Các hoạt động kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa
Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa
Tối 02-11, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm du lịch Sa Pa với nhiều hoạt động văn hóa bản địa đặc sắc, tái hiện quá trình lịch sử hình thành và phát triển của khu du lịch Sa Pa.
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của Sa Pa, tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đồng thời là cơ hội tuyên truyền, quảng bá, khai thác tiềm năng du lịch, thu hút du khách đến với Lào Cai và Sa Pa trong những năm tới.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết: Nhận thấy tiềm năng du lịch của vùng, trải qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, nhân dân các dân tộc Sa Pa cùng với chính quyền đã xây dựng Sa Pa trở thành “thiên đường” du lịch của Việt Nam.
Mỗi năm, Sa Pa thu hút hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, doanh thu dịch vụ du lịch có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt từ 35% đến 40%/năm. Cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch không ngừng được tăng lên. Hiện Sa Pa có 162 khách sạn, nhà nghỉ với gần 2.500 phòng, trong đó có 47 khách sạn đạt từ 1 đến 4 sao.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã biểu dương những cố gắng phấn đấu của đảng bộ và nhân các dân tộc Sa Pa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là du lịch. Chính vì vậy, trong bối cảnh kinh tế cả nước có nhiều khó khăn, nhưng với sự đóng góp hiệu quả của ngành công nghiệp "không khói", Sa Pa đã góp phần đưa Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra.
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao bằng công nhận 2 kỷ lục đối với 2 danh thắng của huyện Sa Pa là “Đèo dài nhất Việt Nam - Ô Quy Hồ” và “Thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất”.
Khởi công công trình cáp treo cao và dài nhất thế giới lên Fansipan
Ngày 02-11, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Tập đoàn Sun Group chính thức khởi công dự án cáp treo Fansipan Sa Pa tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai.
Lễ khởi công dự án.
Đây là hệ thống cáp treo cao nhất, dài nhất và phức tạp nhất thế giới.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao ý nghĩa của việc xây dựng hệ thống cáo treo nói riêng và Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa nói chung.
Phó Thủ tướng khẳng định đây là cơ hội để Sa Pa phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu nghiêm túc thực hiện việc bảo vệ môi trường, giữ nguyên cảnh quan, hệ sinh thái của núi rừng và Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn cũng như nền văn hóa của người bản địa.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng, Dự án cáp treo nằm trong “Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan - Sa Pa thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà làm chủ đầu tư. Đây là hệ thống cáp treo 3 dây phức tạp.
Dự kiến đến năm 2015, khi hệ thống cáp treo này đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian hành trình 2 ngày đêm chinh phục đỉnh Fansipan xuống chỉ còn 15 phút, với vận tốc 8m/s.
Cáp treo 3 dây Fansipan vận hành liên tục với độ dài toàn tuyến khoảng 7km. Độ chênh tuyệt đối của ga đi và ga đến là 1.404m; công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ với những cabin như một chiếc xe buýt nhỏ, có sức chứa tới 35 khách.
Trong Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa, ngoài hệ thống cáp treo 3 dây tại Fansipan, còn có khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực... bên cạnh thành cổ Sa Pa và sân gôn 18 lỗ.
Điểm du lịch Sa Pa
Thị trấn Sa Pa xưa là cao nguyên Lồ Suối Tủng rừng rậm, âm u thuộc trại Ngòi Bo, sau là Tổng Hướng Vinh Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa. Cách đây 110 năm, vào mùa đông năm 1903, đoàn thám hiểm của sở địa lý Đông Dương trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ trên tỷ lệ 1/100.000 đã khám phá ra cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn thám hiểm đã đặt tên cao nguyên và ghi danh vào bản đồ là (Cao trạm Sa Pa).
Sự kiện này trở thành dấu mốc lịch sử phát hiện ra Sa Pa. Đặc biệt, ở Sa Pa còn có Bãi đá cổ nằm trong thung lũng Mường Hoa rộng 3km2 với khoảng trên 200 hòn đá kích thước khác nhau được chạm khắc nhiều hình vẽ tả thực, hoa văn, dấu hiệu của chữ viết cho đến nay vẫn chưa được giải mã.
Di tích này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và được đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nằm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, Sa Pa có khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 15ºC đến 18ºC, nhiều khi xuống dưới 0ºC và có năm có tuyết rơi. Sa Pa còn có Fansipan là đỉnh núi cao nhất Đông Dương cách mực nước biển 3.143m.
Phía Tây của huyện có Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên Sơn đã được xây dựng từ năm 1994 nhằm gìn giữ phần rừng còn lại trên triền núi Fansipan. Sa Pa là nơi có nhiều cảnh quan đẹp, hấp dẫn khách du lịch với những cánh rừng sa mu xanh ngát xen những biệt thự, nhà thờ cổ kính mang nhiều dáng dấp của các thành phố châu Âu, các thác nước, hang động, làng bản dân tộc… Đây là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc: Kinh, H’Mông, Dao, Tày, Dáy và Xá Phó với nhiều di tích, lễ hội, phong tục tập quán, kiến thức bản địa, và các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, tiêu biểu là Chợ Văn hóa - Giao duyên Sa Pa (chợ Tình)./.
Công điện của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương chủ động đối phó với bão số 12  (03/11/2013)
12 cá nhân và 4 tập thể xuất sắc nhận Giải thưởng KOVA  (03/11/2013)
Hãng Kyodo sẽ tuyên truyền về Di sản Vịnh Hạ Long  (03/11/2013)
Đại nhạc hội “90 triệu trái tim yêu Việt Nam”  (03/11/2013)
Nhật Bản và Nga nhất trí hợp tác trong lĩnh vực an ninh  (03/11/2013)
Đức và Brazil muốn Liên hợp quốc ngăn hoạt động do thám  (03/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay