TCCSĐT - Ngày 12-3, Đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiếp pháp năm 1992 do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Đồng Nai nhằm kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được tỉnh Đồng Nai tổ chức một cách bài bản, sáng tạo. Đồng Nai cũng đã thực hiện một số công việc mà nhiều địa phương khác chưa làm được như: tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho người làm công tác tổng hợp, lấy ý kiến; phân loại ý kiến góp ý thành các đối tượng khác nhau (ý kiến của công nhân, sinh viên…). Ngoài ra, tỉnh cũng đã huy động được đông đảo người dân tham gia vào đợt sinh hoạt chính trị trọng đại này.

Phó Thủ tướng lưu ý, Ban chỉ đạo tỉnh Đồng Nai cần đẩy mạnh tuyên truyền để tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, thông qua đó, nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về Hiến pháp, pháp luật. Tỉnh cần tranh thủ sự đóng góp ý kiến của tầng lớp trí thức, nhà khoa học, người làm công tác quản lý. Với đặc thù là tỉnh công nghiệp (có gần 700.000 công nhân lao động) và là địa phương có số giáo dân (gần 1 triệu người) đông nhất cả nước, Đồng Nai cần đẩy mạnh công tác lấy ý kiến góp ý Dự thảo Hiến pháp ở những đối tượng này, tránh việc tiến hành chung chung, thiếu chiều sâu. Việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 còn kéo dài đến 30-9, vì vậy tỉnh cần tiếp tục duy trì, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, đến thời điểm này, đã có 11/11 đơn vị cấp huyện, 49/58 đơn vị cấp tỉnh gửi báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về Ban chỉ đạo tỉnh. Qua tổng hợp cho thấy, có 71.760 lượt ý kiến đóng góp; trong đó có 69.262 ý kiến tán thành toàn bộ nội dung Dự thảo (chiếm 97,88%), những ý kiến còn lại tán thành nhưng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung một số chương, điều của bản Dự thảo. Các ý kiến đề nghị chỉnh sửa bổ sung Dự thảo tập trung vào một số vấn đề như: bố cục, văn phong trình bày và kỹ thuật lập hiến…, đề nghị làm rõ một số vấn đề về quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; cơ chế kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước…

* Tại Đà Nẵng, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố đã tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến các đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại Điều 9, Dự thảo cần quy định rõ Nhà nước bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động. Quy định như vậy để tránh gánh nặng Nhà nước phải "bao cấp" cho tất cả các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Về Chương chính quyền địa phương, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định về quyền hạn của Hội đồng Nhân dân theo hướng nhấn mạnh quyền quyết định các công việc địa phương của Hội đồng Nhân dân mà không trái Hiến pháp, luật của Quốc hội. Có như vậy mới thể hiện đúng tư tưởng người dân địa phương có quyền quyết định những công việc thuộc phạm vi thẩm quyền địa phương thông qua người đại diện của mình.

Tư tưởng này đã được thể hiện tại Hiến pháp năm 1946 với Điều thứ 59 quy định: Hội đồng Nhân dân quyết nghị về những vấn đề thuộc địa phương mình.

Góp ý về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong Dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể giới tính nam, nữ. Trong thực tế, đã có nhiều quốc gia công nhận giới tính thứ ba. Khi Nhà nước ta thừa nhận giới tính thứ ba thì không phải sửa lại Hiến pháp. Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định có Tòa án Hiến pháp để bảo vệ Hiến pháp. Quy định Hội đồng Hiến pháp như Dự thảo chỉ có quyền kiến nghị thì giống như kiến nghị của nhiều cơ quan, tổ chức khác, hiệu lực hạn chế.

* Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Đà Nẵng cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đoàn viên, thanh niên góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó tập trung đóng góp ý kiến sâu sắc về những nội dung liên quan trực tiếp đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội và những vấn đề đoàn viên thanh niên cũng như thế hệ trẻ quan tâm.

Phần lớn các ý kiến phát biểu đều hoan nghênh những nội dung mà Dự thảo đã đề cập, đồng thời cho rằng, Hiến pháp sửa đổi cần nêu rõ vai trò của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong nhiệm vụ chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên.

* Tại Phú Yên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội nghị với gần 200 cán bộ lãnh đạo khối Đảng để lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4, nhiều đại biểu còn đề nghị Hiến pháp nên dành riêng một chương nói về Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng với xã hội, với nhân dân… Góp ý vào Khoản 4 của Điều 5, đại biểu đề nghị thay cụm từ “… các dân tộc thiểu số….” thành cụm từ “tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam….”.

Trong Khoản 2, Điều 8 đề nghị bỏ cụm từ “… chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” mà nội dung trên để cho luật điều chỉnh thì phù hợp hơn. Đối với Điều 111 đề nghị viết ngắn gọn “Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải chấp hành”. Đối với Điều 122, cần ghi rõ nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán Nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội…

Các đại biểu cũng góp ý nhiều về Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” như cần phải biên tập, sắp xếp ý tứ lại toàn bộ chương này ngắn gọn, dễ hiểu, xác định rõ thế nào là quyền con người, quyền công dân...

* Chiều 11-3, Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị quán triệt Công văn số 250/UBDTSĐHP của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện.

Thực hiện Công văn 250, tỉnh đã in ấn và phân phát ngay trong ngày 11-3 cho các huyện, thị, thành phố 300 ngàn bản so sánh Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bản thuyết minh và phiếu lấy ý kiến để gửi đến từng hộ gia đình và phòng trọ trên địa bàn (tỉnh có 265 ngàn hộ và hàng trăm ngàn công nhân nhập cư). Cùng với việc thực hiện kế hoạch lấy ý kiến trước đây, Ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngay việc đưa nhanh các văn bản mới in ấn đến tận tay các hộ gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục đích, quyền lợi của mình trong việc đóng góp ý kiến xây dựng vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đồng thời tổ chức tốt việc thu lại các phiếu lấy ý kiến hộ gia đình về cấp xã trước ngày 22-3 để tổng hợp gửi cấp huyện trước ngày 25-3.

Ban chỉ đạo tỉnh cũng đặc biệt lưu ý các cấp và ngành chức năng, nhất là Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cần có giải pháp thật tốt trong việc phối hợp lấy ý kiến của đối tượng công nhân lao động, nhất là số công nhân ngoài tỉnh đến Bình Dương làm việc.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tỉnh, đến ngày 8-3, toàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức được 1.152 hội nghị, cuộc họp lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với 95.421 người tham gia; trong đó 7/7 huyện, thị xã, thành phố và 33/45 đơn vị cấp tỉnh hoàn thành việc lấy ý kiến và đã báo cáo sơ bộ về tỉnh./.