Cần tính toán kỹ để xây dựng sân bay Long Thành hiệu quả
TCCSĐT - Bày tỏ quan điểm về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại phiên thảo luận tổ ngày 04-11, đa số các đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương cần xây dựng cảng hàng không quốc tế này để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, để xây dựng dự án này, các đại biểu cũng cho rằng chưa đến mức cấp thiết và còn nhiều băn khoăn về vốn trong tình trạng nợ công tăng cao hiện nay.
Chưa thực sự cấp thiết
Từ thực tế đi sân bay Tân Sơn Nhất thấy khá nhiều chỗ trống, chưa đến mức quá tải, đại biểu Nguyễn Anh Dũng (đoàn Bắc Giang) cho rằng, lý do xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành để giảm ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất là chưa hợp lý, cấp thiết. “Nếu coi đây là tạo cú hích cho đất nước, là sân bay trung chuyển cho khu vực thì không đúng, bởi chắc chắn Việt Nam chỉ đi sau một số nước. Sân bay Long Thành khó cạnh tranh với sân bay ở Thái Lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a. Ngay sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất còn bị kêu ca nhiều, trình độ quản lý không thể ngay một lúc mà từ thấp lên cao”- đại biểu Dũng nói.
Về hiệu quả kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang) cho rằng, hệ số hiệu quả kinh tế IRR chưa bảo đảm tính chặt chẽ. Vì IRR phụ thuộc nhiều vào doanh thu khi vận hành. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đặt vấn đề: “Lượng khách có đúng như dự báo hay không. Dự đoán giai đoạn 1 là 49 triệu khách, giai đoạn 3 là 100 triệu khách có đúng hay không”.
Đại biểu Nguyễn Anh Dũng cho rằng, khả thi của trung chuyển mấy chục triệu khách là rất khó. Nếu cạnh tranh với nội địa thì người ta sẽ chọn đi sân bay Tân Sơn Nhất.
Qua trao đổi với nhiều chuyên gia hàng không cho biết nếu sân bay Tân Sơn Nhất phát huy hết khả năng vẫn bảo đảm được nhu cầu. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến của chuyên gia trong nước và quốc tế để có căn cứ vững chắc hơn.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) lại cho rằng, không thể không xây dựng sân bay Long Thành và đây là chủ trương cần thiết để góp phần cho đất nước phát triển nhưng vấn đề là xây dựng nó thế nào. Đại biểu kiến nghị, cần làm rõ thêm lộ trình xây dựng xong ở giai đoạn 1 thì sau bao nhiêu năm Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển còn nếu chỉ như Tân Sơn Nhất hiện nay thì không thể được.
Ngoài ra, để trở thành sân bay trung chuyển thì cần phải đi đôi với chất lượng dịch vụ cho hành khách. Nếu phương án này không được chi tiết thì khó trở thành trọng tâm để thống nhất xây dựng cảng này.
Đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho biết, đến sân bay Tân Sơn Nhất mới thấy xót xa vì thiếu sự quản lý, giữa quân sự, dân sự; quản lý bên trong, bên ngoài sân bay còn nhiều bất cập.
Thành phố Hồ Chí Minh giờ muốn mở rộng sân bay này thì phải di chuyển, giải phóng nửa triệu dân, đây là con số khủng khiếp. Tuy nhiên, hạ tầng xung quanh sân bay này đều không thể đáp ứng được, giao thông dẫn đến sân bay đều tắc nghẽn nên việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là không khả thi.
Đại biểu Thuận Hữu (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng bày tỏ băn khoăn về tính cấp thiết, nguồn vốn và hiệu quả đầu tư. Theo đại biểu, để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất nếu cho chủ trương xây dựng Long Thành thì chắc chắn phải làm. Nhưng nếu như bắt đầu xây dựng xong Cảng Long Thành thì Tân Sơn Nhất liệu có đến 50 triệu khách không hay chỉ là 22 triệu khách. Vậy lúc đó khai thác sân bay Tân Sơn Nhât thế nào. Vì vậy, dự án này chưa rõ được tính cấp thiết.
Vẫn băn khoăn về vốn
Cũng theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, trong tình hình nợ công hiện nay, việc xây dựng sân bay ở giai đoạn 1 cũng sẽ ảnh hưởng đến nợ công của đất nước. Các báo cáo cho rằng sẽ không ảnh hưởng nhưng đại biểu cho rằng chưa thuyết phục vì chiến lược nợ công vào trong năm 2016 là 60 - 64% và tiến tới giảm dần vào năm 2020. Từ năm 2016 - 2025 mà vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 gần 8 tỷ USD. Nếu triển khai dễ dẫn đến tình trạng đội vốn. Đại biểu đề nghị, Chính phủ cần tính toán phương án vốn ngân sách Nhà nước đổ vào sân bay Long Thành chỉ được dưới 20% còn nếu là 50/50 thì sẽ dẫn đến tăng nợ công.
Đại biểu Trần Văn Lan (đoàn Tiền Giang) đề nghị cần xây dựng ở mức độ nào vì trong lúc tiền ngân sách cân đối khó khăn và nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì mức an toàn không cao. Đại biểu đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay này nhưng phải đầu tư ở mức độ nào đó và với thời gian kéo dài ra để huy động được nguồn vốn.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề xuất, trong lúc nợ công khó khăn nhưng nếu không làm, không quy hoạch và không giải toả mặt bằng thì sắp tới lại giống sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, phải có chủ trương thống nhất xây dựng và chốt ngay ranh giới sân bay ngay từ bây giờ. Trong điều kiện chưa đầu tư được thì có thể xây dựng cho kế hoạch ngắn hạn. Còn nếu không chốt sẽ dẫn đến tình hình ngày càng phức tạp về vấn đề đền bù đất đai nên phải giải tỏa, đền bù cắm mốc để giữ mốc xây dựng sân bay trong tương lai.
Cũng về vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Văn Hiếu (đoàn Thanh Hóa), việc bao giờ thực hiện và đầu tư khi nào thì vẫn chưa được nêu rõ trong báo cáo đầu tư vì mới ở giai đoạn xin chủ trương, chưa lập báo cáo khả thi. Như vậy, không biết là năm 2017 hay 2020 mới bắt đầu. Chính vì vậy “không nên vội vàng, cần thì hai đoạn từ 2015 - 2020 để chuẩn bị đầu tư và 2020 làm thì chắc chắn. Khi đó kinh tế ta khá hơn nhiều rồi, khởi công thì chắc chắn hơn. Các nước khi đó cũng nhìn thấy triển vọng lớn hơn ở Việt Nam thì họ sẽ dễ thuyết phục, tham gia hơn”.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiếu nói thêm: “Cùng đó, phương pháp làm cũng phải tính toán. Cả dự án Long Thành tới 5.000 ha mà giải phóng mặt bằng cùng lúc thì cũng khó khăn. Bởi vậy, cần phải tính toán theo từng giai đoạn vì nếu chưa dùng đến thì phải để cho bà con canh tác chứ không thì lãng phí”.
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ủng hộ về mặt chủ trương lập dự án khả thi đầu tư sân bay Long Thành
Tại buổi họp tổ về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Tôi đồng ý về mặt chủ trương cho Bộ Giao thông Vận tải được lập dự án khả thi đầu tư sân bay quốc tế Long Thành. Tôi được biết về quy trình thì dự án đã được chuẩn bị từ khá lâu, đã được báo cáo trước Chính phủ, Chính phủ đã thảo luận và cũng đã xin ý kiến về mặt chủ trương với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương để xin ý kiến Quốc hội quyết định”.
Về lý do vì sao có sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất và Gia Lâm, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết: “Các dự án trên đều do các doanh nghiệp của quân đội đảm nhiệm, đã từng gặp phải nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận”.
Các công trình này được xây dựng trên đất lưu không, đất khung sườn, không dùng vào việc xây dựng hạ tầng được. Loại đất này nếu không làm gì thì hàng năm vẫn phải chi một số tiền khá lớn để cắt cỏ, diệt côn trùng, chim kéo về làm tổ, đe dọa, uy hiếp an toàn bay. Một số sây bay người ta phải dùng súng bắn xua chim đi để bảo đảm an toàn bay.
Những chỗ nước đọng, ẩm thấp, như sân bay Gia Lâm, có thời kỳ còn cho đóng gạch ở dưới. Bây giờ chúng ta tận dụng những chỗ như vậy để làm sân golf. Những sân golf này được làm từ năm 2005 - 2006. Các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không dân dụng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… thẩm định, đồng ý. Cơ quan quản lý hàng không đã khẳng định là không ảnh hưởng đến an toàn bay.
Làm sân golf thì có chỗ hoạt động thể thao, thu hút du lịch, thu được ngân sách và tạo việc làm. Sân golf ở Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động tạo việc làm cho 1.200 người; ở Gia Lâm thì có 700 người có việc làm ổn định.
“Theo hợp đồng, khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất cho quốc phòng, an ninh cần phải thu hồi thì thu hồi không có đền bù. Các doanh nghiệp quân đội đầu tư ở khu vực này và đầu tư sân golf ở đây chỉ là tận dụng đất” - Đại tướng khẳng định./.
Tổ chức trọng thể lễ tang nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn  (05/11/2014)
Phát triển công nghiệp hỗ trợ phải đúng hướng, trúng đích  (05/11/2014)
Lộ trình tăng thuế cần gắn chặt với giải pháp chống buôn lậu  (05/11/2014)
Cần Thơ sau 15 năm thực hiện “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”  (05/11/2014)
Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng  (05/11/2014)
JICA hỗ trợ dự án tăng cường năng lực bảo trì đường bộ Việt Nam  (05/11/2014)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên