Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25-11 đến ngày 01-12-2013)
TCCSĐT - Ngày 26-11-2013, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết về “quyền riêng tư” do Đức và Bra-xin đệ trình.
Hội nghị ACD12 và ASEAN - GCC3
Trong hai ngày 25 và 26-11-2013, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD) lần thứ 12 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ ba giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (gồm các nước Ba-ranh, Cô-oét, Ô-man, Qua-ta, A-rập và các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất) đã diễn ra tại Thủ đô Ma-na-ma (Ba-ranh). Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD), các đại biểu đến từ 33 nước thành viên ACD nhấn mạnh vai trò của Diễn đàn, coi đây là cơ chế quan trọng xây dựng sự tin cậy, hiểu biết và quan hệ đối tác giữa các nước châu Á, nhất là trong bối cảnh châu lục này đóng vai trò ngày càng quan trọng về kinh tế, xã hội, chính trị trên thế giới. Các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác như kết nối kết cấu hạ tầng và giao thông xuyên Á, tăng cường hợp tác năng lượng, thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do song phương, khu vực; tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, kinh doanh, trao đổi văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp và an ninh lương thực... Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung Ma-na-ma với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác du lịch châu Á”.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC lần thứ ba, các bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển của quan hệ hai bên thời gian qua, nhất là những kết quả tích cực đạt được thông qua thực hiện các hoạt động hợp tác trong Kế hoạch Hành động 2010 - 2012 và Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN - GCC, được thông qua năm 2009. Các bộ trưởng nhấn mạnh hai bên cần phát huy các tiềm năng hợp tác cũng như tính tương hỗ và bổ sung cao giữa hai khu vực, đồng thời tích cực thúc đẩy hợp tác hiệu quả và thực chất hơn. Các bộ trưởng cũng đề nghị hai Ban Thư ký ASEAN và GCC nhanh chóng hoàn tất xây dựng Kế hoạch Hành động giai đoạn 2014 - 2015, giúp định hướng quan hệ và hợp tác giữa hai bên phát triển sâu, rộng hơn nữa vì hòa bình, ổn định và phát triển chung.
Liên hợp quốc thông qua nghị quyết bảo vệ quyền riêng tư
Ngày 26-11-2013, Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về “quyền riêng tư” do Đức và Bra-xin đệ trình. Động thái này được thực hiện sau khi vụ bê bối Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại và theo dõi thư điện tử của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bị phanh phui. Nghị quyết, không nêu đích danh nước nào, nói rằng việc các chính phủ, các công ty giám sát và chặn thông tin để thu thập dữ liệu “có thể vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền”. Nghị quyết nêu rõ, Ủy ban nhân quyền Đại hội đồng Liên hợp quốc “hết sức quan ngại về những ảnh hưởng tiêu cực” mà chương trình do thám và chặn thông tin có thể gây ra đối với các quyền của con người. Theo Nghị quyết, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Na-vi Pin-lây (Navi Pillay) sẽ trình lên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc và Đại hội đồng báo cáo về việc bảo vệ và tăng cường quyền riêng tư trong các hoạt động do thám ngay tại các quốc gia cũng như các hoạt động do thám ở nước ngoài, việc chặn các hoạt động thông tin liên lạc kỹ thuật số và thu thập dữ liệu cá nhân.
Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” của EU
Trong hai ngày 28 và 29-11-2013, tại Thủ đô Vin-nhi-út của Lít-va đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh “Đối tác phương Đông” của Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị chỉ đạt được kết quả khiêm tốn là việc ký thỏa thuận liên kết sơ bộ giữa Gru-di-a và Môn-đô-va với Liên minh châu Âu (EU) và một số thỏa thuận song phương khác. Sự kiện được chờ đợi sẽ nâng tầm ý nghĩa cho cả tổ chức là ký kết hiệp định liên kết giữa EU và U-crai-na đã không diễn ra. Trong tuyên bố sau Hội nghị, Tổng thống U-crai-na Vích-to Y-a-nu-cô-vích (Viktor Yanukovich) cho biết, U-crai-na và EU sẽ đàm phán về việc ký Thỏa thuận liên kết trong thời gian tới. Ông V. Y-a-nu-cô-vích cũng kêu gọi soạn thảo kế hoạch hành động để loại bỏ mâu thuẫn trong hợp tác kinh tế thương mại với Nga và các nước Liên minh hải quan. Tuy nhiên Tổng thống nước chủ nhà Lít-va, bà Đa-li-a Gri-bau-xkai-te (Dalia Grybauskaite) tuyên bố EU sẽ không thay đổi bất kỳ điều kiện nào để ký thỏa thuận liên kết với U-crai-na mặc dù cánh cửa liên kết với EU vẫn mở với U-crai-na. Ngoài vấn đề liên kết, tuyên bố chung của Hội nghị cũng cho biết, EU cam kết thúc đẩy các nước tham gia chương trình “Đối tác phương Đông” vào hệ thống năng lượng châu Âu và hỗ trợ cung cấp khí đốt dự trữ cho các nước này. Các nước tham gia chương trình “Đối tác phương Đông” gồm cả U-crai-na sẽ nhận được hỗ trợ tài chính bổ sung từ EU để đổi lấy việc “thực hiện các điều kiện và cải cách tương ứng”. Tuyên bố chung cũng nêu rõ chương trình “Đối tác phương Đông” của EU sẽ có yếu tố quân sự bổ sung, song không đề cập tới khả năng các nước tham gia trở thành thành viên EU.
Các nước Đông Phi ký Nghị định thư thành lập liên minh tiền tệ
Ngày 30-11-2013, tại Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Đông Phi (EAC) được tổ chức ở Thủ đô Cam-pa-la của U-gan-đa, các nhà lãnh đạo năm nước thành viên EAC gồm Bu-run-đi, Kê-ni-a, U-gan-đa, Tan-da-ni-a và Ru-an-đa đã ký Nghị định thư thành lập một liên minh tiền tệ, tiến tới cho ra đời một đồng tiền chung trong khu vực. Theo Nghị định thư, đồng tiền chung trong khu vực Đông Phi sẽ được lưu hành sau 10 năm - khoảng thời gian để thiết lập các thể chế liên quan như Ngân hàng Trung ương Đông Phi, Ủy ban Thống kê... Để trở thành thành viên của Liên minh tiền tệ, các nước EAC sẽ phải đáp ứng các điều kiện như duy trì mức trần lạm phát 8%, tỷ lệ nợ công không chiếm quá 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thuế trên GDP không quá 25%. Phát biểu sau Lễ ký, Tổng thống Kê-ni-a U-hu-ru Kê-ni-át-ta (Uhuru Kenyatta) cho biết, việc ký Nghị định thư thành lập liên minh tiền tệ là sự tập hợp nỗ lực hội nhập của tất cả các nước trong Cộng đồng Đông Phi. Ông U. Kê-ni-át-ta nhấn mạnh Liên minh tiền tệ Đông Phi sẽ giúp loại bỏ những phí tổn do tiền tệ của các nước khác nhau, từ đó giúp giảm phí giao dịch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong buôn bán và đầu tư, thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Ngoài việc cho ra đời đồng tiền chung, việc thành lập Liên minh tiền tệ Đông Phi cũng nhằm bảo đảm tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nguồn vốn, cũng như đi lại của người lao động giữa các nước trong khu vực. Ngoài ra, các nước EAC đang hướng tới thành lập một liên minh thuế quan, dự kiến vào năm 2014./.
Hội nghị biểu dương khu dân cư và Trưởng ban công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc  (03/12/2013)
Kiểm soát quyền lực nhằm chống tha hóa quyền lực trong xây dựng Nhà nước ta hiện nay  (03/12/2013)
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam thời gian tới  (03/12/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25-11 đến ngày 01-12-2013  (03/12/2013)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên