Nhận thức mới về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ

TS. Trần Thanh Bé Viện trưởng Viện Kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ
22:28, ngày 15-10-2014

TCCSĐT - Trong tiến trình đổi mới và phát triển, nhiều cơ hội và thách thức được đặt ra cần xem xét, giải quyết thấu đáo. Thách thức lớn nhất, phức tạp nhất chính là thách thức về sự bất cập trong nhận thức, quan điểm phát triển. Nếu không giải quyết vấn đề này một cách phù hợp, căn cơ thì nguy cơ tụt hậu xa hơn là điều khó tránh khỏi. Đó cũng là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ 

Với Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26-11-2003 của Quốc hội, thành phố Cần Thơ chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ đầu năm 2004. Để định hướng và tạo điều kiện để thành phố Cần Thơ phát triển, ngày 17-02-2005 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Theo đó, “xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”; thành phố Cần Thơ phải phấn đấu xây dựng và phát triển đến năm 2020 “trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mêkong; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa; là đầu mối quan trọng về giao thông - vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”; và “là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng”. Sau 5 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ trở thành thành phố loại I trực thuộc Trung ương và cùng với An Giang, Kiên Giang, Cà Mau trở thành một trong bốn địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Những thành tựu

Qua 10 năm phát triển (2004 - 2013), thành phố Cần Thơ đã đạt những thành tựu khá toàn diện, thể hiện qua các chỉ tiêu chính sau:

Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tăng 3,61 lần; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt bình quân 13,92%/năm. Bình quân GDP/người tăng 6,1 lần, đạt 62,92 triệu đồng năm 2013, cao gấp 1,57 lần so với bình quân chung cả nước và hơn 1,82 lần so với bình quân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cơ cấu kinh tế (giá thực tế) chuyển dịch đúng hướng: nông nghiệp giảm từ 20,76% xuống còn 8,61%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 38,41% lên 38,92%, dịch vụ tăng từ 40,82% lên 52,47%.

Hoạt động tài chính, tín dụng khá sôi động, thu hút 55 tổ chức tín dụng và chi nhánh với 227 điểm giao dịch (nhiều nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long). Nguồn vốn huy động tăng khá đã đáp ứng 79,6% tổng dư nợ cho vay (tính đến tháng 6-2014), thể hiện được một phần vai trò “trung tâm tài chính” vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Định hướng phát triển nền kinh tế tri thức trên địa bàn thành phố từng bước hình thành, thể hiện qua giá trị đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Theo Đề tài “Đánh giá kết quả khoa học và công nghệ thành phố Cần Thơ (năm 2013)”, đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP thành phố giai đoạn 2006 - 2013 đạt bình quân 8,84%; riêng giai đoạn 2010 - 2013 đã tăng lên 39,13%. Kết quả đó đánh dấu sự đóng góp tích cực của khoa học và công nghệ, quản lý, chính sách... đến phát triển nền kinh tế tri thức và tăng trưởng bền vững kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ.

Những hạn chế

Bên cạnh những thành tựu nêu trên, qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, thành phố Cần Thơ cũng còn một số hạn chế sau:

Tăng trưởng kinh tế vẫn chưa bền vững, còn dựa nhiều vào vốn. Khi đầu tư công hạn chế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố cũng giảm: từ 15,98% (giai đoạn 2005 - 2007) xuống 15,16% (giai đoạn 2008 - 2010) và tiếp tục xuống còn 12,62% (giai đoạn 2011 - 2013). Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm tương ứng với mức bình quân tăng trưởng của vốn đầu tư giảm từ 44,01% xuống 32,17% và 11,12% theo các giai đoạn nêu trên.

Tuyệt đại đa số doanh nghiệp trên địa bàn (gần 98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, đến đầu năm 2014, có 149 doanh nghiệp lớn (vốn đăng ký từ trên 50 tỷ đồng) chiếm 2,17% số doanh nghiệp.

Số lượng doanh nghiệp vẫn tăng (từ 554 lên 984 doanh nghiệp), nhưng tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp trong nền kinh tế đã giảm (từ 36,3% xuống 24,5%) trong giai đoạn 2005 - 2012. Trong công nghiệp, doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm từ 25,45% (năm 2005) giảm xuống còn 20,82% (năm 2012); doanh nghiệp công nghiệp chế tạo tăng từ 48,38% lên 52,44% trong cùng thời gian.

Sản xuất nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò “động lực” thúc đẩy phát triển nông nghiệp toàn vùng thông qua sản xuất và cung ứng giống cây con và dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp. Nông nghiệp tăng trưởng còn phụ thuộc vào sự phát triển của nuôi trồng thủy sản (cá tra, ba sa) vốn rất bấp bênh, lệ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, ô nhiễm, giá cả đầu vào, đầu ra; chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét để tăng giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Từ số liệu Niên giám thống kê, chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) giai đoạn 2006 - 2013 đạt bình quân 3,63, thấp hơn bình quân chung cả nước. Chỉ số này đã tăng từ 2,49 (giai đoạn 2004 - 2008) lên 4,55 (giai đoạn 2009 - 2013), nghĩa là hiệu quả đầu tư giảm, do tập trung đồng loạt nhiều công trình hạ tầng lớn nhưng kéo dài, chậm hoàn thành vì thiếu vốn, không phát huy được hiệu quả.

Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành phố Cần Thơ tuy luôn ở nhóm “điều hành tốt”, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cải thiện chậm. Năm 2013, với tổng điểm đạt 61,46 (kém 5 điểm so với đơn vị đứng đầu), thành phố Cần Thơ đứng hạng 9 toàn quốc và hạng 4 ở đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các chỉ số thành phần như “tính minh bạch thông tin”, “đào tạo lao động” và “thiết chế pháp lý” đạt điểm thấp (dưới 5,50).

Nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ

Nhận thức được bối cảnh “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với điều kiện của “thành phố trẻ”, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong 6 nhiệm vụ đó, có ba khâu đột phá:

Một là, huy động mọi nguồn lực, tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng - làm cơ sở phát triển, bao gồm: giao thông thủy bộ, đô thị, khu và cụm công nghiệp, khu du lịch, đô thị mới...;

Hai là, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực - làm động lực phát triển, bao gồm: nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo lao động kỹ thuật, có chính sách thu hút nhân tài, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn giỏi;

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách thích hợp, hiện đại hóa nền hành chính phục vụ sự phát triển - tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút mạnh đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ngoài 3 nhiệm vụ giữ vai trò là 3 khâu đột phá này, lãnh đạo thành phố còn đề ra 3 nhiệm vụ, gồm: (1) Thực hiện tốt công tác quy hoạch xây dựng và phát triển thành phố trên các lĩnh vực, nâng cao chất lượng tiêu chí đô thị loại I trực thuộc trung ương phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố; (2) Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, người Cần Thơ “trí tuệ - năng động - nhân ái - hào hiệp - thanh lịch”; (3) Giải quyết tốt hơn vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

Quan điểm trong phát triển nêu trên được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch chung thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại các Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 28-8-2013 và 1533/QĐ-TTg ngày 30-8-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó:

Định hướng cơ cấu kinh tế thành phố sau năm 2020 là “Dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao”; đến năm 2030 khu vực dịch vụ và công nghiệp chiếm 98% trong cơ cấu kinh tế; thành phố Cần Thơ sẽ là một trung tâm du lịch, trung tâm giao thương và phân phối hàng hóa.

Bên cạnh tiêu chí văn minh hiện đại, thành phố Cần Thơ sẽ là một đô thị sinh thái, giữ gìn và tôn tạo “mảng xanh” (bao gồm cây xanh, công viên và mặt nước), gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người trên một không gian đô thị sông nước phát triển bền vững. Tại Cần Thơ sẽ hình thành các trục kinh tế và cảnh quan đô thị, có những kiến trúc đặc trưng của một đô thị sông nước miệt vườn - một đặc trưng riêng có của thành phố, phù hợp và tiêu biểu cho bản sắc văn hoá của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Kinh tế thành phố cơ bản là nền kinh tế tri thức, dựa vào các ngành có công nghệ cao, chất lượng cao; khoa học và công nghệ trở thành một trong những động lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

“Cải cách hành chính, tập trung mọi nguồn lực, hướng về cơ sở” đã trở thành chủ đề năm của hai năm liên tiếp 2013 - 2014. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đã được bổ sung đáng kể thông qua nỗ lực thực hiện đề án “Cần Thơ 150” - Đào tạo 150 người có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài từ nguồn ngân sách địa phương.

Nhiều công trình quy mô đã được đầu tư, hoàn thành và phát huy hiệu quả như cầu Cần Thơ (năm 2010), cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (năm 2011), quốc lộ 91B, quốc lộ Nam Cần Thơ, đường tỉnh Bốn Tổng - Một Ngàn..., cùng nhiều công trình hạ tầng khác đang tiếp tục được xây dựng như: cảng Cái Cui, quốc lộ 91, cầu Vàm Cống...

Tuy vậy, nhận thức về phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ thời gian qua cũng không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Đó là:

Nguồn vốn cần nhiều trong bối cảnh hạn chế đầu tư công nhưng lại đầu tư dàn trải, thiếu tập trung cho hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dẫn đến lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.

Vẫn còn những băn khoăn, chưa rõ ràng trong xác định “công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm chủ lực” của thành phố trung tâm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để từ đó có những quyết sách phù hợp.

Quan điểm “an ninh lương thực” cho Thành phố vẫn còn được nhắc đến thường xuyên, làm hạn chế những cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của đô thị trung tâm vùng (phục vụ sự phát triển nông nghiệp toàn vùng).

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của đại đa số doanh nghiệp, của nền kinh tế tri thức, nhưng chưa có nhiều chính sách, cơ chế phù hợp, đủ mạnh để đào tạo nhân lực địa phương, thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng (từ các viện, trường của Trung ương trên địa bàn), trong nước và hợp tác quốc tế.

Cải cách hành chính tuy có nhiều nỗ lực nhưng chưa đủ mạnh để nền hành chính công thật sự chuyển biến theo hướng “phục vụ doanh nghiệp, phục vụ sản xuất kinh doanh” hơn là quản lý, vì thế, nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế vẫn chưa phát huy hết tiềm năng nguồn lực (vốn, công nghệ, quản lý) để phát triển sản xuất - kinh doanh theo định hướng chung của thành phố.

Thành phố Cần Thơ được xem là “trung tâm”, là “động lực” thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng đến nay vẫn còn thiếu cơ chế và giải pháp phù hợp để thật sự có liên kết hữu hiệu với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, với các tỉnh còn lại của vùng và các vùng khác, nhằm phân công, phát huy lợi thế của từng địa phương trong tổng thể lợi thế của vùng và liên vùng.

Đề xuất, kiến nghị

Để phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ trên nền kinh tế tri thức, theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, tăng trưởng xanh..., xứng đáng với vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, thực sự là một đô thị sinh thái văn minh hiện đại giữa vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ cần:

Một là, trung ương hỗ trợ cơ chế, chính sách phù hợp để Cần Thơ trở thành “đầu mối” thật sự hiệu quả cho liên kết vùng và liên vùng, phát huy tốt nhất lợi thế tương đối của từng địa phương trong toàn vùng (biên giới, ven biển Đông và Tây, “miệt vườn, miệt ruộng”, công nghiệp, dịch vụ - du lịch, nông nghiệp...). Song song đó, thành phố cần tăng cường liên kết với các địa phương trong và ngoài vùng đồng bằng sông Cửu Long, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Hai là, huy động và tập trung nguồn lực hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, đủ tầm để trở thành “trung tâm vùng” trong giao thương, phân phối, công nghiệp, dịch vụ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Nguồn vốn cần rất lớn, nỗ lực của Cần Thơ - thành phố trẻ - là không đủ, rất cần được Trung ương hỗ trợ để thu hút mạnh hơn các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Ba là, thống nhất xác định đúng hướng phát triển của thành phố trong mối liên kết cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; cải cách mạnh mẽ nền hành chính công (phục vụ thay vì quản lý), với cơ chế và giải pháp phù hợp, tạo môi trường thuận lợi nhất để huy động sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân (doanh nhân, công nhân, nông dân, trí thức... trong và ngoài địa bàn), nhằm phát huy các năng lực sẵn có, xây dựng năng lực mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững thành phố.

Bốn là, tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của thành phố, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả - công nghệ cao, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gắn với nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, thực hiện quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại và đồng bộ; tạo môi trường thuận lợi để huy động mọi nguồn lực (con người, tài chính, khoa học, quản lý...) cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Năm là, tăng cường quốc phòng và an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm thực thi tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển khoa học và công nghệ, chăm lo tốt sức khỏe nhân dân, chú trọng bảo vệ tài nguyên và môi trường và ứng phó với những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.../.