Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-3 đến ngày 17-3-2013)
1. Lễ tưởng niệm các nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần Nhật Bản
Sáng ngày 11-3-2013 (giờ Nhật Bản), để kỷ niệm ngày Nhật Bản chịu thảm họa động đất, sóng thần kép 11-3-2011, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) đã gửi thông điệp tới toàn dân chúng, trong đó nhấn mạnh: “Nếu mùa xuân không thể đến với vùng Đông Bắc Nhật Bản, thì mùa xuân cũng không thể đến với nước Nhật. Mỗi ngày chúng ta hãy quên đi những nỗi đau trong quá khứ và chung tay xây dựng lại những gì đã mất ”. Ông S. A-bê kêu gọi nhân dân Nhật Bản hãy hướng về nơi đã chịu thảm họa sóng thần với những hành động cụ thể. Trong khi đó, tại Nhà thờ ở Niu Oóc, Mỹ, ngày 10-3 (theo giờ Mỹ), cũng đã diễn ra Lễ tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong thảm họa sóng thần năm 2011. Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Niu Oóc đã kêu gọi nhân dân Mỹ hãy cùng chia sẻ với những mất mát của các nạn nhân, tăng cường đoàn kết, chung tay xây dựng xã hội hòa bình và đầy tình thương. Tại Hà Nội, Việt Nam, Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản đã giới thiệu với người dân Việt Nam cuốn phim tài liệu “Nhật Bản một lòng” nhằm tưởng nhớ những nạn nhân trong thảm họa động đất, sóng thần cách đây 2 năm, đồng thời bày tỏ tình cảm tri ân đến bạn bè Việt Nam và quốc tế đã giúp đỡ nhân dân Nhật Bản vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
2. Châu Á: Cấp vốn thương mại yếu, việc làm thiếu hụt
Ngày 12-3-2013, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, trong quý 4-2012, ADB đã tiến hành một cuộc khảo sát các doanh nghiệp và các ngân hàng ở châu Á để xem xét đánh giá mối quan hệ giữa tài chính thương mại với việc tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế của các doanh nghiệp trong khu vực. Kết quả cho thấy trong năm 2011 các công ty đang hoạt động tại các nước đang phát triển ở châu Á thiếu gần 425 tỷ USD vốn. 106 ngân hàng được khảo sát cho biết trong tổng vốn vay gần 2.100 tỷ USD được các doanh nghiệp ở châu Á đề nghị, chỉ có 1.675 tỷ USD được đáp ứng, nguyên nhân là do khả năng thanh toán yếu kém của các ngân hàng chi nhánh, xếp hạng tín dụng thấp và hệ thống ngân hàng kém phát triển ở các nước đang phát triển. Trong khi đó, ở cấp độ toàn cầu, đã có 1.600 tỷ USD không được đáp ứng trong tổng vốn vay đề nghị 4.600 tỷ USD của các doanh nghiệp. Quan chức cấp cao ADB phụ trách cấp vốn thương mại, Xti-vờn Béc (Steven Beck) nói rằng sự thiếu hụt đáng kể trong đáp ứng nhu cầu vốn của các công ty xuất - nhập khẩu đã ảnh hưởng rất lớn đến tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á nói riêng và thương mại quốc tế nói chung. Ông Xti-vờn Béc nêu rõ Chương trình cấp vốn thương mại (TFP) của ADB chính là nhằm lấp những khoảng trống trên thị trường cấp vốn thương mại, thông qua cung cấp bảo lãnh và cho vay đối với các ngân hàng để hỗ trợ thương mại. Chỉ riêng trong năm 2012, trong khuôn khổ TFP, ADB đã hỗ trợ 4 tỷ USD cho thương mại thông qua 2.032 giao dịch liên quan đến 1.577 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Vòng đàm phán thứ 16 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương
Ngày 13-3-2013, Vòng đàm phán thứ 16 về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã bế mạc tại Xin-ga-po, đạt được một số kết quả nhất định. Bà Ng. Kim (Ng Bee Kim), Tổng Cục trưởng Tổng cục thương mại thuộc Bộ Thương mại và công nghiệp Xin-ga-po, cho biết trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP và 20 nhóm làm việc đã hợp tác rất tích cực và đã đạt tiến bộ trong nhiều vấn đề như viễn thông và hải quan, đồng thời tiếp tục thảo luận về các quy định liên quan tới dịch vụ, thương mại điện tử, rào cản kỹ thuật trong thương mại và chi tiêu công. Các bên tham gia đàm phán cũng nỗ lực đưa ra gói quy định toàn diện liên quan tới tiếp cận thị trường nhằm phát huy tối đa tiềm năng của TPP với vai trò là một hiệp định thương mại khu vực mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Bà Ng Bee Kim cũng cho biết, các nước thành viên TPP nhận thấy vẫn tồn tại một số vấn đề cần tiếp tục đàm phán như quy định về sở hữu trí tuệ, môi trường cạnh tranh và lao động. Bà khẳng định lãnh đạo các nước đều mong muốn kết thúc đàm phán trong năm 2013 này. Vòng đàm phán thứ 17 dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Li-ma (Lima) của Pê-ru từ ngày 15 đến ngày 24-5-2013.
4. Nga - Anh tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ nhất
Ngày 13-3-2013, lần đầu tiên cuộc đối thoại chiến lược Nga - Anh cấp bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao, gọi tắt là “Diễn đàn 2+2” đã diễn ra tại Luân Đôn, Anh. Theo Bộ Ngoại giao Anh, cuộc đối thoại chiến lược Nga -Anh là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời cho thấy bước tiến lớn trong việc thúc đẩy phát triển mối quan hệ toàn diện ở cấp cao. Diễn đàn 2+2 tạo điều kiện cho hai bên cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và các vấn đề chính sách trong lĩnh vực an ninh, mối quan hệ song phương, đặc biệt là những vấn đề lớn trong chính sách đối ngoại của hai nước. Anh cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề quốc phòng rất quan trọng đối với xứ sở Sương mù. Tại Cuộc đối thoại lần này, hai bên đã thảo luận những vấn đề an ninh châu Âu, bao gồm cả triển vọng phối hợp hành động bình đẳng trong cấu trúc của hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu, tình hình Xy-ri và thế giới A-rập nói chung, cũng như tình hình ở Áp-ga-ni-xtan, chương trình hạt nhân gây tranh cãi của I-ran và căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Hai bên cũng nghiêm túc xem xét lại thực trạng và triển vọng phát triển mối quan hệ Nga - Anh trong lĩnh vực văn hóa, kinh tế - thương mại và quốc phòng.
5. Hội thảo Biển Đông tại Mỹ
Từ ngày 13 đến15-3-2013, Hội thảo về tranh chấp trên Biển Đông do Hội châu Á - trụ sở tại Niu Oóc - phối hợp với Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Xin-ga-po đồng tổ chức đã diễn ra tại Mỹ. Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận bốn chủ đề: nguồn gốc của tranh chấp ở Biển Đông; quan hệ Mỹ - Trung ở Biển Đông; vai trò của luật pháp và quản trị quốc tế; quan điểm của ASEAN về Biển Đông, hệ quả đối với hòa bình và an ninh khu vực và các bài học, đề xuất chính sách. Trình bày quan điểm của mình, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn mong muốn giải quyết tranh chấp tại Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc về tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Trong khi đó, giáo sư Mỹ Giê-rô-mê A. Cô-hen (Jerome A. Cohen) đến từ Đại học Luật Niu Oóc cho rằng tranh chấp tại Biển Đông liên quan đến luật pháp, chính trị quốc tế vì vậy cần phải áp dụng luật pháp, thể chế quốc tế để giải quyết. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Crít-xtốp-phơ Hin (Christopher Hill), hiện là Hiệu trưởng trường Nghiên cứu quốc tế Giô-xép Cô-ben (Josef Korbel), Đại học Đen-vơ (Denver), cho rằng Trung Quốc có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Theo ông C. Hin, Trung Quốc không có lợi gì khi làm gia tăng thêm căng thẳng với các nước láng giềng và những nước có quan hệ gắn bó, thân thiện với mình từ lâu.
6. Châu Á lần đầu vượt châu Âu về chi tiêu quốc phòng
Ngày 14-3-2013, Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết năm 2012, chi tiêu quốc phòng của châu Á lần đầu tiên đã vượt châu Âu. Trong báo cáo thường niên “Cán cân quân sự năm 2013” về quân đội các nước trên thế giới, IISS cho biết chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng 8,3% trong giai đoạn 2011 - 2012, chi tiêu của toàn châu Á tăng 4,94%. Báo cáo nêu rõ: “Chi tiêu quốc phòng của châu Á tăng quá nhanh, trong khi các nước châu Âu theo đuổi chính sách quốc phòng khắc khổ. Chi tiêu quốc phòng của châu Á trong năm 2012 là 287,4 tỷ USD, vượt tổng chi tiêu quốc phòng của toàn châu Âu, bao gồm các nước thuộc NATO”. Cũng trong báo cáo trên, IISS lưu ý Mỹ vẫn giữ vị trí số 1 khi chiếm 45,3% chi tiêu quốc phòng toàn cầu; vị trí thứ hai là Trung Quốc. IISS cũng đề cập việc tăng chi tiêu quốc phòng của các nước châu Á như Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
7. Hội thảo về những thách thức an ninh chung lần thứ 4
Ngày 14-3-2013, Nhật Bản và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tham dự Hội thảo về những thách thức an ninh chung lần thứ 4 tại thủ đô Tô-ki-ô. Trọng tâm của Hội thảo tập trung vào các thách thức an ninh chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vai trò và sự hợp tác giữa các nước ASEAN và Nhật Bản trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực có nhiều thay đổi. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Thư ký ASEAN, Ni-an Lin (Nyan Lynn) nhấn mạnh vai trò của ASEAN là hạt nhân cho đối thoại an ninh khu vực thông qua các cơ chế đối thoại an ninh như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các đối tác (ADMM+), Hội nghị Thứ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nhật Bản,... Theo N. Lin, Nhật Bản là đối tác hàng đầu của ASEAN và quan hệ song phương đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, phòng chống thiên tai,... để đối phó với các thách thức chung ở khu vực và trên thế giới, bao gồm thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống và cho rằng dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản là cơ hội để hai bên tiếp tục tăng cường quan hệ.
8. Hội nghị thượng đỉnh EU
Trong 2 ngày 14 và 15-3-2013, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu đã diễn ra tại Brúc-xen, Bỉ. Các chủ đề chi phối chương trình nghị sự của Hội nghị bao gồm cách thức giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong thanh niên; thúc đẩy tăng trưởng và gia tăng cạnh tranh; các vấn đề đối ngoại cũng như mối quan hệ với các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, Hội nghị đã không nhất trí được về bất kỳ biện pháp mới nào nhằm tăng việc làm. Các nhà lãnh đạo EU đã đạt thỏa thuận đẩy nhanh việc thực thi Sáng kiến việc làm cho thanh niên, được Ủy ban châu Âu đưa ra hồi năm ngoái, song sáng kiến trị giá 6 tỷ ơ-rô này chỉ là “muối bỏ biển” bởi tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở Hy Lạp và Tây Ban Nha là hơn 50%. Hội nghị cũng có một cuộc thảo luận không chính thức về Nga, trong đó tập trung vào vấn đề năng lượng, bởi EU hiện là khách hàng tiêu thụ năng lượng lớn nhất của Nga. Đây được xem là bước chuẩn bị cho chuyến công du Mát-xcơ-va vào tuần tới của các quan chức EU nhằm “khai thác những lĩnh vực có lợi ích chung.” Theo nhận định của giới phân tích, các nước EU có quan điểm khác nhau và phức tạp về mối quan hệ với Nga, do đó rất khó để tìm được một lập trường chung.
9. Quốc hội Trung Quốc họp bế mạc kỳ họp thứ nhất
Sáng 17-3-2013, kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - NPC) Trung Quốc khóa 12 đã họp phiên bế mạc tại Đại lễ đường nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh. Tại phiên bế mạc, đề cập đến vấn đề Hồng Công, Ma Cao, tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng cần lấy lợi ích tổng thể của quốc gia và Hồng Công, Ma Cao làm trọng, cùng nhau bảo vệ và thúc đẩy Hồng Công, Ma Cao ổn định, thịnh vượng lâu dài. Đối với vấn đề Đài Loan, ông Tập Cận Bình kêu gọi người dân Đại lục và người dân Đài Loan cần cùng nắm tay nhau, thúc đẩy quan hệ hai bờ eo biển phát triển hòa bình, cùng nhau tạo nên tiền đồ mới cho dân tộc Trung Hoa. Về đối ngoại, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ hòa bình, theo đuổi chiến lược cởi mở cùng có lợi. Kỳ họp thứ nhất Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc năm nay đã xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là thông qua phương án cải tổ bộ máy và chuyển đổi chức năng Quốc vụ viện; quyết định và bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Quốc hội và Nhà nước. Tại cuộc họp báo sau phiên bế mạc, tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Chính phủ nước này sẽ tuân thủ pháp luật, tôn trọng nhân dân và nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ với quốc gia. Theo ông Lý Khắc Cường, ba nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là duy trì tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân nhân và bảo vệ công bằng xã hội./.
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 11-03 đến ngày 17-03-2013)  (18/03/2013)
Thực hiện đồng bộ ba lĩnh vực thông tin chiến lược  (18/03/2013)
"Cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn cho Thủ đô"  (18/03/2013)
70 bệnh nhân nghèo được lắp tay giả miễn phí  (18/03/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17-03-2013  (18/03/2013)
Mấy ý kiến về Điều 54 và Điều 55 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (18/03/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên