Quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên - Vấn đề cấp bách hiện nay

PGS, TS. Nguyễn Thế Tràm - TS. Trần Thị Bích Hạnh Học viện Chính trị - Hành chính Khu vực 3
21:49, ngày 24-07-2013
TCCSĐT - Độ che phủ của rừng Tây Nguyên có xu thế giảm dần, chỉ còn ở mức bình quân 36% năm 2012. Tình trạng diện tích rừng bị mất xảy ra ngày càng nhiều, bình quân 25.735 ha/năm. Rừng trồng mới và rừng tái sinh tự nhiên không thể bù đắp được diện tích rừng đã mất. Do đó, tăng cường quản lý, bảo vệ rừng là vấn đề cấp thiết.

Đến cuối năm 2012, đầu năm 2013 độ che phủ của rừng Tây Nguyên có xu thế giảm dần chỉ ở mức bình quân 36%, là mức thấp so với các năm trước đây. Tình trạng phá rừng ở một số vùng trọng điểm, tụ điểm, rất nghiêm trọng. Đã hình thành đường dây phá rừng tồn tại qua nhiều năm. Tình trạng diện tích rừng bị mất xảy ra ngày càng nhiều, bình quân 25.735 ha/năm, trong đó, chuyển đổi trồng cao su: 46,7%, xây dựng thủy điện, thủy lợi, khu công nghiệp 31,3%, chặt phá trái phép: 6%. Diện tích rừng trồng mới và rừng tái sinh tự nhiên ở Tây Nguyên không thể bù đắp được diện tích rừng mất hằng năm. Từ năm 1998 -2011 cả Tây Nguyên chỉ trồng được hơn 217.000 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng được 14.000 ha và năm 2012 chỉ trồng được 8.367 ha, bằng 45,6% kế hoạch năm, 6 tháng đầu năm 2013 diện tích rừng mới trồng khoảng trên dưới 2.000ha. Các đối tượng phá rừng đang có xu hướng phát triển và những hành động chống trả các lực lượng quản lý rừng diễn ra khá thường xuyên và nhiều nơi rất gay gắt; ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỷ cương pháp luật, gây mất ổn định trên địa bàn, bức xúc trong xã hội. Từ 2008 - 2012 các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện được 9.000 vụ phá rừng trái pháp luật trong đó nổi cộm là các địa bàn: Tuy Đức, Đăk Song, Đăk Ngo tỉnh Đăk Nông; Đa Huoai, Kon Plông tỉnh Kon Tum; Krông Năng, Ea Hleo, Ea Súp tỉnh Đắc Lắc; Mang Yang, Kbang tỉnh Gia Lai.

Hiện nay, ở các tỉnh Tây Nguyên có 56 công ty lâm nghiệp nhà nước với diện tích đất rừng quản lý 998.532 ha nhưng tổ chức quản lý sản xuất còn nhiều hạn chế, quản lý đất rừng còn lỏng lẻo, sử dụng kém hiệu quả. Việc giao khoán đất và rừng cho các công ty lâm nghiệp nói trên có nhiều điều bất hợp lý, gây hậu quả rất khó giải quyết. Hoạt động của các ban quản lý rừng ở Tây Nguyên (có 52 ban quản lý rừng phòng hộ, 6 vườn quốc gia và 5 khu bảo tồn, quản lý 1,5 triệu hecta rừng và đất rừng) chưa phát huy khả năng, trách nhiêm, chức năng được giao. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp được giao cho các ban quản lý chưa được rà soát, đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Phần lớn các ban quản lý rừng phòng hộ và một số ban quản lý rừng đặc dụng không đủ năng lực quản lý rừng được giao. Rừng bị mất nhưng không ai chịu trách nhiệm. Nhiều tổ chức có chức năng bảo vệ rừng nhưng thực hiện không bảo đảm yêu cầu, thiếu sự thống nhất, đồng bộ, tập trung để tạo thành hệ thống và sức mạnh tổng hợp.

Việc chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng trồng cao su chỉ đem lại lợi ích kinh tế trước mắt, chưa tính hậu quả lâu dài đến môi trường, chưa kể nhiều dự án lớn phá rừng để trồng cao su phần lớn rừng giàu, không phải là rừng nghèo như dự án đã đề ra. Trong những năm qua, việc phát triển ồ ạt các nhà máy thủy điện đã lấy đi rất nhiều cánh rừng Tây Nguyên, nhưng các chủ đầu tư chưa trồng lại được bao nhiêu trong tổng số 8.200 ha diện tích rừng phải trồng lại. Tình trạng phá rừng trồng cao su, đốt rừng trồng cà phê, lúa nương đang tiếp diễn ở nhiều vùng, đặc biệt là doanh nghiệp và một số người di dân tự do ngang nhiên phá rừng nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả.

Thực hiện khoán cho người dân quản lý, bảo vệ rừng là trong một những vấn đề hết sức cầp thiết hiện nay, nhưng do chi phí khoán quá thấp trong khi công việc khó khăn và vô cùng vất vả, dẫn đến tâm lý của người dân muốn xin trả lại rừng, không nhận khoán nữa. Mức thù lao vừa thấp, vừa bấp bênh (trước đây 50 ngàn đồng/ha nay tăng lên 200ngàn đồng/ha) làm cho người dân không thiết tha với công việc nhận khoán bảo vệ rừng và đó cũng là nguyên nhân mặc dù được giao khoán nhưng rừng vẫn bị tàn phá.
Khung pháp lý xử lý các đối tượng phá rừng chưa thật cụ thể và không đủ mức răn đe. Để không ngừng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng Tây Nguyên hiện nay, cần có những biện pháp quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Cụ thể:

Một là, cần đẩy nhanh tiến độ việc sắp xếp, đổi mới công tác tổ chức, tái cơ cấu tổ chức ở các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, chi cục kiểm lâm; khắc phục tình trạng bộ máy quản lý, bảo vệ rừng chưa bảo đảm yêu cầu, chưa phát huy được tiềm năng của rừng, bỏ lỏng chức năng, nhiệm vụ và có tình trạng tiêu cực. Cần sớm tiến hành nghiên cứu, đề xuất các phương án tổ chức và chuyển đổi mô hình công ty lâm nghiệp thành ban quản lý rừng để bổ sung thẩm quyền, lực lượng, phương tiện, thiết bị cần thiết để thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả hơn; kiện toàn ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trong đó có biên chế một số cán bộ kiểm lâm để giúp cho ban thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiên quyết thực hiện việc sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức các công ty lâm nghiệp nhà nước, những công ty lâm nghiệp đã có rừng sản xuất, làm kinh tế, tự trang trải kinh doanh thì để tồn tại, những mô hình nào không tồn tại được thì chuyển thành ban quản lý sự nghiệp có thu. Mặt khác, cần phải xác định một cách rõ ràng, cụ thể chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp cũng như chức năng của chi cục kiểm lâm để làm căn cứ kiểm tra, đánh giá hiệu quả công việc quản lý, bảo vệ rừng, qua đó, có biện pháp bổ sung, sữa đổi kịp thời.

Hoàn thiện cơ chế trả lương và các phụ cấp thỏa đáng, bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống cho cán bộ, nhân viên làm công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tổ chức, bộ máy quản lý, bảo vệ rừng sau khi sắp xếp lại phải bảo đảm yêu cầu về tính hiệu lực, hiệu quả, độ tin cậy và chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, hạn chế, khắc phục những hành vi tiêu cực như tiếp tay cho lâm tặc, hoặc quản lý qua loa, mang tính hình thức, thiếu trách nhiệm, mất rừng không ai chịu trách nhiệm. Từng bước chuyển đổi từ cách trả lương theo thang, bảng lương hành chính sang hình thức trả lương gắn với hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng nhằm tạo động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng.

Đẩy mạnh việc phân quyền, chuyển giao quyền quản lý, bảo vệ rừng cho các Ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp trên cơ sở gắn kết trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn, quyền lợi, có như vậy hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng mới tăng lên.

Hai là, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được nghiên cứu một cách cụ thể, có tính khoa học, phù hợp với các quy luật khách quan về kinh tế, xã hội, môi trường trên địa bàn. Điều này đòi hỏi các cá nhân, tổ chức muốn chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án. Việc chuyển đổi hoặc thu hẹp diện tích rừng trên địa bàn cũng như chuyển diện tích rừng sang trồng cao su, thực hiện các dự án xây dựng thủy điện và khai khoáng sản phải được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng; khắc phục tình trạng tùy tiện, tiêu cực và vì lợi ích của nhóm trong lĩnh vực này. Quan điểm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được tính toán, lựa chọn đúng đắn, toàn diện, khắc phục tư tưởng chỉ tính hiệu quả kinh tế mà không tính đến các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Ban hành các quy định có tính pháp lý, buộc các tổ chức phải chấp hành, như: Doanh nghiệp đổi rừng làm thủy điện phải trồng lại rừng mới theo đúng diện tích rừng hiện có, ngoài ra phải bảo đảm đất cho dân tái định cư, ổn định cuộc sống. Việc chuyển từ rừng tự nhiên sang trồng cao su, cà phê phải được tính toán, xác định một cách cụ thể, khắc phục tình trạng các chủ dự án luận chứng không đúng sự thật, rừng giàu nhưng cho là rừng nghèo không thể phát triển được để thuyết minh cho việc chuyển đổi. Diện tích đất trồng rừng thay thế phải cụ thể, chi tiết về vị trí, địa hình, địa danh, loại rừng được quy hoạch phát triển (rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) một cách cụ thể đến từng lô loại cây dự kiến trồng và phương thức trồng, kế hoạch tiến độ trồng rừng thay thế, mức đầu tư bình quân 1ha tổng vốn đầu tư trồng rừng thay thế, quản lý, bố trí các nguồn lực thực hiện vấn đề nay phải theo đúng kế hoạch. Căn cứ vào diện tích các loại rừng hiện có và cũng như chất lượng của nó để làm cơ sở xây dựng các biện pháp, chính sách phù hợp trong quản lý, bảo vệ, bảo đảm phát triển rừng bền vững.

Coi trọng công tác kiểm tra, rà soát, thống kê diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép, cương quyết tổ chức cưỡng chế, giải tỏa, thu hồi để có kế hoạch phục hồi và trồng lại rừng mới. Các tỉnh cần tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện các dự án chuyển đổi rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong thời gian qua, kiên quyết thực hiện việc dừng các dự án chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp, nhất là khu rừng đặc dụng, phòng hộ nếu xét thấy dự án gây hậu quả không chỉ cho trước mắt mà cả tương lai.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm tính liên tục, thường xuyên, giải quyết nghiêm minh, kịp thời các vụ việc nổi cộm bị báo chí và dư luận lên tiếng. Xây dựng cơ chế phối hợp có tính ràng buộc pháp lý của các lực lượng: kiểm lâm, công an, quân đội, lực lượng dân quân tự vệ, công an xã, nội vụ, thanh tra, kiểm tra, tòa án, viện kiểm sát, các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm và cộng đồng dân cư để ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng. Nếu rừng đã được giao cho các nông, lâm trường, ban quản lý, công ty lâm nghiệp, nhưng vẫn bị chặt phá thì lãnh đạo chính quyền địa phương phải liên đới chịu trách nhiệm. Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng giữa người dân với các chủ rừng, công ty lâm nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án. Tăng cường kiểm tra, rà soát, lập biên bản thống kê diện tích rừng bị phá. Kịp thời nắm bắt thông tin, thống kê, phân loại, lập danh sách các đối tượng “chuyên nghiệp” thường xuyên khai thác rừng trái phép để có biện pháp theo dõi đấu tranh, ngăn chặn. Tăng cường nhân lực, phương tiện để phát hiện, ngăn chặn kịp thời và chống trả đích đáng trước mọi hành vi côn đồ của các đối tượng lâm tặc, đầu nậu gỗ lậu. Nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế quản lý rừng theo phương thức thống nhất, có tính hệ thống, tập trung đầu mối nhằm nâng cao hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục đổi mới cơ chế khoán quản lý, bảo vệ rừng để tạo mục tiêu, động lực bảo vệ rừng bền vững. Làm thế nào để người dân sống gần rừng với vai trò chủ rừng sống được với nghề rừng là vấn đề cần được nghiên cứu một cách sâu sắc, toàn diện. Khắc phục tình trạng chế độ thù lao thấp, dẫn đến người nhận khoán thiếu trách nhiệm, làm cho rừng bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống chính sách trên cơ sở gắn trách nhiệm, quyền lợi của người dân với rừng; tăng mức thù lao khoán bảo vệ rừng từ 200 ngàn đồng lên 300 - 350 trăm nghìn đồng/ha/năm tùy theo từng loại rừng; có chính sách quy định cụ thể về quyền lợi của người dân khi rừng đến kỳ thu hoạch, khai thác; quan tâm thực hiện cơ chế khuyến lâm một cách đúng đắn (lâu nay, vấn đề này chưa được chú trọng). Cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn với lãi suất thấp và được hỗ trợ giống, tư vấn cây trồng có giá trị kinh tế để người dân có thu nhập, yên tâm, tích cực bảo vệ rừng. Thực tế cho thấy, chỉ khi những người dân sống gần rừng có thu nhập và mức sống ổn định thông qua quản lý, bảo vệ rừng thì rừng mới được bảo vệ nghiêm ngặt. Do vậy, các địa phương cần quan tâm hơn đến vấn đề này, thực hiện chủ trương khoán rừng với cơ chế khoán phù hợp để người dân nhận khoán được bảo đảm lợi ích, từ đó, tăng cường trách nhiệm bảo vệ rừng.

Năm là, hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tăng chế tài để xử lý những cá nhân, tổ chức có hành động phá rừng dưới mọi hình thức. Những đối tượng phá rừng, khai thác gỗ lậu có tính chất thường xuyên hoặc có hành động tấn công kiểm lâm, gây thương tích phải được đưa ra khởi tố, hoặc truy tố tại tòa án. Hoàn thiện khung pháp lý xử lý cán bộ kiểm lâm, cán bộ ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp nhận hối lộ, tiếp tay đầu nậu gỗ để chúng khai thác, phá rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi luật pháp của lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt của lực lượng kiểm lâm. Kiên quyết khắc phục tình trạng cán bộ kiểm lâm nhũng nhiễu, tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Khi còn có tình trạng kiểm lâm “bảo kê” lâm tặc, thậm chí còn tìm cách trục lợi từ khe hở của pháp luật thì việc bảo vệ rừng sẽ không thể đạt được mục tiêu đề ra.

Nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong việc truy tố những hành vi vi phạm, tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, năng lực thi hành luật pháp và công tác đào tạo, giám sát tác nghiệp. Trang bị cho đội ngũ cán bộ trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng các phương tiện, thiết bị hiện đại để ngăn chặn kịp thời các trường hợp phá rừng, cháy rừng.

Thực hiện các biện pháp ngăn chặn phá rừng không chỉ ở trong rừng mà phải đồng thời với việc kiểm tra, giám sát các cơ sở chế biến gỗ; quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở chế biến gỗ; xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, kiên quyết đình chỉ hoạt động cơ sở chế biến gỗ vi phạm các quy định bảo vệ rừng; thu hồi, không cấp mới giấy phép kinh doanh đối với cơ sở chế biến gỗ sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ bất hợp pháp hoặc không phù hợp với quy hoạch các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mặt khác, cũng cần tiến hành kiểm tra các chủ gia đình sử dụng gỗ làm nhà, trang trí nội thất về nguồn gốc gỗ sử dụng. Đây cũng là một trong những biện pháp tăng cường bảo vệ rừng.

Sáu là, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phát động phong trào “toàn dân, toàn quân ra sức bảo vệ rừng”; nhân rộng những gương điển hình tốt về bảo vệ, phát triển rừng, kịp thời phê phán các hành vi phá rừng, chống người thi hành công vụ trong quản lý, bảo vệ rừng. Tăng cường truyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, học sinh, sinh viên, cán bộ các cấp, các ngành từ tỉnh cho đến cơ sở. Coi trọng đúng mức công tác truyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng trong khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; hạn chế tình trạng du canh, du cư hoặc dân di cư bất hợp pháp. Cần có biện pháp giúp họ ổn định cuộc sống và công ăn việc làm bằng cách cấp đất canh tác theo quy hoạch của địa phương.

Quan tâm thực hiện các hình thức tuyên dương, khen thưởng (tinh thần và vật chất) một cách thỏa đáng đối với những người có thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ rừng./.