Công tác quy hoạch cán bộ góp phần thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Trong thời gian từ năm 1997 đến năm 2005, trên cơ sở quán triệt các quan điểm, phương châm, nguyên tắc, nhiệm vụ, giải pháp về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch về quy hoạch cán bộ dự bị các chức danh chủ chốt của thành phố, sở, ngành, quận, huyện; kế hoạch về quy hoạch cán bộ dài hạn; kế hoạch về công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ đương nhiệm và dự bị các chức danh diện Thành ủy quản lý đến năm 2005, bước đầu đạt một số kết quả tích cực, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ dự bị có chất lượng, với gần 900 cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, đa số được đào tạo cơ bản về lý luận chính trị, chuyên môn, có trình độ, năng lực bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương, đơn vị, góp phần thiết thực đáp ứng yêu cầu chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2005 - 2010.
Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, ban hành Chỉ thị số 02-CT/TU, Kế hoạch số 05 - KH/TU ngày 12 tháng 7 năm 2006 về quy hoạch và đào tạo cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Quyết định số 199-QĐ/TU ngày 21 tháng 7 năm 2006 về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; chỉ đạo các đảng đoàn, ban cán sự đảng, quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy tổ chức quán triệt và xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết trên.
Những kết quả bước đầu - khẳng định hướng đi đúng
- Về quy hoạch cán bộ các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và cơ quan thuộc bộ, ngành Trung ương: đến nay, có 107/138 đơn vị đã quy hoạch 11.968 cán bộ dự bị các chức danh diện cấp mình quản lý; đã đưa đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 9.000 lượt cán bộ. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, đã đề bạt, bổ nhiệm 5.338 cán bộ; trong đó, có 4.474 cán bộ trong quy hoạch (83,81%).
Trên cơ sở đề xuất của cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua danh sách 1.274 cán bộ dự bị các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định đề bạt, bổ nhiệm 589 cán bộ, có 409 cán bộ được bổ nhiệm theo quy hoạch (69,44%); trong đó, có 93 cán bộ nữ (15,80%); 44 cán bộ trẻ dưới 35 tuổi (7,47%); giới thiệu bầu vào ban thường vụ quận ủy, huyện ủy đảng ủy cấp trên cơ sở nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 526 cán bộ; trong đó, có 522 cán bộ trong quy hoạch (99,24%). Nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch các cấp ủy, lãnh đạo các sở, ngành bảo đảm từ 1,5 đến 2 lần so với số lượng cấp ủy đương nhiệm; đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý bảo đảm tối thiểu từ 2 đến 3 cán bộ nguồn cho một chức danh. Cơ cấu cán bộ trẻ dưới 35 tuổi, cán bộ nữ đạt tỷ lệ khá; số cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm chức vụ trong quy hoạch đạt tỷ lệ ngày càng cao (khối quận, huyện từ 78% giai đoạn 2001 - 2005 lên 84% giai đoạn 2005 - 2010), tạo được những chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ dự bị.
- Về quy hoạch Thành ủy khóa IX và cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy khóa IX nhiệm kỳ 2010 - 2015:
Sau khi các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố hoàn thành công tác quy hoạch, Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành quy trình nhân sự Thành ủy khoá IX và các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy khoá IX, qua ý kiến giới thiệu của cán bộ chủ chốt, của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy khoá VIII quyết định quy hoạch 113 đồng chí dự nguồn Thành ủy khóa IX; quy hoạch 35 cán bộ dự bị 17 chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt thành phố; đề nghị Trung ương xét duyệt quy hoạch 9 cán bộ dự bị các chức danh diện Trung ương quản lý; chỉ định bổ sung Thành ủy 14 cán bộ (trong đó, tăng thêm 6 cán bộ dưới 40 tuổi và bổ sung 8 cán bộ vào Ban Thường vụ Thành ủy); rà soát, bổ sung nguồn Thành ủy khóa IX và cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Thành ủy khóa IX (đưa ra khỏi danh sách quy hoạch 24 cán bộ, trong tổng số 113 cán bộ nguồn Thành ủy khóa IX được quy hoạch lần đầu do đã chuyển công tác về các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành khác hoặc không đủ tuổi tham gia cấp ủy theo quy định; đồng thời bổ sung vào danh sách quy hoạch 15 cán bộ, qua đó, còn 104 cán bộ được quy hoạch nguồn Thành ủy khóa IX). Nguồn dự bị các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố, mỗi chức danh có từ 2 đến 3 cán bộ dự nguồn. Sau quy hoạch, đã đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ 8 cán bộ; cao cấp lý luận chính trị 5 cán bộ, đào tạo Anh văn trong và ngoài nước 6 cán bộ; luân chuyển 20 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nhằm đào tạo qua thực tiễn để tiếp cận các chức danh được quy hoạch. Đến Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX (nhiệm kỳ 2010-2015), có 69 cán bộ được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (cả 69 Thành ủy viên đều trong nguồn quy hoạch Thành ủy khóa IX); trong đó, có 13 cán bộ nữ (18,84%), cơ cấu 3 độ tuổi có 3 cán bộ trẻ tuổi dưới 40 tuổi (4,35%); 30 cán bộ từ 41 đến 50 tuổi (43,47%), 33 cán bộ từ 51 đến 55 tuổi (47,82%), 3 cán bộ trên 55 tuổi (4,35%); tuổi bình quân 49,87 (so với nhiệm kỳ VIII là 50,13). Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: có 8 tiến sĩ (11,59%), 25 thạc sĩ (36,23%), 36 đại học (52,17%). Về lý luận chính trị 69/69 cán bộ đã qua đào tạo lớp cử nhân, cao cấp.
Nhìn chung, trên cơ sở quán triệt sâu sắc vai trò cán bộ có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kết luận số 15-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020; sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về quy hoạch cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện.
Quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, các đảng đoàn, ban cán sự đảng, các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy, lãnh đạo các đơn vị, địa phương ngày càng nhận thức sâu sắc hơn Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, xác định đây là một nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, có sự chuyển biến trong chỉ đạo thực hiện công tác này tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là cấp quận, huyện ngày càng chặt chẽ, nền nếp hơn, từng bước xây dựng được đội ngũ cán bộ dự bị dồi dào về số lượng, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ từng bước được nâng lên. Từ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện khá tốt công tác quy hoạch cán bộ trong thời gian qua, việc sắp xếp, bố trí, kiện toàn đội ngũ cán bộ được thuận lợi, có sự nhất trí cao trong nội bộ cấp ủy và lãnh đạo đơn vị; chất lượng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương, bổ sung, tăng cường đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý, phát triển đô thị, thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 12 chương trình, công trình trọng điểm, 5 công trình đòn bẩy và 6 chương trình đột phá đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII, VIII, IX.
Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ luôn bám sát các quan điểm chỉ đạo, tiêu chuẩn chức danh, quy trình, hướng dẫn của Trung ương, có nghiên cứu vận dụng sáng tạo phù hợp với thực tiễn tình hình, nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để từng tổ chức, cán bộ, đảng viên tham gia giới thiệu nguồn cán bộ. Đối với quy hoạch cán bộ cấp thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy có chủ trương trước khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến giới thiệu cán bộ chủ chốt thành phố, các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công phụ trách chuẩn bị giới thiệu nguồn quy hoạch; các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan giới thiệu nguồn ở giới, ngành, lĩnh vực mình, nhờ đó có thêm nguồn cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ, cán bộ khoa học, cán bộ xuất thân từ công nhân để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định nguồn quy hoạch.
Hằng năm, qua kiểm điểm, nhận xét đánh giá cán bộ, công chức, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tiến hành công tác rà soát, bổ sung quy hoạch ở cấp mình, đưa số cán bộ đủ tiêu chuẩn vào nguồn quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch đối với số cán bộ không đạt tiêu chuẩn, điều kiện; đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy hoạch dự bị các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; qua rà soát, bổ sung quy hoạch, công khai quy hoạch trong phạm vi được quy định có tác dụng thúc đẩy việc tự rèn luyện và phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ dự bị; một số cơ quan, đơn vị chú trọng hơn đến việc quy hoạch nguồn từ nơi khác, tạo sự phong phú nguồn cán bộ dự bị, đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.
Những khâu công việc cần tiến hành sau quy hoạch được các cấp ủy quan tâm thực hiện; nhiều tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác luân chuyển, đào tạo, bổ sung, bồi dưỡng cán bộ theo quy hoạch; công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ từng bước gắn hơn với quy hoạch cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Những hạn chế, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn
Những hạn chế, yếu kém cụ thể là:
- Nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ dự bị chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều giữa các cấp ủy và các ngành, các cấp, một số cấp ủy chưa nắm thật sâu sắc yêu cầu quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố; một số cơ quan, đơn vị chưa thật quan tâm công tác quy hoạch cán bộ, lãnh đạo một số đơn vị còn nhận thức: công tác quy hoạch là của cấp trên, cấp phó là cán bộ dự bị cho cấp trưởng, cấp trưởng phòng là dự bị cho cấp phó đơn vị, nên số lượng cán bộ được quy hoạch còn ít; có cơ quan, đơn vị thực hiện quy hoạch không đồng bộ từ dưới lên, nên việc phát hiện, chuẩn bị nguồn nhân sự để đưa vào quy hoạch có hạn chế; một số đơn vị còn ngại khó, lúng túng về quy trình và phương pháp thực hiện; tiến độ thực hiện tại nhiều nơi còn chậm; công tác rà soát, đánh giá bổ sung quy hoạch hằng năm còn hạn chế.
- Nhận xét, đánh giá cán bộ trước khi tiến hành quy hoạch tuy được các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình, nhưng chất lượng đánh giá còn hạn chế, chưa thật sát, đúng thực chất, năng lực, sở trường, chưa sát với quá trình rèn luyện, mức độ thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, do tính tự giác nhận xét, đánh giá của cán bộ chưa cao; lúng túng; còn tình trạng nể nang trong đấu tranh xây dựng; mặt khác, do tiêu chí đánh giá chưa cụ thể cho từng chức danh cán bộ; một số trường hợp sau khi được quy hoạch phát hiện có vi phạm phải đưa ra hoặc khi chuẩn bị đề bạt, bổ nhiệm mới được phát hiện.
- Công tác quy hoạch cán bộ dự bị ở nhiều đơn vị chủ yếu mới chỉ đáp ứng được yêu cầu trước mắt, việc xây dựng nguồn cán bộ lâu dài còn khó khăn. Việc thực hiện công tác quy hoạch cán bộ tại các sở, ngành chưa đáp ứng yêu cầu: nguồn cán bộ dự bị các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý còn lớn tuổi, tỷ lệ cán bộ dự bị trên 50 tuổi còn cao (khoảng 40%); số cán bộ trẻ dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ rất thấp (4,87%); cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch còn ít, nhất là chức danh cấp trưởng (11,50%) và có xu hướng giảm, độ tuổi lại tăng; cơ cấu cán bộ dự bị chưa bảo đảm 3 độ tuổi để có sự kế thừa; chưa mạnh dạn quy hoạch vượt cấp, đội ngũ cán bộ dự bị chức danh giám đốc tại hầu hết các sở, ngành là các phó giám đốc đương nhiệm; cán bộ dự bị phó giám đốc phần lớn là trưởng các phòng, tuổi đời cao, chưa chú trọng quy hoạch cán bộ trẻ tuổi kế thừa. Công tác quy hoạch cán bộ tại một số quận, huyện còn hạn chế, chưa bảo đảm tiêu chí mỗi nhiệm kỳ đổi mới không dưới 1/3 tổng số ủy viên ban chấp hành đương nhiệm: quy hoạch mở còn hạn chế, chủ yếu quy hoạch từ nguồn tại chỗ, chưa mở rộng đến các đơn vị, cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; chưa mạnh dạn phát hiện giới thiệu số chuyên viên, cán bộ trẻ tuổi cấp dưới có triển vọng vào quy hoạch, nên độ tuổi cán bộ dự bị còn cao, tỷ lệ cán bộ từ 30 đến 35 tuổi đối với cấp ủy sở, ngành, quận, huyện và thành phố còn quá ít.
- Một số đơn vị, địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác vận hành sau quy hoạch, đặc biệt là việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ sớm tiếp cận chức danh được quy hoạch hoặc luân chuyển để rèn luyện thông qua thực tiễn ở cơ sở; một số đơn vị, địa phương còn cầu toàn trong việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên có khó khăn trong công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, nhất là cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, khuyết điểm trên là do:
- Cấp ủy, lãnh đạo, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ chưa thật sâu sắc, nhất là yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ phát triển thành phố văn minh, hiện đại, chưa tập trung đúng mức đến việc chỉ đạo, thực hiện công tác này, nên chất lượng quy hoạch không cao; một số cấp ủy chưa gắn chặt công tác quy hoạch cán bộ với các khâu trong công tác cán bộ, chưa xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ sau quy hoạch, khi cần bố trí, bổ nhiệm cán bộ vào chức danh quy hoạch có khó khăn.
- Việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, nhất là các đơn vị chưa làm tốt công tác này, để chỉ đạo chấn chỉnh chưa kịp thời, kiên quyết.
- Công tác sơ kết để rút kinh nghiệm chỉ đạo nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay trong công tác quy hoạch chưa được thực hiện thường xuyên.
Một số kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn như sau:
Một là, Ban Thường vụ Thành ủy và nhiều cấp ủy ngày càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng và vai trò then chốt của cán bộ và công tác cán bộ, qua đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thuộc diện quản lý của cấp mình thường xuyên, nền nếp, bài bản, khả thi và hiệu quả hơn.
Hai là, các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện nghiêm túc tiêu chuẩn, quy trình quy hoạch cán bộ theo chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy; nắm vững chủ trương, nguyên tắc, phương châm của Đảng trong công tác quy hoạch cán bộ, đồng thời biết vận dụng sáng tạo cho phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của đơn vị, địa phương, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của tập thể cấp ủy và người đứng đầu trong công tác quy hoạch. Việc rà soát, đánh giá cán bộ trước khi tiến hành quy hoạch và bổ sung quy hoạch hằng năm được thực hiện thường xuyên, chặt chẽ, qua đó, kịp thời phát hiện, bổ sung cán bộ đủ tiêu chuẩn vào nguồn quy hoạch; đồng thời đưa ra khỏi danh sách quy hoạch những cán bộ không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Ba là, phát huy vai trò của các ban Đảng Thành ủy trong việc tham mưu giúp Ban Thường vụ Thành ủy cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp, các ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ của Thành ủy và các cấp ủy trực thuộc.
Bốn là, các cấp ủy, tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu địa phương, đơn vị phải quán triệt công tác quy hoạch cán bộ là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài; nắm vững yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để tập trung chỉ đạo xuyên suốt và có quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, thường xuyên quan tâm theo dõi hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, qua đó, kịp thời phát hiện những người có đức, có tài, có triển vọng phát triển để bổ sung vào nguồn quy hoạch của địa phương, đơn vị.
Năm là, quy hoạch cán bộ phải được thực hiện đồng bộ từ dưới lên; thực hiện liên thông quy hoạch mở giữa khối Đảng, quản lý nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, giữa các phòng - ban và đơn vị cơ sở; quy hoạch cán bộ trên cơ sở đánh giá, nhận xét cán bộ của cấp ủy, nhất là người đứng đầu và cơ quan tham mưu phải công tâm, khách quan, trung thực, chính xác, dựa trên tiêu chuẩn chức danh và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị,… là cơ sở rất quan trọng để cấp ủy thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm yêu cầu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương.
Sáu là, quy hoạch và luân chuyển cán bộ có mối quan hệ hữu cơ gắn liền với các khâu khác trong công tác cán bộ; sau khi quy hoạch kịp thời xây dựng và kiên trì thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ; đầu tư để cụ thể hóa hơn nữa tiêu chuẩn chức danh cán bộ; trong bố trí, bổ nhiệm cán bộ vào chức danh được quy hoạch, cần tránh tình trạng quy hoạch chức danh này nhưng khi thực hiện bố trí, bổ nhiệm vào chức danh khác; đồng thời phải sớm bố trí cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ trong quy hoạch tiếp cận vào chức danh được quy hoạch để rèn luyện, trưởng thành, khẳng định được khả năng hoàn thành nhiệm vụ mới được phân công, tạo uy tín để đại hội bầu vào cấp ủy đạt yêu cầu cơ cấu tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi, cán bộ nữ đề ra trong nhiệm kỳ.
Bảy là, thực hiện đúng quy trình, dân chủ, minh bạch, công khai kết quả quy hoạch trong phạm vi quy định tại từng địa phương, đơn vị, giúp cán bộ được quy hoạch ý thức hơn việc phấn đấu rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác; đồng thời để tập thể đơn vị thường xuyên giám sát, kịp thời góp ý kiến về những thiếu sót, khiếm khuyết của cán bộ, giúp cán bộ phấn đấu khắc phục./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (06/02/2013)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúc Tết, dâng hương  (06/02/2013)
“Cần nhận thức sâu hơn và xác định rõ hơn vai trò của công tác nghiên cứu khoa học”  (06/02/2013)
TP. Hồ Chí Minh dâng cúng bánh Tét Quốc tổ Hùng Vương  (06/02/2013)
Trung Quốc lên tiếng về vụ "ngắm bắn tàu Nhật Bản"  (06/02/2013)
Thủ tướng Nhật Bản lên tiếng vụ “Trung Quốc ngắm bắn”  (06/02/2013)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển