Mới găng đã cần dịu

Quách Quỳnh
23:07, ngày 24-04-2013
TCCSĐT - Trong mối quan hệ giữa Mỹ và Nga đã bất ngờ có những dấu hiệu chuyển biến từ căng thẳng sang hòa dịu, từ đối đầu sang hợp tác. Mỹ đã chủ động có bước đi đầu tiên và Nga đã không bỏ lỡ cơ hội để bắt tay hòa giải với Mỹ.
Trong suốt thời gian khá dài, hai bên đều có những ưu tiên chính sách cao hơn và cấp thiết hơn là thúc đẩy mối quan hệ song phương này. Quan hệ song phương đã bị sao nhãng, thậm chí không coi trọng đến mức cả hai phía không những không để ý đến việc khắc phục những trở ngại tồn tại lâu nay giữa hai nước mà còn gây thêm trắc trở mới. Điển hình nhất là việc Mỹ công bố danh sách 18 quan chức Nga bị cấm nhập cảnh vào Mỹ và Nga đã ngay lập tức “trả đũa” hành động này bằng cách cũng cấm 18 quan chức Mỹ nhập cảnh vào Nga.

Mới găng nhau là thế nhưng mới đây, người ta đã lại thấy hai bên đã tỏ ra sẵn sàng hóa giải bất hòa khi phía Nga đón Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tôm Đô-nai-lân (Tom Donilon) đến Nga trong tư cách là Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma. Ông T. Đô-nai-lân mang theo cả bức thư riêng của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma gửi Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin với những nội dung mà Cố vấn đối ngoại của Tổng thống V. Pu-tin, ông Y-u-ri U-sa-cốp (Yuri Ushakov), đánh giá rằng "rất xây dựng và bao hàm nhiều gợi ý nhằm mục đích tiếp tục thúc đẩy đối thoại và hợp tác song phương".

Những chủ đề nội dung được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đề cập trong bức thư gửi Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin không chỉ là chuyện hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước, mà trước hết là những chuyện thời sự chính trị thế giới động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược thiết thực hiện tại cũng như lâu dài của cả hai nước. Cụ thể là vấn đề hạt nhân của I-ran và triển vọng tình hình ở Xy-ri, hệ thống tên lửa mới của Mỹ ở châu Âu và giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga, dân chủ nhân quyền và đương nhiên cả cuộc khủng hoảng chính trị - an ninh hiện tại ở khu vực Đông Bắc Á.

Cả hai phía đều có nhu cầu nhanh chóng đi vào hòa dịu bởi thời kỳ quan hệ lạnh nhạt, thậm chí chẳng nể nang nhau thời gian qua, sau khi đưa lại cái lợi về đối nội thì nay đã đến lúc có thể gây hại về đối ngoại và an ninh, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến những suy tính lợi ích chiến lược toàn cầu của cả hai. Tất cả những hồ sơ về chính trị thời sự thế giới nêu trên đều là những chuyện sớm hay muộn thì cả hai phía đều phải xử lý, bên này phải dựa vào bên kia thì mới có được giải pháp chính trị bảo đảm cho lợi ích của chính mình. Cả hai phía đều nhận thấy, nếu cứ găng nhau, băng giá quan hệ và thậm chí cả đối địch như thế chỉ có lợi cho đối tác thứ ba mà thôi.

Nhu cầu của Mỹ về cải thiện quan hệ với Nga trở nên ngày càng cấp thiết vì hiện có quá nhiều vấn đề đối ngoại và an ninh đặt ra đối với quốc gia này, trong khi Mỹ hiểu rõ rằng, nếu có sự hậu thuẫn và hợp tác của Nga thì mọi chuyện có thể sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn đối với họ. Nga cũng có nhu cầu cải thiện quan hệ cấp thiết không kém Mỹ vì Nga cũng cần cơ chế hợp tác để có thể trở thành tác nhân rất quyết định đối với giải pháp cho các vấn đề chính trị thế giới đang cần được giải quyết. Hơn nữa, Nga hiện là Chủ tịch luân phiên Nhóm G20 và Nga đang phải làm tất cả những gì có thể để nhiệm kỳ chủ tịch nói chung này cũng như Hội nghị cấp cao nói riêng sắp diễn ra tới đây được thành công.

Chính vì thế, hiện cả Nga và Mỹ đang nhanh chóng thỏa thuận luôn hai cuộc cấp cao nhân dịp cả Tổng thống Nga V. Pu-tin và Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tới Bắc Ai-len dự Hội nghị cấp cao Nhóm G8 vào tháng 6 tới và khi Tổng thống B. Ô-ba-ma tới Nga dự Hội nghị cấp cao Nhóm G20 vào tháng 9-2013. Cả Nga và Mỹ đều nhận thấy, cái cái thời hai phía giận nhau lâu và nhiều đã qua rồi./.