Trong phiên giao dịch 2-8, đồng USD tại thị trường châu Á tăng giá, sau khi số liệu cho thấy hoạt động chế tạo tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến và vọt lên mức cao nhất trong hai năm.

Chiều cùng ngày, tại thị trường Tokyo, "đồng bạc xanh" được giao dịch ở mức 99,56 yen, so với mức 99,52 yen trong phiên trước tại New York; còn đồng euro giữ ở mức 1,3208 USD và 131,56 yen.

Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ cho biết Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Mỹ đã tăng từ 50,9 trong tháng 6-2013 lên 55,4 trong tháng 7-2013, ghi dấu mức cao nhất kể từ tháng 6-2011 và cao hơn dự báo 51,5 của các nhà phân tích.

Theo các nhà giao dịch, thông tin lạc quan này đang hỗ trợ đồng USD, song đồng tiền này sẽ khó tăng vọt lên trên 100 yen, do các nhà xuất khẩu Nhật Bản tăng cường bán ra USD.

Một nhân tố khác tác động đến tỷ giá USD là chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù mới đây Fed tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì chương trình nới lỏng định lượng (QE3) và lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, nhưng các nhà giao dịch vẫn đang hướng sự chú ý vào động thái tiếp theo của Fed, trong bối cảnh nền kinh tế đánh đi nhiều tín hiệu tích cực.

Trong khi đó, đồng euro đối mặt với sức ép bán ra, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp hoặc cắt giảm hơn nữa, nếu nền kinh tế Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn "vật lộn" để thoát khỏi "bãi lầy" suy thoái.

Phiên này, đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác tại châu Á, khi tăng so với đồng đôla Singapore, đồng peso Philippines, đồng đài tệ Đài Loan, đồng rupee Ấn Độ, đồng baht Thái Lan, đồng won Hàn Quốc và đồng rupiah Indonesia./.