Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 06-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo Pháp lệnh cảnh sát môi trường.

Đối với dự thảo Luật ban hành văn bản pháp luật, Báo cáo tiếp thu chỉnh lý và giải trình ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự thảo Luật, do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ: đối với tên gọi của của dự án Luật, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu đổi tên gọi của dự án Luật này từ “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” thành “Luật văn bản pháp luật”.

Tiếp thu ý kiến này, Chính phủ đã đổi tên dự án Luật thành “Luật văn bản pháp luật”. Vấn đề này, thường trực Ủy ban Pháp luật là cơ quan thẩm tra có quan điểm, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp luật, đặc biệt, tại Điều 119 của Hiến pháp nêu rõ yêu cầu mọi văn bản pháp luật phải phù hợp với Hiến pháp.

Vì vậy, việc đổi tên Luật thành Luật văn bản pháp luật là cần thiết để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban pháp luật thấy rằng, mặc dù tên Luật được thay đổi nhưng phạm vi điều chỉnh của Luật cơ bản vẫn giữ nguyên, vẫn chỉ điều chỉnh việc ban hành văn bản pháp luật chung. Đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể trong Dự thảo cho phù hợp với tên gọi và phạm vi Luật đã được điều chỉnh.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đề nghị tên gọi của dự thảo luật là Luật ban hành văn bản pháp luật.

Theo ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cần ghi rõ từ “ban hành” trong tên gọi của dự thảo luật để phân biệt đây là luật ban hành văn bản pháp luật chứ không phải luật về nội dung.

Thảo luận về văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã, dự thảo Luật (Điều 3) đưa ra 2 Phương án: Phương án 1: Không quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã. Phương án 2: Quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của chính quyền cấp huyện, cấp xã.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thể hiện sự không đồng tình với quy định trong dự thảo Luật cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và báo cáo tác động, dự thảo cần quy định cụ thể các hình thức văn bản pháp luật phù hợp mà cấp huyện, cấp xã sẽ được ban hành là gì. Theo đại biểu việc ghi rõ sẽ tăng tính minh bạch và dễ dàng trong thực hiện pháp luật.

Cũng tán thành cần tăng cường tính rõ ràng, minh bạch trong các quy định của dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh dự thảo luật cần có quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành, nội dung và hình thức của văn bản pháp luật. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo cần soát lại để quy định minh bạch, thi hành minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Đối với nội dung việc ban hành Nghị định quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh (khoản 3 Điều 16), một số ý kiến trong Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Luật tiếp tục quy định giao Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh những vấn đề mới, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh.

Quy định này kế thừa quy định của Luật hiện hành. Trên cơ sở tán thành với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng “cái gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ, để Chính phủ ban hành” nếu không sẽ rất khó trong điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên đại biểu cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định tiêu chí cụ thể đối với nội dung này. Là cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên tiếp tục duy trì quy định này; trường hợp cần thiết, có thể trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành luật, Pháp lệnh.

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về các vấn đề: trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; quy trình xây dựng chính sách trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật...

Thời gian còn lại của buổi làm việc chiều, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh cảnh sát môi trường.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: hiện nay tổ chức, hoạt động của Cảnh sát môi trường mới được quy định bằng Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08-7-2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường) và văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để quy định đầy đủ, toàn diện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho Cảnh sát môi trường; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm…

Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh Cảnh sát môi trường để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho tổ chức, hoạt động của Cảnh sát môi trường nhằm phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm hành chính về tài nguyên, môi trường , an toàn thực phẩm là đòi hỏi khách quan và là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Dự thảo Pháp lệnh quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (gọi tắt là Cảnh sát môi trường); hệ thống tổ chức, bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát môi trường; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Dự thảo Pháp lệnh gồm 6 chương, 32 điều.

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Pháp lệnh, nhiều ý kiến đánh giá hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được Ban soạn thảo xây dựng theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.

Nhiều ý kiến tại phiên thảo luận tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng cảnh sát môi trường hoạt động với vai trò nòng cốt trong phòng, chống tội phạm về môi trường, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát môi trường, khoản 4, Điều 10 có quy định: Tiến hành điều tra đối với các tội phạm về tài nguyên, môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật về điều tra hình sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị dự thảo pháp lệnh cần ghi rõ lực lượng cảnh sát môi trường được điều tra những loại tội phạm nào để bảo đảm sự thống nhất pháp luật./.