TCCSĐT - Chiều ngày 29-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc, hoàn thành chương trình nghị sự với việc thông qua nhiều nội dung quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

1. Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - MDEC Vĩnh Long 2013

Từ ngày 25 đến 26-11, tại Vĩnh Long đã diễn ra Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC - Vĩnh Long 2013) với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh”.

Trong khuôn khổ diễn đàn có 9 hội nghị, hội thảo được tổ chức thu hút 4.000 lượt đại biểu, trong đó các điểm nhấn là hội nghị xúc tiến đầu tư đồng bằng sông Cửu Long năm 2013 với quy mô cấp vùng; triển lãm hội chợ “Tuần lễ Môi trường xanh - công nghệ xanh - phát triển bền vững kinh tế xanh”. Hội nghị đưa ra 6 cam kết phối hợp triển khai giữa các thành viên Ban Chỉ đạo MDEC, các bộ, ngành, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó tập trung tăng cường liên kết ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu; liên kết chặt chẽ nội vùng để đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiềm năng để xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh và nâng cao khả năng quảng bá hình ảnh đồng bằng sông Cửu Long.

2. Đại hội Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II

Ngày 26-11, Đại hội Liên hoan Thanh niên Việt Nam - Trung Quốc lần thứ II đã diễn ra tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đồng chí Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã đến dự Đại hội.

Tại Đại hội Liên hoan, thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã cùng giao lưu, hòa ca những bài hát ngợi ca tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Liên hoan đã tác động tích cực đến tình cảm của nhân dân, thanh niên hai nước, góp phần giáo dục cho thanh niên về tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện Việt - Trung đối với sự phát triển của mỗi nước, cũng như hòa bình, hữu nghị và cùng phát triển trong khu vực. Hai bên thống nhất đánh giá thành công của Liên hoan lần II tiếp tục là dấu ấn đậm nét trong lịch sử quan hệ hữu nghị của nhân dân và thanh niên hai nước Việt Nam - Trung Quốc, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy giao lưu nhân dân hai bên không ngừng phát triển trong thời kỳ mới.

3. Việt Nam tiếp nhận tàu tuần tra đa năng Cảnh sát biển 8001

Ngày 27-11, Vùng Cảnh sát biển 3 (thành phố Vũng Tàu) đã tiếp nhận tàu tuần tra đa năng CSB - 8001.

Tàu CSB - 8001 do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu, do Nhà máy Z198 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng) đóng mới. Tàu dài 90m, rộng 14m, có 4 máy chính, 2 máy phụ, vận tốc lớn nhất đạt 21 hải lý/giờ, có thể hoạt động 40 ngày đêm liên tục trên biển và có sàn đỗ máy bay trực thăng. Đặc biệt, tàu có hai vây bố trí ở hai bên mạn, giúp giảm rung, lắc khi hoạt động trên biển trong điều kiện sóng to, gió lớn.

4. Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài 

Từ ngày 28 đến 29-11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với sự tham gia của hơn 900 đại biểu tại hai phiên họp toàn thể và 8 hội thảo chuyên đề. 

Hội nghị đã nghe các báo cáo về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới, báo cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như đánh giá của Chính phủ, nhân dân Việt Nam đối với sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong 10 năm qua. Các đại biểu đánh giá cao những thành tựu của các chính sách, chương trình giảm nghèo và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam, đã giúp giải quyết tốt các vấn đề xã hội, giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là đối với các khu vực đặc biệt khó khăn trong thập kỷ qua. Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cam kết, thông qua hợp tác với các cơ quan đối tác Việt Nam tiếp tục tìm kiếm, khai thác các nguồn tài trợ, kỹ thuật và các nguồn lực khác từ bên ngoài để hỗ trợ Việt Nam có hiệu quả hơn trong việc giảm nghèo và phát triển bền vững,…

5. Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 30-11, gần 1.000 người đã tham gia Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS, Chiến dịch phòng chống AIDS toàn cầu năm 2013 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (01-12). 

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hữu Hồng cho biết: Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và nhiều tổ chức khác, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập được nhiều nhóm phòng, chống HIV/AIDS; hằng năm đã tư vấn, giúp đỡ hơn 10.000 đối tượng nhiễm HIV, các đối tượng có nguy cơ cao, góp phần cùng các ngành, các cấp nâng cao nhận thức cho cộng đồng, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, giảm tỷ lệ nhiễm HIV. 

Cũng trong ngày 30-11, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức nhiều chương trình hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS. Tiêu biểu là việc triển khai dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện, miễn phí và bảo đảm bí mật thông tin ngay tại địa điểm tổ chức sự kiện. Ngoài ra, còn có các hoạt động nhằm tăng cường sự cam kết, tham gia của các nhóm đồng đẳng, các bên liên quan và cộng đồng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS.

6. Bế mạc Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII là kỳ họp đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi); quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước. Cùng với việc thông qua Hiến pháp, tại kỳ họp này Quốc hội đã xem xét, thông qua 08 luật cùng nhiều Nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc ban hành các đạo luật, Nghị quyết, nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Quốc hội đã nghe Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; tiến hành chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, bầu bổ sung một số chức danh các cơ quan của Quốc hội, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác. 

7. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam

Ngày 01-12, 48 tác phẩm xuất sắc đã được tôn vinh tại Lễ trao giải Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 (VN-13) do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức. Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 được phát động từ ngày 30-5-2013, dành cho các nhiếp ảnh trên toàn thế giới. 

Các Hội đồng giám khảo đã chọn được 8 bộ giải thưởng gồm 48 tác phẩm ảnh xuất sắc ở các nội dung để trao giải. Giải của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam gồm: 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng và 12 Giải khuyến khích. Giải của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế gồm: 4 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng và 12 Bằng danh dự.

Cũng trong dịp này, 250 trong số 663 tác phẩm tiêu biểu được lựa chọn trưng bày để phục vụ công chúng yêu nghệ thuật nhiếp ảnh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Bộ ảnh sẽ tiếp tục được triển lãm tại một số tỉnh, thành trên cả nước.

8. 12 chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12 - 2013

Bắt đầu từ tháng 12-2013, một số chính sách quan trọng, thiết thực với người dân sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong đó có chính sách kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên đại học; xử phạt khi vi phạm trật tự công cộng, phạt tiền khi dạy thêm chưa được cấp phép; quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão...

Theo đó, Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ 10-12-2013), quy định: Giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và giảng viên có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Giảng viên được kéo dài thời gian làm việc nếu có các điều kiện: Có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu và chấp thuận. Thời gian kéo dài làm việc đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với giảng viên có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với giảng viên có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.

Một văn bản thiết thực với người dân là Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ 28-12-2013) về xử phạt hành vi vi phạm trật tự công cộng. Theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự công cộng có thể bị phạt đến mức cao nhất là 5 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi cá nhân. Còn đối với hành vi đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau; say rượu, bia gây mất trật tự công cộng; ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác; tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định 128/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-12-2013) xác định rõ: Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm không đúng nội dung đã được cấp phép. Đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép sẽ bị phạt tiền từ 6-12 triệu đồng.

Đáng chú ý, tại Nghị định số 139/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều; phòng, chống lụt, bão (có hiệu lực thi hành từ ngày 8-12-2013), sẽ phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất nổ trong phạm vi bảo vệ công trình phòng, chống lụt, bão.../.