TCCSĐT - Mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3% vào năm 2020, hướng tới tầm nhìn “ba không” vào năm 2030: không còn người nhiễm HIV mới, không còn người tử vong do AIDS và không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của mọi quốc gia, dân tộc, tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững.

Ở Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2011 cả nước có 197.335 người đang nhiễm HIV, trong đó có 48.720 người ở giai đoạn AIDS. Kể từ khi có dịch đến nay, nước ta đã có 52.325 người tử vong do HIV/AIDS. Qua các số liệu giám sát cho thấy HIV/AIDS đã xuất hiện ở 100% tỉnh, thành phố từ năm 1998, năm 2011 đã có 98% số quận, huyện, thị xã và 77% số xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV được báo cáo.

HIV/AIDS tác động nguy hại trực tiếp đến kinh tế, văn hóa và trật tự an toàn xã hội, là mối hiểm họa đối với sức khoẻ, tính mạng của con người và tương lai nòi giống của dân tộc. Do vậy, phòng, chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không chỉ là công việc của một vài ngành chức năng, một vài nhóm người đơn lẻ. Trái lại, mỗi người dù ở cương vị, cấp nào, làm ở đâu, trong hay ngoài lĩnh vực được phân công đều phải là hạt nhân tích cực, tiêu biểu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Trên thực tế hoạt động xã hội, kinh tế và văn hóa,… đều không được sao nhãng, coi nhẹ công tác phòng, chống HIV/AIDS cho dù tại địa phương, ngành, đơn vị, vấn đề HIV/AIDS chưa đến mức nghiêm trọng. Phòng, chống HIV/AIDS phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên, vừa cấp bách, vừa lâu dài và đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là đầu tư góp phần tạo ra sự phát triển bền vững của đất nước. 

Ở Việt Nam tình hình lây nhiễm HIV/AIDS vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. HIV/AIDS xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành phố và có xu hướng ngày càng lan rộng. Ngoài các nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao như: tiêm chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới..., tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở phụ nữ mang thai, trẻ em và thanh niên tăng nhanh. Do đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng, chống HIV/AIDS nhằm phát huy truyền thống tương thân, tương ái, chăm sóc, giúp đỡ của cộng đồng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Chỉ có như vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS mới đem lại những kết quả như mong muốn góp phần cho sự ổn định xã hội cả trong giai đoạn trước mắt và bảo đảm cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng của đất nước về lâu dài. 

Nhận thức rõ sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương và hành động cụ thể nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS. Một trong những văn bản quan trọng là “Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 36/2004/QĐ-TTg ngày 17-3-2004 của Thủ tướng Chính phủ. 

Qua thời gian tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, các bộ, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn, hạn chế tốc độ gia tăng của đại dịch HIV/AIDS; hoàn thành mục tiêu đặt ra của Chiến lược là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3% trong cộng đồng dân cư vào năm 2020.

Tuy nhiên, thực tiễn quá trình triển khai thực hiện Chiến lược đã bộc lộ một số khó khăn, thách thức như: Một số đơn vị, địa phương chưa triển khai triệt để Chiến lược quốc gia, đặc biệt là các chương trình hành động của Chiến lược; một số địa phương chưa huy động được cộng đồng, xã hội tham gia công cuộc phòng, chống HIV/AIDS; mức đầu tư cho chương trình HIV/AIDS còn thấp, chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ của nước ngoài, vì vậy không chủ động được nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các tổ chức quốc tế và của các nước ngày càng giảm dần trong khi tình hình HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, sự chuyển dịch dần hình thái nguy cơ lây nhiễm HIV từ đường máu sang đường tình dục, hành vi nguy cơ kép trong các nhóm dễ bị lây nhiễm HIV đang có xu hướng gia tăng, địa bàn dịch HIV/AIDS ngày càng rộng hơn. Vì vậy, nếu không có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, sẽ không kiểm soát và đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, để lại hậu quả nghiêm trọng, tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục đặt ra những mục tiêu, hoạch định các chương trình và giải pháp phòng, chống HIV/AIDS tổng thể, dài hạn, bảo đảm cho công tác này đạt hiệu quả cao, bền vững, góp phần xây dựng và phát triển đất nước. Để Chiến lược đi vào cuộc sống, cần thực hiện các giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp ủy đảng tiếp tục tổ chức quán triệt và nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng, trong đó chú trọng thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 31-11-2005 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” và Thông báo kết luận số 27-TB/TW ngày 09-5-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về sơ kết Chỉ thị 54-CT/TW ngày 31-11-2005 của Ban Bí thư khóa IX về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS; đổi mới phương pháp chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với mô hình tổ chức, đặc thù công việc và tình hình kinh tế - xã hội của từng ngành, từng địa phương; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc thẩm quyền quản lý.

Hai là, tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thông qua hoạt động giám sát trực tiếp và báo cáo định kỳ của các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp; đẩy mạnh sự tham gia của Quốc hội, hội đồng nhân dân trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng việc phát huy vai trò cá nhân của các đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân.

Ba là, chú trọng việc lồng ghép, phối hợp với các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm; tăng cường việc ký kết và nâng cao hiệu quả thực hiện kế hoạch phối hợp giữa cơ quan nhà nước các cấp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục triển khai các phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư”; thi đua và nêu gương người tốt, việc tốt, xây dựng lối sống lành mạnh tại cộng đồng dân cư; xây dựng và nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS,… Vận động các tổ chức tôn giáo, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp và mạng lưới người nhiễm HIV trực tiếp đóng góp, tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó chú trọng việc vận động tham gia các hoạt động, như: xây dựng chính sách, kế hoạch, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện; đào tạo nghề, tìm việc làm, tạo việc làm và phát triển các mô hình lao động, sản xuất kinh doanh mang tính bền vững cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Bốn là, bảo đảm cung cấp có hiệu quả các dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, đồng thời tăng cường hoạt động vận động người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm HIV tham gia đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội.

Năm là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật khác có liên quan, trong đó chú trọng vào các nội dung: chống kỳ thị, phân biệt đối xử và bảo đảm quyền bình đẳng giới đối với người nhiễm HIV khi tiếp cận các dịch vụ xã hội. Xây dựng chế độ, chính sách về nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó tập trung xây dựng cơ chế xã hội hóa một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS mà người dân có khả năng đóng góp. Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động sự tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước; tiếp nhận, sử dụng lao động là người nhiễm HIV và người dễ bị lây nhiễm HIV, thành lập các cơ sở tư nhân và từ thiện về chăm sóc người bệnh AIDS, phát triển các trung tâm, các cơ sở hỗ trợ xã hội, pháp lý cho người nhiễm HIV.

Sáu là, thường xuyên tổ chức việc phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS. Đổi mới, mở rộng, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Đa dạng hóa về nội dung, phương thức, truyền thông bảo đảm tính thân thiện, có chất lượng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, văn hóa, ngôn ngữ ở các vùng, miền khác nhau, trong đó chú trọng truyền thông cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV, người trong độ tuổi sinh đẻ, học sinh, sinh viên, đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa; lồng ghép các nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS với tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới, giáo dục sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch; đặc biệt, kết hợp giữa truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp. Mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho nhóm người dễ bị lây nhiễm HIV; thực hiện việc lồng ghép các hoạt động can thiệp với các mô hình cai nghiện dựa vào cộng đồng, các mô hình quản lý sau cai nghiện; tiếp tục triển khai và từng bước mở rộng phạm vi dịch vụ khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, chú trọng việc lồng ghép tư vấn, khám và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục với khám sức khỏe định kỳ,…

Bảy là, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế trong phòng, chống HIV/AIDS; củng cố, tăng cường hợp tác quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với các tổ chức Liên hợp quốc để tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật và kỹ năng quản lý cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; phối hợp chặt chẽ với các nước có chung biên giới đường bộ trong việc chia sẻ thông tin và cùng triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qua biên giới./.