Quan điểm của Đại tướng Lê Trọng Tấn về nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh cách mạng
TCCSĐT - Đại tướng Lê Trọng Tấn được mọi người biết đến là “một trong những tư lệnh chiến dịch chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam”(1). Trong chỉ huy tác chiến cũng như trong xây dựng lực lượng vũ trang, Đại tướng có quan điểm rất rõ về nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh cách mạng. Thông qua các bài viết, bài nói của Đại tướng đều toát lên quan điểm, tư tưởng: “có sức mạnh mạnh hơn vũ khí. Đó là con người”(2).
V. Lê-nin từng khẳng định: “Thắng lợi trong chiến tranh, suy cho cùng, là do trạng thái tinh thần của những quần chúng nhân dân đổ máu trên chiến trường quyết định”(3). Kế thừa quan điểm này của V. Lê-nin, Đại tướng Lê Trọng Tấn không những khẳng định “trong mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong chiến đấu thì vai trò quyết định vẫn là con người”(4), “chính trị tư tưởng là nhân tố cơ bản trước tiên quyết định sức chiến đấu của lực lượng vũ trang”(5), mà còn chỉ rõ nguồn gốc sức mạnh ấy “là lòng tin không gì lay chuyển nổi vào sự lãnh đạo kháng chiến của Bác Hồ, Trung ương Đảng, tin tưởng vào sự tất thắng của cách mạng. Cùng với lòng tin là khát vọng nồng cháy của những người dân vừa thoát khỏi vòng nô lệ, chiến đấu cho độc lập tự do của Tổ quốc”(6), là “bắt nguồn từ truyền thống đánh giặc bất khuất của cha ông thuở trước”…
Thấm nhuần quan điểm của của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh của con người trong chiến tranh, Đại tướng Lê Trọng Tấn khẳng định: “Trạng thái tinh thần của cán bộ và chiến sĩ đã ảnh hưởng không ít đến sự vận dụng các nguyên tắc chiến thuật”(7), quyết định thế mạnh của các bên tham chiến. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp “do lực lượng chủ lực có hạn và điều kiện hậu cần không cho phép chúng ta cùng một lúc hàng loạt trận tiến công giống nhau trên tất cả các mặt trận. Chúng ta biết chỗ mạnh của mình về chính trị - tinh thần, về thế trận chiến tranh nhân dân… Khi thực hiện những đòn tiến công ở nơi địch yếu, sơ hở thường là nơi quân ta cũng gặp khó khăn về hành quân, về hậu cần. Chúng ta đã tính toán đến khả năng chịu đựng của quân đội ta, sức dẻo dai, bền bỉ, sự giác ngộ giai cấp sau chỉnh quân và chỉnh huấn cũng như tinh thần quật khởi của nhân dân...”(8). Từ đó, “phát huy cao độ chỗ mạnh tuyệt đối này (ưu thế chính trị, tinh thần)… thành khí thế và hành động chiến đấu áp đảo quân thù, đánh vào chỗ yếu chí mạng về tinh thần của địch ở mọi nơi và mọi lúc thì đó là một điều quyết định được thế mạnh”(9) trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong chiến tranh, theo Đại tướng Lê Trọng Tấn, sức mạnh của con người, yếu tố chính trị, tinh thần trở thành lực lượng vật chất trên chiến trường giúp người lính vượt qua gian khổ, chiến đấu và giành thắng lợi. Trong “Bài học kinh nghiệm trong chiến dịch Đồng Xoài”, Đại tướng viết: “Nhìn lại 15 trận đánh trong chiến dịch, chúng ta thấy bộ đội ta chiến đấu rất anh dũng. Có nhìn vào bữa ăn của chiến sĩ (chỉ có măng và muối), có quan sát sự chịu đựng của chiến sĩ ta trong hai tháng rưỡi chiến đấu trong mùa mưa của vùng rừng núi miền Đông “nổi tiếng gian lao”, chúng ta mới thấy yếu tố chính trị, tinh thần đã thật sự trở thành lực lượng vật chất trên chiến trường”(10). Điều này đã được dân tộc ta chứng minh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Theo Đại tướng Lê Trọng Tấn, sức mạnh về chính trị, tinh thần của con người được biểu hiện cụ thể bằng quyết tâm chiến đấu. Trong đó, “sự giác ngộ chính trị sâu sắc, lập trường chiến đấu kiên định, ý chí chiến đấu sắt đá, tinh thần quyết chiến, quyết thắng là cơ sở để xây dựng quyết tâm. Cơ sở càng vững chắc thì quyết tâm chiến đấu càng cao, bảo đảm cho cán bộ luôn luôn vững vàng, nhạy bén, ngăn ngừa, khắc phục được hiện tượng thỏa mãn, chủ quan khi thắng lợi, hoặc quá lo lắng, bi quan khi gặp khó khăn”(11). Nhờ đó, con người đã chiến thắng khoa học, kỹ thuật, phương tiện và vũ khí hiện đại. Đại tướng đã khẳng định rằng: “Quyết tâm và trí tuệ của Việt Nam là những điều mà máy tính điện tử Mỹ cùng những bộ óc “thông minh nhất của những người cừ khôi nhất” của Mỹ không thể nào tìm ra đáp số. Đó là cái mà người ta gọi là nhân tố chủ quan của con người trong chiến tranh”(12).
Con người là nhân tố quyết định thắng lợi của chiến tranh là điều được Đại tướng Lê Trọng Tấn rút ra từ thực tiễn hoạt động cách mạng của bản thân và quá trình đấu tranh không ngừng nghỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trước kẻ thù có ưu thế về kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, “Kẻ thù thua chúng ta không phải vì chúng không mạnh về trang bị và kỹ thuật. Nước Pháp bị kiệt quệ sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đã được Mỹ giúp sức, trong tất cả các trận đánh, các chiến dịch chúng đều mạnh hơn ta về trang bị. Nếu mang số tấn sắt thép chúng đã dùng cùng với số đạn tính từng viên của chúng ta đã dùng ra so sánh thì có thể là khó hiểu với những người quen tính toán chiến tranh chỉ bằng con số. Nhưng trong chiến tranh vấn đề thắng bại đâu có phải là ai bắn nhiều hơn ai mà là ai nghĩ nhiều hơn ai”(13). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước “Trạng thái tinh thần của quân đội ta đã là một nguyên nhân quan trọng của mọi kỳ tích trong tổng tiến công… Hoàn toàn trái ngược với trạng thái tinh thần vô địch của quân đội ta, tinh thần chiến đấu của quân đội ngụy vốn bấp bênh, suy yếu, đứng trước sức mạnh tiến công và nổi dậy mạnh mẽ, thần tốc của quân và dân ta,... quân tướng của chúng vô cùng hoảng sợ, tinh thần của chúng nhanh chóng sụp đổ, rã rời. Vì vậy, quân của chúng tuy đông hàng chục vạn, trang bị vũ khí hiện đại, được quan thầy Mỹ của chúng xây dựng, huấn luyện trong nhiều năm, nhưng chúng không thể nào gượng lại được, mà sớm phải chấp nhận thảm bại, đầu hàng cách mạng”(14).
Nhận thức rõ vai trò quyết định của nhân tố con người trong chiến tranh cách mạng, trong suốt quá trình tham gia tổ chức, lãnh đạo, giáo dục, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, mặc dù trên cương vị lãnh đạo, chỉ huy của quân đội, nhưng Đại tướng Lê Trọng Tấn đã thường xuyên chăm lo đời sống cán bộ, chiến sĩ, xây dựng và bồi dưỡng yếu tố chính trị tinh thần của quân đội. Đây là một trong những nội dung căn bản của tư duy quân sự Lê Trọng Tấn: “Muốn sử dụng chiến thuật thì phải nghiên cứu mọi hoạt động của bộ đội nên người chỉ huy quân sự cũng phải biết trạng thái tinh thần của bộ đội và cũng phải biết làm công tác tư tưởng như người cán bộ chính trị”(15).
Tư tưởng của Đại tướng Lê Trọng Tấn về xây dựng, bồi dưỡng nhân tố con người, thể hiện trước hết ở giáo dục, bồi dưỡng chính trị, tinh thần cho quân đội. Theo Đại tướng, “Giáo dục bộ đội về chính trị và tư tưởng là vấn đề hàng đầu hiện nay… Đây là cái gốc làm nảy nở tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm, sự mưu trí linh hoạt, sức chiến đấu dẻo dai bền bỉ. Không có cái gốc về chính trị, tư tưởng như vậy thì không thể nói đến tập trung đánh lớn được. Bởi vì có nhận thức đúng tình hình mới hành động đúng, có làm chủ bản thân mới có thể làm chủ được xã hội”(16).
Theo Đại tướng Lê Trọng Tấn, đi đôi với chăm lo xây dựng bồi dưỡng chính trị tinh thần là quá trình đấu tranh không khoan nhượng với tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, chủ quan kiêu ngạo, thói cá nhân chủ nghĩa… Quá trình thay đổi phương thức tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã thể hiện điều này, Đại tướng viết: “khi chưa nổ súng, do hiểu biết về tập đoàn cứ điểm kém, nên phổ biến là coi thường địch, nhưng khi chiến đấu gặp khó khăn thì lại dao động, thiếu quyết tâm. Trong chiến dịch này, lần đầu tiên chúng ta sử dụng pháo cao xạ và pháo 105mm tập trung quy mô tương đối lớn. Điều đó có gây cho địch bất ngờ, nhưng chỉ có pháo thì không giải quyết được kết cuộc của trận đánh. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng hữu khuynh tiêu cực đã làm cho mọi người nâng cao lòng tin vào thắng lợi, tin vào cách đánh, tin vào cấp trên và quán triệt phương châm đánh chắc, tiến chắc”(17).
Chăm lo, bồi dưỡng nhân tố con người theo Đại tướng Lê Trọng Tấn là phải xây dựng tư tưởng và tác phong của tác chiến chính quy, phải có tính tổ chức, tính kỷ luật, tính kế hoạch, tính chuẩn xác, tính thống nhất tập trung cao. Theo đồng chí “Đó là những yêu cầu rất nghiêm khắc, không chút khoan nhượng vì chỉ một khâu nhỏ thiếu tổ chức hoặc thiếu kỷ luật, thiếu kế hoạch, thiếu chuẩn xác, chỉ một khâu nhỏ không thống nhất tập trung... đều ảnh hưởng đến kết quả của chiến đấu”(18).
Trong bồi dưỡng nhân tố chính trị tinh thần, Đại tướng Lê Trọng Tấn yêu cầu: “Mỗi đảng viên chúng ta phải ra sức học tập, rèn luyện cho mình lập trường, quan điểm giai cấp, bản chất quân đội, luôn luôn bồi dưỡng tinh thần cách mạng triệt để của giai cấp vô sản, xây dựng ý chí chiến đấu kiên cường. Từ trong trái tim của mỗi một đảng viên phải có lòng thương yêu chiến sĩ, lòng quý mến đồng bào, sự thông cảm sâu sắc như đối với bà con ruột thịt của mình; phải có lòng căm thù địch sâu sắc, tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, tinh thần khiêm tốn học tập, giúp đỡ lẫn nhau.… yêu mến vũ khí, khí tài, tiết kiệm lương thực, đạn dược, ý thức giữ bí mật”(19).
Quan điểm về xây dựng nhân tố con người của Đại tướng Lê Trọng Tấn không chỉ thể hiện trong giáo dục, bồi dưỡng về chính trị tinh thần mà còn thể hiện cả trong xây dựng quân đội vững mạnh về tổ chức. Bởi vì, theo Đại tướng: “Tổ chức là một khâu rất quan trọng để liên kết và tăng cường sức mạnh về chính trị tư tưởng và sức mạnh vật chất của lực lượng vũ trang”(20).
Nhận thức rõ sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ giữa tư tưởng, tinh thần với tổ chức và trang bị, kỹ thuật nên Đại tướng yêu cầu: “Phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố tạo thành chất lượng, thành sức chiến đấu đó, đặc biệt chú trọng kết hợp chặt chẽ tư tưởng, tổ chức với hậu cần, kỹ thuật, những yếu tố cơ bản nhất nhằm phát huy cao độ sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổ chức và sức mạnh của cơ sở vật chất kỹ thuật trong lực lượng vũ trang để đánh thắng mọi kẻ thù, hoàn thành mọi nhiệm vụ”(21).
Nhân tố chính trị tinh thần trong đấu tranh cách mạng luôn là vấn đề nổi cộm của các hệ tư tưởng, thể hiện quan điểm khác nhau của các giai cấp. Với Đại tướng Lê Trọng Tấn, trên lập trường tư tưởng và lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, cùng với thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đại tướng đã thể hiện rõ quan điểm của mình về nhân tố chính trị tinh thần trong đấu tranh cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang. Đại tướng khẳng định con người luôn là nhân tố quyết định. Quan điểm của Đại tướng đã góp phần củng cố lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần đề ra đường lối cách mạng của Đảng, phát huy nhân tố con người, phát huy sức mạnh toàn dân tộc ta trong chiến tranh cách mạng.
Những quan điểm, tư tưởng của Đại tướng Lê Trọng Tấn về nhân tố chính trị tinh thần trong chiến tranh cách mạng không chỉ có giá trị chỉ đạo hoạt động tác chiến, tổ chức quân đội trong chiến tranh cách mạng mà nó còn nguyên giá trị trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại trong giai đoạn hiện nay./.
--------------------------------------------
1. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Từ điển Lịch sử quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, tr. 371
2. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 87
3. Lênin: Toàn tập, bản Tiếng Việt, Nxb. Tiến Bộ, Mát-xcơ-va, t. 41, tr. 147
4, 7, 15. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 290
5, 20, 21. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 677
6. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 69
8. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 208
9. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 320
10. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 417
11. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 390-391
12. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 422
13. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 254-255
14. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 678
16. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 416
17. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 289
18. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 308
19. Đại tướng Lê Trọng Tấn: Tổng tập, sđd, tr. 416
Xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương phù hợp Hiến pháp  (01/10/2014)
Làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong bảo vệ hiến pháp  (01/10/2014)
Điện mừng 65 năm Quốc khánh Cộng hòa nhân dân Trung Hoa  (01/10/2014)
Tổng đội Thiếu sinh quân Ấn Độ thăm Tổng cục Chính trị  (01/10/2014)
"Kiểm sát cần thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố"  (01/10/2014)
Mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% cả năm là hoàn toàn khả thi  (30/09/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên