Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh công tác vận động quần chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới
Tình hình kinh tế, xã hội mặc dù đã được cải thiện, nâng lên, song tỷ lệ đói nghèo, thiếu đất sản xuất còn cao(3); tình trạng di, dịch cư diễn biến phức tạp, bên cạnh mục đích di cư vì kinh tế và tập quán còn do bị các thế lực thù địch lợi dụng cho mục đích chính trị(4).
Kết cấu hạ tầng đã được đầu tư phát triển, song nhiều công trình chất lượng, hiệu quả sử dụng thấp. Văn hóa, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới (KVBG) còn thấp; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ cao, các cơ sở y tế mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân(5). Nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn được coi trọng và duy trì, bên cạnh đó một số hoạt động văn hóa truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc đang ngày bị mai một, biến dạng và mất dần. Các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng không được duy trì thường xuyên như trước, đáng chú ý hiện nay một bộ phận không nhỏ học sinh, thanh niên vùng đồng bào các dân tộc thiểu số bị tác động của lối sống thực dụng, không giữ được phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của dân tộc mình, dễ bị các đối tượng lợi dụng, mua chuộc, lôi kéo.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hoạt động của các loại tội phạm ở KVBG và những vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... đang tiềm ẩn và tạo ra những khó khăn lớn cho việc ổn định dân cư, phát triển kinh tế của địa phương. Các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ; lợi dụng đặc điểm lịch sử xã hội, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế của đồng bào để chống phá cách mạng nước ta, chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua hơn 53 năm thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, công tác vận động quần chúng của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) không ngừng được phát huy, góp phần quan trọng để tổ chức tuyên truyền vận động, huy động sức mạnh của toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và xây dựng biên giới ngày càng vững mạnh.
Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, công tác vận động quần chúng tiếp tục được quan tâm và coi trọng; bám sát các chủ trương của Đảng, Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Trong phân giới cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Cam-pu-chia và tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới tuyến Việt Nam - Lào, trong phòng, chống các loại tội phạm ở KVBG, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, quần chúng nhân dân có vai trò và đóng góp hết sức to lớn.
Trước diễn biến tình hình trên các tuyến biên giới, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở KVBG, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP đã chủ động đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, giải pháp tích cực lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ của công tác biên phòng, trong đó có công tác vận động quần chúng, phát huy vai trò sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Vì vậy, công tác vận động quần chúng đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:
Một là, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Công tác tuyên truyền nhân dân đã được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị thường xuyên coi trọng, luôn bám sát hướng dẫn của cấp trên, tình hình thực tế ở địa bàn và nhiệm vụ của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tập trung tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân, các lực lượng ở KVBG chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới, các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, về công tác phân giới, cắm mốc, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo(6) và hoạt động của các loại tội phạm.
Hai là, chủ động tham mưu cho địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh: Tập trung tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền và các đoàn thể ở cơ sở; phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người dân tộc(7). Bên cạnh đó, BĐBP các tỉnh đã tăng cường cán bộ cho các xã biên giới đặc biệt khó khăn(8); đồng thời giới thiệu cán bộ, đảng viên ở các đồn biên phòng về sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, bản phức tạp về an ninh trật tự để tăng cường vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh; đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xóa các thôn, bản “trắng” đảng viên, kiện toàn tổ chức đoàn thể và xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ.
Ba là, tổ chức các hoạt động giúp các địa phương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các đơn vị đã chỉ đạo triển khai nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, một số mô hình đã mang lại lợi ích kinh tế cho nhân dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế cho các hộ gia đình(9). Từ tháng 10-2008 đến tháng 3-2011, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Báo Quân đội nhân dân tổ chức đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã mang lại những kết quả đáng khích lệ, giúp đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới an cư lập nghiệp, có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống(10).
Bộ đội Biên phòng đã tích cực tham gia thực hiện công tác y tế và giáo dục ở địa bàn KVBG với các hoạt động, như tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân, mở các lớp học xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và nhiều hoạt động khác có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc. Hình ảnh “Người thầy thuốc quân hàm xanh”, “Người thầy giáo quân hàm xanh”, “Người cán bộ xã mang quân hàm xanh”, “Chiến sĩ văn hóa mang quân hàm xanh”... đã in đậm trong lòng đồng bào các dân tộc, được cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc đánh giá cao và ghi nhận(11).
Bốn là, xây dựng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự ở KVBG. Quán triệt quan điểm “Sự nghiệp cách mạng là của dân, do dân, vì dân”, các đơn vị đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện các phong trào “Quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới”, “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Nghĩa tình biên giới hải đảo”, “Thanh niên xung kích bảo vệ biên giới”, “Già làng, trưởng bản gương mẫu”... đã có nhiều phong trào, mô hình mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực trong quản lý, bảo vệ biên giới(12).
Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biên giới. Bộ Tư lệnh BĐBP và các đơn vị cơ sở đã phối, kết hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương trong thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với KVBG. Tiêu biểu là chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Ban Tôn giáo Chính phủ; Ủy ban Dân tộc; Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân; Hội người cao tuổi...(13). Các chương trình phối hợp đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân hướng về biên giới, góp phần củng cố kết cấu hạ tầng KVBG, từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở KVBG.
Công tác vận động quần chúng tuy đã đạt được một số kết quả rất tích cực trên đây, góp phần cùng công tác biên phòng xây dựng KVBG vững mạnh toàn diện, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, song nhìn lại một cách toàn diện công tác vận động quần chúng còn có những tồn tại, bất cập nhất định. Công tác nắm tình hình, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, xây dựng các phong trào quần chúng còn thiếu chiều sâu. Công tác tham mưu xây dựng cơ sở chính trị ở vùng đồng bào dân tộc, vùng tôn giáo còn hạn chế. Tình hình tranh chấp, khiếu kiện, an ninh nông thôn, hoạt động của tội phạm ma túy ở một số địa bàn còn phức tạp. Công tác xây dựng lực lượng chuyên trách làm công tác vận động quần chúng còn nhiều bất cập. Việc sắp xếp, bố trí cán bộ làm công tác vận động quần chúng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu ổn định và chưa có quy hoạch lâu dài. Phương pháp, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ vận động quần chúng ở cơ sở còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thực sự sâu sát, gần gũi quần chúng.
Trong tình hình mới, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tăng cường đầu tư cho vùng dân tộc miền núi, trong đó có biên giới, hải đảo, địa bàn biên phòng đã và đang có nhiều khởi sắc, bộ mặt KVBG có bước phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Theo đó, đối tượng của công tác vận động quần chúng không ngừng mở rộng, dân cư tăng lên, dân trí cao hơn. Đồng thời, trước nhiều vấn đề, như hoạt động của các loại tội phạm; hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các dự án phát triển kinh tế, xã hội ở KVBG; công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường, lợi ích quốc gia thì yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới ngày một cao hơn. Nhiệm vụ đặt ra đối với công tác vận động quần chúng ngày càng toàn diện, bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây là nhiệm vụ cần phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tiến hành thường xuyên, liên tục. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác vận động quần chúng cần thực hiện tốt một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:
1- Tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân ở KVBG, xây dựng trận địa lòng dân và khối đại đoàn kết các dân tộc vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
2- Nâng cao chất lượng hiệu quả các chương trình phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện tốt “Ngày Biên phòng toàn dân”, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định đời sống nhân dân vùng biên giới.
3- Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ biên phòng tăng cường xã biên giới, phát hiện bồi dưỡng đội ngũ cán bộ địa phương, người dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở chính trị xã, phường biên giới, hải đảo theo tinh thần Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020.
4- Chủ động tham mưu đề xuất và phối hợp các lực lượng chức năng giải quyết có hiệu quả và cơ bản các điểm nóng về an ninh xã hội ở KVBG, nhất là phòng, chống các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tội phạm ma túy và mua bán người. Giữ vững ổn định chính trị ở KVBG và tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân.
5- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với đối ngoại nhân dân, thúc đẩy quan hệ giữa các địa phương hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, trọng tâm là tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
6- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ vận động quần chúng ở các cấp bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp công tác ở địa bàn./.
---------------------------------------------------------
(1) Còn 74 thôn, bản chưa có đảng viên; 653 thôn, bản chưa đủ đảng viên để thành lập chi bộ
(2) Có 5,6% cán bộ xã có trình độ lý luận cao cấp; 5,5 % có trình độ cao đẳng, đại học; 24% trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông trung học (theo thống kê năm 2008)
(3) Có 275.419 hộ nghèo = 15%, 19.838 hộ đói = 1,08%; 86.064 hộ thiếu đất sản xuất = 4,7%, 128.824 hộ không có đất sản xuất = 7%
(4) Trong giai đoạn năm 2006 - 2011 có 1.288 hộ/ 6.168 khẩu di cư trong các xã biên giới; 1.143 hộ/ 5.845 khẩu di cư từ nội địa ra khu vực biên giới; 1.325 hộ/ 6.202 khẩu di cư từ khu vực biên giới vào nội địa và đi các tỉnh khác; 312 hộ/ 1.850 khẩu di cư sang Lào. Riêng năm 2012 có 162 hộ / 823 khẩu di cư đi các nước (Thái Lan, Lào, My-an-ma)
(5) Còn khoảng 56.308 người mù chữ, 7.426 người tái mù, trong đó có 60 người là cán bộ xã và đoàn thể, 21.287 người trong độ tuổi 15-35; 285 thôn, bản chưa có lớp học; 982 phòng học bằng tranh tre
(6) Từ năm 2008 - 2012 đã tổ chức tuyên truyền được 80.972 buổi với 5.342.641 lượt người; giao lưu văn hoá văn nghệ: 8.296 buổi; chiếu phim: 2.867 buổi...
(7) Từ năm 2008 đến nay, các đơn vị đã củng cố được 4.869 chi bộ, 550 ủy ban nhân dân, 889 ban công an và dân quân xã; hàng nghìn tổ chức đoàn thể, đưa 19 xã yếu kém lên trung bình khá; phát hiện đề nghị bổ sung, thay thế 2.071 cán bộ cấp xã, thôn; tham mưu kết nạp được 6.559 đảng viên mới; xóa 97 thôn, bản “trắng” đảng viên...
(8) Hiện có 340 đồng chí sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tăng cường biên giới, trong đó có 238 đồng chí giữ chức danh trong Đảng và chính quyền (có 09 huyện ủy viên, 14 bí thư và 196 phó bí thư đảng ủy xã, 11 chủ tịch hội đồng nhân dân và 6 chủ tịch ủy ban nhân dân xã....)
(9) Hiện có 244 mô hình, tiêu biểu như: Mô hình nuôi, đỡ đầu các cháu học sinh của BĐBP tỉnh Lai Châu; Mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững xã Việt Hải/Cát Hải/Hải Phòng; Mô hình công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh lớp 9 các trường trung học cơ sở xã biên giới của BĐBP tỉnh Nghệ An; Mô hình bảo tồn và phát triển đồng bào dân tộc Chứt, bản Rào Tre/Hương Liên/Hương Khê/Hà Tĩnh; Mô hình dự án thủy lợi Rục Làn, xã Thượng Hóa/Minh Hóa/Quảng Bình; Mô hình xóa mù chữ đối tượng mở rộng diện tuổi trên khu vực biên giới biển thành phố Đà Nẵng; Mô hình giúp dân xã Đắk Nhoong/Đắk Glei phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh của BĐBP tỉnh Kon Tum
(10) Đã xây dựng được 6.901 căn nhà và 272 công trình dân sinh với tổng trị giá 272 tỷ đồng
(11) Từ năm 2008 đến nay đã mở 134 lớp xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học cho 2.370 người; 18 lớp học tình thương với 420 em; vận động 26.650 học sinh bỏ học quay lại trường; vận động 71.994 cháu trong độ tuổi đến trường; tặng quà, dụng cụ học tập trị giá trên 2 tỷ đồng; khám, chữa bệnh cho 684.036 lượt người, cấp thuốc miễn phí trị giá hơn 8 tỷ đồng...
(12) Đã xây dựng được 5.831 tổ tự quản; 1.156 bến bãi, tổ tàu thuyền an toàn; giao cho nhân dân tự quản 3.052,74 km đường biên giới, 1.781 cột mốc
(13) Chương trình phối hợp với Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ký năm 1990; với Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ký năm 1992; với Bộ Giáo dục và Đào tạo ký năm 1992; với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký năm 1993; với Uỷ Ban dân tộc ký năm 1999; với Hội Nông dân Việt Nam ký năm 2000…
Thành phố Hồ Chí Minh: Thống nhất hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị  (07/08/2013)
Đối thoại Chiến lược về Ngoại giao - An ninh - Quốc phòng Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ hai  (07/08/2013)
Việt Nam - Nam Phi đẩy mạnh hợp tác nhiều lĩnh vực  (07/08/2013)
Những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Thái Lan  (07/08/2013)
Mỹ đề xuất bán lô vũ khí trị giá 2,7 tỷ USD cho Iraq  (07/08/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên