Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến 13-10-2013
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan nhà nước ngày càng đầu tư mạnh cho hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin (CNTT) với 88% cán bộ, công chức khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được trang bị máy tính; 86% cán bộ công chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trang bị máy tính phục vụ công việc; khối cơ quan nhà nước đều triển khai mạng nội bộ (LAN) phục vụ hoạt động của đơn vị mình. Phần lớn các cơ quan nhà nước đã có email tên miền gov.vn với tỷ lệ 100% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 96,7% tỉnh, thành phố thuộc Trung ương. Một số cơ quan nhà nước đã cấp hộp thư điện tử cho các cán bộ, công chức. Một số tỉnh, thành phố đã thực hiện cấp hộp thư điện tử cho 100% số xã, phường, thị trấn.
Hầu hết các cơ quan nhà nước đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành phục vụ công việc (100% bộ, ngành; 98% tỉnh, thành phố thuộc Trung ương đã trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành - chỉ còn tỉnh Bình Thuận chưa triển khai). Trong đó, các địa phương như Cần Thơ, An Giang, Đà Nẵng đã triển khai hệ thống phần mềm này đến 100% đơn vị cấp xã, phường. Các bộ, ngành, địa phương đều đã có trang, cổng thông tin điện tử cập nhật tin, bài về hoạt động của đơn vị mình. Đáng chú ý, tại các website này đã cung cấp 1.609 dịch vụ công (năm 2012) ở mức độ 3, 4 giúp đẩy mạnh việc giao dịch, tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính qua mạng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ các văn bản được trao đổi bằng phương thức điện tử vẫn hạn chế. Cụ thể, ở cấp bộ, ngành, có khoảng 30% văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử (không sử dụng văn bản giấy), còn ở cấp tỉnh, thành phố đạt khoảng 20%. Số lượng văn bản được trao đổi song song trên môi trường điện tử và bản giấy đối với các bộ, ngành là 30-40%, các tỉnh, thành phố là 30-35%. Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, các cơ quan nhà nước chưa tận dụng hiệu quả các điều kiện hiện có để thực hiện trao đổi văn bản trên môi trường mạng. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân xuất phát từ chính con người đã được chỉ ra - tại một số cơ quan nhà nước, người đứng đầu đơn vị chưa thực sự quyết liệt ứng dụng CNTT; có không ít cán bộ, công chức chưa có thói quen sử dụng email…
Ngành Thuế Phú Thọ: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ
Cục Thuế tỉnh Phú Thọ vừa ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2013 - 2015 với nhiều nội dung quan trọng và lộ trình thực hiện cụ thể.
Theo đó, về vấn đề thể chế thuế - tiếp tục tổng kết, đánh giá việc thi hành các luật thuế như: Giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên và Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực - chú trọng điều chỉnh cơ cấu cán bộ sao cho phù hợp, tuyển dụng công chức theo kết quả thi tuyển, bồi dưỡng kiến thức cho công chức mới, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo từng chức năng, nhiệm vụ; trong lĩnh vực tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế - tập trung xây dựng và triển khai nhiều hình thức đa dạng và hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa”; nâng cấp trang thông tin điện tử theo hướng thân thiện, thiết thực và hiệu quả; trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra - tham gia xây dựng và hoàn thiện quy chế, quy trình nghiệp vụ, thực hiện đổi mới toàn diện hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng thống nhất, hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp và hiệu quả. Công tác quản lý đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế và kế toán thuế sẽ được ngành triển khai quyết liệt như thực hiện đăng ký thuế điện tử; tham gia xây dựng, triển khai thực hiện Đề án thống nhất mã số thuế với mã số bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cá nhân; tham gia tái thiết kế quy trình quản lý đăng ký thuế bảo đảm tính hiện đại, tự động và tích hợp cao… Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ quản lý nợ theo hướng hiện đại hoá, tự động hoá. Áp dụng công nghệ thông tin gắn với hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật và hiện đại hoá cơ sở vật chất cũng là nhiệm vụ được ngành đặc biệt chú trọng.
Cần Thơ: Triển khai phần mềm quản lý văn bản
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Cần Thơ đã tổ chức hội nghị triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại 19 sở, ban, ngành của thành phố. Phần mềm sẽ giúp các đơn vị từng bước xây dựng phương thức làm việc với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, góp phần vào việc xây dựng nền tảng cho chính quyền điện tử.
Khi dự án được thực hiện, 100% các đơn vị cấp sở, ngành sẽ sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng; xây dựng hệ thống các kho văn bản điện tử, khắc phục tình trạng thông tin không đồng bộ; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin về văn bản; góp phần thực hiện cải cách hành chính.
Đồng Tháp: Công đoàn Viên chức tổ chức hội thi tìm hiểu cải cách hành chính
Công đoàn Viên chức Đồng Tháp vừa phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu cải cách hành chính lần thứ nhất năm 2013.
12 đội đến từ 6 cụm công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức đã tham dự hội thi. Đây là một hoạt động nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên hiểu thêm về công tác cải cách hành chính, qua đó góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho mỗi công chức trong việc thực hiện cải cách hành chính tại đơn vị mình.
Đà Nẵng: Lắng nghe để phục vụ tốt hơn
Đà Nẵng được ghi nhận là địa phương có nhiều cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả tích cực đó là do thành phố luôn lắng nghe ý kiến phản hồi thông qua công tác khảo sát về mức độ hài lòng của người dân đối với chất lượng dịch vụ công. Vừa qua, Sở Nội vụ Đà Nẵng đã tổ chức đánh giá tình hình triển khai công tác này để từ đó hoàn thiện cơ chế, nhằm sớm áp dụng đồng loạt tại các cơ quan công quyền.
Công tác khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng đã được Đà Nẵng triển khai cùng với việc thực hiện cơ chế một cửa và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo bộ TCVN ISO 9001. Năm 2007, công tác này lần đầu tiên được thành phố quy định tại Quyết định 31/2007/QĐ-UBND. Ngày 22-11-2012, UBND thành phố tiếp tục có Quyết định số 9625/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án khảo sát trực tuyến ý kiến đánh giá của tổ chức, công dân đối với chất lượng dịch vụ hành chính công và công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Sau gần một năm tiến hành khảo sát, kết quả cho thấy trong tổng số 7.200 lượt công dân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến, có 94% đánh giá ở mức độ 4-5 sao (tốt và rất tốt), 4% đánh giá ở mức độ 3 sao (bình thường) và 2% ở mức độ 1-2 sao (yếu). Với chất lượng dịch vụ hành chính công, trong tổng số 6.433 lượt công dân, tổ chức tham gia ý kiến, có 95%: hài lòng, 4,6%: chấp nhận được và 0,4%: không hài lòng.
Theo đánh giá của Sở Nội vụ, nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng của công dân, tổ chức chủ yếu là do tình trạng giải quyết trễ hẹn (46,4%), đi lại nhiều lần (28,6%), sự hướng dẫn thiếu nhiệt tình, khó hiểu (85%).
Các chuyên gia cho rằng, công tác khảo sát mức độ hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ hành chính công là một công cụ quan trọng để thúc đẩy cải cách hành chính, để đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng phục vụ của công chức, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng của dịch vụ này. Ngay khi triển khai, công tác khảo sát mức độ hài lòng đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng rất lớn từ đội ngũ cán bộ và công chức bộ phận một cửa. Đặc biệt, sự ra đời của phần mềm khảo sát hài lòng trực tuyến kết hợp với các phương pháp khác như điện thoại, email, phiếu thăm dò... do Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Thành phố và một số cơ quan khác triển khai đã nâng cao chất lượng công tác khảo sát ý kiến người dân.
Tuy vậy, để trở thành một công cụ tối ưu, chính xác, phương pháp khảo sát cần phải khắc phục một số thiếu sót về tính thân thiện của phần mềm, về nội dung câu hỏi và về công tác tuyên truyền để nâng cao mức độ quan tâm của người dân. Thời gian qua, do chạy theo thành tích nên một số đơn vị đã "vận động phiếu" từ khách hàng, hậu quả là độ chính xác không cao. Bên cạnh đó, nội dung của phiếu khảo sát còn chung chung, nhiều người dân còn ngại trả lời do phiếu có quá nhiều câu hỏi hoặc còn nể nang, sợ mất lòng đơn vị cung ứng dịch vụ cũng như sợ động chạm tới những công chức mà mình còn làm việc trong những lần sau.
Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong thời gian tới, Sở sẽ tăng cường nhận phản hồi của người dân và ý kiến của cơ quan chuyên môn về tính hữu dụng của công cụ khảo sát mức độ hài lòng. Ngay trong tháng 10, Sở sẽ triển khai tuyên truyền trên 100 poster, 20.000 cuốn cẩm nang và phát sóng video giới thiệu về phần mềm trên sóng truyền hình. Trọng tâm của công tác tuyên truyền là phổ biến cách tham gia đánh giá, giới thiệu cơ chế bảo mật thông tin của người đánh giá và khẳng định tính khách quan, độc lập và chính xác của thông tin khảo sát.
"Hãy chung tay cùng chúng tôi", "Chúng tôi xin được lắng nghe để phục vụ tốt hơn"... không chỉ là những khẩu hiệu. Đó chính là sự mong mỏi được tiếp thu tất cả những phản ánh của tổ chức, công dân để mỗi cán bộ, công chức và mỗi cơ quan công quyền đều thực hiện đúng sứ mệnh phục vụ của mình.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn ở Đà Nẵng
Năm 2013, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động 3 hơn (nhanh hơn trong thời gian giải quyết thủ tục, hợp lý hơn trong quy trình, phương pháp thực hiện, thân thiện hơn trong thái độ phục vụ và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức khi tiếp xúc với công dân, tổ chức, doanh nghiệp) trong công tác cải cách hành chính. Ngoài việc tiếp tục thực hiện những nội dung đã đăng ký năm 2012, các đơn vị còn đăng ký sẽ thực hiện nhanh hơn 38 thủ tục hành chính và sẽ thực hiện 21 nội dung theo cách hợp lý hơn.
Năm nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng đã đăng ký giảm thời gian giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và khắc dấu từ 9 ngày xuống còn 8 ngày, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử. Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất đăng ký giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, bỏ một số thành phần hồ sơ không cần thiết trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Trung tâm Xúc tiến đầu tư giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 3 ngày xuống còn 2 ngày. Các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Thông tin và Truyền thông…, đăng ký đơn giản hóa nhiều thủ tục cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…
Ngoài các sở, ban, ngành, cuộc vận động còn thu hút sự tham gia của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, đặc biệt là Cục Thuế và Cục Hải quan. Cục Thuế đã đăng ký hỗ trợ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng, rút ngắn thời gian thanh tra tại doanh nghiệp và thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế, giảm bớt thời gian xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Cục Hải quan cũng đăng ký rút ngắn thời gian thực hiện 27 thủ tục hành chính. Sở Nội vụ đã phối hợp với các đơn vị để không ngừng hoàn thiện và mở rộng việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong công tác tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính.
Đến nay, 100% các cơ quan hành chính trên địa bàn Thành phố đều đã tổ chức thực hiện cơ chế một cửa. Có 3 đầu mối thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất.
Sở Nội vụ Đà Nẵng đang soạn thảo Đề án xây dựng mô hình một cửa điện tử tập trung với nội dung xây dựng mô hình “một đầu mối”, “liên thông - liên kết” và “trọn gói”. Phạm vi thực hiện cơ chế một cửa liên thông sẽ được mở rộng và phương án liên kết các sở, ban, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính sẽ được triển khai.
Chỉ tính trong 6 tháng cuối năm 2012, đã có 70 thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp được đăng ký thực hiện nhanh hơn; 37 thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp được đăng ký thực hiện hợp lý hơn (đơn giản hóa thành phần hồ sơ, bỏ các khâu trung gian trong quy trình giải quyết, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung ứng dịch vụ…). Những cải cách đó đã giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính./.
Bốn phép tính cơ bản  (15/10/2013)
Hòa hiếu, khoan dung Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (15/10/2013)
Bão số 11 đổ bộ vào thành phố Đà Nẵng gây mưa lớn  (15/10/2013)
Singapore - Thái Lan thảo luận tăng quan hệ kinh tế  (15/10/2013)
Hàn Quốc cân nhắc từ bỏ việc mở rộng điện hạt nhân  (15/10/2013)
Hải quan Lạng Sơn từng bước tháo gỡ khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ  (15/10/2013)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển