Bế mạc phiên họp 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
* Chiều 14-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể thủy điện.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trình bày Báo cáo của Chính phủ, phục vụ nội dung giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2013 về quy hoạch tổng thể thủy điện.
Một trong những nội dung của báo cáo là công tác quản lý an toàn đập thủy điện. Từ cuối năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn đập của các hồ thủy điện và thủy lợi. Các bộ, ngành liên quan đã tích cực triển khai các hướng dẫn liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng; thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng để trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập.
Đối với các công trình thủy điện lớn, hiện có khoảng 90% số đập đã được kiểm định, 70% số đập đã được cắm mốc giới, 60% số đập đã có phương án bảo vệ, 80% công trình thủy điện đã có phương án phòng, chống lụt bão. Hiện nay, các công việc này đang được tiếp tục triển khai.
Đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã tích cực chỉ đạo, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình; kiểm định an toàn đập và cắm mốc giới; phòng chống lụt bão; quan trắc, xử lý hiện tượng bất thường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng nêu rõ những hạn chế hiện nay khi thực hiện bảo đảm an toàn đập, nhất là tại công trình thủy điện nhỏ là nhiều chủ đập thủy điện nhỏ vẫn còn chủ quan, thực hiện các quy định để đảm bảo an toàn cho hồ đập còn hình thức, chiếu lệ dẫn đến nhiều vụ vỡ đập xảy ra trong thời gian qua.
Hệ thống các văn bản pháp luật cũng còn những bất cập như chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, chưa có những chế tài đủ mạnh để buộc các chủ đập phải thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn đập; chưa có cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực tham gia xả lũ…
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chỉ rõ thêm: Chế tài xử phạt vi phạm quy định về an toàn đập, kiểm định đập chưa ban hành kịp thời, chưa quy định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể, sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước và chủ đầu tư.
Để khắc phục những hạn chế trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất một số giải pháp mà Chính phủ đã nêu như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP; hướng dẫn trình tự, thủ tục và nội dung lập, thẩm định và phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và tình huống vỡ đập để thống nhất áp dụng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du; cơ chế phân bổ kinh phí giữa các công trình thủy lợi, thủy điện trên cùng một dòng sông…
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, ban hành đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn công trình thủy điện. Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên.
* Sáng 15-10, trong Chương trình Phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town).
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại buổi làm việc, Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay được ký tại Cape Town, Nam Phi ngày 16-11-2001.
Mục tiêu cơ bản của Công ước và Nghị định thư Cape Town là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thuê tài chính và cho thuê các trang thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế đáng kể cho các quốc gia thành viên của Công ước và Nghị định thư tại bất kỳ giai đoạn phát triển nào và đặc biệt đối với các quốc gia đang phát triển, bởi việc mang lại các khoản tín dụng thương mại đối với các trang thiết bị tàu bay mà trước đây không dễ dàng tiếp cận với chi phí cao.
Công ước và Nghị định thư đã xác lập một cơ chế pháp luật vững chắc thống nhất ở phạm vi quốc tế để bảo vệ các lợi ích được bảo đảm, bảo lưu quyền sở hữu và quyền lợi của người cho thuê; khuyến khích việc cấp tín dụng, cho thuê và giảm các chi phí liên quan.
Ngành hàng không Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và nhu cầu về phát triển đội tàu bay hiện đại rất cần đến việc tiếp cận các nguồn vốn vay với chi phí vay thấp. Việc được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi cho phép các hãng hàng không tăng cường được mức độ an toàn và hiệu quả khai thác đội tàu bay thế hệ mới, gia tăng được lợi nhuận. Hơn nữa, khi các nhà sản xuất tàu bay có được mức bán cao thì chi phí sau bán hàng cũng sẽ được giảm đáng kể khi thị trường được mở rộng.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh việc gia nhập Công ước và Nghị định thư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê trang thiết bị tàu bay, qua đó, mang lại lợi ích kinh tế cho các hãng hàng không của Việt Nam như được hưởng ưu đãi về lãi suất, miễn tiền đặt cọc khi mua sắm tàu bay; giảm nguy cơ cho chủ nợ và tăng cường khả năng dự báo pháp lý trong các giao dịch. Đồng thời, việc gia nhập Công ước và Nghị định thư cũng tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật của Việt Nam tiệm cận với pháp luật kinh doanh thương mại quốc tế hiện đại, phù hợp với xu hướng nhất thể hóa luật tư trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Thảo luận về các nội dung này, các đại biểu tán thành sự cần thiết của việc gia nhập Công ước Nghị định thư Cape Town. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong việc thực thi Công ước và Nghị định thư Cape Town và sự tương thích với pháp luật của Việt Nam; xem xét kỹ các điều kiện ràng buộc và khả năng tham gia, cũng như thời gian tham gia. Đặc biệt, tiếp tục làm rõ, rà soát những điều khoản của Công ước và Nghị định thư mà pháp luật Việt Nam chưa quy định để bảo đảm quyền lợi khi tham gia.
Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ký Công ước chống tra tấn. Đa số ý kiến tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc ký kết và gia nhập Công ước có thêm cơ sở pháp lý bảo vệ quyền con người ở Việt Nam cũng như công tác vận động, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, vu cáo về nhân quyền; đề nghị Chính phủ chuẩn bị, rà soát lại để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung và trình Quốc hội trước khi ký Công ước.
* Chiều 15-10, phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, với tinh thần làm việc tập trung, trong thời gian khá dài của các phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, với việc cho ý kiến đối với nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 21-10 tới.
Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tình hình thực tế, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất dự kiến chương trình kỳ họp trình Quốc hội.
Đến nay, các nội dung của kỳ họp đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, trong đó phần lớn nội dung đã có tài liệu gửi đến đại biểu Quốc hội. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo khác cho kỳ họp đã cơ bản hoàn thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam và dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các tờ trình, báo cáo và dự án để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015); kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2014; kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; sơ kết 3 năm (2011 - 2013) thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về quy hoạch tổng thể về thủy điện; việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14; Tờ trình của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc xử lý khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2012; việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị di động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); việc ký Công ước chống tra tấn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc thành lập Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VIII trực thuộc Kiểm toán Nhà nước; kế hoạch bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước; sửa đổi, bổ sung chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước./.
Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng thứ nhất của Liên bang Nga  (16/10/2013)
Đồng chí Lê Hồng Anh gặp mặt các cán bộ lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua các thời kỳ  (16/10/2013)
Triển lãm “Võ Nguyên Giáp - Đại tướng Tổng Tư lệnh” và Triển lãm “Khoảnh khắc im tiếng súng”  (16/10/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến 13-10-2013  (16/10/2013)
Bốn phép tính cơ bản  (15/10/2013)
Hòa hiếu, khoan dung Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (15/10/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển