Tiếp tục đổi mới công tác tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam có 13 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động. Ngoài các tôn giáo lớn du nhập từ nước ngoài, như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bà-la-môn,... còn có các tôn giáo nội sinh, như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,... Các tôn giáo ở nước ta, mặc dù độc lập về nghi lễ nhưng gắn bó với nhau trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Bên cạnh đó, còn có nhiều tín ngưỡng dân gian với các nghi lễ đặc sắc, phong phú, được đông đảo người dân sùng kính, như tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Vua Hùng, thờ Đức thánh Trần,...
Theo thống kê, ở nước ta hiện có khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm khoảng 27% dân số cả nước. Trong đó, chủ yếu là tín đồ Phật giáo (hơn 11 triệu người), Công giáo (gần 7 triệu người), Tin Lành (hơn 1 triệu người), Cao Đài (2,4 triệu người), Phật giáo Hòa Hảo (1,5 triệu người), Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam (hơn 1 triệu người); còn lại là tín đồ các tôn giáo khác, chiếm gần nửa triệu người. Số lượng chức sắc, nhà tu hành khá đông, khoảng 83 nghìn người; ngoài ra còn có 250 nghìn chức việc trông coi việc đạo ở khoảng 25 nghìn cơ sở thờ tự.
Các nghiên cứu thực tế cho thấy, tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có các đặc điểm cơ bản sau:
Một là, các tín ngưỡng, tôn giáo có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, không kỳ thị, tranh chấp và xung đột. Các tín ngưỡng truyền thống phản ánh đời sống tâm linh phong phú, đa dạng, sự khoan dung, độ lượng, nhân ái của người Việt Nam và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Đây là những yếu tố để người Việt Nam dễ hòa đồng với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong nhiều cộng đồng dân cư có sự xen kẽ giữa người có tôn giáo và người không có tôn giáo. Ở nhiều nơi, trong cùng một làng, xã, có nhóm tín đồ của tôn giáo này sống đan xen với nhóm tín đồ của tôn giáo khác hoặc với những người không theo tôn giáo, và họ sống hòa hợp với nhau trên nền tảng làng, xóm, dòng họ.
Hai là, các tôn giáo ở Việt Nam chủ yếu thờ Thượng đế và linh nhân là người nước ngoài. Các nghiên cứu về lịch sử tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cho thấy, tư tưởng tôn giáo có từ người Việt cổ, thể hiện trực quan qua các hình tượng chim Lạc và con Rồng, những linh nhân, như Vua Hùng, Mẫu Âu Cơ, Chúa Liễu Hạnh,... nay vẫn chỉ là niềm tin dân gian, chỉ là các tín ngưỡng. Hệ thống giáo lý của các tôn giáo nội sinh (Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,...) hầu hết đều sao chép, ảnh hưởng hoặc vay mượn từ các tôn giáo du nhập.
Ba là, các tôn giáo, dù du nhập từ nước ngoài hay nội sinh, đều gắn bó và có sự tác động nhất định (tích cực và tiêu cực) tới lịch sử dân tộc từ thế kỷ thứ IV (sau Công nguyên) đến nay.
Bốn là, mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng biệt nhưng đều hướng đến Chân - Thiện - Mỹ, chịu ảnh hưởng của truyền thống dân tộc, góp phần tạo nên những nét đẹp trong nền văn hóa đa dạng, phong phú về bản sắc của dân tộc. Thực tế, mỗi tôn giáo đều mang trong nó một hay nhiều tín ngưỡng; các tín ngưỡng này đã có sự giao thoa với văn hóa Việt Nam. Qua hàng trăm năm tồn tại, phát triển, văn hóa tín ngưỡng ngoại nhập dần được Việt hóa và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam (dù không thuần nhất).
Năm là, trong lịch sử cận, hiện đại của dân tộc, các thế lực thực dân, đế quốc, phản động luôn tìm mọi cách lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo và các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo để xâm lược, đô hộ nước ta, hoặc gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ cho ý đồ đen tối của chúng. Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn sử dụng, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo như một thứ vũ khí nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với chiêu bài “tự do tôn giáo”, “nhân quyền”, chúng xuyên tạc, bóp méo đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, âm mưu tạo ra lực lượng và xây dựng ngọn cờ trong tôn giáo hòng lật đổ Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Một số vấn đề phức tạp trong tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản là ổn định, do nhận thức ngày càng rõ của đại bộ phận tín đồ, chức sắc tôn giáo về đường lối, chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta. Hệ thống quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được bổ sung, hoàn thiện; công tác vận động quần chúng và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, về an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được chú trọng. Ban lãnh đạo các cấp của hầu hết các tổ chức tôn giáo đều đang hướng các tôn giáo theo hoạt động “đồng hành cùng dân tộc”. Tuy nhiên, còn có những phần tử xấu, thậm chí phản động trong các tôn giáo lợi dụng các vấn đề nổi cộm trong hoạt động tôn giáo, trong quan hệ giữa chính quyền và nhân dân địa phương để kích động, gây rối, hậu thuẫn cho các phần tử chống đối ở trong nước và nước ngoài. Biểu hiện cụ thể là:
Tình trạng chuyển nhượng, hiến tặng đất, mở rộng cơ sở thờ tự, xây dựng nhà thờ, nhà nguyện trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương. Việc dựng tượng Thánh, tượng Chúa, tượng Phật,... trên đất công vẫn còn diễn ra ở một số nơi.
Các hoạt động tôn giáo trái pháp luật. Tình trạng chức sắc “phong chui”, “tự nhận” tuy giảm nhưng vẫn tiếp diễn; hoạt động in ấn, xuất bản, nhập từ nước ngoài và lưu hành kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trái phép vẫn diễn ra; hiện tượng giảng đạo, truyền đạo trái pháp luật tiếp tục diễn ra ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới.
Vấn đề mâu thuẫn nội bộ ở một số tổ chức tôn giáo. Do vấn đề lợi ích cá nhân hoặc việc không thống nhất được đường hướng hoạt động của các hệ phái tôn giáo nên đã dẫn đến mâu thuẫn nội bộ ở một số tổ chức tôn giáo. Từ đó, hình thành những hoạt động nhằm tranh giành tín đồ ở một số nhóm, hệ phái tôn giáo, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo.
Hoạt động phức tạp của các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, ở các vùng chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, hoạt động tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những tác động xấu đến an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Tại đây, các đối tượng phản động đã lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng, thực hiện các hoạt động gây rối, bạo loạn, đòi ly khai, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, như xưng vua và lập nhà nước Mông ở Tây Bắc, lập nhà nước Đê-ga ở Tây Nguyên, đòi tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam,...
Hoạt động chống đối chính quyền của các phần tử phản động trong các tôn giáo. Với sự tiếp tay của các thế lực thù địch ở nước ngoài và nhóm “Đảng Việt Tân”, một số nhóm, cá nhân ở trong nước và nước ngoài tiến hành tuyên truyền, kích động nhân dân gây rối, chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.
Các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, đạo lạ và tà đạo. Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 60 hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, du nhập từ nước ngoài hoặc nội sinh (thực chất là các tổ chức tín ngưỡng mang màu sắc tôn giáo). Một số hiện tượng tín ngưỡng đang hình thành tổ chức, tiến tới đăng ký hoạt động tôn giáo mới. Tuy nhiên, hoạt động của nhiều nhóm trong số này có biểu hiện dị đoan, gây ảnh hướng xấu đến đời sống văn hóa. Một số tổ chức phản động cũng núp dưới danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, như “Hội đồng Công luật công án Bia Sơn”, “Cây Thập giá Chúa Giê-su Cờ-rít”,...
Thành tựu trong đổi mới công tác tôn giáo
Quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác tôn giáo trong thời kỳ đổi mới
Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đoàn kết dân tộc qua các thời kỳ cách mạng, trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã có nhiều chủ trương về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo. Nghị quyết số 24/NQ-TW, ngày 16-10-1990, của Bộ Chính trị khóa VI “Về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” đã nêu hai luận điểm mang tính đột phá: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân” và “Tôn giáo có những giá trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới”. Đặc biệt, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Đảng ta đã thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, “Về công tác tôn giáo”. Đại hội XI của Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”(1).
Quan điểm, chủ trương của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo thể hiện tập trung ở những nội dung chủ yếu: Xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; thống nhất quyền lợi, nghĩa vụ của công dân để các chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong xây dựng xã hội mới; công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng và sử dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân; xây dựng bộ máy làm công tác tôn giáo của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân năng động, hoạt động hiệu quả, với đội ngũ cán bộ có tri thức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức trong sáng, có uy tín trong đồng bào tôn giáo,…
Hệ thống pháp luật, pháp quy của Nhà nước về công tác tôn giáo
Pháp luật là công cụ pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong quá trình hoàn thiện pháp chế xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từng bước được hoàn thiện, thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Điều này được thể hiện rõ nét nhất trong Hiến pháp năm 1992, Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và một số văn bản pháp luật. Cụ thể là:
Điều 70, Hiến pháp năm 1992 quy định: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước...
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (có hiệu lực từ ngày 15-11-2004) gồm 6 chương, 41 điều, quy định rõ các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; quyền và nghĩa vụ công dân của chức sắc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo; sự bảo hộ nhà nước đối với các tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động của các tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ tôn giáo;…
Nghị định số 92/2012/NĐ-CP, ngày 8-11-2012, của Chính phủ “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo” (gồm 5 chương, 46 điều), thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01-3-2005, của Chính phủ, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó bổ sung nhiều điểm mới về quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng; điều kiện, quy trình và thời hạn giải quyết đăng ký sinh hoạt tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo, thời hạn công nhận là tổ chức tôn giáo; quản lý đối với trường đào tạo tôn giáo trong việc tuyển sinh; đăng ký hiến chương, điều lệ sửa đổi (nếu có) của tổ chức tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hoạt động tôn giáo tại cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phân loại các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, công trình phụ trợ và yêu cầu về cấp phép xây dựng nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật về xây dựng; sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại cơ sở tôn giáo của Việt Nam; các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc quản lý hoạt động tôn giáo; tiếp nhận và xử lý hồ sơ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tôn giáo, số lượng hồ sơ gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thời hạn trả lời các tổ chức, cá nhân tôn giáo, tiếp nhận hồ sơ;...
Một số văn bản pháp luật khác là Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày 04-2-2005, của Thủ tướng Chính phủ về một số công tác đối với đạo Tin Lành; Chỉ thị số 1940/CT- TTg, ngày 31-12-2008, của Thủ tướng Chính phủ về nhà đất liên quan đến tôn giáo; Thông tư số 01/2013/TT-BNV, ngày 25-3-2013, của Bộ Nội vụ “Ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo”. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua nhiều đạo luật, nghị quyết điều chỉnh các mối quan hệ nảy sinh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, như Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, Nghị quyết số 23/2003/QH11, ngày 26-11-2003, “Về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991”,...
Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện cởi mở hơn, nhất là từ khi thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2004) đến nay, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Các lễ trọng của các tôn giáo hằng năm, các đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo,... được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, an toàn, với quy mô ngày càng lớn hơn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng, như Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Nô-en của Công giáo và Tin Lành,... Nhiều cơ sở thờ tự của các tôn giáo được các cấp chính quyền tạo điều kiện cho xây dựng, tu sửa khang trang; việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển nơi tu hành của các chức sắc cũng dễ dàng hơn.
Các hoạt động thuần tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng ổn định theo đúng hiến chương, điều lệ tổ chức, bảo đảm tuân thủ pháp luật. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo, nhìn chung, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chấp hành tốt pháp luật, phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó, đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, hăng hái tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố quốc phòng, bảo đảm trật tự, trị an, góp phần vào thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và đổi mới quê hương, đất nước.
Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo với các cấp chính quyền từng bước được cải thiện, qua đó, tạo được sự hiểu biết, tôn trọng và đồng thuận trong nhiều công việc chung. Các kỳ đại hội, lễ trọng của các tôn giáo đều được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở địa phương hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, chu đáo và cử đại diện đến tặng quà và chúc mừng. Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo in ấn kinh sách, tặng sổ bảo hiểm y tế hằng năm, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi các chức sắc, chức việc tôn giáo.
Chính quyền các cấp cũng tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hướng dẫn, động viên tín đồ tích cực tham gia hoạt động xã hội, từ thiện, thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời mở rộng uy tín, ảnh hưởng của tôn giáo mình.
Quan hệ giữa đạo và đời, giữa các tôn giáo với nhau ngày càng tốt đẹp. Các chức sắc, chức việc của tôn giáo này đến dự lễ trọng, hội họp, mít tinh của tôn giáo khác là chuyện thường xuyên; việc tự nguyện đóng góp, giúp đỡ của tín đồ tôn giáo này cho tín đồ tôn giáo khác và những người không theo tôn giáo trở nên khá phổ biến, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo, giữa đạo và đời.
Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta thời gian qua được dư luận thế giới đánh giá cao, là minh chứng sinh động về chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Điển hình là các hoạt động: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) năm 2008; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI (năm 2009 - 2010); Lễ Khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo năm 2009; Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X (năm 2012);... Nhìn chung, các hoạt động tôn giáo quốc tế nói trên đều thành công tốt đẹp, đạt được mục tiêu. Nhờ có sự giúp đỡ của Nhà nước ta, các hoạt động đó đều tuân thủ pháp luật, an toàn, hoành tráng, giàu bản sắc dân tộc Việt Nam, gây ấn tượng với bạn bè quốc tế.
Một số vấn đề đặt ra trong đổi mới công tác tôn giáo trước tình hình mới
Thứ nhất, sửa đổi một số nội dung của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, tiến tới xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, vấn đề “thể nhân” và “pháp nhân” của các tổ chức tôn giáo chưa rõ ràng. Các tổ chức tôn giáo được công nhận, được đăng ký hoạt động, song lại không có quyền pháp nhân, như các hội đoàn, các tổ chức phi chính phủ,… (Trong Luật Dân sự chưa quy định chỗ đứng cho các tổ chức tôn giáo). Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng mà các tôn giáo và người làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo đang lúng túng trong việc xử lý.
Nhiều mối quan hệ của tín ngưỡng, tôn giáo chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh, do đó, chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế (chẳng hạn, chưa có quy định về “tà đạo”, về hoạt động của các giáo hội tôn giáo Việt Nam ở nước ngoài; hoặc quy định chưa đầy đủ về các hoạt động xã hội của tôn giáo, về hoạt động, sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài ở Việt Nam;…). Vấn đề quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng chưa được cụ thể hóa, còn chung chung.
Hiện nay, bộ luật cơ bản của Nhà nước là Hiến pháp năm 1992 đang được sửa đổi, bổ sung. Sau khi Hiến pháp được hoàn thiện, thông qua sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thiết kế các bộ luật ngành, nhánh, trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Do đó, trước mắt cần nhanh chóng sửa chữa, bổ sung Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, để nó trở thành một văn bản pháp luật đầy đủ, làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau này.
Thứ hai, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Công tác tôn giáo là công việc khó khăn, nhạy cảm, đòi hỏi mỗi cán bộ trong hệ thống chính trị phải nắm vững và vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm vận động đông đảo đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo các cấp phù hợp với tình hình mới. Để vừa làm công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vừa làm công tác hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, cho cộng đồng tôn giáo với 24 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số, một lãnh địa với những vấn đề nhạy cảm mang tính quốc tế, cần có một thiết chế đủ tầm, đủ mạnh từ Trung ương đến cơ sở thì mới đáp ứng được nhiệm vụ đầy cam go này.
Bên cạnh đó, cần xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có bản lĩnh chính trị, tâm huyết, được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ; đồng thời, có chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ này một cách phù hợp.
Thứ ba, xử lý các vấn đề nảy sinh trong tín ngưỡng, tôn giáo. Trước hết, cần thống nhất nhận thức về tín ngưỡng, tôn giáo, công tác tôn giáo và quan điểm xử lý các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho mọi người dân thấy rằng, đổi mới quan điểm, chính sách, quan hệ với các tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những đổi mới quan trọng của quá trình đổi mới toàn diện đất nước.
Phải xem xét các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trên quan điểm lịch sử - cụ thể để xử lý một cách biện chứng. Chủ động phát hiện nguyên nhân các vấn đề có thể nảy sinh trong tín ngưỡng, tôn giáo để chủ động xử lý, không để bùng phát thành “điểm nóng”, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội và quan hệ quốc tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu đã nảy sinh các vụ, việc về tín ngưỡng, tôn giáo thì chủ động xử lý tại cơ sở, không để lây lan trên diện rộng. Phải hình thành tư tưởng “chủ động trong công tác tôn giáo”.
Thứ tư, hình thành nguyên tắc, phương châm trong công tác tôn giáo. Cần quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng về lực lượng quần chúng cách mạng, về tín ngưỡng, tôn giáo, về vấn đề dân tộc. Phải thấy được rằng, giải quyết vấn đề tôn giáo là giải quyết vấn đề lực lượng cách mạng; công tác tôn giáo phải là công tác của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Trong công tác tôn giáo, luôn bảo đảm nguyên tắc: Giải quyết vấn đề tôn giáo phải dựa trên yêu cầu, nhiệm vụ chính trị là chính; phải vận dụng đường lối của Đảng về vấn đề dân tộc, tôn giáo, quốc tế một cách sáng tạo trong khi áp dụng các biện pháp pháp luật. Giải quyết vấn đề tôn giáo phải nhằm đạt được kết quả toàn diện, lâu dài. Đồng thời, cần quán triệt phương châm: Luôn luôn sử dụng các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để giải quyết các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; phải vừa tranh thủ, vừa đấu tranh khi giải quyết các vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo, lấy tranh thủ là chính.
Thứ năm, chú trọng công tác đối ngoại tôn giáo. Cần nghiên cứu, xem xét mở rộng mặt trận đối ngoại thông qua con đường tôn giáo (bao gồm cả đối ngoại nhân dân và đối ngoại nhà nước) nhằm phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế, trong đó chú trọng quan hệ với Va-ti-can, các quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo ở Trung Đông, Đông Nam Á và các quốc gia có đông tín đồ Phật giáo ở Đông Nam Á, đặc biệt là với Lào và Cam-pu-chia là hai quốc gia láng giềng thân thiện, có từ 90% đến 95% dân số theo đạo Phật./.
------------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 245
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam thời gian tới  (03/12/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-11 đến ngày 01-12-2013  (03/12/2013)
Mít tinh kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự  (03/12/2013)
Mít tinh kỷ niệm 105 năm ngày sinh đồng chí Ngô Gia Tự  (03/12/2013)
Văn phòng Chính phủ: Họp báo thường kỳ tháng 11-2013  (02/12/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên