Ngày 7-2, tỉnh Bạc Liêu tổ chức Họp mặt kỷ niệm 45 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Gần 500 đại biểu, trong đó gần 90 đại biểu là những người trực tiếp tham gia, đại diện gia đình chiến sĩ, nhân chứng lịch sử cùng tham dự họp mặt.

Phát biểu tại buổi họp mặt, đồng chí Nguyễn Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhấn mạnh, 45 năm trước đây, với ý chí sắt đá “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, và niềm tin mãnh liệt “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” theo lời Bác Hồ dạy, chấp hành mệnh lệnh của Trung ương, đêm mùng 1 Tết Mậu Thân năm 1968, cùng với quân và dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, quân và dân Bạc Liêu đã mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào các mục tiêu đã xác định trong thị xã Bạc Liêu... đưa chiến tranh giải phóng dân tộc vào tận hang ổ và cơ quan đầu não của địch.

 

Với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 đã góp phần hun đúc thêm lòng dũng cảm, ý chí kiên cường, là tiền đề để 8 năm sau Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Bạc Liêu hoàn thành xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lập thêm kỳ tích mới, giành chính quyền vào tay nhân dân một cách trọn vẹn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Tại buổi họp mặt, nhiều nhân chứng lịch sử đã ôn lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt cũng như những kỷ niệm đẹp, gian khổ của những năm tháng chiến tranh nhằm tri ân những cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, những người đã hy sinh, còn sống đã góp công, góp sức vào sự kiện lịch sử vẻ vang này. Qua đó khơi dậy truyền thống yêu nước, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay về bản lĩnh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, của nhân dân Bạc Liêu anh hùng.

 

Cùng ngày, tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ khánh thành Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân năm 1968 tại rạp hát Cao Văn Lầu, phường 3, thành phố Bạc Liêu.

 

Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân năm 1968 nhằm ghi dấu sự kiện lịch sử này. Trên bia có 1 cành mai tượng trưng cho mùa xuân Tết Mậu Thân năm 1968; Hình ảnh khẩu súng AK tượng trưng cho nguời chiến sĩ chiến đấu không mệt mỏi trước kẻ thù; Lá cờ Tổ quốc tượng trưng cho khát vọng được giải phóng, thống nhất nước nhà, phía dưới có hoa văn hình sóng tượng trưng cho trào lưu cách mạng. Bên cạnh bia còn có bảng đá ghi danh các chiến sĩ tham gia trận đánh Mậu Thân năm ấy.

 

Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân năm 1968 là một trong những biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường, tinh thần cách mạng tiến công của quân dân Bạc Liêu. Chính nơi đây là dấu ấn lịch sử, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, tinh thần trách nhiệm, ý chí tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.