Khởi động chiến dịch truyền thông: Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh
Chiến dịch nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới cũng như kêu gọi nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía Chính phủ và các cơ quan có liên quan cùng chung tay để chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh - một trong những hình thức đối xử phân biệt giới.
Đến dự và chủ trì họp báo có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Hồng Lý, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân, ông Arthur Erken, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. Tham dự họp báo có đại diện lãnh đạo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, các cơ quan, ban, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nêu rõ tính cấp bách của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam và những hệ lụy của nó.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại họp báo.
Theo đó, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam thể hiện qua việc tăng tỷ lệ từ 106,2 bé trai/100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai/100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Cá biệt có những làng, xã có tỷ lệ 150 bé trai/100 bé gái. Nếu như không có các biện pháp can thiệp kịp thời thì dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Các nghiên cứu cũng như thực tế chỉ ra rằng, mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi vì định kiến giới, thói quen ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa. Những điều này tạo ra áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ. Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể phải bỏ học để lập gia đình, có thể có sự gia tăng nhu cầu mại dâm, gia tăng các đường dây buôn bán phụ nữ,…
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm hạn chế, tiến tới xóa bỏ tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực giải quyết tình trạng phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái. Thứ trưởng mong muốn truyền thông làm cách nào để huy động toàn dân, các ngành, các cấp tham gia vào công tác này. Hơn nữa, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề là ở quan niệm, mong muốn có con trai, vì vậy, truyền thông cần vận động, thuyết phục, giúp người dân thay đổi quan niệm này.
Từ phía Bộ Y tế, Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Thứ trưởng khẳng định, cũng sẽ nỗ lực đưa ra các chương trình, kế hoạch, biện pháp phù hợp.
Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Arthur Erken trả lời báo chí.
Phát biểu tại họp báo, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Arthur Erken cho rằng nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tinh khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi mà chính do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị phụ nữ. Hiện tượng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình. Giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em. Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề mà cần có sự hợp tác của nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa - xã hội.
Báo cáo về tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh của Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tại họp báo cho thấy bức tranh toàn cảnh cũng như tính nghiêm trọng của vấn đề hiện nay và yêu cầu các biện pháp tích cực để ngăn chặn. Báo cáo nhấn mạnh tỷ số giới tính khi sinh tăng nhanh từ năm 2006 đến nay (từ 109,8 bé trai lên 113,8 bé trai/100 bé gái); tình trạng này diễn ra cả ở nông thôn và thành thị; xảy ra ở ngày càng nhiều khu vực, vùng miền của cả nước; xảy ra ở ngày càng nhiều tỉnh, thành phố cả nước (năm 2013 có trên 40 tỉnh, thành phố cả nước có tỷ số 110 bé trai/100 bé gái trở lên, tỷ số cao nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng); mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra ngay ở trong lần sinh thứ nhất; tỷ số bé trai/bé gái cao hơn ở các gia đình khá giả; cao ở nhóm phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn;…
Chiến dịch truyền thông lần này bao gồm một chuỗi sự kiện với nhiều hình thức như hội thảo, tọa đàm, diễu hành tại Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các mạng xã hội. Thông điệp mà chiến dịch truyền thông muốn đưa đến là: Bé gái, cũng như bé trai, xứng đáng được hưởng sự yêu thương, cơ hội và quyền bình đẳng trong suốt cuộc đời mình. Bình đẳng giới là vấn đề cốt lõi của sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Hãy chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh./.
Cho ý kiến dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật  (22/09/2014)
Cho ý kiến dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật  (22/09/2014)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21-9-2014  (22/09/2014)
Đầu tư 1.000 tỷ đồng xây tuyến đường chính Khu kinh tế Vân Đồn  (22/09/2014)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm làm việc tại Hà Lan  (22/09/2014)
Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu sản phẩm cá sang Colombia  (22/09/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên