Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05-8 đến ngày 11-8-2013)
1. Hội thảo về giá đất
Ngày 06-8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo về giá đất, do Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Cơ quan lập bản đồ, địa chính và đăng ký đất đai Thụy Điển phối hợp tổ chức.
Hội thảo lần này nhằm mục đích tiếp nhận những ý kiến của các chuyên gia, nhà chuyên môn và học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới, từ đó khắc phục những hạn chế, tồn tại và hoàn thiện chính sách, pháp luật về giá đất ở nước ta. Các ý kiến đã tập trung làm rõ những hạn chế của quy định về giá đất hiện hành, cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục. Các đại biểu tại Hội thảo cho rằng, khi Nhà nước xây dựng nguyên tắc định giá đất phải bảo đảm các yêu cầu, như theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá; theo thời hạn sử dụng đất; phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng. Các ý kiến cho rằng cần có tính minh bạch trong việc định giá, đặc biệt là cần xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất gồm khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể, giá đất thị trường, để có thể tiến hành định giá đất một cách chính xác nhất. Ngoài ra, các đại biểu tham gia Hội thảo còn đưa ra nhiều giải pháp trong việc điều chỉnh bảng giá đất; giá đất cụ thể; các phương pháp định giá đất,…
2. Quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
Ngày 07-8, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số kỹ năng cơ bản của người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
Một số điểm mới trong Quy chế phát ngôn như: quy định người phát ngôn, cung cấp thông tin của cơ quan hành chính nhà nước; quyền cung cấp thông tin của cá nhân thuộc cơ quan hành chính nhà nước; rút ngắn thời hạn phát ngôn, cung cấp thông tin,… Đại diện lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng hướng dẫn về quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin; việc từ chối không phát ngôn, cung cấp thông tin; trách nhiệm của các cơ quan báo chí, nhà báo và việc xử lý vi phạm với người phát ngôn, người cung cấp thông tin sai cho báo chí.
Quy chế mới về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thay thế Quy chế ban hành năm 2007, có hiệu lực từ tháng 7-2013.
3. Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII
Ngày 08-8, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm (1998 - 2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Báo cáo tổng kết tại Hội nghị đã đánh giá cụ thể việc thực hiện Nghị quyết ở 10 lĩnh vực: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới; Xây dựng môi trường văn hóa; Phát triển sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật; Bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa; Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ; Phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; Bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; Chính sách văn hóa đối với tín ngưỡng tôn giáo; Mở rộng quốc tế về hợp tác văn hóa; Củng cố và hoàn thiện thể chế văn hóa.
Báo cáo cũng cho thấy: qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong xã hội được nâng lên rõ rệt; Chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội; Nguồn lực văn hóa, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện; Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh; Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.
Hội nghị cũng chỉ ra: sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, những vấn đề lý luận và thực tiễn đang được đặt ra là chính sách kinh tế trong văn hóa và văn hóa trong kinh tế nhằm gắn văn hóa với các hoạt động kinh tế, bảo đảm cho văn hóa thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế. Kinh tế không thể phát triển bền vững nếu không đặt rõ vấn đề văn hóa trong mỗi hoạt động kinh tế.
4. Công bố điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2013
Ngày 08-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2013. Theo đó, Khối A: 13 điểm; Khối A1: 13 điểm; Khối B: 14 điểm; Khối C: 14 điểm; Khối D1: 13,5 điểm. Với mức điểm sàn đại học năm nay, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 394.627 thí sinh có điểm thi dưới điểm sàn, đồng nghĩa với trượt đại học. Cụ thể, số lượng thí sinh có điểm thi dưới mức điểm sàn đại học khối A là 160.798 thí sinh, khối A1: 49.407 thí sinh, khối B: 86.903 thí sinh, khối C: 26.020 thí sinh và khối D1: 71.499 thí sinh.
Điểm sàn xét tuyển đối với hệ cao đẳng thấp hơn điểm sàn xét tuyển đại học 3 điểm, tương ứng với từng khối thi. Cụ thể: Khối A: 10 điểm; Khối A1: 10 điểm; Khối B: 11 điểm; Khối C: 11điểm; Khối D1: 10 điểm Với mức điểm sàn như trên, có 215.465 thí sinh có điểm thi dưới sàn. Cụ thể, số lượng thí sinh có điểm thi dưới mức điểm sàn cao đẳng khối A là 51.543 thí sinh, khối A1: 20.293 thí sinh, khối B: 66.544 thí sinh, khối C: 13.758 thí sinh và khối D1 là 63.323 thí sinh.
Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đổi mới cách tính điểm sàn, khác với cách tính truyền thống. Hội đồng phương án xác định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2013 đã chọn phương án tính tổng điểm bình quân các môn thi. Phương án này bảo đảm được nguồn tuyển, chất lượng thí sinh.
5. Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2013
Ngày 08-8, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2013 với chủ đề “Trẻ em tham gia góp ý sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” với sự tham gia của 180 trẻ em đến từ 29 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Diễn đàn, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã báo cáo tình hình thực hiện các khuyến nghị của trẻ em thông qua các Diễn đàn lần trước (năm 2009 và năm 2011). Theo đó, những năm gần đây, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước đã mở rộng các chính sách hỗ trợ cho trẻ em trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo đảm xã hội, văn hóa, thể thao,… Hằng năm, Nhà nước đều ưu tiên bố trí tăng chi cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, bảo đảm năm sau cao hơn năm trước. Ngoài việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên trong các lĩnh vực liên quan đến trẻ em theo phân cấp của ngân sách, Nhà nước còn bố trí kinh phí trực tiếp để thực hiện một số chính sách, chương trình liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Cụ thể, năm 2011 đầu tư khoảng 11.336 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2010; năm 2012 là 13.024 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2011; dự toán năm 2013 khoảng 15.113 tỷ đồng, tăng 16,04%.
Sau phiên khai mạc, các em được tổ chức thành 6 nhóm để thảo luận về 6 chủ đề: An toàn tính mạng cho trẻ em và vui chơi, giải trí cho trẻ em; Các biện pháp phòng chống bạo lực tinh thần, ngược đãi, xao nhãng trẻ em; Các biện pháp phòng, chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em; Trẻ em vi phạm pháp luật; Các biện pháp bảo đảm quyền tham gia của trẻ em; Bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV và giải pháp ngăn ngừa trẻ em bỏ học.
6. Triển khai công tác học sinh, sinh viên năm học 2013 - 2014
Ngày 08-8, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo tập huấn công tác học sinh, sinh viên, công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tệ nạn xã hội đối với các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp năm học 2013 - 2014 khu vực phía Bắc.
Hội thảo đã đánh giá những kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong 4 năm thực hiện Quy chế rèn luyện học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Theo đó, hầu hết các trường đã rà soát, cập nhật, tiến hành cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện Quy chế, ban hành văn bản quy định về việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của đơn vị mình.
Hiện nay, việc đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh, sinh viên trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ ở một số nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường còn bị động, lúng túng. Một số trường chưa chủ động tham khảo kinh nghiệm của các trường khác để có giải pháp phù hợp; còn có tư tưởng chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông qua Hội thảo lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm công tác học sinh, sinh viên; công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo cho học sinh, sinh viên; công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học, phòng chống các tệ nạn xã hội.
7. Tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Từ ngày 08-8 đến ngày 09-8-2013, tại Đà Nẵng, đã diễn ra Hội nghị tổng kết hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung phân tích nguyên nhân của những kết quả đạt được, nguyên nhân của những hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội nghị cũng đã đề xuất những kiến nghị: Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tập trung các nội dung về xác định phạm vi và đối tượng giám sát; Tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, chủ yếu việc tiếp tục cải tiến hoạt động giám sát bằng phương thức xem xét báo cáo tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, tiếp tục cải tiến cách thức giám sát chuyên đề, tăng cường hoạt động của Quốc hội trong việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Thực hiện nghị quyết, kết luận, kiến nghị và hệ quả pháp lý sau giám sát; Nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, phối hợp trong hoạt động giám sát; Tăng cường công tác bảo đảm điều kiện để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát,... Hội nghị cũng kiến nghị sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003; Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội đối với một số đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan,...
8. Kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam 10-8
* Thành phố Hồ Chí Minh: Ngày 10-8, tại công viên 23 Tháng 9, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình giao lưu “Ân tình làng Cam”, Hội trại “Tinh thần da cam, tinh thần thép” nhân kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8. Tại chương trình giao lưu, nhiều cá nhân, tập thể, công ty trong và ngoài nước đã chung tay chia sẻ khó khăn với các nạn nhân chất độc da cam. Tổng số tiền của các cá nhân, đơn vị hảo tâm đã ủng hộ cho các nạn nhân chất độc da cam thông qua Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố Hồ Chí Minh lên tới khoảng 7 tỷ đồng. Dịp này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Thành phố Hồ Chí Minh đã trao 70 suất học bổng, mỗi suất từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng cho các em ở bậc tiểu học, cấp 2, cấp 3 và 3.000.000 đồng cho các em ở bậc đại học, cao đẳng, nhằm động viên các em vượt qua khó khăn bệnh tật, vươn lên học tốt. Hội cũng trao cho 8 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam số tiền 10 triệu đồng/hộ để làm kinh tế phụ; trao 2 nhà tình thương trị giá 30 triệu đồng/căn nhà.
* Vĩnh Long: Ngày 10-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Vĩnh Long phối hợp với đoàn y sĩ, bác sĩ tình nguyện của thành phố Vĩnh Long đã khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 100 nạn nhân chất độc da cam ở xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đây là những đối tượng mang nhiều thương tật, tiềm ẩn những bệnh lý nguy hiểm, mất hoặc giảm khả năng lao động và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trước đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Vĩnh Long phối hợp với đoàn từ thiện của Tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long đã thăm và tặng 100 phần quà trị giá 55 triệu đồng cho nạn nhân chất độc da cam ở huyện Trà Ôn.
* Hậu Giang: Hội nạn nhân chất độc da cam các cấp phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh Hậu Giang đã trao tặng 800 chiếc xe lăn, xây mới và sửa chữa 1.820 căn nhà cho gia đình nạn nhân chất độc da cam, trong đó xây mới 320 căn; Thực hiện phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”,… Hằng năm, các cấp Hội đã trao tặng quà cho hơn 4.000 lượt nạn nhân chất độc da cam với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tạo điều kiện cho hơn 1.700 gia đình nạn nhân chất độc da cam vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Được sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, phần lớn nạn nhân chất độc da cam và gia đình phấn đấu tốt trong lao động sản xuất, trong học tập hòa nhập cộng đồng.
* Cà Mau: Nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin năm nay, tại 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều tổ chức các hoạt động có ý nghĩa như: họp mặt và tặng quà cho đối tượng nạn nhân chất độc da cam, ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam và nói chuyện về hậu quả của chiến tranh đã để lại nhiều đau thương, mất mát lâu dài đối với người dân ở vùng Đất mũi Cà Mau,…
* Thừa Thiên - Huế: Ngày 09-8, Hội Nạn nhân chất độc da cam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức triển lãm mỹ thuật “Nỗi đau và chiến tranh” của họa sĩ Cao Lê Quang - một người mang trong mình di chứng của chất độc da cam. Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm sơn mài tổng hợp, khắc họa những hậu quả của chiến tranh còn sót lại và nỗi đau của những người bị nhiễm chất độc da cam nhưng vẫn ước mơ được sống, được chia sẻ.
* Đà Nẵng: Nhân kỷ niệm 52 năm thảm họa da cam Việt Nam và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam, ngày 09-8-2013, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Đà Nẵng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Trung tâm xông hơi, thải độc và phục hồi chức năng tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, do Quỹ Harris Freeman Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ. Trung tâm sẽ sử dụng phương pháp điều trị dựa trên nguyên lý giải độc không đặc hiệu thông qua đường tiết mồ hôi, tiêu hóa, tiết niệu,... bằng phương pháp xông hơi cổ truyền Việt Nam kết hợp với uống vitamin để thải các loại độc tố bên trong cơ thể, qua đó cải thiện, tăng cường sức khỏe cho các nạn nhân. Đối tượng điều trị tại trung tâm là những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam 3 thế hệ và những người dân bình thường có nhu cầu tẩy các loại độc tố, hóa chất trong cơ thể./.
Đạo đức công vụ trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay  (13/08/2013)
Một vài suy nghĩ về quan điểm thế giới quan Hồ Chí Minh  (13/08/2013)
Chuẩn bị chu đáo, nhạy bén nắm bắt thời cơ - vấn đề cốt lõi trong thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945  (13/08/2013)
Học tập và làm theo Bác ở Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương  (13/08/2013)
Để Ngày Sách Việt Nam đi vào cuộc sống  (13/08/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên