Những vấn đề đặt ra đối với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long

TS. Hoàng Thị Ngọc Loan Tạp chí Khoa học chính trị, Học viện Chính trị khu vực II
15:48, ngày 25-09-2014

TCCSĐT - Đảng ta luôn xác định giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển của đất nước. Nội dung cốt lõi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng nhanh các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, tăng năng suất lao động nông nghiệp.

Những kết quả đạt được của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Gần 30 năm qua, cùng với quá trình đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta có nhiều chuyển biến tích cực. Tại Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Sự phát triển ổn định trong ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện hơn trước. Việc tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư, phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao, phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp... đã có tác động tích cực đến việc sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo”. Trong những thành tựu chung đó phải kể đến sự đóng góp quan trọng của nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, thủy hải sản và trái cây lớn nhất trong cả nước.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn đã đem đến sự thay đổi tích cực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sản xuất nông sản hàng hóa phát triển với quy mô ngày càng lớn, tạo ra những vùng chuyên canh nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều mô hình sản xuất tập trung qui mô lớn đem lại hiệu quả cao đã và đang ngày càng phát triển. Giá trị sản phẩm trồng trọt, nuôi trồng thủy sản thu được trên 1 ha đất canh tác/nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, đạt mức cao nhất so với các vùng khác trong cả nước. cụ thể: Theo Tổng cục Thống kê năm 2011, giá trị sản phẩm/1 ha cả nước là 78,44 triệu đồng, đồng bằng sông Hồng đạt 95,07 triệu đồng, Tây Nguyên đạt 67,12 triệu đồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung đạt 61,04 triệu đồng, Trung du miền núi phía Bắc đạt 40,40 triệu đồng, đồng bằng sông Cửu Long đạt 103,20 triệu đồng.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đã chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và ngành nghề nông thôn có bước phát triển tích cực; cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản từng bước được nâng cao theo hướng sử dụng giống mới, áp dụng công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thủy sản.

Một chuyển biến cũng dễ thấy là kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư phát triển khá nhanh, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đặc biệt là từ khi các tỉnh tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình thủy lợi đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, thâm canh, tăng năng suất cây trồng, hệ thống thủy lợi xã đạt 92% (trung bình cả nước đạt 73,6%(1)). Hệ thống đường giao thông, điện, viễn thông, chợ phát triển nhanh, (tính đến ngày 01-7-2011, 100% xã ở đồng bằng sông Cửu Long đã có điện(2)) tạo điều kiện để người dân nông thôn phát triển sản xuất và tổ chức đời sống theo hướng hiện đại.

Những khó khăn, hạn chế khi triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long đang còn một số khó khăn, hạn chế và nhiều vấn đề đang đặt ra cần tập trung sức giải quyết.

Có thể thấy cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm, chăn nuôi, công nghiệp, ngành nghề dịch vụ nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế nông thôn vẫn nặng về nông nghiệp, trong nông nghiệp nặng về trồng trọt, cây lúa vẫn đóng vai trò chủ yếu trong cơ cấu cây trồng; tỷ trọng giá trị chăn nuôi thấp.

Một trong những vấn đề bức xúc nhất trong sản xuất nông nghiệp của vùng này là việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, nên kém hiệu quả và chưa bền vững khiến cho điệp khúc “chặt, trồng - trồng, chặt” liên tục tiếp diễn với nhiều loại cây trồng. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản còn thấp.

Cơ sở công nghiệp chế biến còn nhỏ bé về quy mô, lạc hậu về công nghệ, đơn điệu về sản phẩm, chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp và chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu.

Mặc dù kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới thời gian qua, nhưng so với yêu cầu thực tế, hạ tầng nông thôn vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Hệ thống thủy lợi một số nơi còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển dịch cơ cấu sản xuất và dân sinh, nhất là trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và lũ lụt gay gắt. Nhiều công trình đầu tư không đồng bộ, quản lý kém nên xuống cấp nhanh. Chất lượng đường giao thông nông thôn còn thấp. Việc giải quyết điện cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng còn khó khăn; giá bán điện ở nông thôn còn cao. Vấn đề cấp nước sạch vẫn chậm được giải quyết ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới

Để quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, với chuỗi giá trị gia tăng cao, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn. Gần 30 năm tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và ở Việt Nam nói chung vẫn chưa có nhiều thay đổi. Đổi mới trong nông nghiệp với cơ chế khoán hộ và phát triển mạnh kinh tế hộ sau thời kỳ bao cấp đã tạo được sinh khí mới, nguồn lực mới cho nông nghiệp phát triển, tạo ra được những thành tựu to lớn không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế thị trường ở nước ta đã phát triển ở một trình độ mới và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, kinh tế hộ nông dân đã bộc lộ rõ giới hạn của nó.

Hiện nay, tại vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã xuất hiện nhiều hình thức tổ chức sản xuất tiến bộ, quy mô lớn nhưng chưa nhiều (còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn). Cùng với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, việc phát triển các hợp tác xã nông nghiệp và kinh tế trang trại đang được đẩy mạnh, nhưng cũng gặp không ít khó khăn mà thách thức lớn nhất vẫn là nhận thức của người dân về hiệu quả của việc thay đổi hình thức tổ chức sản xuất. Cần phải tạo bước đột phá trong tích tụ và tập trung sản xuất nông nghiệp ở vùng này để tạo ra quy mô sản xuất hàng hóa lớn hơn, thích ứng với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo điều kiện để có thể ứng dụng được nhanh khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hai là, tập trung phát triển mạnh công nghiệp bảo quản và chế biến nông sản. Không thể phát triển một nền nông nghiệp hiện đại nếu thiếu sự phát triển của công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản do tính chất đặc thù của các sản phẩm nông sản (tươi sống, khó bảo quản, dễ hư hỏng, theo mùa vụ…). Chính vì những đặc điểm trên, sự phát triển sản xuất nông sản hàng hóa rất cần có sự phát triển của công nghiệp bảo quản và chế biến nông sản. Khâu bảo quản, chế biến nông sản là hai khâu quan trọng nhất có ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh của hàng nông sản; giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng; góp phần bảo quản, nâng cao giá trị dinh dưỡng của nông sản, chăm sóc sức khỏe cho mọi người trong xã hội; đa dạng hóa sản phẩm nông sản, hình thành chuỗi giá trị gia tăng cho hàng nông sản, góp phần ổn định phát triển sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân. Thực tế là đồng bằng sông Cửu Long cung cấp nguồn hàng xuất khẩu nông sản rất lớn cho nền kinh tế (gạo, thủy sản, trái cây…) nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu sản phẩm thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Phát triển công nghệ sau thu hoạch và chế biến nông sản là một nội dung quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Có một thực trạng là rất nhiều tỉnh trong vùng tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng lại ít chú trọng tới phát triển công nghiệp chế biến nông sản mặc dù nằm ngay vùng sản xuất nguyên liệu. Phát triển công nghiệp ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung vào các ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp như sản xuất nông cụ (máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp…), phân bón, thuốc trừ sâu và đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản.

Vấn đề quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông sản hiện nay là phải đầu tư đổi mới, hiện đại hóa các cơ sở chế biến nông sản hiện có, đa dạng hóa sản phẩm chế biến với giá cả cạnh tranh và chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn cho những người sản xuất và kinh doanh hàng nông sản để đầu tư cho công nghệ này, bởi thiếu khâu quan trọng này thì hàng nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long khó mà ổn định được cả về thị trường và giá cả, gây tổn hại không chỉ đối với người sản xuất - kinh doanh mà tới cả nền kinh tế.

Ba là, vấn đề nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phương pháp mới trong việc chăm sóc và bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là một khâu hết sức quan trọng để bảo đảm chất lượng và năng suất của hàng nông sản. Việc lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hiện nay đã và đang gây ra nhiều tác hại cho đất đai, môi trường sinh thái và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người. Xu hướng tiêu dùng hiện nay trên thế giới là sử dụng các sản phẩm nông sản "sạch", không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chính vì vậy trong quá trình chăm sóc và bảo vệ cây trồng, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh học, trong đó cần đặc biệt quan tâm phát triển các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch. Trong bảo vệ cây trồng, cần áp dụng rộng rãi phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IMP), tăng cường sử dụng các sản phẩm vi sinh, kết hợp sử dụng hóa chất không độc hại hoặc ít độc hại. Bên cạnh việc sử dụng các thành tựu của công nghệ sinh học, cũng cần kết hợp sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh cổ truyền của dân tộc như việc sử dụng các côn trùng "thiên địch" để bảo vệ mùa màng.

Bốn là, vấn đề tổ chức thị trường cho sản xuất nông sản hàng hóa kể cả thị trường đầu vào và đầu ra. Hiện nay đang có quá nhiều đầu mối trung gian tham gia mạng lưới phân phối nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã gần 30 năm nhưng những người sản xuất vẫn bị phụ thuộc vào các thương lái trong việc cung cấp các sản phẩm đầu vào do việc xây dựng mạng lưới phân phối các sản phẩm đầu vào cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế.

Thị trường đầu ra có ý nghĩa rất quan trọng đối với sản xuất nông sản hàng hóa nếu không nói là yếu tố quyết định. Sự ổn định của thị trường đầu ra giúp nông dân khắc phục được tình trạng trồng rồi chặt theo sự lên xuống của giá cả thị trường. Cần đẩy mạnh liên kết bốn nhà theo Nghị định số 80/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Để sự liên kết này thành công, cần có cơ chế chia sẻ lợi ích rõ ràng giữa các bên tham gia hợp đồng trên cơ sở tương trợ lẫn nhau và cùng chịu trách nhiệm.

Năm là, vấn đề chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lao động nông thôn sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Quá trình cơ giới hóa nông nghiệp sẽ giải phóng một lượng lớn lao động nông nghiệp khỏi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cần có giải pháp để giải quyết vấn đề này. Nhiều năm nay, vấn đề này vẫn là thách thức, khó khăn đối với nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long do trình độ học vấn của lực lượng lao động của vùng này khá thấp. Mặc dù nhiều tỉnh đã và đang thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, nhưng vấn đề giải quyết việc làm, nhất là việc làm cho lao động trẻ hiện nay vẫn là vấn đề khó khăn đối với nhiều địa phương. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ khó có thể phát triển ổn định và bền vững./.

--------------------------------------------

(1) Theo số liệu Điều tra nông, lâm, thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê.

(2) Theo số liệu Điều tra nông, lâm, thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê.