Ngày 22-5, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trưởng tổ chức kỷ niệm Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22-5) năm 2013 với chủ đề “Đa dạng sinh học và nước”, nhằm đề cao vai trò quan trọng của đa dạng sinh học và hệ sinh thái trong việc an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến khẳng định, sẽ thúc đẩy, tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học; đó là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học, đẩy mạnh thực thi Luật đa dạng sinh học và các quy định pháp luật về đa dạng sinh học; triển khai chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến 2020 về tầm nhìn 2030, quy hoạch tổng thể về bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020; củng cố phát triển các cơ quan quản lý nhà nước về đa dạng sinh học ở Trung ương và địa phương; thúc đẩy công tác xã hội hóa công tác đa dạng sinh học và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đa dạng sinh học.

Hiện nay, Việt Nam đã được công nhận là một nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, là một trong các quốc gia được ưu tiên cho bảo tồn toàn cầu. Sự đa dạng về địa hình, đất đai, cảnh quan và khí hậu là cơ sở rất thuận lợi, tạo nên tính đa dạng của cả hệ sinh thái, loài và nguồn gen của Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của đa dạng sinh học, Việt Nam đã tích cực tham gia và thực hiện các Công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học như Công ước đa dạng sinh học, Công ước Ramsar về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng,...

Hiện trong các hệ sinh thái trên cạn, đã thống kê và xác định được trên 13.200 loài thực vật, khoảng 10.000 loài động vật. Trong các vùng đất ngập nước nội địa, đã xác định được trên 3.000 loài thủy sinh vật. Môi trường biển với 20 kiểu hệ sinh thái đặc thù, đặc trưng cho biển nhiệt đới và là môi trường sống của trên 11.000 loài sinh vật biển. Khoảng hai thập kỷ gần đây, rất nhiều loài động, thực vật mới được phát hiện và mô tả, trong đó có nhiều chi và loài mới cho khoa học, đặc biệt là các loài thú và các loài cây thuộc họ Lan. Tới nay, nhiều loài động, thực vật mới vẫn được tiếp tục phát hiện và công bố ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, các hệ sinh thái và tài nguyên sinh vật đóng vai trò quan trọng của nền kinh tế và văn hóa của đất nước, thể hiện ở các giá trị chính là bảo vệ thiên nhiên và môi trường (giá trị về chức năng sinh thái); kinh tế (giá trị sử dụng trực tiếp và gián tiếp) và văn hóa, xã hội. Đa dạng sinh học đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu./