Ngày 29-9, tại buổi lễ ở Dinh tổng thống, ông Ashraf Ghani đã chính thức tuyên thệ nhậm chức tân Tổng thống Afghanistan, kết thúc 13 năm cầm quyền của ông Hamid Karzai kể từ khi chế độ Taliban sụp đổ hồi năm 2001.

Buổi lễ có sự tham gia của khoảng 1.400 quan khách cả ở trong nước và quốc tế.

Tại lễ tuyên thệ, ông Ghani khẳng định sẽ tuân thủ và đảm bảo thực thi Hiến pháp, pháp luật.

Ngay sau khi tuyên thệ, ông Ghani đã lập tức ra sắc lệnh bổ nhiệm ông Abdullah làm nhà điều hành cấp cao, một chức vụ mới tương đương thủ tướng Afghanistan.

Lễ nhậm chức tổng thống diễn ra trong bối cảnh an ninh được tăng cường tại Kabul do lo ngại phiến quân Taliban tìm cách phá hoại buổi lễ hoặc tấn công các quan chức quốc tế.

Theo các nguồn tin an ninh, ngay trước khi lễ nhậm chức diễn ra, một kẻ đánh bom liều chết đã tấn công một chốt cảnh sát gần sân bay ở thủ đô Kabul làm nhiều người thiệt mạng nhưng chưa rõ con số cụ thể.

Cuộc chiến chống lực lượng ngày càng táo tợn này là một trong những vấn đề lớn mà chính quyền mới ở Afghanistan phải tiếp nhận để ngăn chặn hàng loạt vụ tấn công của lực lượng này trong những tháng gần đây.

Ngoài ra, một nhiệm vụ trọng tâm khác mà ông Ghani cũng được kỳ vọng sẽ thực hiện trên cương vị tổng thống là ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ, cho phép 12.500 binh sỹ thuộc liên quân do Mỹ đứng đầu ở lại Afghanistan nhằm huấn luyện lực lượng quân đội và cảnh sát mới của nước này.

Việc ông Ghani nhậm chức tổng thống đánh dấu sự chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên ở Afghanistan trong nhiều năm qua.

Trước đó, cuộc bầu cử tổng thống đã rơi vào bế tắc trong suốt 3 tháng khi cả ông Ghani lẫn ứng cử viên đối thủ Abdullah Abdullah đều tuyên bố giành chiến thắng.

Dưới áp lực của Liên hợp quốc và Mỹ, hai ứng cử viên đã dần đi tới nhất trí thành lập một chính phủ thống nhất. Theo đó, ông Ghani sẽ đảm nhiệm cương vị Tổng thống còn ông Abdullah làm nhà điều hành cấp cao, tương đương vị trí thủ tướng./.