Sáng tỏ nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền
Với công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986, trong nhận thức, Đảng đã thấy rõ sự cần thiết phải xây dựng và thực hiện quản lý Nhà nước theo hướng Nhà nước pháp quyền. Việc sửa đổi Hiến pháp 1980 và ban hành Hiến pháp 1992 là một bước tiến quan trọng. Tuy vậy, Hiến pháp 1992 vẫn chưa được sử dụng thuật ngữ "Nhà nước pháp quyền" do còn có những nhận thức khác nhau. Phải đến Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1-1994) và sau đó là Hội nghị Trung ương 8 khóa VII (1-1995) mới chính thức đề ra quan điểm và nội dung xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Khẳng định tính bức thiết, tất yếu
Thực tế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải nhận thức rõ hơn về Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp sửa đổi 2013 khẳng định tính bức thiết, tất yếu phải xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta.
Nhận thức rõ tư tưởng pháp quyền phải được thể hiện và thực thi trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Hiến pháp đã thể hiện nhận thức đó trong từng chương, từng điều quy định với tư cách là luật cơ bản của Nhà nước. Chính nội dung Hiến pháp đã giúp cho mỗi cơ quan nhà nước, đội ngũ công chức và mọi công dân nhận thức đầy đủ hơn về Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa hiện nay là dựa trên những quan điểm và đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Trong đó, nội dung đầu tiên là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật bắt đầu từ Hiến pháp và khẳng định tính tối thượng của pháp luật. Pháp luật là công cụ quản lý chủ yếu của Nhà nước. Mọi cơ quan tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật.
Hiến pháp vừa được thông qua là căn cứ để xây dựng hệ thống pháp luật, ban hành luật mới và sửa đổi các luật đã có cho phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm cho pháp luật được thực hiện thông suốt và nghiêm minh.
Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy nhà nước là nội dung rất quan trọng. Theo đó, bản Hiến pháp mới đã quy định rõ vai trò chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và chính quyền địa phương. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định cơ chế vận hành: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Xây dựng, hoàn thiện bộ máy nhà nước gắn liền với xây dựng đội ngũ công chức có trình độ, năng lực đạo đức, trách nhiệm và thượng tôn pháp luật. Hiến pháp là cơ sở để đổi mới hoạt động của Quốc hội, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải cách tư pháp, bảo đảm cho quản lý của Nhà nước có hiệu quả và hiệu lực.
Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Một nội dung rất quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền là thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ đất nước, xã hội, làm chủ nhà nước của nhân dân. Hiến pháp khẳng định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt, Hiến pháp nhấn mạnh và đề cao quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Chương II. Cần nhấn mạnh rằng, dân chủ luôn luôn gắn liền với pháp luật; quyền con người, quyền công dân luôn luôn gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ đối với lợi ích quốc gia, dân tộc; đề cao pháp luật đồng thời tăng cường giáo dục nâng cao đạo đức xã hội.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền có một yêu cầu rất quan trọng là phải nâng cao trách nhiệm chính trị và hiểu biết pháp luật của mọi tầng lớp nhân dân. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phải gắn liền với tăng cường giáo dục pháp luật, chú trọng văn hóa pháp luật. Việc công bố Dự thảo Hiến pháp sửa đổi để toàn dân đóng góp ý kiến trong thời gian gần 1 năm có ý nghĩa như một cuộc trưng cầu ý dân. Mọi người dân đã đóng góp hàng chục triệu ý kiến cụ thể, thiết thực, có trách nhiệm. Qua thảo luận, góp ý kiến sửa đổi Hiến pháp, trình độ nhận thức về pháp luật và Nhà nước pháp quyền được nâng cao. Đó là cơ sở để mọi người dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Khi Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua, việc tổ chức thực hiện Hiến pháp trở thành một yêu cầu quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp và hệ thống pháp luật đúng đắn và hoàn chỉnh nếu không được tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh thì không thể phát huy hiệu lực quản lý của Nhà nước.
Với yêu cầu đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về thực hiện Hiến pháp. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”. Đó là yêu cầu và cũng là bản chất cách mạng của Nhà nước. Hiến pháp sửa đổi 2013 trong các chương, nhất là chương về chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường đã thể hiện yêu cầu cơ bản đó.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đó là quan điểm, cũng là yêu cầu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Hiến pháp đã quy định và khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4.
Điểm mới trong Điều 4 là nêu rõ bản chất của Đảng, Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Khẳng định vai trò lãnh đạo đồng thời đặt ra yêu cầu và trách nhiệm của Đảng cầm quyền đối với Nhà nước và nhân dân, Hiến pháp đã thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam để bảo đảm Cương lĩnh, đường lối được thực hiện trên cơ sở thực tế và pháp lý.
Hiến pháp sửa đổi 2013 là bước tiến quan trọng trong thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, đã làm sáng tỏ hơn nhận thức, nội dung và yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam./.
“Doanh nghiệp trẻ cần bỏ kiểu kinh doanh chộp giật”  (12/01/2014)
Hà Nội: 2014 là “Năm trật tự và văn minh đô thị”  (12/01/2014)
Trên 4.000 tỷ đồng nâng cấp Quốc lộ 20 qua Lâm Đồng  (12/01/2014)
"Chủ nhật Đỏ" - Ngày hội hiến máu cứu người  (12/01/2014)
Đồng Nai: Phong phú lễ hội đường hoa Trấn Biên đón Tết  (12/01/2014)
Người biểu tình bắt đầu huy động lực lượng tại Bangkok  (12/01/2014)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên