văn minh”, “kém phát triển”, “mất vệ sinh”, “lãng phí”, “không biết tính toán”, “nhận thức thấp”, “mê tín dị đoan”,… tạo ra sự suy diễn mang tính phân biệt, sai lệch và tiêu cực rằng “miền núi lạc hậu, không văn minh bằng miền xuôi”. Ở đây đã vô hình chung có sự đồng nhất văn minh và văn hóa, chỉ nhấn mạnh “phía” vật chất (kết cấu hạ tầng, những tiện nghi, phương tiện...) mà quên rằng: Trong văn hóa không phân chia cao - thấp và người ta tôn trọng sự khác nhau. Dù đã có những chính sách của Nhà nước hỗ trợ, bảo vệ văn hóa dân tộc: dạy chữ - tiếng dân tộc cho con em họ, sưu tầm, bảo vệ những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số... song nhìn từ tâm lý tộc người, mặc cảm cao - thấp vẫn thấp thoáng ở chính họ khi tham gia hòa nhập với xã hội rộng lớn hơn.
Minh họa cho cái nhìn định kiến với tộc người thiếu số là việc áp dụng một cách máy móc các chính sách của Đảng và Nhà nước. Thí dụ điển hình là chính sách ưu tiên trong giáo dục đối với học sinh, sinh viên các tộc người thiểu số được triển khai, áp dụng một cách máy móc dẫn đến điều hài hước là ngay cả con em các tộc người thiểu số được sinh ra, lớn lên và học tập ở Hà Nội vẫn nhận được ưu đãi hơn so với đối tượng là người Kinh sinh sống ở nông thôn (qua việc cộng điểm tuyển sinh khi thi vào đại học, tính điểm học bổng…). Việc áp dụng máy móc này đã tạo ra hai hệ quả: ngầm thừa nhận các tộc người thiểu số không thông minh bằng người Kinh và gây ra tâm lý so bì, không hài lòng, thậm chí là tạo ra khoảng cách giữa học sinh, sinh viên người Kinh và các tộc người thiểu số.
Như vậy, có thể nói: Các khuôn mẫu định kiến đã để lại nhiều hệ quả không mong đợi, không những chưa giúp các cộng đồng người dân tộc thiểu số “tiến kịp đa số” mà còn làm nhiều cộng đồng bị “ngoài lề hóa” hay ở một mức độ nào đó “bị và tự lùi” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Ở vùng nào sự bất bình đẳng về chính sách do ưu tiên người dân tộc thiểu số được cảm nhận càng rõ, thì định kiến càng nặng nề. Bên cạnh việc kết quả thực hiện các chính sách này còn nhiều bất cập do chưa tính đến sự đa dạng về văn hóa và sinh kế của mỗi tộc người trên mỗi địa bàn, thì theo chiều trái lại, việc áp dụng một số ưu tiên chỉ dành riêng cho người dân tộc thiểu số ở các vùng miền núi và vùng sâu, vùng xa cũng đã khiến những người Kinh cùng sinh cư lập nghiệp ở các vùng đó càng trở nên có định kiến với người dân tộc thiểu số. Một số chính sách ưu tiên chỉ dành riêng cho người dân tộc thiểu số đã gây một tâm lý so bì và bất mãn cho những người Kinh sinh sống trên cùng địa bàn. Qua khảo sát ở huyện Chợ Mới (Bắc Kạn), nơi người Kinh chiếm số ít so với người dân tộc thiểu số, họ kể rằng “Cứ ưu tiên cái gì thì gạt Kinh ra, người Tày được gạo, được tiền, được phân bón, cây trồng này, người Tày được hết. Tày, Dao, Mán, Nùng được các thứ còn Kinh thì loại ra. Đi họp chỉ nghe thôi chứ không được ý kiến...” và “người Kinh mới là thiểu số ở đây”(2).
*
* *
Chỉ mới vài thập niên trước, phần lớn các tộc người thiểu số Việt Nam cư trú khá biệt lập, nền kinh tế ở quy mô nhỏ và chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, tiếp xúc văn hóa hạn chế, giao lưu buôn bán giữa các tộc người không nhiều… Sau khi đất nước thống nhất (năm 1975), đặc biệt là từ Đổi mới (năm 1986) đến nay, bức tranh này đã từng bước được thay thế bởi những đường nét ngày càng sinh động của quá trình biến đổi miền núi: Sự cư trú hỗn hợp giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số gia tăng, quá trình đô thị hóa, kinh tế thị trường phát triển ở các vùng tộc người dân tộc thiểu số ngày càng mạnh, quan hệ trao đổi kinh tế, giao lưu văn hóa và cả sự xáo trộn về huyết thống, hôn nhân giữa dân tộc và các vùng không ngừng phát triển.
Trong xu thế hội nhập, Việt Nam đang từng bước tham gia một cách toàn diện hơn vào thị trường khu vực và thế giới, việc phát huy các nguồn lực của cả dân tộc là một việc làm cần thiết như đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đã đề ra. Hơn nữa, phát triển bền vững ở một khía cạnh nào đó là sự bảo đảm việc tham gia một cách công bằng của các nhóm xã hội, tộc người khác nhau trong việc xây dựng, triển khai và thụ hưởng các phúc lợi xã hội. Để bảo đảm được điều này, vị thế bình đẳng giữa các tộc người cần phải được duy trì, không chỉ trên các văn bản pháp lý mà còn cả trên thực tế. Những định kiến tộc người cần được gỡ bỏ một cách hợp lý./.
-------------------------------------
1, 2. Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, Lê Quang Bình, Nguyễn Công Thảo, Mai Thanh Sơn: Thiểu số cần tiến kịp đa số - Định kiến trong quan hệ tộc người ở Việt Nam, Nxb. Giao thông vận tải, Hà Nội, 2013, tr. 119-120, tr. 129
Chủ tịch Quốc hội dự Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tại Hà Nội  (17/11/2014)
Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Nhật Bản - Việt Nam  (17/11/2014)
Chính phủ ban hành Nghị định về khung giá đất  (17/11/2014)
Mobifone chuyển thành Tổng công ty viễn thông  (17/11/2014)
Ý kiến cử tri: Cần có giải pháp mạnh ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả  (17/11/2014)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn  (17/11/2014)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên