Festival Huế 2008 - Những lễ hội đặc sắc

Nhật Vũ
15:35, ngày 02-06-2008

Festival Huế 2008 là một lễ hội văn hóa du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, gắn với mở rộng giao lưu quốc tế. Từ kinh đô Huế huyền ảo đến các vùng phụ cận, từ những đền đài cung điện, đến những phố cổ và làng nghề xứ Huế, sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa du lịch, lễ hội đa dạng.

Lễ tế Nam Giao - một trong những lễ hội
đặc sắc của Festival Huế
Ảnh: BTC Festival Huế 2088 cung cấp

 
Festival Huế 2008 quy tụ các chương trình biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế; các chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 25 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Pháp, Anh, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Thái Lan, Bỉ, Ốt-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Nhật Bản, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Thụy Sĩ...

Festival Huế 2008, theo chương trình, sẽ tổ chức 7 lễ hội lớn. Ngoài 3 lễ hội đã được tổ chức thành công trong các Festival trước là Lễ tế Nam Giao, Đêm Hoàng cung và Lễ hội Áo dài sẽ được tái hiện lại với nhiều nội dung mới, còn có 4 lễ hội hoàn toàn mới là: Lễ Đăng quang của Hoàng đế Quang Trung, Lễ tế Xã tắc, Lễ thi Tiến sĩ Võ và Huyền thoại sông Hương.

Lễ tế Nam Giao

Tế Nam Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Bởi vậy, trong chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta, đây là lễ tế quan trọng nhất, và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất (Đại tự).

Đàn Nam Giao được xây dựng vào năm 1806, dưới thời vua Gia Long, là nơi triều đình và nhà vua làm lễ tế trời. Đàn cách Kinh thành Huế khoảng 4 km về phía nam. Đàn gồm 3 tầng, quay mặt về hướng nam. Tầng thứ nhất hình vuông, màu đỏ, tượng trưng cho Con Người. Tầng thứ hai gọi là Phương đàn, cũng hình vuông, màu vàng, tượng trưng cho Đất. Tầng thứ ba hình tròn, gọi là Viên đàn màu xanh, tượng trưng cho Trời. Kiểu kiến trúc này phản ánh quan niệm về vũ trụ của người phương Đông xưa: Trời tròn, Đất vuông. Đàn Nam Giao nằm trong một khuôn viên rộng có tổng diện tích khoảng 10 ha, bên trong là rừng thông xanh biếc.

Từ thời vua Gia Long (1802-1819) đến thời vua Đồng Khánh (1886-1888), Lễ tế Nam Giao được tổ chức mỗi năm một lần vào mùa xuân. Buổi lễ kéo dài tới 3 ngày, rất tốn kém. Từ thời vua Thành Thái (1889-1907) đến năm 1945, do điều kiện kinh phí hạn hẹp, nên 3 năm mới tổ chức một lần. Đồng thời, trong thời gian Bảo Đại trị vì (1926-1945), lễ tế được rút lại còn 1 ngày. Trong Lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc giao cho quan khâm mệnh đại thần thay mặt làm chủ tế.

Sau năm 1945, di tích Đàn Nam Giao bị bỏ hoang phế, môi trường cảnh quan bị xâm hại và tàn phá nghiêm trọng. Ngày nay, Đàn Nam Giao được trùng tu phục hồi và được tổ chức UNESCO ghi tên vào danh mục Di sản Thế giới từ năm 1993. Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của Lế tế Nam Giao, mà lễ hội này được nghiên cứu và phục dựng từng phần trong các kỳ Festival trước.

Lễ tế Nam Giao trong Festival Huế 2008 sẽ là một lễ hội hoành tráng, hấp dẫn, mang đậm nét nhân văn độc đáo của vùng đất cố đô Huế.

Lễ tế Xã Tắc

Đàn Xã Tắc thời Nguyễn được dùng để tế thần Đất và thần Lúa, cầu mùa màng cho tốt tươi, quốc thái dân an.

Đàn được xây dựng dưới thời vua Gia Long, nằm ở phái Tây Hoàng Thành (nay là phường Thuận Hòa, Thành nội Huế). Vì ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của Đàn Xã Tắc, nên khi xây dựng Đàn, theo lệnh vua, 28 thành, dinh, trấn trong cả nước phải đóng góp đất sạch để đắp đàn. Vì vậy, Đàn Xã Tắc là tượng trưng cho đất đai của Tổ quốc. Lễ tế Xã Tắc được tổ chức mỗi năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu và được xếp vào hàng Đại tự, chỉ đứng sau Lế tế Nam Giao. Hầu như tất cả các vị vua triều Nguyễn đều đã từng chủ trì lễ tế quan trọng này.

Sáng sớm của ngày tế Xã Tắc, cờ ở Kỳ đài được kéo lên, các vị trí chuẩn bị bày sẵn xong, vua xuất phát từ điện Cần Chánh ra cửa Đại Cung Môn. Bảy phát súng lệnh ở Kỳ đài phát lên. Đoàn Ngự giá ra cửa Ngọ Môn, rẽ hướng Tây, rồi qua hướng Bắc, đến Đàn tế.

Cùng với sự chấm dứt của nhà Nguyễn, Đàn Xã Tắc bị xâm chiếm và xuống cấp trầm trọng, Lễ tế Xã Tắc không còn nữa, nhưng tinh thần và ý nghĩa nhân bản của nó vẫn còn tồn tại, nhất là đối với nền kinh tế nông nghiệp nước ta hiện nay.

Lễ tế Xã Tắc được phục dựng, được tổ chức khá quy mô với hơn 400 người tham gia cùng đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghị trượng, cờ phướn và các nghi thức truyền thống để đưa vào phục vụ trong dịp Festival Huế 2008 một cách nghiêm trang như đã từng diễn ra trong lịch sử. Việc tổ chức Lễ tế Xã Tắc trong khuôn khổ Festival Huế lần này là cơ sở bước đầu để từng bước xây dựng hồ sơ khoa học tiến tới đăng ký với UNESCO lập hồ sơ quốc gia đề cử vào “Danh sách các Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Lễ thi Tiến sĩ Võ - Bữa tiệc độc đáo tại Festival Huế 2008

Trong 143 năm tồn tại, triều Nguyễn tổ chức được 39 khoa thi Hội Tiến sĩ Văn, nhưng chỉ tổ chức được 3 khoa thi Tiến sĩ Võ. Các khoa thi Tiến sĩ Võ đều được diễn ra dười thời vua Tự Đức, và cũng chỉ chọn được 10 vị Tiến sĩ và 22 vị Phó bảng. Các Tiến sĩ Võ được khắc tên trên bia đá dựng tại sân Võ Miếu (được xây dựng bên cạnh Văn Miếu) để tôn vinh võ học và những người có công lao với đất nước.

Khoa thi cuối cùng cách đây tròn 140 năm, do vậy, các thể thức, trang phục, nghi trượng trong nghi lễ thi bị mai một nhiều. Theo một số tư liệu mô tả, thì thời gian thi, nội dung thi, phép thi ...được hình dung như sau:

Thời gian thi là vào tháng 5 và kéo dài đến 25 ngày. Mồng 2-5 tiến trường; ngày mồng 6-7 thi trường nhất; ngày 10 và 11 thi trường nhì; từ 14 đến 19 thi trường ba; ngày 22 phúc thi bằng bài thi văn; ngày 25 yết bảng công bố người đậu.

Nội dung thi gồm: trường nhất, thi xách tạ chì; trường nhì, thi múa côn và múa trượng; trường ba, thi bắn súng điểu thương; phúc hạch: môn bắn súng điểu thương.

Không gian thi: Khảo thí về hành binh và phương pháp bài binh bố trận tại Tả đãi Lậu viện; khảo thí các môn võ nghệ tại thao trường Cẩm Y Vệ; khảo thí bắn súng điểu thương tại trường bắn Đông Ba.

Với ý nghĩa tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc, trong khuôn khổ Festival 2008, lần đầu tiên Lễ hội Tiến sĩ Võ được tái hiện. Đây cũng là một trong năm lễ hội lớn được phục dựng và đưa vào phục vụ, được kỳ vọng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo trong dịp Festival Huế 2008. Phần lễ sẽ gồm lễ rước chiếu chỉ từ Ngọ Môn ra Phu Văn Lâu; lễ tuyên đọc chiếu chỉ đọc tên những người trúng cách trong hội thi và tuyên bố các môn đã vượt qua vào chung khảo; tiếp đó là chung khảo các môn thi: trận pháp, múa côn, quyền, đao, kiếm và đối luyện tay không, tay không - binh khí, binh khí - binh khí; tuyên bố danh sách người đậu tiến sĩ và lễ tạ ơn sau khi ban áo mão; cuối cùng là lễ rước tiến sĩ vào Duyệt Thị Đường dự yến tiệc.

Tuy nhiên, do những khó khăn nhất định cả về thời gian, không gian, Lễ hội lần này sẽ được tổ chức cách điệu như một buổi chung khảo Tiến sĩ Võ, mang tính biểu trưng nhằm hướng đến cái đích cuối cùng đề cao ý nghĩa giáo dục của cuộc lễ, tôn vinh giáo dục nhân tài, tôn vinh tinh thần thượng võ của dân tộc, và để phục vụ nhu cầu thưởng lãm của đông đảo quần chúng và du khách du lịch trong thời gian diễn ra Festival Huế 2008.

Với chủ đề Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Festival Huế 2008 là một lễ hội lớn, đầy ấn tượng và hấp dẫn với nhiều chương trình văn hóa, du lịch đặc sắc, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Việt Nam và của cố đô Huế. Festival Huế 2008 với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách, sẽ khai mạc vào đêm 3-6 tại Quảng trường Ngọ Môn và bế mạc vào đêm 11-6 trên sông Hương thơ mộng./.