Nga và Trung Quốc mới đây đã ký kết một thỏa thuận thương mại lịch sử với giá trị khổng lồ về mua bán khí đốt sau thời gian dài thương lượng. Đây là một bằng chứng cho thấy những nỗ lực của hai nước trong việc tăng cường quan hệ song phương, không những về thương mại mà còn trong các hoạt động kinh tế khác.
Việc hai nước thắt chặt quan hệ hợp tác không chỉ bởi điều đó là cần thiết trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi vững chắc mà còn bởi mỗi nước đều nhìn thấy ở đó những lợi ích sát sườn, đặc biệt là với Nga, khi mà nước này đang gặp phải những khó khăn kinh tế nhất định do liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại

Phát biểu khi tham dự Diễn đàn Kinh tế Saint Petersbourg mới đây sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc lại những ưu tiên kinh tế và thương mại trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là những vấn đề ông đã đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải và Bắc Kinh trong chuyến công du Trung Quốc vừa qua.

Tại Bắc Kinh, lãnh đạo Nga và Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính đến thương mại, từ năng lượng đến giao thông.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc trong thời gian ở thăm nước này, Tổng thống Nga khẳng định Nga coi quan hệ hợp tác với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu và quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay.

Theo ông Putin, trong bối cảnh kinh tế thế giới chưa phục hồi vững chắc, việc tăng cường quan hệ thương mại, kinh tế đôi bên cùng có lợi cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư giữa hai nước có tầm quan trọng đặc biệt. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại song phương lên 200 tỷ USD một năm vào năm 2020 thay vì 90 tỷ USD như hiện nay. Hai bên cũng cam kết sử dụng đơn vị tiền tệ của nhau nhiều hơn trong các khoản thanh toán song phương.

Đáng chú ý là trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai bên đã ký thỏa thuận mua bán khí đốt có tổng giá trị lên đến 400 tỷ USD, sau một thập niên đàm phán. Theo thỏa thuận này, Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua các đường ống dẫn trong 30 năm, bắt đầu từ năm 2018, với khối lượng sẽ tăng lên từng năm và đạt mức cao nhất là 38 tỷ mét khối.

Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga dự kiến sẽ nhận được từ Trung Quốc khoản ứng trước trị giá 25 tỷ USD cho lượng khí đốt sẽ giao trong tương lai để đầu tư vào dự án xây dựng đường ống dẫn “Sức mạnh Siberia". Có thể nói cuộc khủng hoảng tại Ukraine là chất xúc tác cho việc tăng cường quan hệ Nga - Trung. Những diễn biến ở Ukraine đã thuyết phục Nga rằng không thể dựa vào Tây Âu như là thị trường xuất khẩu chính cho dầu mỏ và khí đốt và lựa chọn của nước này là chuyển hướng sang Trung Quốc.

Khi Mỹ hối thúc châu Âu đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào Nga, dường như chiến lược xuất khẩu năng lượng "hướng Đông" của Nga ngày càng trở thành một sự bắt buộc chứ không đơn thuần là một sự lựa chọn. Mỹ đã cảnh cáo rằng, trong trường hợp Nga leo thang hơn nữa sẽ tấn công vào các lĩnh vực chủ chốt của kinh tế Nga. Trước mắt, Mỹ đã bắt đầu nhắm vào một số tập đoàn do các doanh nhân thân với Tổng thống Putin kiểm soát, đặc biệt là các ngân hàng và các công ty dầu khí.

Trước tình hình chiến sự và căng thẳng leo thang ở miền Đông Ukraine, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo các biện pháp trừng phạt đối với Nga sẽ gây tổn thất cho nền kinh tế này, đồng thời tuyên bố sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt (mặc dù được đánh giá là còn hạn chế) đã gây ra làn sóng rút vốn khỏi Nga và đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga xuống gần 0%.

Theo Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Daniel Glaser, kinh tế Nga đã cảm nhận được những tác động của các biện pháp trừng phạt. Đó là thị trường chứng khoán giảm 13%, ngân hàng trung ương Nga phải chi gần 50 tỷ USD để hỗ trợ đồng rúp, chi phí đi vay của Nga tăng vọt, buộc Nga hủy một đợt phát hành trái phiếu, dòng vốn thoái lui khỏi Nga năm 2014 ước khoảng 100 - 130 tỷ USD, Bank Rossiya, ngân hàng thân Tổng thống Nga Putin vốn nằm trong danh sách bị trừng phạt, đã mất 1 tỷ USD tiền gửi kể từ tháng 3-2014 và phải bán 500 triệu USD trái phiếu để duy trì tính thanh khoản.

Những lợi ích từ thỏa thuận lịch sử

Với thỏa thuận lịch sử về mua bán khí đốt mới ký kết, cả Nga và Trung Quốc sẽ cùng có lợi. Thỏa thuận này cho phép Nga đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong khi giúp Trung Quốc có được nguồn cung năng lượng ổn định, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nhiêu liệu năng lượng nhập khẩu bằng đường biển, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong nước.

Trong lúc tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu năng lượng, Nga đã hướng nhiều tới Trung Quốc, nhưng hai nước chưa đạt được thỏa thuận, chủ yếu do bất đồng về giá. Hiện Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu. Năm ngoái, Trung Quốc đã phải nhập vào 53 tỷ mét khối khí đốt để bảo đảm cho nhu cầu tiêu thụ đang tăng thêm khoảng 25% một năm.

Chuyên gia Pierre Terzian, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc cơ quan tư vấn về dầu khí PetroStrategies, cho rằng thỏa thuận vừa ký được với phía Nga không giúp Trung Quốc giải quyết hoàn toàn nhu cầu về năng lượng bởi mức tiêu thụ của nước này ngày càng tăng nhanh, nhưng cho phép nước này đa dạng hóa các nguồn cung và nhất là sẽ không phải phụ thuộc vào một hay vài quốc gia xuất khẩu khí đốt cũng như đa dạng hóa các nguồn năng lượng cần thiết, đáp ứng nhu cầu của khu vực sản xuất và tư nhân.

Quan trọng hơn nữa là hợp đồng này gắn liền Trung Quốc với Nga, một quốc gia có dự trữ về khí đốt lớn nhất trên thế giới, và cũng nhờ có hợp đồng mua bán trực tiếp với Nga, Trung Quốc sau này sẽ ở thế mạnh khi cần đi mua khí đốt của bất kỳ một đối tác nào khác.

Còn với Nga, việc bán khí đốt cho Trung Quốc rõ ràng còn là nhằm đối phó với các biện pháp cấm vận kinh tế của châu Âu và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Hơn bao giờ hết, Nga cần một thị trường lớn để giải tỏa bớt tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Âu - Mỹ đang áp đặt. Tất cả các nhà phân tích đều đi đến kết luận là vô hình chung, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc nhanh chóng đạt được kết quả mong muốn sau nhiều năm đàm phán.

Việc hướng sang thị trường Trung Quốc giúp Nga nâng cao khả năng thương lượng về giá và có thể gây áp lực lên các nước châu Âu, nơi mà khoảng 80% khí đốt của Nga được xuất tới. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, xét về phương diện kinh tế, cả đối với Nhà nước Nga lẫn tập đoàn Gazprom, hợp đồng bán khí đốt trị giá 400 tỷ USD không “hời” như mong đợi.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) không chính thức thông báo giá khí đốt mua của Nga và lượng khí đốt mà Gazprom sẽ cung cấp mỗi năm, nhưng theo các phương tiện truyền thông Moskva, trong lúc Ukraine phải mua vào 1.000m3 khí đốt của Nga với giá từ 410 - 430 USD thì với hợp đồng vừa ký kết, Gazprom cam kết bán khí đốt cho CNPC với giá 350 USD/1.000m3. Bên cạnh đó, để khí đốt khai thác từ Siberi đến được thị trường Trung Quốc, Nga phải xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống dẫn mang tên "Sức mạnh Siberi." Để hoàn thành đường ống này, Gazprom sẽ phải đầu tư 60 tỷ USD.

Một vấn đề đặt ra là nếu đúng là Nga bán khí đốt cho Trung Quốc với mức giá rẻ như báo chí đã đưa thì lý do là gì? Đó có thể là bởi Nga nhắm tới lợi ích lâu dài là sẽ bán khí đốt ra hai thị trường tiềm năng khác là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngoài ra, việc Nga nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc một lần nữa thể hiện sự nhạy bén của Tổng thống V. Putin trước thực tế đang diễn ra. Sau khi thất bại trong việc dùng lá bài năng lượng để giữ chặt Ukraine trong vòng kềm tỏa của mình, chủ nhân điện Kremli ý thức được rằng Nga không phải là nguồn xuất khẩu khí đốt duy nhất trên thế giới.

Bằng chứng cụ thể là Trung Quốc lâu nay đã trông chờ vào khí đốt của Turkmenistan qua đường ống dẫn khí đốt dài hơn 6.400km. Nhờ đó, Trung Quốc trong thế mạnh để mặc cả với Nga. Ngoài Turkmenistan , Uzbekistan, Australia hay Qatar cũng là những nguồn cung cấp khác của Trung Quốc./.