Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2013
Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ và báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội nước ta tháng 9 và 9 tháng đầu năm chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2013 ước tính tăng 5,14% so với cùng kỳ năm trước (mức tăng cùng kỳ của năm 2011 là 6,03% và năm 2012 là 5,10%), trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,20%, đóng góp 1,99 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,25%, đóng góp 2,71 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tiếp tục là khu vực đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế với mức tăng của một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như sau: Ngành bán buôn và bán lẻ tăng 5,92%; ngành kinh doanh bất động sản tăng 1,91%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,66%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,69%; giáo dục và đào tạo tăng 7,98%; vận tải kho bãi tăng 5,65%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng là hai khu vực có mức tăng thấp hơn. Thời tiết không thuận lợi, giá bán sản phẩm ở mức thấp trong khi chi phí đầu vào ở mức cao trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cùng với khó khăn về vốn, tiêu thụ sản phẩm và mức tồn kho cao trong khu vực công nghiệp và xây dựng là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến tăng trưởng của hai khu vực. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế đã có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng ngày càng cao hơn trong năm: Quý I tăng 4,60%; quý II tăng 6,90%; quý III tăng 8,57%.
Quy mô tổng sản phẩm trong nước 9 tháng năm nay theo giá hiện hành ước tính đạt 2.420,9 nghìn tỷ đồng, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,86%; khu vực dịch vụ chiếm 44,29%.
Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chín tháng ước tính đạt 1.932 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá, tăng 5,3%. Khách quốc tế đến nước ta trong chín tháng ước tính đạt 5.490,2 nghìn lượt người, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 3.364,6 nghìn lượt người, tăng 12,7%; đến vì công việc 918,6 nghìn lượt người, tăng 7,8%; thăm thân nhân đạt 913,8 nghìn lượt người, tăng 7,1%. Trong chín tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta bằng đường hàng không đạt 4.348,6 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012; khách đến bằng đường bộ đạt 972,1 nghìn lượt người, tăng 31,2%; khách đến bằng đường biển đạt 169,6 nghìn lượt người, giảm 13,6%.
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện chín tháng năm 2013 theo giá hiện hành ước tính đạt 755,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,2% GDP, bao gồm: vốn khu vực Nhà nước 297,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,3% tổng vốn và tăng 4,2%; khu vực ngoài Nhà nước 280 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,1% và tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 178,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,6% và tăng 5,6%.
Trong vốn đầu tư thực hiện 9 tháng của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước ước tính đạt 144,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3% kế hoạch năm và giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-9-2013 đạt 15.005,3 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 872 dự án được cấp phép mới đạt 9.294,1 triệu USD, giảm 7,3% về số dự án và tăng 34,9% về số vốn; vốn đăng ký bổ sung của 340 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước là 5.711,2 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chín tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15-9-2013 ước tính đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, bằng 62,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa 331,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7%; thu từ dầu thô 77,5 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 96,8 nghìn tỷ đồng, bằng 58,1%. Tổng chi ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15-9-2013 ước tính đạt 640,4 nghìn tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 114,1 nghìn tỷ đồng, bằng 65,2% (riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản 110,5 nghìn tỷ đồng, bằng 65%); chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (bao gồm cả chi thực hiện cải cách tiền lương) ước tính đạt 453 nghìn tỷ đồng, bằng 67,2%; chi trả nợ và viện trợ 73,3 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9-2013 ước tính đạt 11,3 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 20% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu chín tháng ước tính đạt 96,5 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9-2013 ước tính đạt 11,6 tỷ USD, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu chín tháng đạt 96,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Khu vực kinh tế trong nước đạt 42,1 tỷ USD, tăng 5,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 54,5 tỷ USD, tăng 24,8%.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2013 tăng 1,06% so với tháng trước, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 9,38% (dịch vụ giáo dục tăng 10,66%). Các nhóm hàng hóa, dịch vụ khác có chỉ số giá tăng dưới 1% hoặc giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2013 tăng 4,63% so với tháng 12-2012 và tăng 6,30% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng năm nay tăng 6,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2012.
Về lao động và việc làm, trong 9 tháng đầu năm ước tạo việc làm cho khoảng 1,13 triệu người, đạt 70,6% kế hoạch, trong đó, tạo việc làm trong nước trên 1 triệu người, đạt 70,4% kế hoạch; xuất khẩu lao động khoảng 62,5 nghìn người, đạt 73,3% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội luôn được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương nhằm giảm bớt khó khăn trong đời sống của dân cư. Tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo chín tháng năm nay là 2.694 tỷ đồng, bao gồm: 1.211 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.085 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 398 tỷ đồng dành cho cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện cấp trên 7,2 triệu sổ/thẻ bảo hiểm y tế và giấy khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách.
Nhìn chung, kinh tế - xã hội nước ta chín tháng năm nay có chuyển biến tích cực: Tăng trưởng kinh tế tiếp tục tăng, trong đó khu vực dịch vụ giữ ổn định và tăng khá. Lạm phát ở mức được kiểm soát. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng rõ rệt. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát tuy được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn; dư nợ tín dụng tăng chậm; thu ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, tiến độ thu đạt thấp so với dự toán. Thị trường và sức mua phục hồi chậm. Nợ xấu vẫn chưa được giải quyết. Sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội ; tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Các bộ, các ngành, các cấp và địa phương cần tập trung nỗ lực, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2013.
Bộ trưởng Vũ Đức Đam trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan đến các vấn đề tiền lương, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, xây dựng nông thôn mới, công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch thủy điện,... Đối với câu hỏi về đề nghị của Chính phủ đối với Quốc hội nâng mức trần bội chi ngân sách nhà nước năm 2014 từ 4,8% hiện nay lên 5,3%, Bộ trưởng khẳng định đó là nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và Chính phủ đã có những tính toán cẩn trọng, mức tăng bội chi này vẫn trong phạm vi chưa gây ảnh hưởng đến trần nợ công đã đề ra.
Đối với những bức xúc trong quản lý giá sữa và các sản phẩm từ sữa, nhất là những sản phẩm dành cho trẻ em, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế trước ngày 5-10-2013 ban hành danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa dành cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống làm căn cứ để Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, quản lý giá, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.
Dư luận quốc tế hưởng ứng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  (29/09/2013)
Khởi công nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế  (29/09/2013)
Thanh sát viên Liên hợp quốc thực hiện đợt thanh sát mới Syria  (29/09/2013)
Italy rơi vào khủng hoảng chính trị  (29/09/2013)
Việt Nam - thành viên tích cực và có trách nhiệm của Liên hợp quốc  (28/09/2013)
Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo  (28/09/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên