Kinh nghiêm chống tham nhũng ở một số nước châu Á
Trung Quốc: Chống tham nhũng là sự nghiệp lâu dài
Ở Trung Quốc, tham nhũng có từ lâu, song đặc biệt phát tác và ngày càng tinh vi cả về tần suất cũng như phạm vi hoạt động kể từ khi quốc gia này tiến hành công cuộc cải cách, mở cửa trong hơn 30 năm qua. Tham nhũng đã trở thành “thách thức chính trị lớn nhất và ô nhiễm xã hội lớn nhất mà Trung Quốc đang gặp phải”. Nhận thức rõ mối nguy hại đó, Đảng và Chính phủ Trung Quốc bày tỏ thái độ cứng rắn và kiên quyết trong cuộc chiến chống tham nhũng, xem đó như vấn đề lớn, đấu tranh sinh tử của Đảng, là “cuộc đấu tranh chính trị nghiêm trọng, không thể buông lỏng dù chỉ một lúc”. Hội nghị Trung ương 4 khoá XVI (tháng 9-2004) đề ra phương châm trị cả gốc lẫn ngọn, xử lý tổng hợp, coi trọng cả trừng trị và phòng ngừa.
Chính phủ Trung Quốc đề ra các biện pháp quyết liệt:
Thứ nhất, tăng cường giáo dục, bao gồm giáo dục lý tưởng và niềm tin chủ nghĩa cộng sản, mà trọng tâm là giáo dục tư tưởng “ba đại diện”, làm cho cán bộ, đảng viên bài trừ và chống tham nhũng từ tư tưởng. Đây được coi là cơ sở của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Các biện pháp được triển khai là tăng cường học tập và giáo dục về tác phong, kỷ luật và Điều lệ mới của Đảng; học tập chuyên đề riêng về chống tham nhũng. Đồng thời, áp dụng các hình thức và nội dung giáo dục khác nhau phù hợp với các tầng lớp trong xã hội, như triển khai giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, giáo dục tự quản nghề nghiệp...; tăng cường công tác tuyên truyền về đấu tranh chống tham nhũng, tạo bầu không khí xã hội thuận lợi để chống tham nhũng.
Thứ hai, tiến hành cải cách hành chính ở quy mô sâu rộng, với mục tiêu là xác định rõ chức năng của Chính phủ và chính quyền các cấp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện cơ cấu lại tổ chức bộ máy hành chính cho gọn nhẹ, hiệu quả, phân rõ thẩm quyền, đồng thời thực hiện xây dựng pháp chế trong hệ thống hành chính, tinh giản bộ máy hành chính các cấp, tinh giản biên chế nhằm giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu cho Nhà nước. Trong vòng 3 năm từ năm 1998 đến 2001, Trung Quốc giảm 40 bộ cơ quan nhà nước xuống còn 29 bộ, tinh giản 4 triệu viên chức(1)(1). Chế độ tài chính được cải cách, mức lương và sự đãi ngộ phúc lợi của công chức được nâng cao, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức có thể toàn tâm, toàn ý và có trách nhiệm đối với công việc. Từ ngày 1-1-2006, Luật Công chức của Trung Quốc đã được thực thi. Tân Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước 25 thành viên của Bộ Chính trị hôm 17-11: "Một thực tế rõ ràng cho chúng ta thấy rằng, vấn đề tham nhũng đang phát triển mạnh hơn và cuối cùng sẽ hủy diệt Đảng và đất nước. Chúng ta cân cảnh giác cao độ'!.. Irong những năm trởlại đây, ở một số nước, những nhức nhối kéo dài đã gây nên sự giận dữ của người dân, bất ổn xã hội và sụp đổ chính quyền, và trong số tất cả các nguyên nhân thì tham nhũng đóng một vai trò rất lớn'!
Thứ ba, thiết lập và tái thiết lập, nâng cao hiệu quả các cơ quan, tổ chức chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Tháng 9¬-2007 Trung Quốc lập Cục Phòng, chống tham nhũng quốc gia, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Quốc hội và Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Đến tháng 5-2008, Trung Quốc ban hành “Quy hoạch công tác xây dựng kiện toàn hệ thống trừng trị và ngăn ngừa tham nhũng năm 2008 - 2012” với mục tiêu xây dựng khung pháp luật cơ bản cho hệ thống trừng trị và ngăn ngừa tham nhũng. Các ngành, lĩnh vực dễ và hay sa vào tham nhũng, như xây dựng, chuyển nhượng đất đai, tiền tệ, được tăng cường kiểm tra giám sát; giáo dục và giám sát đối với cán bộ lãnh đạo; tăng cường điều tra, đưa ra xét xử các vụ án vi phạm pháp luật, kỷ luật của các quan chức. Nhiều văn bản làm “công cụ” chống tham nhũng được ban hành. Hiện nay có hơn 1.200 pháp quy chống tham nhũng.
Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khẳng định, trong nhiệm kỳ 5 năm tới, sẽ tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát đảng viên và chống tham nhũng.
Bên cạnh việc kêu gọi các đảng viên liêm khiết, minh bạch và cùng chung tay chống tham nhũng - một cuộc chiến dài lâu, phức tạp và rất khó khăn, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương Trung Quốc cũng cam kết, sẽ trừng trị nghiêm khắc với những mức án cao nhất đối với tội phạm tham nhũng, lạm dụng quyền lực, nhận hối lộ. Bên cạnh đó, sẽ thường xuyên tiến hành giám sát, giáo dục các đảng viên, các quan chức, coi việc giáo dục đạo đức là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng mà Trung Quốc đã và đang triển khai trong thời gian qua.
Thứ tư, phát động các chiến dịch chống tham nhũng. Kể từ năm 1978 khi bắt đầu công cuộc cải cách, mở cửa, Trung Quốc tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng vào các năm: 1982, 1983 - 1987, 1988 - 1989, 1993 đến nay.
Hiện nay, tăng cường sự tham gia của hệ thống thông tin vào phòng, chống tham nhũng là biện pháp mới, hữu hiệu. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều vụ việc bị tố giác. Với 513 triệu người sử dụng mạng hiện nay, việc sử dụng phương tiện công nghệ cao, xây dựng mạng lưới phòng ngừa, tăng cường đấu tranh chống tham nhũng trên mạng in-tơ-nét của Trung Quốc có tác dụng to lớn trong việc đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng.
Sự “vào cuộc” của chính quyền hết sức quyết liệt, mạnh mẽ, từ Trung ương đến địa phương, tiến hành đồng bộ, từ trên xuống dưới, trên cơ sở kiên trì nguyên tắc trị từ gốc đến ngọn, kết hợp giữa giáo dục, pháp chế, cải cách, giám sát, trọng điểm chống tham nhũng là xây dựng nền chính trị dân chủ. Tại Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua, chống tham nhũng là một trong những chủ đề nổi bật, được xác định là vấn đề sống còn đối với tương lai của quốc gia hơn một tỉ người này.
Qua quá trình chống tham nhũng ở Trung Quốc, có thể thấy một số điểm cơ bản trong cách thức xử lý tham nhũng ở nước này như sau:
Một là, sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng, cũng như trong lãnh đạo, chỉ đạo giữa Đảng và nhà nước Trung Quốc, đó là giải quyết tận gốc căn bệnh tham nhũng. Vì vậy, chống tham nhũng ở Trung Quốc được tiến hành cùng với chống quan liêu - chỗ dựa vững chắc của tham nhũng; tiến hành thực thi dân chủ.
Hai là, thực hiện triệt để xử lý tham nhũng theo phương châm: về kinh tế phải xử cho “khuynh gia bại sản”; về chính trị, làm cho tội phạm tham nhũng “thân bại danh liệt”; về tư tưởng, làm cho kẻ có tội phải “sám hối suốt ngày đêm”.
Ba là, tăng cường minh bạch trong hoạt động công quyền, phát huy hiệu quả cơ chế giám sát của công chúng và dư luận xã hội. Cơ chế giám sát trước hết thực hiện trong nội bộ Đảng, “lấy quyền lực để hạn chế quyền lực”.
Bốn là, xây dựng và thực thi pháp luật nghiêm minh. Việc tăng mức độ trừng trị và tỷ lệ phá án cao sẽ làm cho những người có ý định tham nhũng từ bỏ hành vi đó và lựa chọn hành vi không tham nhũng.
Năm là, tạo sự thống nhất giữa quyền lực, trách nhiệm và lợi ích của người có quyền và nghĩa vụ trong thi hành công vụ.
Công cuộc chống tham nhũng của Trung Quốc đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn vô cùng đáng lo ngại, với mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp; do vậy việc tẩy trừ căn bệnh này là sự nghiệp lâu dài, xuyên suốt quá trình cải cách của Trung Quốc.
Hàn Quốc: Xây dựng chính phủ minh bạch
Từ năm 2003, Hàn Quốc tiến hành công cuộc đổi mới chính phủ với một trong các mục tiêu là xây dựng một chính phủ minh bạch. Nhằm đạt được mục tiêu này, Chính phủ Hàn Quốc chỉ đạo thực hiện kê khai tài sản, mở rộng giao dịch điện tử và đẩy mạnh chống tham nhũng. Với quan điểm coi trọng việc phòng ngừa tham nhũng, Hàn Quốc đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp sau:
- Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho công chúng về phòng, chống tham nhũng trên cơ sở đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng. Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào hệ thống sách giáo khoa, tăng cường chương trình giảng dạy về chống tham nhũng trong các trường học và các cơ quan, tổ chức khu vực công; tiến hành các chiến dịch, phối hợp với các tổ chức phi chính phủ nhằm thay đổi tư duy của công chúng về vấn đề tham nhũng; tăng cường hợp tác quốc tế về chống tham nhũng; thành lập trung tâm thông tin về tham nhũng, lập “quỹ chống tham nhũng” và tổ chức diễn đàn của công chúng về phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách phương thức mua sắm công, điển hình là sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Hệ thống đấu thầu điện tử KONEPS (Korean Online E-Procurement System) góp phần ngăn chặn các vụ việc tham nhũng phát sinh trong quá trình tổ chức đấu thầu.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, chú ý giáo dục đạo đức cho công chức, trên cơ sở ban hành Bộ Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức; cải thiện chế độ tiền lương và thực hiện các chính sách liên quan đến quyền lợi cho cán bộ, công chức. Bên cạnh việc xây dựng Luật Đạo đức công vụ, Luật Hành vi ứng xử đối với cán bộ, công chức và các quy định về đăng ký tài sản của cán bộ, công chức, Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành Quy định về kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức nhằm ngăn ngừa cán bộ, công chức tích tụ tài sản bất hợp pháp.
- Xây dựng nền móng pháp lý cho việc chống tham nhũng. Chính phủ Hàn Quốc ban hành hàng loạt đạo luật chống tham nhũng, đặc biệt là Luật Chống tham nhũng được hình thành từ năm 2001. Trên cơ sở đó, thành lập các cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra; Ủy ban Độc lập chống tham nhũng; Bộ Hành chính nội vụ Hàn Quốc và Cục Cảnh sát kiểm soát.
Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (KICAC) được thành lập năm 2002, với mục đích tiến hành điều tra về mức độ tham nhũng, các nguyên nhân của tham nhũng; loại bỏ và giảm bớt các quy định, thủ tục bất hợp lý có thể dẫn tới tham nhũng; cải tiến, nâng cao tính minh bạch của các chuẩn mực và quy trình hành chính.
Để điều tra chống tham nhũng, tổ chức điều tra đặc biệt được thành lập gồm 90 nhân viên thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cán bộ cao cấp, kiểm tra các cơ quan quản lý nhà nước trên các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như thuế vụ, hải quan, xây dựng, đấu thầu, giáo dục. Năm 2004, Trung tâm xử lý vướng mắc giữa các doanh nghiệp với các cơ quan hành chính nhà nước được thành lập nhằm giải quyết các khiếu kiện của doanh nghiệp. Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc còn thiết lập đường dây nóng 188, thành lập hệ thống xử lý thông tin, dữ liệu thông tin, hồ sơ gửi đến cơ quan thanh tra và kiểm toán.
- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thái độ không khoan nhượng đối với tham nhũng.
- Tăng cường các biện pháp phát hiện tham nhũng, kết hợp các biện pháp khen thưởng, bảo vệ những người dũng cảm tố giác các hành vi tham nhũng, tăng cường giám sát của nhân dân; thực hiện việc kê khai tài sản, xử phạt nghiêm những công chức không giải trình được những khoản tăng, trừng trị nghiêm khắc các công chức tham nhũng.
Xin-ga-po: Xây dựng chính phủ trong sạch, vững mạnh
Là một trong những quốc gia được xếp hạng trong sạch và minh bạch nhất thế giới, Xin-ga-po thi hành những biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn chống tham nhũng. Với một hệ thống luật pháp chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh; cơ quan xét xử hoàn toàn độc lập với cơ quan lập pháp và hành pháp, Xin-ga-po xây dựng một cơ chế để cán bộ, quan chức không dám, không muốn và không thể tham nhũng.
Để tiến hành chống tham nhũng hiệu quả, trước hết, Xin-ga-po tập trung vào hai vấn đề là giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng cường hình phạt, dựa trên Đạo luật Ngăn ngừa tham nhũng (POCA) và Cục Điều tra tham nhũng (CPIB). Cục Điều tra tham nhũng trực thuộc Thủ tướng, có toàn quyền điều tra và kết tội tham nhũng. Không ai và không có cấp nào có thể có ý kiến hoặc can thiệp nhằm làm sai lệch kết quả điều tra hay xử án. Mục tiêu của POCA và CPIB là giảm cơ hội tham nhũng và tặng thưởng cho ai phát hiện các hành vi tham nhũng.
Để giảm thiểu cơ hội tham nhũng, việc đầu tiên là có chế độ đãi ngộ, tăng lương và tạo cơ hội làm việc cho công chức. Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu trong bài phát biểu trước Quốc hội, ngày 22-3-1985, từng tuyên bố: Các nhà lãnh đạo chính trị cần được trả lương cao để bảo đảm chính quyền trong sạch và minh bạch(2). Từ tháng 4-2007, Xin-ga-po điều chỉnh mức lương chuẩn, thi hành chế độ lương mới, theo đó, mức lương của bộ trưởng và công chức ở Xin-ga-po thuộc vào loại cao nhất thế giới, với mức trung bình là 1,9 triệu đô-la Xin-ga-po (SGD), tương đương 1,26 triệu USD/năm. Chế độ đãi ngộ này là một trong những nguyên nhân góp phần quyết định vào những thành công của Xin-ga-po trong chống tham nhũng.
Quá trình chống tham nhũng ở Xin-ga-po cho thấy các kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, lãnh đạo chính trị phải cam kết bản thân mình không tham nhũng, phải gương mẫu. Thứ hai, phải có biện pháp chống tham nhũng tổng thể, lâu dài, đầy đủ, không có lỗ hổng và thường xuyên được xem xét lại để thay đổi nếu cần thiết. Thứ ba, các cơ quan chống tham nhũng phải trong sạch, được điều hành bởi các nhà lãnh đạo liêm khiết. Thứ tư, giảm cơ hội và nhu cầu tham nhũng tại các ngành dễ mắc lưới tham nhũng, như hải quan, thuế vụ, giao thông. Thứ năm, cơ hội tham nhũng trong cán bộ, quan chức có thể giảm bớt nếu lương và phụ cấp của họ có tính cạnh tranh với khu vực tư nhân.
Tóm lại, những biện pháp, kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po cho thấy, chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu trong việc hướng tới xây dựng “xã hội hài hoà”,“xã hội công bằng”, trong sạch, minh bạch. Để đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, cần có cơ sở pháp lý đầy đủ và các cơ quan, tổ chức chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập với các cơ quan khác. Tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, mỗi nước có những chính sách và lộ trình chống tham nhũng phù hợp riêng, nhưng đòi hỏi chung là phải đấu tranh kiên quyết, trị tận gốc các căn nguyên của tệ nạn tham nhũng, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và nhận thức, được triển khai trên tất cả các mặt trận với sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp xã hội, với các biện pháp tổng thể, thống nhất, xuyên suốt. Đây là sự nghiệp lâu dài, là sự thử thách bản lĩnh và năng lực lãnh đạo của đảng cầm quyền ở các nước châu Á./.
-------------------------------------------
(1) Xem: Corruption and anti-coiruption in China, http://www.cuhk.edu.hk
(2) Corruption in Asia with special reference to Singapore: patterns and consoquences, http://www.jonstquah.com
Đảng bộ quận Ninh Kiều đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ, sâu sát cơ sở  (02/04/2013)
Khởi công xây dựng cầu nối liền biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia  (02/04/2013)
Hội thảo lịch sử, kinh tế, quân sự Biển Đông ở Pháp  (02/04/2013)
Phải mất 300 năm Việt Nam mới dọn sạch bom mìn sau chiến tranh  (02/04/2013)
Tổng Công ty Điện lực miền Bắc noi gương tiết kiệm điện của Bác Hồ  (02/04/2013)
Tăng cường quản lý của địa phương trong kiểm soát ô nhiễm công nghiệp  (02/04/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên