Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nhiều học giả tại Australia đã đưa ra quan điểm phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan và tàu hộ tống vào khu vực biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trang ngôn luận “The Interpreter” của Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Sydney (Xít-ni), Australia ngày 09-5 đăng ý kiến của học giả Julian Snelder (Giu-li-an Xnen-đơ), cho rằng các chính trị gia Mỹ lo ngại trước những mối đe dọa về kinh tế và chính trị do Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) gây ra. Việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy CNOOC đang hành động với động cơ chính trị. Bài viết còn nêu rõ với việc vây quanh giàn khoan là lực lượng gồm khoảng 80 tàu Trung Quốc, CNOOC đã thể hiện cách cư xử “hung hăng, thiếu thận trọng” mà không một doanh nghiệp thương mại tư nhân nào thực hiện.

Học giả Snelder nhận định vụ việc giàn khoan Hải Dương-981 có thể trở thành một phần quan trọng trong cuộc tranh luận về đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Australia, đặc biệt là sẽ đặt ra câu hỏi về động cơ của các doanh nghiệp thuộc Nhà nước của nước này.

Trước đó, ngày 08-5, trang “The Interpreter” cũng đã đăng bình luận của học giả Malcolm Cook (Man-com Cúc), nguyên Giám đốc Chương trình Đông Á của Viện Lowy, khẳng định rằng hành động của Trung Quốc “rõ ràng đi ngược lại tinh thần và nội dung của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” mà Trung Quốc đã ký kết với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2002. Theo học giả Cook, việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa cộng với vụ Trung Quốc ngăn cản Philippines tiếp hậu cần cho binh lính đóng tại bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas Shoal) gần đây, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, làm mất đi sự tin tưởng vào DOC như một công cụ ngoại giao hiệu quả để giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN./.